Ứng dụng trí tuệ nhân tạo chẩn đoán bệnh cho gia cầm

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Công nghệ thông tin, Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ đã phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo chẩn đoán bệnh cho gia cầm, với độ chính xác trên 90%.

Nhóm sinh viên giới thiệu đề tài chẩn đoán bệnh của gà bằng điện thoại thông minh.
Nhóm sinh viên giới thiệu đề tài chẩn đoán bệnh của gà bằng điện thoại thông minh.

Chiếc điện thoại chẩn đoán chính xác bệnh của gia cầm

Thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 và dịch bệnh trên gia cầm bùng phát cùng lúc đã tạo nên gánh nặng cho người chăn nuôi và ngành Y tế thú y. Việc giãn cách, cách ly xã hội khiến quá trình chẩn đoán bệnh trực tiếp bị đình trệ, gia cầm chết từng đàn, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người dân cũng như gây ra tình trang thiếu hụt thực phẩm quốc gia.

Theo báo cáo của Tổ chức OECD (The Organization for Economic Co-operation and Development) thống kê trên 41 quốc gia và 12 vùng lãnh thổ thì nhu cầu về thịt gia cầm sẽ tăng từ 115.247 triệu tấn trong năm 2006 lên 131.225 triệu tấn năm 2025. Do đó, việc chăn nuôi gia cầm sạch và giảm nguy cơ dịch bệnh lây lan là một nhu cầu cấp thiết hiện nay ở các quốc gia.

Trên thực tế đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới trong việc phát hiện bệnh trên gia cầm như: Nhận diện bệnh đậu gà bằng phương pháp máy học vector hỗ trợ (SVM), hay dựa trên âm thanh của gà để nhận diện cảm cúm, đeo thiết bị IoT hỗ trợ… nhưng chưa có nghiên cứu nào thực hiện ứng dụng thuật toán học sâu - Deep learning vào trong việc nhận diện các bệnh và phân vùng dịch bệnh trên gia cầm.

Từ đó, nhóm sinh viên Công nghệ thông tin Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ mang tên PODD, gồm Phạm Quốc Nghị, Lê Thành Nhân, Huỳnh Thị Nhiên, Trương Thị Thanh Xuân dưới sự hướng dẫn của thầy Quách Luyl Đa - giảng viên IT của Đại học FPT Cần Thơ, đã phát triển Ứng dụng Hệ thống quản lý bệnh cúm gia cầm cải tiến - DCDapp. Các thuật toán học sâu ResNet, VGGNet đã giúp ứng dụng tăng độ chính xác trên 90%, kèm theo đó là các tính năng bản đồ vùng bệnh, hỗ trợ liên lạc với các chuyên gia.

Sinh viên Phạm Quốc Nghị cho hay, dự án tạo ra 2 sản phẩm ứng dụng trên điện thoại và hệ thống website. Đối với ứng dụng trên điện thoại, chức năng chính là chẩn đoán bệnh trên gia cầm. Đây là ứng dụng đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo chẩn đoán bệnh gia cầm tại Việt Nam.

Chức năng chẩn đoán có 3 hình thức: Một là nhận diện bằng hình ảnh: Người dùng chụp hình hoặc gửi ảnh gia cầm thêm một số mô tả, vài giây sau sẽ có kết quả hiển thị loại bệnh và đề xuất phương pháp chữa trị hiệu quả. Hai là nhận diện bệnh bằng cách chat với bác sĩ thú y: Nếu loại bệnh đó app chưa nhận diện được, thì thông tin người dùng gửi sẽ gửi đến bác sĩ thú y để họ tư vấn kịp thời. Ba là nhận diện bệnh bằng gọi điện trực tiếp bằng video: Người dùng và bác sĩ sẽ tương tác với nhau trao đổi về bệnh trên gia cầm. 

Hướng đến truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm

Đối với ứng dụng trên trang web sẽ cung cấp bản đồ vùng bệnh gia cầm từ dữ liệu thu thập của ứng dụng giúp các chuyên gia có các cảnh báo sớm về tình hình dịch bệnh.  Mục đích của nhóm là dự án sẽ giúp người chăn nuôi giảm thiểu rủi ro thất thoát do dịch bệnh gia cầm, các chuyên gia sẽ có thể khoanh vùng dịch bệnh gia cầm kịp thời và nâng cao giá trị gia cầm Việt Nam trên trường quốc tế.

Đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ: Bên cạnh việc giám sát và phát hiện kịp thời dấu hiệu phát sinh dịch bệnh. Từ đó, giá trị gia tăng của sản phẩm sẽ được cải thiện đáng kể, giúp tăng thu nhập cho các hộ nuôi.

Thầy Quách Luyl Đa - giảng viên IT của Đại học FPT Cần Thơ - cho biết, trên thị trường hiện nay có một số đơn vị cung cấp ứng dụng di động kết nối người chăn nuôi với bác sĩ thú y tuy nhiên, chỉ ở mức “kênh chat” giữa người chăn nuôi với bác sĩ, còn DCDapp hiện đang là ứng dụng hiếm hoi tại Việt Nam có tính năng chẩn đoán bệnh cúm gia cầm bằng AI và khoanh vùng dịch bệnh trên gia cầm.

DCDapp cũng tích hợp tính năng thương mại điện tử góp phần kết nối người chăn nuôi với các đại lý cung cấp, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm sản phẩm và mua hàng trực tuyến. Điều này càng có ý nghĩa hơn giữa lúc đại dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được khống chế trên toàn cầu.

“Nhóm đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm trong vòng 1 năm. Khó khăn lớn nhất nằm ở bước thu thập dữ liệu về các bệnh gia cầm vì nguồn dữ liệu ở Việt Nam còn rất hạn chế, ít cơ sở lưu trữ. Tuy nhiên, chúng mình rất may mắn khi được FVET - đơn vị chuyên về thú y tại Việt Nam hỗ trợ nguồn dữ liệu, cũng như kiến thức chuyên môn của các chuyên gia”, sinh viên Lê Thành Nhân - thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết.

Cũng theo Thành Nhân, thông qua một số cuộc thi khởi nghiệp, nhóm PODD đã được các chuyên gia đánh giá và góp ý để hoàn thiện DCDapp phát triển hệ thống theo hướng VietGAP và GlobalGAP. Từ đó, ứng dụng có thể truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm sạch, phát triển hệ thống với camera giám sát trên đàn gia cầm quy mô trang trại và hệ thống IoT trong việc cho ăn tự động, uống nước tự động và điều hòa không khí.

Dưới sự giúp đỡ của giáo sư đến từ Đại học Teknologi Petronas - Malaysia và các giảng viên từ Đại học FPT, nhóm hi vọng có thể phát triển ứng dụng hoàn thiện và hỗ trợ người nông dân giảm thiểu rủi ro trong quá trình chăn nuôi, tăng được giá trị của thịt gia cầm sạch tại Việt Nam.

Ứng dụng này nếu được triển khai rộng rãi sẽ giúp hạn chế đáng kể lượng gia cầm chết vì dịch bệnh, giúp ổn định kinh tế và xã hội khi các hộ nuôi/trang trại/công ty có thể tồn tại và phát triển ổn định. Khi có dịch, có thể khoanh vùng kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng.

Với việc sử dụng ứng dụng chat và video call, các chuyên gia kịp thời đưa ra các biện pháp phòng tránh và phát hiện được những dịch bệnh mới phát sinh. Khi đó, sẽ có được các biện pháp quản lý kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ