Tuyển sinh 2021: Dùng "tấm vé" chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có vào được đại học?

GD&TĐ - Thực hiện quyền tự chủ, nhiều cơ sở giáo dục đại học áp dụng các phương thức tuyển sinh khác nhau. Theo đó, thí sinh được sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để tham gia xét tuyển.

Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Sỹ Điền
Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Sỹ Điền

Thực tế này khiến nhiều thí sinh và phụ huynh hiểu rằng có loại chứng chỉ trên sẽ có “tấm vé” vào đại học.

Điều kiện cần nhưng chưa đủ

ThS, luật sư Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Năm nay, nhiều trường áp dụng xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có các trường khối ngành Y - Dược. Lâu nay, khối trường này chỉ sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển, nhưng năm nay có những ưu tiên cho phương thức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Riêng Trường ĐH Y Hà Nội thông báo, mức điểm chuẩn để xét thí sinh có chứng chỉ quốc tế có thể thấp hơn từ 1 - 3 điểm so với xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng xét tuyển với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ. Đây là năm thứ 3, nhà trường sử dụng phương thức này trong tuyển sinh đại học hệ chính quy.

Xu thế chung của các trường là tăng cường năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, tiến đến hội nhập quốc tế. Mặt khác, tăng cường tổ chức chương trình quốc tế trong đào tạo, trao đổi sinh viên với trường nước ngoài và tổ chức cho sinh viên thực tập ở nước ngoài… “Tôi cho rằng, việc xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là xu thế tất yếu và sẽ ngày càng được mở rộng, tạo cho thí sinh thêm cơ hội trúng tuyển đại học. Thí sinh có trình độ ngoại ngữ tương đương là một lợi thế khi học đại học và đi làm”, luật sư Trịnh Hữu Chung nhận định.

Trong quá trình tư vấn tuyển sinh, lãnh đạo Trường ĐH Gia Định nhận được nhiều câu hỏi của thí sinh với phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Nhiều thí sinh cho rằng, chỉ cần có chứng chỉ này sẽ được tuyển thẳng đại học. Tuy nhiên, theo luật sư Trịnh Hữu Chung, hiểu như vậy hoàn toàn không đúng, vì thực tế các trường đều có những điều kiện đi kèm.

Cũng theo luật sư Trịnh Hữu Chung, hiện có nhiều hình thức ưu tiên trong xét chứng chỉ như: Thí sinh có chứng chỉ IELTS, TOEFL iBT, TOEIC… đạt mức điểm nhất định theo quy định của từng trường sẽ được quy đổi sang điểm tương ứng của môn Tiếng Anh trong tổ hợp môn xét tuyển. Có trường xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Có cơ sở đào tạo xét tuyển học sinh giỏi và xét tuyển quá trình học tập cùng với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế…

“Phương thức xét kết hợp chứng chỉ có chỉ tiêu nhất định nên không ảnh hưởng nhiều đến thí sinh đăng ký các phương thức tuyển sinh khác. Tất nhiên, không phải thí sinh nào có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng trúng tuyển đại học 100%” - luật sư Trịnh Hữu Chung nhấn mạnh, đồng thời cho hay: Các trường coi chứng chỉ quốc tế là căn cứ để xem xét, sử dụng kết hợp với các phương thức xét tuyển khác. Do đó, việc có chứng chỉ quốc tế ngoại ngữ sẽ là một lợi thế. 

Có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ là lợi thế cho thí sinh khi xét tuyển đại học. Ảnh: Trường ĐH Kinh tế
Có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ là lợi thế cho thí sinh khi xét tuyển đại học. Ảnh: Trường ĐH Kinh tế

Có đỗ, có trượt

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Viết Thái – Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) chia sẻ: Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là điều kiện quan trọng để áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp, nhưng không mang tính quyết định. Chẳng hạn như: Trường ĐH Thương mại áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/chứng chỉ khảo thí quốc tế (ACT, SAT) còn hiệu lực đến ngày xét tuyển hoặc giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi (bậc THPT) cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Hoặc học sinh đoạt giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, theo tổ hợp xét tuyển tương ứng với ngành (chuyên ngành) đăng ký xét tuyển theo quy định của trường. Ngoài ra, trường cũng áp dụng phương thức kết hợp chứng chỉ trên với kết quả học tập bậc THPT.

“Vì chỉ tiêu có hạn (khoảng 10%), nhà trường sẽ xét từ cao xuống thấp cho đến khi đủ sinh viên. Điều này đồng nghĩa với việc, không phải thí sinh nào có chứng chỉ ngoại ngữ là chắc chắn trúng tuyển vào Trường ĐH Thương mại” - PGS.TS Nguyễn Viết Thái khẳng định.

Cho rằng, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là một trong những điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ để thí sinh chắc chắn có được “tấm vé” vào đại học, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), mỗi cơ sở đào tạo đều có đề án tuyển sinh riêng, với những quy định và hướng dẫn cụ thể về công tác xét tuyển, trong đó có phương thức xét tuyển kết hợp sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Do đó, mỗi trường sẽ có cách tính, hoặc quy đổi các chứng chỉ này theo thang điểm 10 khác nhau.

Vì thế, thí sinh cần nghiên cứu kỹ các phương án tuyển sinh, điều kiện xét tuyển đại học được nêu trong đề án tuyển sinh riêng. Nhiều cơ sở giáo dục đại học, nhất là những trường tốp đầu, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là một trong những điều kiện ưu tiên trong xét tuyển. “Thí sinh cần đặc biệt lưu tâm, đọc kỹ các điều kiện cần và đủ khi sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để tham gia xét tuyển, tránh bị “trượt oan”” - PGS.TS Phạm Mạnh Hà khuyến cáo.

Thí sinh, nhất là với những thí sinh học chương trình chất lượng cao, học bằng tiếng Anh lưu ý, chứng chỉ chỉ quyết định phần nào cơ hội trúng tuyển. Quan trọng, các em biết sử dụng lợi thế đó trong quá trình học tập và nghiên cứu tài liệu. - Luật sư Trịnh Hữu Chung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.