Tương lai nhìn từ Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF mới đây cảnh báo xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas sẽ gây tổn hại cho các nền kinh tế Trung Đông.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF mới đây cảnh báo xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas sẽ gây tổn hại cho các nền kinh tế Trung Đông như Ai Cập, Lebanon, Jordan... và hậu quả của nó có thể nhìn thấy rõ ràng trong tương lai.

Trước cuộc tấn công hôm 7/10, nền kinh tế khu vực Trung Đông đã phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn có sự lạc quan. Nhiều năm rối ren ở khu vực này đã nhường chỗ cho một kỷ nguyên hòa giải.

Mỗi quốc gia đều đặt mục tiêu phát triển đầy tham vọng, trong đó, dẫn đầu là các quốc gia vùng Vịnh khi đầu tư hàng tỷ USD nhằm đa dạng hóa nền kinh tế.

Tuy nhiên, xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đã khiến triển vọng kinh tế trong khu vực và trên thế giới đảo lộn, đồng thời đã cản trở khả năng thu hút khách du lịch tiềm năng đến Trung Đông, nhất là ở Ai Cập khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động du lịch.

Tiếp theo đó là việc vận chuyển hàng hóa sẽ trở nên khó khăn, khiến giá thành vận chuyển tăng cao. Chưa kể, việc sản xuất dầu mỏ sẽ bị đình trệ bởi liên đới từ gián đoạn vận chuyển khiến ngành xuất khẩu dầu mỏ, một trong những trụ cột kinh tế Trung Đông, sụt giảm hiệu suất.

Nhiều chuyên gia đã mạnh dạn đưa ra dự đoán xung đột Israel và Hamas sẽ gây thiệt hại lên tới hàng chục tỷ USD cho khu vực Trung Đông. Thế nhưng, một vấn đề quan trọng khác là tác động của cuộc chiến này lên nền kinh tế thế giới.

Kinh tế toàn cầu bước vào năm 2023 với nhiều kỳ vọng, trong đó có việc Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế “không Covid” và mở cửa biên giới. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đã trải qua một năm 2023 đầy biến động và thách thức do xung đột Nga – Ukraine, kinh tế Trung Quốc chưa đạt tăng trưởng như kỳ vọng, và sau đó là cuộc xung đột Israel và lực lượng Hamas.

Hôm 29/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống 2,9% và giữ nguyên dự báo tăng trưởng thế giới năm 2024 ở mức 2,7%. Sở dĩ dự đoán không mấy lạc quan này đến từ nguy cơ xung đột Israel và Hamas có thể làm suy yếu nền kinh tế.

Báo cáo của OECD cảnh báo nếu xung đột này ngày càng nghiêm trọng và lan rộng ra toàn khu vực, rủi ro tăng trưởng kinh tế chậm lại và gia tăng lạm phát sẽ gấp nhiều lần so với hiện tại.

Châu Âu sẽ là một trong những khu vực chịu tác động đầu tiên bởi liên quan đến dầu khí, năng lượng và hoạt động thương mại. Xung đột khiến giá dầu tăng làm tăng giá tiêu dùng và giảm GDP tại các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Trung Đông.

Với châu Á, tác động lớn nhất của xung đột là lên hoạt động sản xuất bởi giá dầu tăng cao, chi phí tăng cao trong khi nhu cầu toàn cầu giảm dẫn đến sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Trước đó, châu Á, nơi sản xuất phần lớn hàng hóa trên thế giới, vốn đã phải vật lộn để tăng cường sản xuất trong bối cảnh nhu cầu không ổn định từ các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu.

Về mặt tổng quan, đến nay, phải nghiêm túc nhìn nhận rằng cuộc xung đột Israel - Hamas là có ảnh hưởng lên nền kinh tế thế giới trong năm 2023 và có thể kéo dài sang năm 2024 do các triển vọng ngừng bắn còn mờ nhạt. Tuy nhiên, tác động của nó lên từng khu vực là không đồng đều.

Dù vậy, Trung Đông vẫn là khu vực cần phải theo dõi chặt chẽ bởi bất kỳ một tác động khuếch đại nào trong khu vực này cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, địa chính trị vốn nhiều xáo trộn trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Muối ăn - con dao hai lưỡi?

GD&TĐ - Ăn chay hay ăn mặn, muối đều có trong đó. Tuy cần thiết, nhưng muối ăn vẫn là “con dao 2 lưỡi” vì việc thiếu hoặc thừa đều gây tác hại cho sức khỏe.