Dự Hội nghị tại đầu cầu Thành phố HCM có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, ông Hà Hữu Phúc - Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM.
Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khắc Định – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đại diện Ban tuyên giáo T.Ư, Văn phòng Chính phủ, UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, các bộ ngành liên quan
Về phía Bộ GD&ĐT, dự và chỉ đạo Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận; Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cùng đại diện các Vụ, Cục chức năng (Bộ GD&ĐT).
Tham dự hội nghị tại các đầu cầu có GĐ, PGĐ các ĐH, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các học viện, trường ĐH trên toàn quốc.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã báo cáo tổng kết giáo dục ĐH, CĐ năm 2014: Thực trạng hệ thống GD ĐH Việt Nam cùng các giải pháp thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29.
Các vấn đề thảo luận tại Hội nghị được đặt ra cụ thể: Đổi mới tuyển sinh; Tổ chức và quản lý đào tạo; Phát triển đội ngũ giảng viên; Tổ chức và quản lý nhà trường; Về việc thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam; Nhiệm vụ đổi mới giáo dục đại học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và những mong muốn với tư cách một người dân
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mang đến ba câu hỏi với mong muốn sau hội nghị sẽ có những giải đáp thấu đáo, cụ thể.
Thứ nhất, hình dung về việc phân tầng, xếp hạng trong hệ thống giáo dục. Phó Thủ tướng chia sẻ: Phụ huynh luôn có câu hỏi: Con tôi, cháu tôi học trường nào là phù hợp nhất? Học trường nào ra có việc làm, có thu nhập? Học trường nào ra trường có cơ hội học tiếp?...
Những câu hỏi này chính là hình dung về hệ thống giáo dục sau này thế nào, các trường xếp hạng ra sao. Vừa qua, Việt Nam cũng có trường ĐH lọt bảng xếp hạng quốc tế. Đây là điều đáng vui mừng.
Thứ hai, vấn đề đầu tư, quản lý các trường ĐH.
Phó Thủ tướng phân tích: Cả người dân và nhà đầu tư đều biết đầu tư vào GD ĐH nói chung, GD dạy nghề nói riêng luôn lớn và luôn rất thiếu. Bằng chứng là nhiều người muốn vào ĐH, nhiều người đi học nước ngoài.
“Nhu cầu thị trường rất lớn, nhưng đầu tư thì rất thiếu. Làm sao để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư? Làm sao để các trường công sử dụng tiền dân đóng góp hiệu quả hơn? Trả lời câu hỏi này ta cần thảo luận nội dung tự chủ thế nào.
Làm sao để cho phép, khuyến khích tự chủ thế nào để đảm bảo công bằng, để trường công cũng là trường của XH, nhưng quản lý hiệu quả như trường tư; Trường tư cùng với việc quản lý hiệu quả thì làm sao được coi như trường công của cộng đồng?” – Phó Thủ tướng chia sẻ.
Câu hỏi thứ ba được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên, đó là những thảo luận về đổi mới thi cử.
Theo Phó Thủ tướng, có 4 vấn đề người dân quan tâm: Thứ nhất, thi để học và đảm bảo thi rõ ràng, thi cái gì, thi như thế nào? Thứ hai, thi làm sao để đảm bảo công bằng. Thứ ba, đổi mới thi thế nào để bớt nhiêu khê nhất, dân bớt vất vả. Cuối cùng và rất quan trọng, đó là Nhà nước tổ chức thi thế nào để con cháu có động lực học.
“Trong rất nhiều câu hỏi, tôi chuyển đến hội nghị 3 vấn đề người dân quan tâm nhất, mong Hội nghị thảo luận cụ thể. Những vấn đề Bộ GD&ĐT đưa ra đã đi sâu vào các nội dung này, làm sao sau Hội nghị, ta giải đáp được thắc mắc của dân. Đấy cũng là mong muốn của tôi với tư cách là một người dân” - Phó Thủ tướng chân tình chia sẻ.
Quang cảnh Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội |
Lãnh đạo các trường ĐH đề xuất phương án cho kỳ thi THPT quốc gia
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ đã thảo luận, tập trung chủ yếu vào công tác đổi mới tuyển sinh, mà trọng tâm là góp ý chi dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội:
Xu hướng tích hợp để có 1 kỳ thi nhằm 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh DH, CĐ là định hướng đổi mới quan trọng, có thể làm thay đổi công tác tuyển sinh trong thời gian tới.
Nhận xét 3 phương án Bộ GD&ĐT đưa ra tại dự thảo, chúng tôi thấy rằng căn bản vẫn có cùng điểm chung, đó là cách thức tổ hợp các môn khác nhau và những bài thi theo môn. Cả 3 phương án, nội dung thi của thí sinh vẫn còn khá nặng nề.
Chúng tôi đã nghĩ đến 1 phương án giản tiện nhất cho công tác tổ chức cho kỳ thi 2 mục đích, đó là nội dung thi gồm 2 khối kiến thức thuộc Toán và Ngữ văn; riêng môn thứ 3 Ngoại ngữ có thể đa dạng hóa hình thức thực hiện, có tính đế yếu tố vùng miền.
Với phương án thi tốt nghiệp tổ hợp gồm Toán, Văn và Ngoại ngữ sẽ vừa thuận tiện cho việc xét tốt nghiệp THPT, vừa thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển đầu vào. Trong tích hợp đó, dần định hướng đến kiểu bài thi đánh giá năng lực tổng hợp.
Thêm một vấn đề nữa đặt ra, đó là liệu việc tổ chức thi tại địa phương, các trường ĐH, CĐ có yên tâm sử dụng kết quả hay không? Nhiều trường sẽ phải tiếp tục tiến hành đánh giá riêng để yên tâm hơn với chất lượng đầu vào. Đây cũng là một điều đáng phải suy ngẫm thêm.
Ông Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội:
Tôi cho rằng, phương án tuyển sinh mới cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có lộ trình, gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như học tập ở phổ thông. Phương án thi theo môn hay theo bài, chúng ta đều có thể làm được, nhưng phải chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác ra đề và chấm thi.
Với từng cơ sở giáo dục cũng cần có mục tiêu, chiến lược cụ thể, phù hợp với chiến lược phát triển chung của đất nước. Chương trình đào tạo phải đảm bảo thống nhất, liên thông; phải đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá để tạo ra được những giáo sinh đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT sau năm 2015,…
Ông Phan Huy Phú – Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long:
Hiện nay và có lẽ trong vài năm tới, các trường ĐH, CĐ vẫn chưa thực sự tin tưởng vào kỳ thi THPT tổ chức ở địa phương, dù kỳ thi này có huy động lực lượng giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia.
Vì vậy, nếu tổ chức kỳ thi “2 trong 1” này ở địa phương thì nhiều trường ĐH sẽ phải tổ chức thi tuyển bổ sung, từ đó làm khó cho thí sinh và tốn kèm.
Phương án chúng tôi đề xuất cơ bản vẫn là đề thi chung và kết quả thi làm 2 mục đích. Điểm khác biệt là các trường ĐH sẽ đảm nhận chính vai trò coi thi và chấm thi
Khó khăn với phương án này là các trường phải tổ chức thi trong 1 đợt với số lượng thí sinh rất đông, nhưng khó khăn này có thể khắc phục được.
Nhưng trước khi thi, các thí sinh phải đăng ký vào trường ĐH, CĐ trước, điều này khác so với dự thảo. Thí sinh nào không muốn vào ĐH, CĐ sẽ tham gia thi tại địa phương.
Chúng tôi đề xuất phương án xét tuyển dựa hoàn toàn vào CNTT, theo thuật toán chấp nhận trì hoãn. Để tiến hành xét tuyển, Bộ GD&ĐT làm đầu mối, thành lập và chỉ đạo Ban tuyển sinh gồm đại diện các trường.
Ban tuyển sinh sẽ chạy chương trình xét tuyển theo dữ liệu và chỉ tiêu các trường. Với cách này, chỉ một ngày, thậm chí trong vào giờ sẽ có ngay kết quả, thay bằng cả tháng như hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội:
Chúng tôi cho rằng, việc xác định phương án thi môn nào trong dự thảo phương án thi THPT Quốc gia của Bộ GD&ĐT không khó khăn lắm. Nhưng vấn đề làm các trường ĐH, CĐ lo lắng đó là tổ chức thi như thế nào để có được kết quả đáng tin cậy.
Với những trường khối Y Dược, những năm gần đây, tuyển sinh đầu vào rất nóng. Bởi vậy, sắp tới, Hội đồng Hiệu trưởng khối các trường Y sẽ đề xuất có thêm một kỳ thi bổ sung để đảm bảo chất lượng đầu vào. Mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục là chỗ dựa cho các trường, đặc biệt trong việc làm ngân hàng đề để các trường Y có thể sử dụng.
Đại diện lãnh đạo các trường ĐH phát biểu ý kiến tại Hội nghị |
Nghiêng về phương án 2
Ông Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng:
Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy việc thi tích hợp là hợp lý nhất. Phương án 2 tôi cho rằng phù hợp, tối ưu, giúp cho các trường vừa xét tuyển phổ thông, vừa tuyển sinh ĐH, đây cũng là phương án gần với hình thức thi các nước láng giềng của chúng ta đang thực hiện. Phương án 3 tốt nhưng nếu thực hiện ngay trong 2015 thì còn khó.
Nếu tổ chức phương án 2, có 3 vấn đề ra đề, coi thi, chấm thi cần quan tâm. Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT ra đề như thời gian qua là tối ưu. Vấn đề coi thi và chấm thi kết hợp giữa Sở GD&ĐT và trường ĐH là rất tốt.
Ông Đặng Kim Vui – Giám đốc ĐH Thái Nguyên
Là một trong những trung tâm tổ chức thi ĐH nhiều năm, với số lượng 60 – 70.000 thí sinh tham gia, chúng tôi thấy rằng đổi mới hai kỳ thi thành một kỳ thi quốc gia là hợp lý.
Tuy nhiên, cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp vì có nhiều yếu tố để biến cái ta mong muốn thành hiện thực. Như năm 2014, Bộ GD&ĐT cho nhiều trường có đề án tuyển sinh riêng, chúng tôi cũng làm thí điểm chứ chưa làm đại trà việc này.
Xét hai kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp PTTH, ta đã có nhiều đổi mới, không căng thẳng nữa. Dù vậy vẫn còn tốn kém. Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia ta đủ năng lực để thực hiện ngay trong 2015.
Phương án 2 phù hợp để ta có thể kết hợp xét tốt nghiệp và lựa chọn thí sinh phù hợp với yêu cầu kiến thức cơ bản và một số yêu cầu tuyển sinh vào các ngành ĐH đặc thù. Ta cần có đội ngũ chuyên gia, tổ chức hội nghị để xây dựng quy chế và cách thức làm
Cấu trúc đề thi rất quan trọng, cần có phần kiểm tra kiến thức để xét tốt nghiệp phổ thông - làm như năm 2014 là rất tốt. Cùng đó, thiết kế đề thi đạt độ phân hóa để các trường ĐH xét chọn. Đề thi ĐH năm vừa qua đã làm rất tốt điều này.
Xã hội lo lắng việc thi thế nào, tôi tin rằng Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng quy chế, giao quyền tự chủ cho các tỉnh. Ta cần tin tưởng, có thể đưa các trường ĐH, giảng viên ĐH vào tham gia vào công tác coi thi, chấm thi, thanh tra kiểm tra.
Đây là điểm mới, Bộ cần xây dựng quy chế, và tin rằng sẽ làm được trong năm 2015. Như vậy ta giảm tải được một kỳ thi, tiết kiệm. Ta sẽ có những môn thi cốt lõi, còn lại có môn thi tự chọn để các ngành xem xét và lựa chọn.
Ông Phan Chí Hiếu – Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội
Trường đã tổ chức họp để xác định xem phương án nào tốt nhất, để lấy ý kiến trong toàn trường. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương để trong 2015 tổ chức được kỳ thi chung quốc gia và thống nhất phương án 2.
Ông Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông
Chúng tôi nhất trí với việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Tôi cho rằng mục đích thứ hai là hơi khó, cần phải bàn. Thực ra muốn có kỳ thi để tuyển được, cần có 2 việc: Thứ nhất, chất lượng và độ tin cậy kỳ thi phổ thông; thứ hai là phân luồng. Hiện người vào học quá đông, nên ta phải tuyển.
Theo tôi cần có lộ trình. Hiện cải cách ở phổ thông chưa triệt để, nếu chuyển ngay để tuyển vào ĐH thì còn khó. Tuy nhiên, nếu thực hiện kỳ thi quốc gia, phương án 2 là tốt nhất.
Ông Nguyễn Hội Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG HN:
Chúng tôi đồng tình với phương án 2, tuy nhiên đề nghị thay vì chúng ta thi Ngữ văn sẽ thi môn Tiếng Việt. Vì ngôn ngữ mới là mẫu số chung cho tất cả các ngành khoa học, còn văn, cảm thụ, cảm xúc thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội Nhân văn.
Tôi cũng đồng ý với cách thức tổ chức thi theo phương án của Bộ GD&ĐT, nhưng cần cân nhắc để làm sao mang được tính nghiêm túc của kỳ thi ĐH vào cách tổ chức theo cụm.
Tổng kết ý kiến từ các đầu cầu truyền hình
Đầu cầu Đà Nẵng: Thống nhất cao việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
- Về công tác tuyển sinh: Thống nhất phương án một kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều ý kiến nghiêng về phương án 2 và mong muốn trong tương lai gần Bộ GD&ĐT có lộ trình để thực hiện phương án 3.
Các ý kiến đều bày tỏ quan tâm làm sao đảm bảo độ tin cậy cho kỳ thi quốc gia. Như vậy các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển.
Cùng đó, đề nghị cho phép xét tuyển liên thông. Vì ta đã có việc xét tuyển vào ĐH, CĐ theo đề án tuyển sinh riêng.
- Về xây dựng đội ngũ: Các trường đều đồng ý coi trọng việc xây dựng đội ngũ các trường ĐH, CĐ cả về chất và lượng, không chỉ năng lực chuyên môn mà cả năng lực quản trị. Về nâng cao trình độ tiếng Anh, đề nghị Bộ có chuẩn hóa yêu cầu giảng viên với từng bậc đào tạo và Đề án Ngoại ngữ 2020 tiếp tục hỗ trợ các trường trong nâng cao năng lực tiếng Anh cho giảng viên.
- Về chương trình đào tạo: Thống nhất đề nghị có chuẩn đầu ra, các trường cần có cam kết mạnh mẽ, minh bạch để đảm bảo chất lượng sinh viên sau tốt nghiệp.
Lãnh đạo các trường trong quá trình thảo luận cũng nhấn mạnh việc cần có cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực trong tương lai gần để làm cơ sở để phụ huynh và thí sinh chọn ngành, chọn trường khi tham gia vào đào tạo bậc ĐH.
- Về công tác quản trị: Các ý kiến thống nhất, ủng hộ việc tập trung quản lý các trường về Bộ GD&ĐT. Hệ thống trường nghề hiện thuộc Bộ LĐTBXH, đề nghị chuyển về Bộ GD&ĐT.
Cần chú trọng việc xây dựng chiến lược ngắn hạn, trung hạn, dài hạn về phát triển nhà trường, đảm bảo sự phát triển bền vững và đặc biệt nhu cầu hội nhập trong thời gian tới.
Trường NCL quan tâm đến thành phần Hội đồng quản trị, yêu cầu có trình độ ĐH mới được tham gia. Đề nghị nới tuổi hiệu trưởng.
Đầu cầu Nghệ An: Tập trung thảo luận về đảm bảo quyền tự chủ cho các nhà trường
- Về tổ chức và quản lý nhà trường: Các lãnh đạo trường ĐH, CĐ thảo luận nhiều về đảm bảo quyền tự chủ của các trường ĐH trong tuyển sinh, tài chính, tổ chức dân sự, đề xuất nên chăng "mềm hóa" trong xác định số lượng tuyển sinh cho các trường. Hiện các trường trực thuộc UBND tỉnh gặp khó khăn trong việc tự chủ trong tài chính và tổ chức nhân sự.
- Đổi mới tuyển sinh: Các ý kiến thống nhất tổ chức kỳ thi quốc gia do các trường ĐH, CĐ chủ trì trong coi thi, chấm thi. Tổng hợp ý kiến nghiêng về phương án 2. Có thể căn cứ xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, bên cạnh đó các trường có thể tiến hành tuyển sinh riêng.
Đề thi cần có sự phân hóa để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét vào ĐH, CĐ. Coi trọng coi thi, chấm thi như kỳ thi ĐH.
- Công tác tổ chức và đào tạo: Chuẩn đầu ra là cần thiết, nhưng các trường hiện đang gặp khó khăn trong điều kiện đảm bảo.
Việc mở ngành trình độ ĐH, chuyên ngành thạc sỹ, tiến sĩ, các đại biểu đề xuất có sự mềm dẻo trong yêu cầu trình độ giảng viên, nhất là ngành nghệ thuật hoặc ngành cần nhiều về phòng thí nghiệm…
- Về phát triển đội ngũ giảng viên: Nhấn mạnh là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường, tiến tới cần có chuẩn giảng viên ĐH, trên cơ sở đó có chuẩn giảng viên của từng khối ngành. Đồng thời quan tâm đến chế độ chính sách với giảng viên hiện nay.
- Về thành lập hội đồng trường: Các đại biểu đều cho rằng đây là việc làm cần thiết, có hội đồng trường sẽ đảm bảo cho tính dân chủ, công khai, minh bạch. Nhưng các trường cần có quyết tâm cao, chuẩn bị chu đáo cho công việc này. Đặc biệt, chủ tịch hội đồng trường nên chuyên trách, không nên là người làm kiêm nhiệm.
- Về thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam: Các ý kiến cho rằng nên thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, không nên thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam theo khối ngành.
Các đại biểu tại đầu cầu Nghệ An đều nhất trí đổi mới GD ĐH phải đổi mới căn bản, toàn diện trên tất cả các nhiệm vụ xác định...
Đầu cầu Thái Nguyên: Tập trung thảo luận vào 3 vấn đề theo gợi ý của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Về nội dung tuyển sinh ĐH, CĐ: Một số ý kiến cho rằng, việc tích hợp kỳ thi “2 trong 1” ngay năm 2015 có phần gấp gáp. Bộ GD&ĐT nên xem xét có thời gian, lộ trình thực hiện cho phù hợp.
Liên quan đến phương án thi, các ý kiến nghiêng nghiều về phương án 1; một số ý kiến chọn phương án 2. Ngoài ra, tất cả đều đồng tình phương án 3 nên thực hiện sau khi đã đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Về tổ chức kỳ thi, các ý kiến đề nghị nên tổ chức luôn tại các trường đại học, sau đó lấy kết quả thi từ các trường ĐH chuyển về để xét tốt nghiệp phổ thông. Như vậy, các trường ĐH sẽ chủ trì chính về chuyên môn, sở, trường phổ thông đóng vai trò phối hợp.
Tuy nhiên, một vài ý kiến cho rằng nên tổ chức thi theo cụm nhưng vẫn có sự phối hợp giữa các trường ĐH và khối phổ thông, các trường ĐH sẽ đóng vai trò phù trách chuyên môn.
Liên quan đến vấn đề tuyển sinh, các trường cũng đề nghị Bộ GD&ĐT lùi thời hạn nộp đề án tuyển sinh riêng, sau khi “chốt” phương án thi chung trong năm tới.
Về phân tầng ĐH: Một số ý kiến cho rằng, nên thống nhất, tạo ra một cơ quan quản lý chung các trường ĐH, CĐ, tránh có trường thuộc Bộ, trường lại thuộc tỉnh. Các trường cũng đồng ý với quy định phân tầng của Bộ GD&ĐT nhưng cần có sự kiểm định hết sức khách quan, công khai kết quả kiểm định để người học có cơ sở lựa chọn trường theo năng lực.
Về vấn đề tự chủ cho trường ĐH: Một số ý kiến đề xuất nên giao quyền tự chủ cho các trường nhiều hơn nữa, đặc biệt tự chủ về tài chính, tuyển sinh, thu học phí. Cũng có ý kiến nên có sự bình đẳng giữa trường công và trường ngoài công lập để phát triển giáo dục tốt hơn.
Đầu cầu Cần Thơ: 6 nhóm vấn đề thảo luận
- Về đầu tư cơ sở kỹ thuật: Có ý kiến cho rằng, cần có kế hoạch cụ thể, rà soát chính xác việc đầu tư cơ sở vật chất để phù hợp với điều kiện của từng trường.
- Về đào tạo liên thông: Các ý kiến phân tích lý do của những khó khăn trong đào tạo liên thông hiện nay. Đó là bởi quy định thí sinh phải sau 3 năm mới được thi liên thông; thời gian liên thông quá dài nên thí sinh dù trượt ĐH cũng cố ôn để thi năm sau chứ không vào học trung cấp, cao đẳng… Điều đó dẫn đến trường trung cấp gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Bên cạnh hệ thống bằng cấp, xã hội cũng cần có những chứng chỉ, nhưng chứng chỉ này không rõ ràng nên các trường trung cấp không đào tạo được chứng chỉ, đào tạo rồi cũng không biết xếp vào đâu trong ngạch lương nên dẫn tới thiếu tính hấp dẫn với thí sinh. Đó là yếu tố làm ảnh hưởng đến việc phân luồng.
- Về phát triển đội ngũ cán bộ, các trường, đặc biệt là trường mới thành lập, vấn đề đào tạo đội ngũ rất quan trọng và cần có sự hỗ trợ của nhà nước. Cũng có ý kiến cho rằng, khi đào tạo cán bộ, cần có sự phân biệt giữa cán bộ chuyên môn và cán bộ quản lý.
- Về công tác quản lý, một số ý kiến cho rằng cần có cơ chế về quản lý đơn vị sự nghiệp và đơn vị nhà nước rõ ràng để có cơ chế hợp lý. Có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm đến việc miễn giảm học phí đối với sinh viên các trường ngoài công lập.
- Các ý kiến tập trung nhiều nhất tới vấn đề quyền tự chủ các cơ sở giáo dục đại học. Các trường đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu quy định đơn giản hơn để các trường thực hiện quyền tự chủ một cách thuận lợi. Đừng nên chú ý quá nhiều vào vấn đề tuyển sinh mà không chú ý đến quy trình đào tạo. Không có quy trình đào tạo thực sự chặt chẽ, chất lượng, không thể có kết quả đào tạo tốt.
- Ý kiến của các trường ngoài công lập mong muốn nhà nước nghiên cứu thêm để có cơ chế phù hợp với các trường. Hiện nay trường ngoài công lập đang phải đóng thuế khiến các trường gặp nhiều khó khăn.
Đầu cầu TP HCM: Sôi nổi thảo luận về tự chủ ĐH, kiểm định chất lượng...
Theo đó, các vấn đề thảo luận xung quanh việc tuyển sinh, kiểm định chất lượng; học phí; lợi nhuận, phi lợi nhuận…Theo đó, các trường đồng tình tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất, nhưng nên để các trường ĐH, CĐ tự chủ trong xét tuyển.
Liên quan đến kiểm định, đại diện Trường ĐH Gia Định yêu cầu thành lập thêm trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục khác ngoài 2 trung tâm đã được thành lập tại 2 ĐHQG; không nên phân tầng sau kiểm định và chất lượng, thương hiệu của nhà trường nên dựa trên sự tín nhiệm của phụ huynh và sinh viên.
Ngược lại, đại diện Trường ĐH Nông Lâm (TP HCM) lại cho rằng không cần thiết phải thành lập thêm trung tâm kiểm định khác.
Trường ĐH Hùng Vương đề nghị Bộ GD&ĐT nên có quy định nghiêm ngặt hơn về uy tín, công trình nghiên cứu khoa học với việc chọn Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ.
Trường ĐH Văn Lang thì cho rằng, hiện nay có những vấn đề tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến các trường NCL, ví dụ như vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận. Do đó, trường đề xuất cần quy định cụ thể hơn trong quyết định thành lập trường, quy định rõ ngay trong đó trường thành lập là lợi nhuận hay phi lợi nhuận…
Đầu cầu Hà Nội: Tập trung phân tích phương án thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia
Các ý kiến đều thống nhất báo cáo tại Hội nghị. 13 ý kiến tập trung vào phương án đổi mới thi, phân tích, kiến nghị về nội dung này. Nhìn chung, các ý kiến đều thống nhất chủ trương tích hợp 2 kỳ thi và xét tuyển sau khi có kết quả thi.
Nhiều ý kiến lựa chọn phương án 2 với nhận định đây là phương án hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, tiến tới thực hiện phương án 3.
Đa số ý kiến quan tâm kỳ thi làm sao đảm bảo độ tin cậy trong xét tuyển. Có 5 ý kiến băn khoăn độ tin cậy của kỳ thi khi giao cho địa phương, nếu vậy sẽ vẫn phải tổ chức thi riêng, theo đó, đề nghị Bộ làm ngân hàng đề thi hỗ trợ các trường.
Về môn ngoại ngữ, có ý kiến cho rằng nên tổ chức thi đa dạng, thi làm nhiều đợt.
Đa số ý kiến cho rằng nên làm tốt công tác tổ chức thi, Bộ nên xây dựng quy chế sớm. Đề nghị các trường ĐH công khai phương án tổ chức thi và xác định trách nhiệm của mình.
Đa số ý kiến cho rằng nên tổ chức vào năm 2015. ĐH Thăng Long đề xuất xây dựng thuật toán cho công tác tuyển sinh.
Một số ý kiến khác về các nội dung: Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp cấp quốc gia, giao cho địa phương, Bộ giữ lại kỳ thi tuyển sinh ĐH; Nên bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, giữ lại kỳ thi tốt nghiệp, trường cần tuyển sinh có thể tổ chức thi riêng; Chuẩn đầu ra cho các nhà trường; công tác kiểm định…
Xem nội dung chỉ đạo Hội nghị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam TẠI ĐÂY