Tuổi thơ khó khăn nhưng cực kỳ thú vị của tác giả "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên"

Tẩm "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" từng được chuyển thể lên phim truyền hình và gây sốt khi phát sóng ở Việt Nam.

Hình ảnh trong bộ phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Laura Ingalls Wilder.
Hình ảnh trong bộ phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Laura Ingalls Wilder.

“Thời thơ ấu của các đại văn hào” hé lộ những câu chuyện tuổi thơ với đầy những kịch tính, thú vị, tạo nền tảng trên con đường văn chương của nhiều tác giả nổi tiếng thế giới.

Tuổi thơ dữ dội, bồi đắp tâm hồn

Tuổi thơ của các nhà văn luôn có những dấu ấn đặc biệt, được lưu dấu lại trên những trang viết sau này.

Tác giả của bộ truyện nổi tiếng Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên đã từng có một tuổi thơ khó khăn nhưng thú vị khi gia đình bà luôn rong ruổi trong cuộc khai hoang những vùng đất mới. Tới năm lên bảy tuổi, Laura Ingalls Wilder đã chuyển nhà ba lần.

Mặc dù đường đi rất khắc nghiệt và vất vả, nhưng Laura luôn rất hứng thú với những lần chuyển chỗ ở mới. Khi Laura 5 tuổi, cô cùng chị Mary đến trường. Chặng đường hai dặm từ nhà đến trường vào buổi sáng, chính là khoảng thời gian cô thích nhất, dù phải đi bộ bằng chân trần vì không đủ tiền mua giày.

Năm Laura mười hai tuổi, một biến cố trong gia đình đã khiến Laura trở nên trưởng thành hơn. Vì mắc bệnh nặng, chị Mary đã bị mù đôi mắt, và Laura đã trở thành đôi mắt của chị, cô luôn đọc to bài học trong lớp để giúp Mary hiểu bài.

Khi cả gia đình chuyển đến thị trấn mới tạo lập tên là De Smet, Laura vừa đi học vừa nhận việc làm thêm sau giờ học để tiết kiệm tiền giúp Mary có thể đăng ký vào trường học cho người khiếm thị.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Laura luôn mạnh mẽ, nỗ lực và tràn đầy tinh thần yêu đời. Những cánh đồng bát ngát, những loài vật động vật hoang dã, chính là điều đã tạo nên tính cách phóng khoáng của Laura, đồng thời trở thành ký ức quan trọng, giúp cô viết nên tác phẩm Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên tuyệt đẹp.

Độc giả có lẽ ai cũng quen thuộc với bộ truyện kinh điển Anh chàng Hobbit và Chúa tể những chiếc nhẫn của J. R. R. Tolkien. Thời thơ ấu, Tolkien đã từng sống ở châu Phi. Lúc nhỏ, vì cha nhận việc tại một ngân hàng ở Nam Phi mà cả gia đình ông phải chuyển từ Anh đến châu Phi.

Có một lần vào ngày hè nóng nực, trong lúc lững chững chơi ngoài vườn, cậu bé Tolkien vấp phải một con vật tám chân màu đen, lông lá, to bằng cái đĩa ăn cơm. Đó là loài nhện khỉ đầu chó, là một trong những loài nhện hiếm nhất, to và nặng nhất thế giới.

Trong lúc sợ hãi vì nhìn thấy loài vật kinh khủng đó, cậu vô tình vấp phải nó và bị cắn vào chân, khiến bàn chân sưng tấy. Tolkien đã bị ám ảnh về lần bị nhện độc cắn ấy cho đến tận khi trưởng thành và là nhà văn. Hình tượng con nhện Shelob khủng lồ hung ác canh gác lối vào Mordor, được cho là lấy ý tưởng về ký ức này.

Nhà văn Roald Dahl, từ nhỏ đã mê kẹo đến mức lúc nhỏ ông thường dành hết sạch tiền tiêu vặt cho kẹo ngọt. Niềm say mê kẹo của ông Roald Dahl đã dẫn cậu bé đến với cơ hội được thử kẹo khi học tại Trường nội trú Repton. Quãng thời gian thử kẹo ấy là trải nghiệm quý giá đối với Road Dahl, khiến ông viết nên tác phẩm thiếu nhi bán chạy nhất mọi thời đại, Charlie và nhà máy sô cô la.

Được chấp cánh bởi những người thân yêu

Thời thơ ấu của các đại văn hào cũng lưu dấu rất nhiều ký ức đặc biệt về vai trò của người thân trong quá trình trưởng thành và thành công của các đại văn hào.

Nhà văn Zora Neale Hurston là người Mỹ gốc Phi ở miền nam nước Mỹ. Khi cha mẹ chuyển đến Eatonville, bang Florida Zora được đi học tại trường dành cho người da đen. Ở đây cô bé đã bắt đầu đọc và sáng tác truyện. Bằng trí tưởng tượng của mình, cô có thể biên ra cả một câu chuyện từ bất cứ thứ gì, như lõi ngô, bánh xà phòng…

Trong bối cảnh nạn phân biệt chủng tộc ngày một diễn ra sâu sắc ở Mỹ, cha Zora muốn cô yên phận sống trong khu của người da đen, thì mẹ Zora lại luôn khuyến khích cô “hãy luôn bật tới mặt trời”. Bà muốn con gái được tự do phát triển.

Chính những lời động viên, ủng hộ của mẹ đã khiến Zora mạnh mẽ vượt qua nhiều nghịch cảnh trong đời sống, ngay cả khi mẹ qua đời, cha ngừng chu cấp cho việc học hành, Zora vẫn kiên quyết làm việc và học tập, để có thể tốt nghiệp đại học và tung cánh trở thành một nhà văn nổi tiếng.

Mẹ của nhà văn Mark Twain cũng là người đã có ảnh hưởng quan trọng đến hành trình trở thành nhà văn nổi tiếng của ông.

Mẹ Mark Twain là một người hướng ngoại. Bà yêu âm nhạc, khiêu vũ và kể chuyện. Dù lúc nhỏ Mark Twain hay đau ốm, càng lớn càng nghịch ngợm, quậy phá nhưng bà luôn ủng hộ con trai. Khi Mark Twain muốn thực hiện những chuyến phiêu lưu của mình, bà chúc phúc cho cậu, đồng thời “bắt cậu lập lời cam kết ứng xử tốt … không uống rượu, đánh bạc hay nghịch phá”.

Tuổi thơ của họ không phải ai cũng suôn sẻ nhưng bằng những trải nghiệm cá nhân, sự nỗ lực không ngừng nghỉ cùng với những lời động viên của người thân yêu có thể chính là những yếu tố tạo nên thành công cho họ.

Những câu chuyện hấp dẫn, kịch tính được sưu tầm bởi tác giả David Stabler kết hợp với phần minh họa hóm hỉnh, sinh động của Doogie Horner đã tạo nên sức hút lôi cuốn độc giả.

“Hãy bật tới mặt trời” cũng chính là nguồn cảm hứng mà cuốn sách Thời thơ ấu của các đại văn hào đem lại cho độc giả nhí.

Đọc cuốn sách, độc giả không chỉ được khám phá những câu chuyện tuổi thơ thú vị về những tác giả mình yêu quý, mà còn có thể tạo thêm nhiều động lực trong quá trình trưởng thành và khẳng định bản thân. Không phải đứa trẻ nào lớn lên cũng trở thành người nổi tiếng, nhưng khi cố gắng hết mình, chúng ta sẽ trở thành người thành công thực sự, và không có gì phải hối tiếc.

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.