Tư vấn tâm lý học đường: 'Bơ vơ' tìm nơi… trút bầu tâm sự

GD&TĐ - Tư vấn tâm lý học đường giúp học sinh tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để học tập hiệu quả hơn, tự tin trong cuộc sống.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ tại Tọa đàm "Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường?".
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ tại Tọa đàm "Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường?".

Tuy nhiên, trên thực tế tại nhiều trường học, mức độ tiếp cận với hoạt động này của học sinh còn khiêm tốn.

Âm thầm chịu đựng

Áp lực học tập cộng với việc không đồng quan điểm với ba mẹ, Nguyễn Thị Hoài Thương (học sinh lớp 10 tại Quận 4, TPHCM) không ít lần bị tổn thương về tinh thần. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 kéo dài phải chuyển sang học trực tuyến, Thương không có nhiều bạn bè để trực tiếp chia sẻ nên cô học trò này chọn cách âm thầm chịu đựng.

Hoài Thương cho biết: “Khoảng thời gian cuối năm học THCS, em stress rất nhiều. Ngoài chuyện học hành thi cử thì đa số là chuyện gia đình. Bởi em với ba mẹ không cùng quan điểm nên khó trò chuyện. Lúc đó, trường không có phòng tư vấn tâm lý học đường. Bản thân chưa thực sự tin tưởng, còn ái ngại để giãi bày với các thầy cô. Vì vậy, em thường âm thầm chịu đựng một mình”.

“Trường em không có phòng tư vấn tâm lý học đường, công tác này do thầy Tổng phụ trách Đội và thầy cô chủ nhiệm phụ trách. Nhưng từ trước tới nay, mỗi khi căng thẳng, áp lực em không tìm đến các thầy cô vì khá ngại ngùng và thực sự không quen. Có những chuyện em tâm sự với bạn bè trong trường. Nhưng không ít lần vì không biết tâm sự với ai, em sẽ bật nhạc đi ngủ và tự an ủi mình bằng cách “kệ đi, kiểu gì cũng giải quyết được””, Nguyệt chia sẻ.

Tương tự, Trần Thị Minh Nguyệt (học sinh lớp 9 tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) vốn là học sinh giỏi, tích cực tham gia các hoạt động trường, lớp. Nhưng áp lực làm “con ngoan trò giỏi” trong mắt bạn bè, gia đình, người thân khiến nữ sinh có lúc rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng, đặc biệt trong giai đoạn học trực tuyến. May mắn khi được đến trường học trực tiếp đúng thời điểm căng thẳng tột độ, tương tác nhiều hơn với bạn bè, nên mọi thứ dần ổn định trở lại.

Lắng nghe nhưng không thể… chia sẻ

Do chưa có nhân viên tâm lý học đường chuyên trách, công việc tư vấn hỗ trợ chủ yếu do ban giám hiệu, Tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm. Tình trạng này dẫn đến việc trò ngại chia sẻ vấn đề khó nói, đôi khi liên quan đến chính người giữ nhiệm vụ tư vấn.

Ngoài ra, nhân sự chỉ kiêm nhiệm nên công tác tư vấn tâm lý chưa chuyên sâu, bài bản, đa phần mới chỉ dừng lại ở lắng nghe mà không có hướng tháo gỡ cụ thể trong từng trường hợp. Chưa kể, khối lượng công việc của người kiêm nhiệm khá nhiều, chi phối phần nào thời gian dành cho hoạt động tư vấn tâm lý.

Công tác tư vấn tâm lý học đường tại nhiều trường phổ thông ở TPHCM vẫn do Ban giám hiệu, Tổng phụ trách Đội và giáo viên chủ nhiệm đảm nhận.

Công tác tư vấn tâm lý học đường tại nhiều trường phổ thông ở TPHCM vẫn do Ban giám hiệu, Tổng phụ trách Đội và giáo viên chủ nhiệm đảm nhận.

Theo chia sẻ của thầy Cao Ngọc Thanh, Tổng phụ trách Đội, phụ trách công tác tư vấn tâm lý của Trường THCS Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), “sức đề kháng” của học sinh hiện nay rất yếu. Chỉ gặp một vấn đề nhỏ như điểm kiểm tra kém hơn bạn, bị ba mẹ rầy la, ba mẹ chưa đáp ứng đòi hỏi về vật chất… các em có thể phát sinh trầm cảm, lo âu, buồn bực, có suy nghĩ và hành động thiếu suy nghĩ. “Mỗi giáo viên luôn lắng nghe, nắm bắt tâm lý học sinh, nhằm tháo gỡ kịp thời, hạn chế tình huống xấu xảy ra, tuy nhiên hoạt động này cũng chỉ là tạm thời, không đạt hiệu quả cao vì thầy cô chủ nhiệm không có chuyên môn về tâm lý, khối lượng công việc lại nhiều”, thầy Thanh chia sẻ.

Đồng quan điểm, thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4, TPHCM), nhìn nhận, đối với bậc THPT, học sinh có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, áp lực thời gian học, băn khoăn khi định hướng nghề nghiệp, bị chi phối bởi tình cảm khác giới, hay sử dụng mạng xã hội quá nhiều dẫn đến sao nhãng học tập.

“Thực tế giáo viên tư vấn tâm lý của nhà trường không thể một mình kham nổi cả ngàn học sinh các khối lớp. Trong khi đó, nhiều học sinh khi đến phòng tư vấn của trường vẫn mang tâm lý ngại ngùng. Vì vậy, nhà trường đã kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và các cộng tác viên là chính học sinh trong trường học để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh, đưa ra các giải pháp tư vấn linh hoạt, kịp thời tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra tại buổi sinh hoạt chung toàn trường”, thầy Đảo chia sẻ.

Do không có phòng tư vấn tâm lý học đường nên 4 thành viên của ban giám hiệu, các thầy cô làm công tác giám thị, trợ lý thanh niên, giáo viên dạy kỹ năng của Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) được huy động vào ban tư vấn. Theo thầy Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú, ban tiếp nhận tư vấn cho học trò qua điện thoại, tin nhắn, không gặp trực tiếp để các em cảm thấy thoải mái.

“Quan điểm của nhà trường, tư vấn tâm lý học đường là chuyện cần kín đáo, tế nhị. Chúng tôi luôn tiếp nhận một cách tình cảm và giải quyết rốt ráo. Trong quá trình giải quyết quyền lợi phải nằm ở phía học sinh, như vậy mới tạo được niềm tin, từ đó các em mới chia sẻ với bạn bè. Thời gian qua không chỉ học sinh, mà có nhiều phụ huynh vẫn gọi điện cho trường nhờ tư vấn”, thầy Phú cho hay.

“Việc thành lập tổ tham vấn tâm lý với những giáo viên làm công tác kiêm nhiệm nhưng không có chuyên môn sâu về tâm lý, không hiểu quy tắc làm việc trong công tác tham vấn tâm lý sẽ không mang lại hiệu quả và dễ khiến học sinh mất niềm tin. Vì vậy, mỗi trường cần phải có một giáo viên chuyên trách công tác này. Không nhất thiết thành lập tổ tư vấn học đường mà chỉ cần thành lập các lực lượng hỗ trợ cho công tác tâm lý học đường”, cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên tư vấn tâm lý Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM) đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

10 ngày phản công Kursk

10 ngày phản công Kursk

GD&TĐ - Sau gần 10 ngày phản công ở Kursk, quân Nga đã giành lại nhiều làng mạc và thị trấn, bản đồ khu vực kiểm soát của Ukraine đã bị thu hẹp đáng kể.

Khôi phục mộc bản triều Nguyễn bằng công nghệ 3D.

Khôi phục mô hình 3D mộc bản triều Nguyễn

GD&TĐ - Các mô hình học máy sau khi được huấn luyện sẽ học cách xây dựng các mô hình 3D mộc bản bị mất từ bản in 2D đang được lưu trữ, để phục dựng lại.