Ứng viên thất nghiệp có bị 'lép vế'?

GD&TĐ - Thất nghiệp trong khoảng thời gian dài trở thành nỗi ám ảnh của nhiều ứng viên.

Người lao động tìm kiếm việc làm trong phiên giao dịch việc làm đầu năm.
Người lao động tìm kiếm việc làm trong phiên giao dịch việc làm đầu năm.

Để tìm kiếm được công việc phù hợp thì kỹ năng làm việc và ứng xử vẫn là vấn đề then chốt từ góc nhìn của nhiều nhà tuyển dụng.

Chấp nhận làm tạm để nuôi hy vọng

Hoàng Minh Quân đã tốt nghiệp 2 năm chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở Hà Nội nhưng chưa có công việc ổn định nên tạm thời làm tài xế xe ôm công nghệ. Mặc dù đã rải 20 hồ sơ xin việc (CV), nhưng đến nay Quân chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía nhà tuyển dụng.

Tương tự, con đường tìm việc của Nguyễn Hà Phương (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) cũng gian truân không kém. Tốt nghiệp loại khá ngành Quản lý kinh tế, Phương đã nộp hàng chục hồ sơ nhưng đều bị từ chối. Nhiều tháng trôi qua không xin được việc làm đúng ngành học, Phương buộc phải tìm việc chân tay để trang trải cuộc sống.

Phương cho biết, suốt quá trình học đại học, cô chỉ tập trung kiến thức ở trường và làm thêm những việc bán thời gian nên bản CV hoàn toàn “trắng”, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Hiểu ra vấn đề đang gặp phải, mới đây, Phương đã quyết định xin làm thực tập sinh bán thời gian (part time), chấp nhận làm không lương để lấy kinh nghiệm. Cô hy vọng năm 2024 sẽ tìm được công việc ổn định, đúng chuyên ngành.

Bà Phạm Kim Linh, Giám đốc nhân sự Công ty Groovy cho rằng, sinh viên mới ra trường còn nhiều bỡ ngỡ khi tiếp cận thị trường lao động, thiếu định hướng nghề nghiệp và kinh nghiệm làm việc thực tế. “Trong quá trình tuyển dụng, chúng tôi đều phải chọn lựa rất kỹ, sau đó mất khoảng 3-6 tháng, thậm chí tới một năm để đào tạo thì mới hy vọng nhân sự đó đáp ứng yêu cầu công việc ở mức cơ bản”, bà Linh chia sẻ.

Theo lãnh đạo Công ty Groovy, không thể phủ nhận ưu thế của các bạn trẻ gen Z như nhanh nhẹn, sáng tạo, giàu nhiệt huyết, nhanh tiếp thu và dễ đào tạo. Tuy nhiên, để bắt kịp thị trường lao động, bà Linh cho hay, các bạn cần phải bổ sung kiến thức chuyên ngành, rèn luyện kỹ năng mềm thông qua dự án, công việc thực tế.

Cần nhiều kỹ năng

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, triển vọng thị trường lao động quý I/2024 là 51,7 triệu người có việc làm, tăng 217.000 người so với quý IV/2023. Dự báo 3 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng tăng là sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất thiết bị điện; sản xuất da và các sản phẩm liên quan.

Khảo sát mới đây của Adecco Việt Nam (công ty cung cấp giải pháp nhân sự) cho thấy 37% doanh nghiệp (DN) có ý định duy trì quy mô nhân sự hiện tại, 35% DN có kế hoạch tăng cường đội ngũ nhân viên dưới 25% so với số lượng hiện nay. Các lĩnh vực có xu hướng tăng quy mô nhân sự là công nghệ thông tin, bán lẻ, bán buôn, hàng tiêu dùng và giáo dục.

Theo Adecco Việt Nam, DN đang lựa chọn các giải pháp thận trọng trong tuyển dụng, điều này được phản ánh qua các quyết định tuyển dụng của họ. Trong giai đoạn biến động này, nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên tìm kiếm những ứng viên có kỹ năng lãnh đạo và quản trị biến động, với 47% DN tham gia khảo sát lựa chọn yếu tố này. Kỹ năng về công nghệ và kỹ năng số cũng đứng đầu trong các tiêu chí tuyển dụng.

Bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam cho rằng, nguồn cung nhân lực tại Việt Nam đang khá dồi dào và đa dạng. Đáng chú ý, nguồn nhân lực từ nước ngoài về Việt Nam tăng đáng kể trong vài năm qua.

Vì vậy, những DN có tiềm lực sẽ có cơ hội thu hút những nhân sự chất lượng cao. Nhưng ở số đông, các DN đang có xu hướng chọn lọc, sử dụng nhiều hình thức tuyển dụng để có những ứng viên tiềm năng. Một trong những cách đó là tăng yêu cầu, thêm nhiều bài kiểm tra và tăng thời gian cho quy trình tuyển dụng.

Trong khi đó, báo cáo của Navigos Search (đơn vị tuyển dụng) cho thấy khoảng 50% DN vẫn sẽ tuyển dụng thêm nhân sự trong năm nay và nhận định những yếu tố DN ưu tiên khi tuyển dụng lao động gồm ngoại ngữ, giao tiếp hiệu quả và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Ở góc độ người lao động (NLĐ), gần 62% cho biết tự nâng cao kỹ năng mềm nhằm tăng tính cạnh tranh của bản thân. Họ cũng ưu tiên xây dựng kỹ năng mềm, mối quan hệ và chú ý hơn tới sức khỏe tinh thần để giữ vững công việc trong bối cảnh thị trường biến động khó lường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.