Tư vấn tâm lý học đường: Trao cơ hội cho trò

GD&TĐ - Đi học trở lại sau thời gian dài, không ít học sinh gặp phải vấn đề về tâm sinh lý, thậm chí còn có hành vi tiêu cực, lệch chuẩn về đạo đức.

Cô Hoàng Thị Thu Trang - giáo viên Trường THCS Hải Lý thường xuyên tâm sự khi trò có chuyện khó nói.
Cô Hoàng Thị Thu Trang - giáo viên Trường THCS Hải Lý thường xuyên tâm sự khi trò có chuyện khó nói.

Điều này đòi hỏi thầy cô phải tiếp cận và có hướng tư vấn phù hợp, kịp thời.

Hiểu để tư vấn đúng và trúng

Thầy Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) - cho hay, trường thuộc vùng ven biển, người dân chủ yếu làm nghề đi biển và làm ăn xa. Trong mùa dịch Covid-19, nhiều gia đình bị ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế, việc quan tâm chăm sóc, theo dõi con em của phụ huynh cũng còn nhiều hạn chế. Trong thời gian học trực tuyến, học sinh ngoài học trên lớp, có thời gian tiếp cận với nhiều cái mới trên không gian mạng. Quan hệ bạn bè rộng hơn, giao tiếp với nhiều đối tượng, từ đó tâm lý có nhiều thay đổi.

Trở lại học trực tiếp, học sinh có sự thay đổi rõ rệt từ lời ăn, tiếng nói đến phong cách ăn mặc và mối quan hệ bạn bè, thậm chí vi phạm quy định của nhà trường, chán học, trầm cảm. Ngoài ra, khoảng cách giữa thầy cô và học sinh ngày một xa, không có sự hòa đồng.

Trước thực trạng trên, nhà trường tìm giải pháp để đưa học sinh trở lại trạng thái bình thường như trước mùa dịch qua việc đề cao công tác tư vấn tâm lý học đường. Thầy cô đồng thời là người bạn đồng hành với học sinh để lắng nghe, chia sẻ tháo gỡ khi gặp vấn đề khó nói.

Điển hình như một học sinh lớp 8 tên T.B.V. có hành vi mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử trên mạng xã hội. Khi nhà trường phát hiện và kiểm tra lịch sử các cuộc giao tiếp và truy cập trên mạng xã hội, em này đã vào xem một số trang mạng không lành mạnh. Sau đó, một số bạn bè xấu đã lan truyền việc làm này khiến V. xấu hổ, lo sợ và không muốn đến trường.

Là giáo viên chủ nhiệm, sau khi biết thông tin, cô Trần Thị Duyên đã tìm hiểu và đến nhà để tìm giải pháp hỗ trợ V. Mẹ lại làm ăn xa, V. ở với ông bà ngoại tuổi đã cao nên cô Duyên “một mình tác chiến”.

“Sau khi gặp học sinh, tôi nhận thấy em vướng vào những sai lầm là do thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ. Từ đó, trong giờ học trên lớp hay ngoại khóa, tôi giao nhiều việc cho em hơn và thường xuyên ghi nhận sự tiến bộ. Được tin tưởng, em bộc bạch tất cả điều giấu kín mà bấy lâu không chia sẻ được với ai. Trên cơ sở đó, tôi đã hiểu, gần gũi em hơn thay vì thái độ nghiêm khắc như trước. Đồng thời động viên các bạn cùng lớp chia sẻ, giúp đỡ em trong học tập, cùng V. tham gia vào hoạt động chung của lớp. Đến nay, em thực sự tiến bộ và không lầm lì như trước” - cô Duyên chia sẻ.

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh nêu quan điểm, thầy cô cần đồng hành và chia sẻ với học sinh mới tư vấn đúng và trúng các tâm tư, nguyện vọng của các em.

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh nêu quan điểm, thầy cô cần đồng hành và chia sẻ với học sinh mới tư vấn đúng và trúng các tâm tư, nguyện vọng của các em.

Trao niềm tin

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) - nhận định, đa số các trường vẫn chưa có biên chế cho vị trí nhân viên tham vấn tâm lý học đường. Do đó, tận dụng lực lượng tại chỗ là cách được nhiều đơn vị lựa chọn.

Phòng tham vấn tâm lý học đường là nơi mà thầy cô có thể gặp gỡ học sinh hay phụ huynh học sinh. Thay vì chỉ gặp gỡ khi trẻ mắc lỗi, hiện nay nội dung được mở rộng ra, từ giải quyết xung đột giữa trẻ với bạn bè đến khúc mắc với thầy cô, gia đình hay bất kỳ vấn đề các em gặp trong cuộc sống.

“Từ nhiều năm nay, chúng tôi thường chọn chủ đề theo từng năm để mời chuyên gia tâm lý về trường nói chuyện với các thầy cô chủ nhiệm. Đôi khi chỉ là đổi mới hình thức quản lý học sinh/gặp gỡ phụ huynh để cảm nhận sự đổi mới, từ đó đồng hành cùng nhà trường.

Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch theo dõi diễn biến tâm lý học sinh theo từng giai đoạn. Ví dụ, thời gian bùng nổ về tâm lý thường rơi vào các em khối 7. Có những em rất hoạt bát nhưng qua dậy thì thu mình lại. Việc theo dõi diễn biến tâm lý của học sinh sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên trong công tác tham vấn tâm lý”, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh trao đổi.

Với gần 30 năm công tác trong ngành Giáo dục và không ít lần trực tiếp tư vấn tâm lý mỗi khi các em gặp vấn đề, cô Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) - nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của bộ phận tham vấn tâm lý học đường.

Chia sẻ về một trường hợp nữ sinh lớp 9 năm học 2021 - 2022, cô Hường cho hay, khi trở lại trường học, em có biểu hiện trầm cảm như tự cứa vào tay, không chịu học và buồn chán. Cô Hường đã theo dõi, hỏi han, động viên và kể khó khăn mà chính cô trải qua cũng như cách giải quyết. Sau nhiều lần như vậy, nữ sinh dần ổn định tâm lý và thích được nghe cô nói chuyện nên thỉnh thoảng lại nhắn tin hoặc qua phòng chào cô.

Để giúp em bắt nhịp với việc học, cô Hường cũng yêu cầu giáo viên bộ môn không đặt áp lực bài vở. Nhiều lần cô Hường trực tiếp kèm riêng môn Toán, vì trên lớp, em không tập trung được. “Thấu hiểu hoàn cảnh, sau thời gian dài nỗ lực, kiên trì, cuối cùng, em thi và đỗ vào một trường THPT trên địa bàn. Đây là niềm vui của cả gia đình cũng như các thầy, cô giáo của nhà trường”, cô Hường tâm sự.

“Thời đại nào cũng có học sinh gặp phải những bất ổn tâm lý. Trong điều kiện công nghệ phát triển, cộng thêm ảnh hưởng do dịch Covid-19, vấn đề tâm lý học đường càng cần được quan tâm. Để đồng hành với học sinh, cách tốt nhất là đa dạng hóa hoạt động, giúp học sinh giải tỏa được năng lượng tiêu cực thông qua vận động, trao đổi và kết nối. Làm sao đó để học sinh yêu trường, yêu lớp và có ý chí phấn đấu trong học tập” – thầy Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ