Tuyển sinh cao đẳng không cần bằng THPT

GD&TĐ - Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH mà Bộ LĐ,TB&XH mới ban hành, đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng không nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp THPT.

Theo chuyên gia, việc rút ngắn thời gian học khó bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh minh họa
Theo chuyên gia, việc rút ngắn thời gian học khó bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh minh họa

“Nới lỏng” tiêu chí

Theo thông tư này, đối tượng tuyển sinh đối với trình độ CĐ không nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp THPT. Đối tượng tuyển vào các trường CĐ này không bao gồm CĐ đào tạo ngành giáo viên, vì hoạt động chuyên môn của trình độ CĐ sư phạm do Bộ GD&ĐT quản lý.

Cụ thể, Thông tư nêu rõ đối tượng tuyển sinh hệ CĐ gồm: Người có bằng tốt nghiệp THPT. Người có bằng tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Trường hợp người học dự tuyển vào các nghề đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe; nghệ thuật và an ninh, quốc phòng, còn phải thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan. Đồng thời thực hiện theo hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Như vậy, đối tượng tuyển sinh trình độ CĐ nghề sẽ không nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp THPT. Thí sinh chỉ cần tốt nghiệp trung cấp, đã đạt yêu cầu về khối lượng kiến thức văn hóa THPT là có thể xét tuyển vào trình độ CĐ.

Theo báo cáo của Tổng cục GDNN, trong 6 tháng đầu năm cả nước chỉ tuyển được 645 nghìn người (đạt 27,2% kế hoạch năm 2021, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2020).

Về nguyên nhân khiến tỷ lệ tuyển sinh đạt thấp, ông Trương Anh Dũng – Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN lý giải: Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở GDNN khó tiếp cận với các trường THCS, THPT. Vì vậy, công tác tư vấn hướng nghiệp, hình thức tuyển sinh trực tuyến chưa thu hút được nhiều người tham gia.

Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm không phải là thời điểm tuyển sinh, “mùa” tuyển sinh của GDNN. Thời điểm này chưa kết thúc năm học của giáo dục phổ thông và chưa qua kỳ thi tuyển sinh đại học. Tuyển sinh GDNN chỉ thực sự bắt đầu cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm.

Ngoài ra, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phê duyệt. Đa số các địa phương chưa tự cân đối ngân sách nên việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo gặp khó khăn...

Tuy vậy, nhiều chuyên gia lo ngại, nếu cứ “nới lỏng” tuyển sinh vào trường nghề hệ CĐ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Nhất là cứ “quảng cáo” trong thời gian ngắn được nhận bằng.

2 năm gần đây, nhiều trường CĐ rầm rộ quảng cáo tuyển sinh chương trình 9+ với rất nhiều ưu điểm như rút ngắn thời gian học tập, giảm chi phí đào tạo. Thậm chí, nhiều trường còn cam kết khi tốt nghiệp sẽ có việc làm ngay.

Hệ đào tạo này dành cho học sinh tốt nghiệp THCS đi theo con đường học nghề với chương trình học văn hóa THPT và trung cấp trong thời gian đầu. Sau khi có bằng trung cấp, các em sẽ liên thông lên CĐ với thời gian học tập tổng cộng 4 năm là tốt nghiệp.

Như vậy, các em ra trường khi chỉ mới 19 tuổi, có trình độ CĐ và tham gia thị trường lao động. So với học sinh tốt nghiệp THPT rồi mới học CĐ thì hệ đào tạo 9+ rút ngắn được từ 1 - 2 năm học. Chương trình học này được cho là giảm thiểu chi phí học tập.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc rút ngắn thời gian học khó đảm bảo được chất lượng nguồn nhân lực. Học sinh tốt nghiệp hệ CĐ khi chỉ mới 19 tuổi đã tham gia thị trường lao động sẽ khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi về chất lượng, chương trình đào tạo.

Chạy theo “mốt” để câu kéo người học

TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chỉ ra, trước đây, để đào tạo ra một loại chức danh nhân lực cụ thể thì đòi hỏi chỉ cần đào tạo ở trình độ trung học là đủ. Nhưng hiện nay, do mặt bằng của xã hội, khoa học và công nghệ của đất nước đã được nâng cao hơn nên phải nâng trình độ của nhân lực đó lên CĐ.

Rõ ràng, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo này là cần thiết, nhưng khi triển khai nâng cấp các trường ở Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ sở đào tạo thường mắc phải sai lầm. Nhất là khi nâng chuẩn trình độ đào tạo lên nhưng vẫn giữ nguyên đẳng cấp (tên gọi cũ) của cơ sở đào tạo thì sẽ gây thiệt thòi cho người học.

Ví dụ, học sinh học một chương trình nào đó phải được công nhận đạt cấp độ CĐ. Nhưng chương trình đó được thực hiện tại các trường trung cấp, thì mọi người vẫn mặc định người đó chỉ tốt nghiệp hệ trung học, chứ không phải hệ CĐ.

Ngược lại, khi trình độ người lao động đa số chỉ cần đạt trung học nghề là đủ. Nhưng nếu cơ quan quản lý lại ồ ạt nâng các trường trung cấp nghề lên thành CĐ, trong khi chương trình vẫn không thay đổi đáng kể theo chuẩn sẽ dẫn tới tình trạng đào tạo “siêu tốc”. Ví dụ như trường hợp đang gặp, “tốt nghiệp trung học cơ sở, học 3 năm có bằng CĐ, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành”…

Do đó cần phải làm rõ, khi nâng trình độ học vấn của chương trình đào tạo thì cần song song thực hiện nâng đẳng cấp của trường, cấp độ đào tạo lên. Điều này để bằng tốt nghiệp phù hợp với trình độ đào tạo.

“Đừng cố gắng chạy theo “mốt” lên CĐ để “câu kéo” người học. Trong khi trường không đảm bảo thời gian đào tạo và nội dung học cần thiết. Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn nhân lực” – TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

TS Trịnh Ngọc Thạch – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm: Thực ra, GDNN chỉ “quảng cáo” quá lên, chứ còn thực tế kết quả vẫn chưa thấy rõ. Cứ nói rằng người Việt Nam chuộng bằng cấp, cứ thích phải học đại học. Nhưng thực tế, giáo dục đại học vẫn là mô hình đào tạo ra nghề một cách bài bản.

Hơn nữa, nếu không có sự phân biệt, thì người tốt nghiệp “CĐ nghề” sẽ phải được hưởng mọi tiêu chuẩn, chế độ như các trường hợp khác. Còn hiện nay, chẳng hạn, quyền học lên đại học, thạc sĩ và tiến sĩ phải bổ sung rất nhiều điều kiện mới đủ tiêu chuẩn và đạt chuẩn. Nhất là trong điều kiện tuyển sinh không cần bằng tốt nghiệp THPT vẫn vào học hệ CĐ như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ