Ứng dụng CNTT trong dạy văn học nước ngoài

Ứng dụng CNTT trong dạy văn học nước ngoài

(GD&TĐ) - Vào các thập niên cuối thế kỉ XX, ở một số nước phát triển, các ứng dụng CNTT đã từng bước được triển khai từ cấp học phổ thông cho đến đại học. Ngày nay, ứng dụng CNTT trong dạy học đã trở thành xu thế có tính chiến lược của giáo dục hiện đại.

Ở nước ta, Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục đã ban hành các chủ trương về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nhà trường, như Nghị quyết 49/CP của Chính phủ(1993),chỉ thị 58-CT/TW của Bộ chính trị(2000)…. Và gần đây là công văn số 12966/BGDDT-CNTT(2007) Bộ GD&ĐT về việc thực hiện năm học 2008-2009 là Năm học Công nghệ thông tin.

Đổi mới phương pháp dạy học là một yêu cầu tất yếu trong dạy học ngày nay. Yêu cầu đó càng cấp thiết hơn đối với giảng dạy đại học, cao đẳng. Đổi mới phương pháp dạy học đối với môn văn học nói chung trong đó có văn học nước ngoài nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Muốn đổi mới phương pháp dạy học phải đổi mới phương tiện dạy học. Công nghệ thông tin là một phương tiện quan trọng trong dạy học hiện đại. Việc ứng dụng CNTT trong dạy học cũng có triết lí riêng. Theo tôi, triết lí ở đây là CNTT chỉ là phương tiện nhằm góp phần tối ưu cho dạy học tích cực chứ không bao giờ thay thế được vai trò của người dạy và người học dù nó có hiện đại đến đâu đi chăng nữa. Bên cạnh đó, chúng ta cần tránh việc lạm dụng CNTT. Giáo viên phải cân nhắc thật kĩ những phần nào nên ứng dụng và không nên ứng dụng trong phân môn của mình. Ngoài ra, ứng dụng CNTT trong dạy học phải đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm và tính tư tưởng của bài giảng.

Xuất phát từ yêu cầu nội tại trên, cộng với đặc thù riêng của bộ môn văn học nước ngoài. Văn học nước ngoài là khái niệm dùng để chỉ văn học của tất cả các nước trên thế giới ở cả phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… và phương Tây như văn học Hi lạp, văn học Anh, văn học Pháp, văn học Tây Ban Nha, Văn học Mĩ- Mĩ Latinh, văn học Nga…Các học phần của văn học nước ngoài trong chương trình đào tạo cho sinh viên Văn trình độ Cao đẳng sư phạm gồm có văn học thế giới I và văn học thế giới II. Qua thực tiễn giảng dạy, sau hai năm tích cực tham gia chương trình đào tạo CNTT do VVOB tổ chức, được chứng nhận là chuyên gia ứng dụng CNTT, tôi nhận thấy việc ứng dụng CNTT trong dạy học văn học nước ngoài thật sự mang lại hiệu quả cho dạy học tích cực. Đặc biệt là phần mềm Microsoft PowerPoint (MS PP) và phần mềm mind map.

Trước hết, chúng ta cùng nhìn lại quan niệm truyền thống trong dạy học văn. Người ta cho rằng môn văn là môn thuộc khoa học xã hội nhân văn nên không cần thiết phải ứng dụng. Giáo viên dạy văn vẫn có thế dạy rất hay mà không cần đến việc sử dụng công nghệ thông tin. Bởi việc ứng dụng có thể làm mất cảm xúc của giáo viên trong quá trình dạy.

ảnh minh họa
ảnh minh họa 

Thật ra, chúng ta đang sống giữa thời đại công nghệ và kĩ thuật số. Người học của chúng ta bị bao vây bởi thế giới công nghệ. Nếu giáo viên dạy văn hoàn toàn không biết và không ứng dụng nó thì hoá ra chúng ta đang xa rời với thực tại chung. Công nghệ thông tin không hề làm mất đi cảm xúc mà ngược lại còn tác động làm cho cảm xúc được tăng thêm. Khi người học hứng thú với môn học thì giáo viên mới thật sự có cảm xúc. Ví dụ, khi dạy về bài hai cây phong, gíáo viên có thể đưa học trò đến với hình ảnh này trên internet để họ có thể quan sát cây phong thật ngoài đời, tạo không khí hứng thú để việc cảm thụ tác phẩm này được hiệu quả. Hoặc khi dạy về Shakespear, chúng ta cho sinh viên đến với những hình ảnh về tác giả và nước Anh thông qua internet để người đọc mở rộng hiểu biết.

Vậy cách thức ứng dụng như thế nào. Có rất nhiều cách để ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy văn. Trước hết, chúng ta có thể khai thác và sử dụng trang gooogle để tìm kiếm thông tin, hình ảnh và cho sinh viên thấy trực tiếp trong quá trình giảng. Hay nói cách khác lúc này máy tính và internet sẽ trở thành đồ dùng trực quan sinh động và tự động hiện đại nhất. Giáo viên không phải mất công làm đồ dùng dạy học như kiểu truyền thống nữa. Kiểu truyền thống là sưu tầm tranh ảnh rồi đưa cho học trò xem. Cách này rất mất công và không có nhiều. Hạnh phúc thay khi giáo viên và người học chỉ cần click chuột là cả một thế giới sinh động hiện ra, vượt ra khỏi sự hạn chế về không gian và thời gian. Chúng ta không phải tốn thời gian cho việc làm đồ dùng dạy học này. 

Bên cạnh đó, chúng ta có thể dùng phần mềm powerpoint để thiết kế bài giảng và các trò chơi khởi động gây hứng thú trước mỗi giờ dạy. Ở loại bài giới thiệu tác gia-tác phẩm văn học nước ngoài như XecVantec với Đôn-ki-hô-tê, Walt- Whuytman với Lá cỏ, việc ứng dụng phần mềm MS PP đặc biệt tối ưu. Giáo viên sử dụng phần mềm này để làm các slide giới thiệu về đất nước, văn hóa nơi tác giả đó sinh ra và lớn lên. Điều này góp phần phá bỏ rào cản trở ngại về sự khác biệt văn hóa trong cảm thụ một tác phẩm và tìm hiểu một tác giả ở một nền văn hóa khác. Không chỉ là hình ảnh mà cả kênh âm thanh (giáo viên chọn nhạc nền, đó có thể là những bài hát nổi tiếng của đất nước mà tác giả đó sinh ra) cho các slide hình ảnh về đất nước, nền văn hóa, tác giả   cũng được lồng vào trong quá trình sử dụng hiệu ứng gây một ấn tượng sâu sắc cho sinh viên. Tôi từng có kỉ niệm khi nhìn sinh viên thích thú say mê với những trang trình chiếu về đất nước văn hóa Anh khi học về Shakespeare,  nuước Pháp với Víchtor Huygo…

Ngoài ra, ở phần tóm tắt tác phẩm, giáo viên có thể sử dụng phần mềm mindmap để hướng dẫn sv tự tóm tắt thành sơ đồ những tác phẩm đồ sộ như  Đôn-ki-hô-tê,Chiến tranh và hòa bình, Những người khốn khổ, Hồng Lâu mộng….

Bên cạnh đó, theo tinh thần của chương trình văn học nước ngoài đổi mới, giảng dạy tác phẩm gắn với thể loại, trước khi vào một tác phẩm cụ thể, giáo viên sử dụng phần mềm mind map để giới thiệu hạt nhân cơ bản của thể loại đó. Ví dụ: 

Mô hình nội dung bài giảng
Mô hình nội dung bài giảng 

Hơn thế nữa, ở những tiết ôn tập, củng cố, hệ thống hóa kiến thức khi kết thúc học phần, chúng ta cũng có thể yêu cầu sinh viên sử dụng sơ đồ mindmap để tự làm việc. Phần mềm này cũng rất phù hợp với việc giúp giáo viên giới thiệu những kiến thức mở rộng, đào sâu trong quá trình phân tích , cảm thụ tác phẩm.

Ngoài ra, các phần mềm như photostory, webquest cũng được ứng dụng để giảng dạy phần tác giả-tác phẩm.

Đồng thời giáo viên có thể cho sinh viên nghe đọc thơ và xem một đoạn phim tư liệu về tác giả từ máy tính.

Tổ chức ngoại khóa văn học nước ngoài, giáo viên có thể sử dụng phần mềm potatoes để làm trò chơi ô chữ.

Những trải nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ là việc sử dụng những phần mềm, bản thân tôi còn sử dụng CNTT để chia sẻ với sinh viên thông qua việc tạo blog. Blog là nơi tôi trình bày những bài viết khoa học, sự sáng tạo, bảng điểm để sinh viên có thể đọc và theo dõi. Qua đây tôi cũng có thể trao đổi và hướng dẫn cho các bạn những kĩ năng chuyên môn học thuật. Trên lớp tôi cũng như các giáo viên khác không thể quan tâm, chia sẻ được hết với tất cả các bạn sinh viên những vấn đề trong cuộc sống mà họ phải đối mặt, cho nên blog cũng là một kênh giao tiếp rất tốt để giáo viên giúp sinh viên định hướng giải quết khi họ thật sự có những khó khăn.  

Mục đích cuối cùng của việc học vẫn là vì sự phát triển toàn diện của sinh viên, kế hoạch sắp đến chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn nhân rộng ứng dụng một số phần mềm dạy học cho sinh viên các lớp cao đẳng sư phạm văn k08, và hai lớp đại học văn, ko8, k09.   

Trên đây là những ưu điểm của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học văn, tuy nhiên trong quá trình ứng dụng có thể có những trục trặc về mặt kĩ thuật. Nhiều giáo viên thời gian đầu khi sử dụng phần mềm power point để giảng dạy có tâm sự rằng thay vì đọc chép là chiếu chép. Với kinh nghiệm của một người đã sử dụng nhiều năm, tôi thấy rằng, để khắc phục điều này, giáo viên phải nắm thật kĩ nội dung bài dạy, không phải kiến thức nào cũng chiếu hết lên. Chỉ chiếu lên những nội dung mang ý chính của bài. Kết hợp với việc giảng của giáo viên, phải mở rộng ý ra, phát triển sâu hơn. Lúc đó cái tài của người giáo viên sẽ hiển lộ.Vì công nghệ thông tin chỉ là phương tiện chứ không thể thay thế được vai trò của người thầy. Đồng thời, để sv không thụ động trong quá trình học, giáo viên cần giao nhiệm vụ, hoặc các chủ đề để sinh viên làm việc nhóm, chuẩn bị trước ở nhà và báo cáo bằng powerpoint gửi qua email cho giáo viên. 

Nói tóm lại, việc ứng dụng công nghệ thông tin khiến dạy  văn học nước ngoài có rất nhiều ưu điểm như nâng cao hiệu quả tiếp nhận, tạo hứng thú cho người học, tiết kiệm được thời gian. Như vậy máy tính, internet không phải là những công cụ vô hồn, nếu chúng ta biết cách ứng dụng thì chúng sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho việc dạy môn văn vốn rất đặc trưng. Chính vì thế giáo viên cần phải nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Tài liệu tham khảo:

1.      Nguyễn Sơn Hải, MS.Power Point, Trung tâm tin học Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.      Bernd Meier, Phát triển năng lực thông qua phương pháp và phương tiện dạy học mới,Hà Nội, 2005.

3.      Nhiều tác giả, Giáo trình Văn học thế giới T1,T2, NXB ĐHSP, 2007.

4.      Tài liệu tập huấn kĩ năng CNTT, VVOB, 2009.

5.       Tài liệu hội thảo tập huấn chia sẻ và hợp tác, VVOB, 2009.

6.       Tài liệu CNTT cho dạy học tích cực, VVOB, 2009.

7.      Tài liệu Hội thảo tập huấn về E.learning, VVOB, 2010.

ThS. Huỳnh Thị Thu Hậu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ