Tương lai khó đoán

GD&TĐ - Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Đầu năm nay, sau khi dỡ bỏ lệnh cấm Covid-19, các hoạt động kinh tế của quốc gia này bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ nhưng đến nay đã xuất hiện dấu hiệu chững lại và thậm chí là sụt giảm.

Tuần trước, đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm khiến ngân hàng trung ương phải áp dụng biện pháp bảo vệ tiền tệ hiếm thấy là thiết lập tỷ giá so với đồng đô la Mỹ cao hơn nhiều so với giá thị trường ước tính.

Chỉ số giá tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, tỷ lệ thất nghiệp trong người trẻ tăng hơn 20%. Ngành bất động sản gặp khủng hoảng nghiêm trọng với khoảng 3.000 dự án đang có nguy cơ vỡ nợ.

Nhiều ngân hàng đầu tư lớn đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống dưới 5%. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức là 5,8% vào năm 2023.

Nền kinh tế đã rơi vào trạng thái ảm đạm từ tháng 4 khi các tập đoàn bất động sản lớn có nguy cơ vỡ nợ. Khủng hoảng trong ngành bất động sản đã lan sang ngành tài chính. Bắc Kinh đã triển khai nhiều biện pháp giảm thiểu khủng hoảng bất đống sản và kích thích kinh tế như giảm lãi suất cơ bản.

Một vấn đề lớn khác là nợ của chính quyền các địa phương. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng khi nguồn thu từ bán đất giảm mạnh, cũng như tác động kéo dài của chi phí áp dụng biện pháp phong tỏa Covid-19.

Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa có bước đi lớn nào để vực dậy ngành bất động sản đang sa sút. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình cảnh trên là Trung Quốc thiếu các biện pháp quyết liệt để kích thích nhu cầu trong nước.

Đối phó với khủng hoảng hiện nay, Trung Quốc không còn bơm nhiều tiền vào nền kinh tế như cách họ đã làm hồi năm 2008. Thời điểm đó, nhờ tung ra gói kích thích lớn chưa từng có, Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới thoát khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hay như trong những ngày đầu dịch Covid-19, Trung Quốc là nền kinh tế duy nhất tránh được suy thoái.

Ngoài ra, Trung Quốc đang phải đối mặt với một số thách thức dài hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế như khủng hoảng dân số, quan hệ căng thẳng với các đối tác thương mại thế giới.

Dữ liệu đầu năm 2023 chỉ ra dân số Trung Quốc có xu hướng giảm từ năm ngoái. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện nay còn thấp hơn so với Nhật Bản, quốc gia vốn nổi tiếng về độ già hóa dân số. Dân số già đi tạo nên thách thức đáng kể đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Thêm vào đó, việc suy giảm nguồn cung lao động, tăng chi tiêu xã hội và chăm sóc sức khoẻ có thể dẫn đến thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ tài chính cao hơn. Nhu cầu nhà ở cũng sẽ giảm trong dài hạn nên khả năng vực dậy ngành bất động sản thấp.

Trong tình huống xấu nhất, kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng trì trệ như Nhật Bản trong “thập kỷ lạc lối” kéo dài suốt thập niên 1990. Tăng trưởng kinh tế sẽ đi ngang, giá cổ phiếu và bất động sản lao đốc.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ tin tưởng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi dần dần bởi trong bức tranh tổng quan u ám, nhiều lĩnh vực vẫn đang phát triển như xe điện, điện mặt trời...

Bằng chứng là Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua xe điện trên thế giới. Nước này có thể đang dịch chuyển kinh tế theo hướng phát triển xanh, năng lượng sạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ