(GD&TĐ)- Bộ GD&ĐT thông báo tuyển sinh đi học đại học và sau đại học tại Ấn Độ năm 2013 với tổng số 20 học bổng đại học và sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập sinh) gồm 10 học bổng của Chương trình văn hoá chung (GCSS) và 10 học bổng của Chương trình trao đổi giáo dục (EEP).
Ứng viên được đăng ký dự tuyển học các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật và công nghệ. Phía Ấn Độ không nhận đào tạo các chuyên ngành liên quan đến Y và Nha khoa.
Ứng viên không được thay đổi ngành học, lĩnh vực nghiên cứu, trường đào tạo đã đăng ký dự tuyển. Ứng viên đi học các chuyên ngành khoa học cần đến hóa chất để thực hiện thí nghiệm và các chi phí phát sinh thì phải tự thu xếp kinh phí liên quan.
Ứng viên là lao động hợp đồng tại các cơ quan, doanh nghiệp không hưởng lương từ ngân sách nhà nếu trúng tuyển sẽ được hưởng các chế độ học bổng và kinh phí đào tạo do phía Ấn Độ cấp.
Ứng viên là sinh viên năm thứ nhất các trường đại học tại Việt Nam; giảng viên, giáo viên các cơ sở giáo dục; cán bộ biên chế, hợp đồng tại các cơ quan, doanh nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước nếu trúng tuyển, ngoài việc được Chính phủ Ấn Độ cấp học bổng và kinh phí đào tạo còn được Chính phủ Việt Nam (Bộ GD&ĐT) cấp bù sinh hoạt phí, vé máy bay một lượt đi và về theo quy định hiện hành đối với lưu học sinh diện Hiệp định.
Ứng viên trúng tuyển phải cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và trở về phục vụ tại cơ quan cử đi học hoặc theo sự điều động của Nhà nước; nếu không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc không trở về nước phục vụ sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định của Nhà nước.
Dự kiến ứng viên trúng tuyển sẽ đi học trong tháng 6 và 7 năm 2013.
Điều kiện chung dự tuyển là công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe để học tập ở nước ngoài, cam kết trở về nước phục vụ tại cơ quan đã cử đi học hoặc làm việc theo yêu cầu của Nhà nước; sử dụng thành thạo tiếng Anh, có khả năng tiếp thu kiến thức bằng tiếng Anh. Tất cả các ứng viên được lựa chọn phải tham dự phỏng vấn và kiểm tra tiếng Anh do Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội thực hiện.
Dự tuyển học bổng đại học, điều kiện ứng viên là công dân Việt Nam đã tốt nghiệp THPT, học lực 3 năm THPT đạt loại trung bình khá trở lên (điểm trung bình 3 năm đạt 6,5 trở lên), đang là sinh viên năm thứ nhất các trường đại học Việt Nam.
Dự tuyển học bổng sau đại học: Cán bộ được cơ quan cử đi dự tuyển đã tốt nghiệp đại học/thạc sĩ loại trung bình khá trở lên (điểm trung bình từ 6,5 trở lên), ngành học đăng ký học tiếp trình độ cao hơn phù hợp với ngành đã tốt nghiệp; tuổi không quá 35 đối với người đăng ký học chương trình thạc sĩ, không quá 40 đối với người đăng ký học chương trình tiến sĩ, không quá 50 đối với thực tập sinh (tính đến 10/02/2013).
Hồ sơ dự tuyển gồm 2 loại. Hồ sơ bằng tiếng Việt (1 bộ) gồm các giấy tờ xếp thứ tự như sau:
1. Công văn giới thiệu người dự tuyển của cơ quan, cơ sở giáo dục có ghi rõ bậc học và chuyên ngành đăng ký dự tuyển;
2. Bản sao hợp lệ quyết định tuyển dụng biên chế hoặc hợp đồng làm việc từ khi được tuyển dụng đến nay (đối với cán bộ);
3. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan công tác (đối với cán bộ), xác nhận của trường đại học đang theo học hoặc của UBND phường/xã (đối với sinh viên);
4. Phiếu đăng ký đi học nước ngoài theo mẫu quy định;
5. Bản cam kết theo mẫu quy định.
Hồ sơ bằng tiếng Anh (7 bộ), mỗi bộ gồm các giấy tờ dịch công chứng (đính kèm photocopy từ bản gốc) xếp thứ tự như sau:
1. Đơn dự tuyển bằng tiếng Anh theo mẫu của phía Ấn Độ, trong đó đăng ký rõ ngành và trường học;
2. Học bạ THPT, bằng tốt nghiệp THPT (đối với ứng viên học bổng đại học);
3. Bằng tốt nghiệp đại học/ thạc sĩ/ tiến sĩ và bảng điểm (đối với ứng viên học bổng sau đại học);
4. Đề cương vắn tắt trong khoảng 3-4 trang khổ A4 về đề tài dự định nghiên cứu/thực tập (đối với ứng viên tiến sĩ và thực tập sinh);
5. Danh mục các công trình nghiên cứu đã được công bố hoặc giấy công nhận công trình nghiên cứu (nếu có - đối với ứng viên sau đại học);
6. Chứng chỉ tiếng Anh (nếu có);
7. Giấy khai sinh;
8. Giấy khám sức khỏe bằng tiếng Anh (theo mẫu đính kèm của phía Ấn Độ);
9. Giấy chứng nhận không nhiễm HIV, viêm gan B và các bệnh truyền nhiễm khác (khi sang Ấn Độ nhập học, phía bạn kiểm tra lại sức khỏe mà phát hiện bị bệnh thì sẽ trả về nước và không đài thọ bất kỳ chi phí nào);
10. Photocopy các trang cần thiết của hộ chiếu phổ thông còn giá trị sử dụng để đi học (nếu có).
Sau khi hoàn thành hồ sơ dự tuyển, người dự tuyển phải quét (scan) lưu lại toàn bộ hồ sơ tiếng Việt sang các files định dạng PDF (mỗi loại tài liệu quét thành 01 file riêng) để thực hiện đăng ký trực tuyến theo địa chỉ http://tuyensinh.vied.vn/, đồng thời chuyển toàn bộ bản chính hồ sơ dự tuyển bằng thư chuyển phát nhanh bảo đảm hoặc nộp trực tiếp tại Văn phòng Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ GD&ĐT, 21 Lê Thánh Tông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hồ sơ cần đựng trong túi hồ sơ kích thước 25cm x 34cm, mặt ngoài túi trình bày theo mẫu quy định đối với hồ sơ dự tuyển học bổng diện Hiệp định đi Ấn Độ năm 2013 có ghi đầy đủ các chi tiết về nước, trình độ và ngành học đăng ký dự tuyển, danh mục các loại giấy tờ có trong túi, địa chỉ liên hệ, các số điện thoại cố định, di động và e-mail để liên lạc.
Hồ sơ được coi là hợp lệ nếu nộp đầy đủ hồ sơ trực tuyến và hồ sơ giấy.
Thời hạn nhận hồ sơ (tính theo dấu bưu điện đến hoặc sổ theo dõi nhận hồ sơ của Văn phòng Cục Đào tạo với nước ngoài): Trước ngày 7/2/2013.
Lệ phí dự tuyển: 200.000đ/người cần được chuyển đến Cục Đào tạo với nước ngoài (ĐTVNN) trước ngày 07/02/2013.
Bộ GD&ĐT sẽ giới thiệu ứng viên được sơ tuyển chọn, gửi hồ sơ cho Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức thi tuyển và xét cấp học bổng. Cơ quan và ứng viên trúng tuyển sẽ được Cục Đào tạo với nước ngoài thông báo, hướng dẫn và giải quyết thủ tục liên quan tiếp theo để đi học tại Ấn Độ theo kế hoạch đã định.
Những trường hợp được phía Ấn Độ tiếp nhận không thuộc chương trình học bổng trên, không dự tuyển qua Bộ GD&ĐT theo thông báo tuyển sinh này và không có tên trong quyết định của Bộ GD&ĐT cấp học bổng cử đi học tại Ấn Độ hoặc không thuộc diện được cấp bù chế độ quy định của Chính phủ Việt Nam thì không được cấp học bổng từ ngân sách nhà nước Việt Nam.
Đan Thảo