Tư vấn tâm lý học đường: Đổi mới đào tạo để thích ứng

GD&TĐ - Công tác tư vấn tâm lý học đường ngày càng trở nên quan trọng. 

Sinh viên Đỗ Hoàng Giang tham gia khoá trại hè tại Trường Quốc tế Sunshine Maple Bear. Ảnh: NVCC
Sinh viên Đỗ Hoàng Giang tham gia khoá trại hè tại Trường Quốc tế Sunshine Maple Bear. Ảnh: NVCC

Do đó, đào tạo ngành này cần tiếp tục được đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thu hút nhiều người theo học.

Sức hút lớn

“Ngoài chương trình đào tạo trên giảng đường, Học viện còn tổ chức nhiều hội thảo khoa học, giúp sinh viên được tiếp cận học thuật và cọ xát thực tế. Qua đó, trang bị cho chúng em nhiều kiến thức, kinh nghiệm để có thể làm việc sau này” - Hoàng Giang bộc bạch và mong muốn có thể tham gia hỗ trợ các hoạt động tham vấn tâm lý, tư vấn hướng nghiệp, công tác xã hội học đường, tư vấn chiến lược học tập trong nhiều môi trường làm việc khác nhau.

Luôn khao khát trở thành cán bộ tư vấn tâm lý học đường, Đỗ Hoàng Giang đang dần hiện thực hoá ước mơ của mình. Hiện, em là sinh viên lớp K13A-TLHGD, Khoa Tâm lý, Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục). Hoàng Giang chia sẻ, chương trình đào tạo của Học viện khá phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên.

Cho rằng, ngành tâm lý học đang thu hút số lượng lớn học sinh đăng ký theo học, TS Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khoẻ tinh thần, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) trao đổi, giai đoạn này là cơ hội để phát triển ngành tâm lý học trong các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn vì thiếu đánh giá tiêu chuẩn đầu ra như một số ngành y khoa hay luật.

Việc đào tạo chưa đảm bảo chất lượng một phần do năng lực chuyên môn giảng viên tham gia chương trình. Họ ít có nghiên cứu chuyên sâu và thiếu năng lực thực hành. Trong khi đó, đào tạo một nhà tâm lý đòi hỏi phải có đủ năng lực mới cung cấp được dịch vụ. Phải có đạo đức nghề nghiệp và phải được giám sát lâm sàng liên tục, lâu dài. Ngoài ra, các cơ sở thực hành cũng còn rất thiếu và yếu dẫn tới mô hình đào tạo thực hành chưa thể đáp ứng được chất lượng như kỳ vọng.

TS Lê Minh Công cho hay: Hiện có nhiều trường đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ ngành tâm lý và có hàng nghìn học viên, sinh viên theo học mỗi năm. Ngoài ra, nhiều trường đại học nước ngoài tại Việt Nam cũng bắt đầu mở ngành đào tạo chương trình tâm lý học. Tuy nhiên, họ mới chỉ đào tạo bậc cử nhân và cơ bản, chưa đi sâu vào đào tạo chuyên ngành hẹp như các ngành tâm lý lâm sàng, tham vấn, tâm lý học tổ chức công nghiệp…

Bắt nhịp với nhu cầu xã hội

Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên đào tạo cử nhân tham vấn học đường. Đây là chương trình đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được khoa Các Khoa học Giáo dục xây dựng nhằm đào tạo nguồn nhân lực tâm lý trong trường học ở Việt Nam theo hướng hiện đại, lấy nghiên cứu dựa trên minh chứng làm nền tảng, phù hợp với đặc điểm Việt Nam và tiệm cận với trình độ tham vấn học đường thế giới.

Sức hút của nghề tham vấn học đường ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa: TG

Sức hút của nghề tham vấn học đường ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa: TG

TS Trần Văn Tính - Chủ nhiệm bộ môn Giáo dục và phát triển con người, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, mục tiêu chung của đào tạo cử nhân về tham vấn học đường là có tính liên ngành, tích hợp kiến thức và kỹ năng của tâm lý học, giáo dục học, tư vấn hướng nghiệp, công tác xã hội. Ngoài ra, chương trình đào tạo cho sinh viên kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm để sử dụng vào các bước của tham vấn học đường.

Cùng với đó là kỹ năng xử lý thông tin đánh giá đầu vào và đưa ra quyết định tham vấn phù hợp; kỹ năng nghiên cứu thực tiễn để phát hiện và giải quyết vấn đề thuộc lĩnh vực tham vấn học đường. Đồng thời có năng lực thực hiện các trắc nghiệm đánh giá khó khăn tâm lý - xã hội và học tập của học sinh, đưa ra bước hỗ trợ, thực hiện hỗ trợ...

Theo TS Trần Văn Tính, cử nhân ngành tham vấn học đường có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Tham vấn tâm lý, cung cấp dịch vụ tâm lý - xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, công tác cộng đồng, đoàn thể… Xã hội càng phát triển, con người gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống. Do vậy nhu cầu về tham vấn tâm lý ngày gia tăng, nghề tư vấn tâm lý có tiềm năng phát triển.

“Hiện nhu cầu tham vấn từ cộng đồng mới phát triển mạnh ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Các thành phố, tỉnh thành khác vẫn còn hạn chế do nhận thức và yếu tố kinh tế chưa phát triển. Tuy nhiên, trong tương lai gần, nhu cầu này rất lớn ở tất cả địa phương do nhận thức và kinh tế phát triển mạnh” - TS Trần Văn Tính nhìn nhận.

TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý, Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) thông tin: Các nghiên cứu trên thế giới chỉ rõ, để hỗ trợ tốt cho thầy - trò trong các nhà trường, cứ 300 học sinh cần 1 chuyên gia tâm lý học trường học.

Như vậy, nhân lực tâm lý học trường học, nhất là các chuyên gia được học chuyên sâu về Tâm lý học lâm sàng làm nhiệm vụ đánh giá, trị liệu tâm lý học đường còn rất hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc, cơ hội việc làm cho sinh viên theo học ngành này rất nhiều. Ngoài ra, nếu đặt giả thiết, cứ 3 trường phổ thông có 1 chuyên viên tham vấn chuyên nghiệp, thì cần khoảng 10.000 người cho 30.000 trường phổ thông trên cả nước.

Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông được xem như cú hích quan trọng về mặt pháp lý trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại trường học cho học sinh, trẻ em tại Việt Nam. Trong đó vai trò và vị trí việc làm của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý học lâm sàng, tham vấn học đường tại các đơn vị giáo dục từ cấp tiểu học tới phổ thông là không thể thiếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.