(GD&TĐ) - Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm nay sẽ ít cạnh tranh hơn, yêu cầu đề thi vẫn nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9 nên học sinh chỉ cần tự ôn tập tại nhà, không nhất thiết phải đến ôn tại các lò luyện...
->> Các địa phương sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013
Quay cuồng luyện thi
Mặc dù mới chỉ khai giảng các lớp ôn thi từ ngày 20 và 21/5, nhưng không khí tại Trung tâm tâm Bồi dưỡng Văn hóa Hà Nội – Amsterdam (đặt tại Trường THPT Nguyễn Trãi – Ba Đình) đã khá sôi động. Nhiều phụ huynh gương mặt căng thẳng, lo âu đến Trung tâm đăng ký cho con học thêm tranh thủ 20 ngày trước kỳ thi, mong con đậu vào trường đúng nguyện vọng. Sự quan tâm của phụ huynh khi đến tìm hiểu để đăng ký học cho con không phải mức phí 70 nghìn một buổi cho một môn thi mà là giáo viên, chất lượng dạy học, sĩ số...
Có mặt tại Trung tâm này từ sáng sớm, chị Lê Thị Xuyên có con trai học lớp 9 Trường THSC Kim Giang ngồi cả tiếng đồng hồ để nghiên cứu lịch học. Con trai thành tích học tập khá tốt, 3 năm liền là học sinh giỏi, nhưng chị cũng chỉ dám đăng ký cho con học một trường tốp trung. Vậy mà trước đó cả tháng chị đã bỏ công sức tìm hiểu toàn bộ thông tin đến kỳ tuyển sinh vào 10, từng trường chỉ tiêu bao nhiêu, điểm chuẩn các năm ra sao, lò luyện nào tốt, cô giáo nào giỏi để cho con theo học.
“Hiện cháu đang học ôn tại trường tất cả các buổi sáng. Bắt đầu từ chiều nay, các buổi chiều mình sẽ đăng ký cho cháu học tại trung tâm này hai môn Văn và Toán. Mình cũng đã tìm hiểu được một giáo viên dạy Văn tại trung tâm rất uy tín, cố gắng mời cô về nhà dạy cháu thêm 3 tối mỗi tuần. Thời gian còn lại hai mẹ con sẽ cùng học. Thứ 5 này cháu sẽ tham gia thi thử vòng 2 tại trường. Biết là con vất vả nhưng cả hai mẹ con đều phải cố gắng, làm sao ít nhất 2 môn thi của cháu phải được 7 điểm mới đỗ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Quang Trung. Hoặc chí ít ra phải một môn 6 điểm, một môn 7 mới được nguyện vọng 2 là Trường THPT Trung Văn” – chị Xuyên tâm sự.
Áp lực thi đầu vào THPT tại các thành phố lớn vẫn “nóng”. Ảnh: Thái Hòa |
Mặc dù Trường THCS Kim Giang có tổ chức thi thử miễn phí cho các học sinh nhưng chị Xuyên vẫn quyết định đăng ký thêm cho con thi thử ở trung tâm. Lý giải của chị là, trung tâm này gồm các thầy cô giáo có tiếng, trong đó, nhiều thầy cô là giáo viên của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam rất có kinh nghiệm ôn và ra đề thi. “Chỉ 60 nghìn phí thi thử nhưng các cháu sẽ được cọ sát với không khí thi cử, các bạn và cả thầy cô đều lạ lẫm chứ không như kỳ thi ở trường. Hy vọng, trải qua kỳ thi này, tâm lý của cháu sẽ vững vàng hơn” – chị Xuyên tự tin cho biết.
Không chỉ chị Xuyên, rất nhiều phụ huynh có mặt tại trung tâm đăng ký học cho con đều tiết lộ những lịch học dày đặc. Đặc biệt là những học sinh đăng ký học thêm cả môn chuyên, riêng thời gian ôn tại trung tâm có khi kéo dài liên tục từ 14h đến 20h30. Như vậy, không ít học sinh sẽ phải chịu thời gian trên lớp đến trên 10 tiếng mỗi ngày.
“Nóng” không cần thiết
Nhiều trường TCCN trên cả nước thông báo tuyển những học sinh đã tốt nghiệp THCS. Thời gian xét tuyển của các trường này có thể kéo dài đến tháng 11. Riêng Hà Nội thông báo có đến 25 trường tuyển những đối tượng học sinh này. Đây cũng là một lựa chọn cho những học sinh không đậu vào các trường THPT năm nay. |
Theo công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2013 - 2014, chỉ tiêu dành cho 113 trường THPT công lập là gần 54.200; chỉ tiêu dành cho 91 trường ngoài công lập khoảng trên 13.200 và 2.500 là số chỉ tiêu dành cho 31 trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn. So với năm 2012, số chỉ tiêu năm nay giảm đáng kể; cụ thể, khối các trường công giảm khoảng trên 1000; trường ngoài công lập giảm khoảng trên 2.700 chỉ tiêu. Con số này làm nhiều phụ huynh như ngồi trên đống lửa.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Sở GD&ĐT Hà Nội, mặc dù năm nay tổng chỉ tiêu giảm nhưng số thí sinh thi vào lớp 10 năm nay cũng giảm đến 5.000 em. Vì vậy, cuộc đua vào 10 năm nay không những không căng thẳng mà còn ít cạnh tranh hơn so với mọi năm. Bên cạnh đó, đề thi nằm trong chương trình THCS, đặc biệt tập trung ở lớp 9, vì vậy, học sinh chỉ cần nắm vững chuẩn kiến thức kỹ năng là có thể làm bài tốt. Để làm được điều này, các em chỉ cần chăm chỉ ôn luyện tại nhà, không nhất thiết phải gồng mình tại các lò luyện thi.
Nhiều giáo viên có kinh nghiệm chỉ ra rằng, việc học sinh chạy sô quá nhiều trong ngày khiến các em không có thời gian để tự học, xem lại kiến thức, đặc biệt không có thời gian để rèn luyện kỹ năng làm bài, từ đó, dù học nhiều nhưng kết quả lại không cao, chưa kể việc ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sức khỏe.
Trong khi đó, việc học sinh giữ gìn sức khỏe để bước vào kỳ thi vào 10 sắp tới là vô cùng quan trọng. Nếu ốm đúng vào lúc kỳ thi diễn ra, các em sẽ phải đợi đến năm sau mới được thi lại do thi tuyển vào lớp 10 không có quy chế đặc cách cho các thí sinh bị ốm.
Dự kiến, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố công bố công khai số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 vào ngày 25/5 tới. Đây là một căn cứ để học sinh quyết định có thay đổi nguyện vọng hay không. Thời gian cho phép thay đổi nguyện vọng trong 2 ngày 27 và 28/5. Tuy nhiên, thí sinh lưu ý, chỉ được thay đổi nguyện vọng dự tuyển giữa các trường trong khu vực tuyển sinh, không được phép thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào các lớp chuyên, trường chuyên.
Hiếu Nguyễn