Chọn đúng ngành học để không lo thất nghiệp

GD&TĐ - Chọn đúng ngành học có nhu cầu về nhân lực trong tương lai hay theo học ở ngôi trường uy tín… sẽ giúp học sinh tìm được việc làm cao khi ra trường.

Chọn đúng ngành học để không lo thất nghiệp.
Chọn đúng ngành học để không lo thất nghiệp.

Chọn đúng trường và đúng ngành

Để chọn đúng ngành nghề bản thân yêu thích lại phù hợp với nhu cầu lao động xã hội, việc cập nhập tin tức, xu hướng phát triển thời đại là điều hết sức quan trọng.

Nếu học sinh cứ cố chấp theo đuổi một ngành học không còn cơ hội phát triển, không có tiềm năng khai thác nguồn lao động sẽ rất dễ dẫn đến thất nghiệp và làm trái ngành.

Thực tế cho thấy, trình độ lao động chất lượng cao tại các thị trường lao động quốc gia, các tỉnh thành phố lớn và khu đô thị đang thiếu hụt trầm trọng. Trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, nhu cầu về nhân lực tri thức càng ngày càng tăng cao, thay thế sức lao động bằng vận hành máy móc tự động hóa, robot trí tuệ nhân tạo.

Ngày nay, có rất nhiều trường đại học theo hướng tự chủ. Nhiều trường đại học mở thêm các ngành đào tạo mới, điểm chuẩn đầu vào, tiêu chuẩn đầu ra, chỉ tiêu và phương thức xét tuyển đều do các trường đưa ra quy định.

Không thể phủ nhận việc tự chủ của các trường đem lại những hiệu quả rõ rệt về nguồn lao động nhưng bên cạnh đó cũng không ít trường làm chưa tốt. Điều này dẫn đến tuyển sinh một cách ồ ạt ảnh hưởng trực tiếp đến nhân lực tri thức của xã hội. Vậy nên, các em học sinh cần phải tỉnh táo và sáng suốt khi chọn ngôi trường đại học để đào tạo nghề nghiệp cho mình.

Bên cạnh chất lượng đào tạo, môi trường học tập, tỷ lệ việc làm sau khi ra trường, các em cần hỏi các anh chị đi trước về ngôi trường mình đăng ký theo học. Đặc biệt, hãy chọn những ngôi trường đào tạo đúng chuyên môn, không nên vì những lợi ích nhỏ mà chọn học kinh tế tại trường có nhiều năm đào tạo chuyên về khối kỹ thuật, và tương tự những ngành học khác.

Ngoài sở thích và năng lực bản thân, có những nhóm ngành sẽ hot trong tương lai do nhu cầu nhân lực cao như công nghệ thông tin, du lịch dịch vụ, thông tin truyền thông, chăm sóc sức khỏe, quản trị kinh doanh, luật học, sư phạm…. Hãy tìm hiểu và tham khảo kỹ những trường đào tạo các nhóm ngành này để có lựa chọn đúng đắn.

3 yếu tố trong định hướng nghề nghiệp

3 yếu tố để định hướng nghề nghiệp đúng là sở thích cá nhân, tính cách và sở trường và nhu cầu thị trường. Ngay từ đầu, các bạn nên nghiêm túc trong việc xác định ngành nghề trong tương lai của mình.

Ngành nghề là công việc sẽ gắn bó với bạn trong suốt hành trình dài của cuộc đời giúp bạn nuôi sống bản thân và tạo ra giá trị cho xã hội. Nếu công việc không xuất phát từ sở thích của mình, bạn sẽ không có động lực cố gắng mỗi khi gặp khó khăn và không theo đuổi lâu bền, thay vào đó là cảm giác mệt mỏi, nặng nề, chán nản.

Để tìm ra tính cách và sở trường, bạn cần trả lời câu hỏi “Bạn có thể/có năng lực học gì, làm gì?” Một công việc bạn yêu thích nhưng bản thân không có một chút khả năng, năng khiếu để thực hiện nó thì công việc đó sẽ trở nên rất khó khăn và nặng nề. Lâu dần, bạn sẽ chán nản và bỏ cuộc. Khi khả năng và thế mạnh của bạn được áp dụng vào đúng lúc đúng chỗ sẽ tạo ra cơ hội phát triển mạnh mẽ và mức thu nhập hấp dẫn.

Bên cạnh đó, tính cách mỗi người cũng ảnh hướng rất lớn đến tính chất công việc để chọn lựa cho bạn một môi trường làm việc và phong cách làm việc phù hợp.

Khi đã tìm ra được ngành bạn yêu thích, ngành bạn có thể làm thì việc tìm hiểu nhu cầu thị trường cũng là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng trong việc chọn nghề trong tương lai. Khi thế giới đang thay đổi một cách vô cùng nhanh chóng, con người cần không ngừng phát triển để bắt kịp với nó, nếu bạn chọn một công việc mà thị trường không còn cần lao động hoặc lao động đã bão hòa thì chắc chắn cơ hội việc làm của bạn sẽ bị thu hẹp.

Hiện nay, một số nhóm ngành hot như Công nghệ thông tin, Kinh tế, Kỹ thuật,… đều là những ngành có triển vọng trong tương lai.

Những sai lầm cần tránh khi chọn nghề

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục – Trường Đại học Giáo dục chỉ ra rằng, các em học sinh thường mắc phải 6 sai lầm sau khi chọn ngành nghề: Chọn nghề theo trào lưu; Dựa vào duy nhất năng lực học tập; Chọn nghề được xã hội trọng vọng; Chọn nghề vì lý do kinh tế; Tư tưởng học gì cũng được miễn là đại học; Dành ít thời gian để tìm hiểu nghề nghiệp.

Có lẽ các em học sinh còn quá “non nớt”, thiếu kinh nghiệm sống để định hướng được con đường tương lai của mình. Do đó các em cần nhất là một người định hướng, soi đường, tư vấn cho các em trong quá trình ra quyết định. Và phần lớn đối tượng đó là phụ huynh, giáo viên.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh cũng phạm phải sai lầm trầm trọng khiến các em theo học ngành nghề không thực sự phù hợp với mình. Chuyên gia chỉ ra một số “lỗi” mà phụ huynh hay mắc phải khi định hướng nghề nghiệp cho con như: Thiếu sự lắng nghe và thấu hiểu những mong muốn của con; Áp đặt ý kiến cá nhân, lấn át ý kiến của con; Coi trọng hình thức, vẻ hào nhoáng của nghề nghiệp; Sắp đặt sẵn lộ trình cho con; Chọn nghề không phù hợp với năng lực của con; Thiếu hiểu biết, không quan tâm tới định hướng nghề nghiệp; Chú ý cơ hội việc làm hơn khả năng phát huy sở trưởng của con…

Các em học sinh không nên lựa chọn ngành dựa trên ý kiến chủ quan cá nhân hay của bạn bè. Hãy xin lời khuyên của phụ huynh, giáo viên hoặc những chuyên gia tư vấn hướng nghiệp uy tín để có được câu trả lời khách quan và phù hợp nhất.

Việc chọn ngành nghề nên được cân bằng giữa các yếu tố: Sở thích cá nhân; Tính cách, năng lực; Xu hướng nghề nghiệp của xã hội; Điều kiện kinh tế của gia đình. Đặc biệt, các em không nên chọn ngành nghề mà bản thân chưa thực sự hiểu rõ, như môi trường học, những khó khăn thách thức có thể gặp phải, cơ hội nghề nghiệp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ