Ước mơ chữa bệnh cho người nghèo của nữ sinh xuất sắc người Nùng

GD&TĐ - Giờ đây đang là sinh viên năm thứ nhất chương trình Bác sĩ tài năng AUF tiếng Pháp, nữ sinh viên người dân tộc Nùng Lê Thị Huệ Chi luôn là bông hoa ngát hương với thành tích học tập đáng nể của mình. 12 năm học phổ thông em đều là học sinh giỏi. Và em cũng là một trong số ít học sinh dân tộc thiểu số đoạt giải nhì môn Sinh tại cuộc thi học sinh giỏi quốc gia.

Ước mơ chữa bệnh cho người nghèo của nữ sinh xuất sắc người Nùng

Thành tích học tập đáng nể

Lê Thị Huệ Chi sinh năm 1999. Em là người dân tộc Nùng ở xóm Sơn Thịnh, Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên. Bố Chi là bộ đội đã nghỉ hưu được gần 10 năm. Còn mẹ ở nhà bán thuốc thú y, phục vụ công tác chăn nuôi cho bà con dân bản quanh vùng. Nhà có hai anh em. Huệ Chi kém anh 6 tuổi. Anh trai của Chi cũng từng là học sinh chuyên Sinh, Trường THPT chuyên tỉnh Thái Nguyên, đã đạt giải ba quốc gia môn Sinh học.

Nhìn dáng Huệ Chi gày, mảnh khảnh nhưng trong em là cả một nội lực với thành tích học tập đáng nể.

Liên tiếp ba năm học THPT, năm nào Chi cũng gặt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi. Năm lớp 10 và lớp 11 đạt giải nhất, nhì học sinh giỏi tỉnh. Năm lớp 12 Lê Thị Huệ Chi, nữ sinh dân tộc Nùng đã vinh dự đoạt giải nhì tại cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học.

Có được thành quả học tập xuất sắc đó, Chi không quên những buổi học “truyền lửa, truyền đam mê” cho học sinh của cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Hồng suốt ba năm THPT.

Đây chính là những dấu mốc quan trọng để Huệ Chi quyết tâm chọn thi vào Trường Đại học Y Hà Nội, một trong số trường có điểm đầu vào cao trong các mùa tuyển sinh.

Quyết tâm đeo đuổi ngành Y

Thầy cô và bạn bè rất vui khi mùa hè năm 2017, Huệ Chi thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội với điểm số “khủng”. Cùng với điểm thi và điểm cộng Huệ Chi được tổng số 32,5 điểm nhưng điểm đỗ của Trường Đại học Y Hà Nội năm vừa qua là 29,25. Như vậy Chi đã thừa điểm đầu vào đại học là 3,25 điểm.

Mới chập chững bước chân vào giảng đường đại học nhưng Chi đã quyết tâm chọn lựa theo học chương trình bác sĩ tài năng AUF bằng tiếng Pháp. Huệ Chi chinh phục nhiều thành tích trong học tập, được bạn bè và thầy cô yêu mến. Các bạn sinh viên trong lớp còn bầu Huệ Chi làm Phó Bí thư chi Đoàn.

Các năm học phổ thông Chi đều học tiếng Anh nhưng ở chương trình đại học, Chi chọn học chương trình bác sĩ tài năng bằng tiếng Pháp. Chi cho biết, đây cũng là khó khăn đối với em, vì vậy, mỗi tuần, dù công việc học tập bận và vất vả, nhưng Chi vẫn dành thời gian tham gia câu lạc bộ tiếng Pháp để nâng cao khả năng ngoại ngữ cho mình.

Đặc biệt, không muốn ngôn ngữ tiếng Pháp là rào cản, Chi đã cùng một nhóm bạn đi học thêm tiếng Pháp, sau giờ học trên lớp và thực hành. Để có tấm bằng đại học Y, có chuyên môn tay nghề cao khi đi làm sau này, Chi xác định: “Em phải học ít nhất 9 năm. Một chặng đường khá dài. Hơn nữa, học nghề này đòi hỏi mất nhiều thời gian học hành. Dù không muốn dựa dẫm nhiều vào bố mẹ nhưng giờ đây em không thể có thời gian làm thêm để đỡ chi phí học hành, vẫn đang phải dựa vào nguồn cung cấp của bố mẹ 100%”.

Tuy đang là sinh viên năm thứ nhất nhưng ước mơ của nữ sinh dân tộc Nùng là mong muốn sau khi ra trường sẽ được sang Pháp học tiếp, để tay nghề được nâng cao, được học hỏi kinh nghiệm cũng như tiếp thu những tiến bộ khoa học của nước bạn trong điều trị bệnh cho bệnh nhân.

Em cũng bộc bạch: “Ước mơ của em là trở thành bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho bà con. Hiện ở Thái Nguyên, nhiều địa phương vẫn còn khó khăn và chưa phát triển về y tế. Em mong muốn sau khi học xong, có kiến thức sẽ trở về quê hương làm việc, giúp đỡ những bệnh nhân nghèo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.