Sẵn sàng làm trái ngành để tránh thất nghiệp

GD&TĐ - Nhiều tân cử nhân ngay khi đi nộp hồ sơ đã linh hoạt vận dụng kiến thức mình học để xin việc, dù trái ngành nghề được đào tạo.

Sinh viên tham gia ngày hội hướng nghiệp, lắng nghe nhà tuyển dụng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm. Ảnh: TL
Sinh viên tham gia ngày hội hướng nghiệp, lắng nghe nhà tuyển dụng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm. Ảnh: TL

Đó cũng là một cách giậm đà, nhằm tích luỹ kinh nghiệm, tránh lãng phí thời gian chờ chực, cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân trong lĩnh vực mới.

Trải nghiệm khi làm trái nghề

Tốt nghiệp với tấm bằng giỏi ngành Luật, chị Phan Thị Hiền, chuyên viên khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank), đã mạnh dạn thử sức với một lĩnh vực trái ngành học để bản thân được cọ xát cũng như tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc.

Chị Hiền chia sẻ: “Lúc mới ra trường, tôi xoay xở tìm việc đúng chuyên ngành nhưng khó khăn. Thế nào mà cơ duyên đưa đẩy, khiến tôi chọn một lĩnh vực hoàn toàn khác với kiến thức chuyên môn mình đã học. Ban đầu, bản thân thực sự rất áp lực vì là “lính mới tò te”, đặc biệt trong hoàn cảnh phải cạnh tranh với các “đối thủ” tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng…”.

Vì xuất phát điểm như vậy nên chị Hiền sớm xác định tinh thần để chuẩn bị sẵn tâm lý là giai đoạn đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, trong quá trình làm việc, chị luôn nỗ lực, học hỏi, lắng nghe những góp ý từ đồng nghiệp để thu nạp thêm kiến thức và kinh nghiệm ở lĩnh vực mới. Tuy nhiên, để có thể hòa nhập nhanh với công việc, chị Hiền đã linh hoạt vận dụng những kiến thức trong chuyên ngành mình học để tư vấn cho khách hàng, những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý.

Song song với đó, chị cũng tăng cường học ngoại ngữ để chủ động tra cứu tài liệu nghiên cứu về thị trường trong nước và nước ngoài. “Khi làm việc, tôi đã gặp một số đối tác là khách hàng quốc tế, vì vậy có ngoại ngữ là một lợi thế không chỉ thuận lợi, gây được thiện cảm khi giao tiếp mà ngay cả trong kỹ năng làm việc cũng được cải thiện nhiều. Từ kinh nghiệm của mình tôi thấy người xin việc nếu thành thạo một loại ngoại ngữ nào đó sẽ là điểm cộng rất lớn trong quá trình tuyển dụng”, chị Hiền cho biết.

Tương tự, Trịnh Thùy Duyên - sinh viên năm 4, ngành Ngôn ngữ Trung, Trường ĐH Phương Đông cố gắng tích lũy kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch để tìm kiếm cơ hội việc làm, tránh bị thất nghiệp tiếp tục ăn bám gia đình.

Thùy Duyên chia sẻ: “Em xác định nếu không làm đúng chuyên ngành có thể làm trái ngành. Do đó, ngoài chú trọng nắm vững kiến thức em cố gắng rèn luyện, trang bị các kỹ năng tin học văn phòng thật tốt để có thể làm được công việc văn phòng hoặc hành chính nhân sự cho các công ty nước ngoài”.

Hiện nay, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã lựa chọn trái ngành để có thể tránh tình trạng thất nghiệp, có thêm cơ hội trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thùy Duyên cho biết, cô cũng đang tranh thủ thời gian, “đầu tư” học thêm môn ngoại ngữ nhằm hỗ trợ bản thân để sau khi tốt nghiệp vững hành trang cho quá trình tìm kiếm công việc mong muốn.

Theo TS Vũ Việt Anh - Tổng Giám đốc Học viện Thành Công: “Người học cần có định hướng rõ ràng rằng bản thân muốn đạt được gì sau khi học xong, từ đó lập kế hoạch học tập cũng như quản lý thời gian hiệu quả, tránh tình trạng học tập quá tải hoặc chểnh mảng.

Mỗi sinh viên cũng cần chú ý đến xu thế phát triển của thị trường lao động cũng như mục tiêu nghề nghiệp mà bản thân hướng đến. Bên cạnh đó, việc cân bằng tâm lý cũng như có kế hoạch cụ thể trong học tập là điều vô cùng quan trọng. Tâm lý ổn định, các bạn sẽ có thể học tập một cách tập trung, hiệu quả và đạt được kết quả tốt”.

Ngoại ngữ - trợ thủ đắc lực

Ngoại ngữ, kỹ năng mềm là một công cụ rất quan trọng hiện nay giúp sinh viên học tập và có thể tìm kiếm việc làm tốt cho mình trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập.

Theo TS Lê Minh Thống - Phó Trưởng khoa Kinh tế - Kinh doanh, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, nước ta đang là điểm sáng trong thu hút đầu tư từ các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài. Do đó, sử dụng ngoại ngữ tốt, chính là “trợ thủ đắc lực” để sinh viên học tập cũng như phát triển chuyên môn.

Để sinh viên nâng cao ý thức, chú trọng vào hoàn thiện các kỹ năng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất đã đưa vào các nội dung tuyên truyền để sinh viên hiểu và ý thức rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ. Trường cũng mở rộng liên kết đào tạo với các trung tâm ngoại ngữ uy tín, câu lạc bộ ngoại ngữ để người học được tham gia học ngoại ngữ, thêm môi trường rèn luyện các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết.

“Bên cạnh tiếng Anh là chủ đạo, chúng tôi cũng tăng cường các ngoại ngữ khác như tiếng Trung, Nhật để sinh viên có nhiều lựa chọn học theo sở trường, sở thích của mình”, TS Lê Minh Thống cho biết.

Hiện nay, trong khung chương trình đào tạo, các trường đại học đã nâng cao năng lực và trình độ ngoại ngữ cho sinh viên. Ngay từ năm nhất, các trường đã phân loại trình độ ngoại ngữ, đối với những sinh viên còn hạn chế sẽ được hỗ trợ để tăng cường nhằm đạt chuẩn trình độ trước khi tốt nghiệp. Đồng thời, các trường cũng kết nối với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để tạo cơ hội cho sinh viên thực tập trải nghiệm, có điều kiện được cọ xát với những đòi hỏi của thực tế, mở rộng cánh cửa tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, quý III/2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 27,3%, tăng 0,5 điểm phần trăm và tăng 1 điểm phần trăm so với năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 760 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,4 điểm phần trăm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 26,8%, tăng 0,6 điểm phần trăm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ