Học sinh miền núi, dân tộc thường rụt rè, khó chia sẻ… càng đòi hỏi các nhà trường, giáo viên chủ nhiệm quan tâm, có giải pháp phù hợp để tháo gỡ “nút thắt”.
Chủ động thay vì chờ học sinh đến chia sẻ
Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) đến nay vẫn không có phòng tư vấn tâm lý cũng như nhân viên chuyên trách. Một số hòm thư để nhận câu hỏi, thắc mắc, yêu cầu hỗ trợ… được lắp đặt nhưng học sinh chưa có thói quen chia sẻ qua hình thức này. Việc chuyển tải yêu cầu qua thư điện tử càng không phải giải pháp thông dụng bởi học sinh không có kết nối mạng.
Cô Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ, cho biết: Muốn nghe được tâm tư, mong muốn của học trò, giáo viên chủ nhiệm phải quan sát biểu hiện của học sinh trên lớp, trong sinh hoạt... Nếu có hành vi, thái độ bất thường, giáo viên mới tìm đến học sinh để trao đổi riêng.
“Học sinh dân tộc ít khi chia sẻ nên có khó khăn, khúc mắc cũng không trao đổi với thầy cô, bạn bè. Từng có học sinh vì mâu thuẫn, giận bạn đã tìm lá ngón để giải quyết, nhưng được giáo viên đưa đi cấp cứu kịp thời. Tình trạng này đến nay đã hạn chế bởi thầy cô không chỉ dạy chữ còn đẩy mạnh giáo dục kỹ năng ứng xử; cùng đó, chú ý quan sát tâm lý học trò để kịp thời tháo gỡ những sự vụ…”, cô Khuyên chia sẻ.
15 năm gắn bó với học sinh dân tộc, cô Khuyên rút ra kinh nghiệm: Muốn dạy học hiệu quả và hiểu tâm lý học sinh dân tộc, trước hết phải gần gũi như người mẹ, thân thiết như người bạn. Tránh để các em sợ hoặc tự ái sẽ khép lòng. Phá bỏ sự im lặng trong sinh dân tộc không khó nhưng phải đúng cách.
Cô Hiền từng đối diện với học sinh lớp 10 có hành vi nổi loạn, suy nghĩ tiêu cực. “Sau tìm hiểu hoàn cảnh, được biết bố mẹ em đã ly hôn và đều có gia đình riêng. Em ở với bà nên thiếu tình cảm, sự quan tâm của gia đình. Những hành động, phản ứng của em là biểu hiện ban đầu của sang chấn tâm lý…
Vì vậy, tôi dành nhiều thời gian để gặp gỡ, nhẹ nhàng trao đổi, phân tích ảnh hưởng nếu bản thân em không thay đổi. Kiên nhẫn chia sẻ, uốn nắn đã giúp em thay đổi tích cực. Lên lớp 12, em đã ý thức được mục tiêu của mình; đi học đầy đủ, đúng giờ, trên lớp tích cực học và tiếp thu kiến thức, kết quả học tập tốt hơn...”, cô Hiền chia sẻ.
Cô Lý Thị Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà, Lào Cai), cũng khẳng định, kỹ năng và khả năng giao tiếp của học sinh dân tộc chưa tốt. Phần lớn trẻ nhút nhát và ngại bày tỏ quan điểm hoặc chia sẻ vấn đề của bản thân với thầy cô dù đã ở lứa tuổi THPT.
Học sinh Hà Văn Tâm, lớp 12A1, Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) từng có hành vi, thái độ không chuẩn bởi suy nghĩ như vậy mới thể hiện được “cái tôi”, được bạn bè, thầy cô quan tâm biết tới…
Tuy nhiên, khi được cô chủ nhiệm Lý Thị Hiền rèn giũa, yêu thương… em đã bước qua hụt hẫng hoàn cảnh và nhận thức được hành vi, việc làm không đúng, có thể mang lại hậu quả xấu cho bản thân. “Cô Hiền còn giúp em tháo gỡ những mặc cảm tâm lý không thể nói ra với bất kỳ ai… Em biết ơn cô nhiều và mong học tập tốt để xứng đáng với sự bao dung, yêu thương cô đã dành cho”, Tâm chia sẻ.
Cô Đinh Thị Gửi, giáo viên Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái), cũng gắn bó với giáo dục dân tộc hơn 10 năm qua. Từ thực tiễn tham gia công tác tư vấn học đường, cô nhận thấy mỗi trường, mỗi giáo viên tùy theo đặc điểm học trò mà triển khai hình thức tư vấn khác nhau để đảm bảo phù hợp.
Học sinh của cô Gửi vẫn chịu ảnh hưởng tư tưởng bỏ học để kết hôn. Trong môi trường bán trú, nếu có tình cảm, các em có thể rủ nhau bỏ học… Do đó, trường đã chọn các nội dung liên quan tới hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản, tảo hôn, hôn nhân cận huyết… để tuyên truyền trong câu lạc bộ học đường. Quá trình sinh hoạt câu lạc bộ, học sinh được tìm hiểu, xây dựng kịch bản và tự hóa thân vào vai diễn. Ngoài ra, thầy cô còn cùng học sinh tháo gỡ những tình huống giả định nhưng sát thực với tâm lý, thực tiễn cuộc sống...
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu). Ảnh: NVCC |
“Hiện nay, học sinh không chọn hình thức viết thư hay email để chia sẻ vấn đề thầm kín. Để nhận diện các vấn đề tâm lý các em đang gặp phải để tháo gỡ, ngăn chặn…, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên thường chủ động nắm bắt tâm lý qua cán bộ lớp; quan sát hành vi thái độ hàng ngày.
Nắm bắt được khúc mắc, thầy cô sẽ chủ động trao đổi; tạo diễn đàn cho các em nêu ý kiến đề xuất, mong muốn. Tư vấn học đường đang chủ động nắm bắt để đi đúng, trúng vấn đề học sinh cần chứ không ngồi đợi các em gặp khó mới hỗ trợ…”, cô Gửi chia sẻ.
Phát huy vai trò cán bộ lớp
Từ thực tế giảng dạy, cô Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu), nhận thấy: Trong khi trường “trắng” đội ngũ tư vấn học đường thì giáo viên trở thành những “chuyên gia” tư vấn bằng sự nhiệt tình, kinh nghiệm và hiểu biết để nhận diện được nguy cơ, xu hướng, vấn đề tâm lý học sinh cần tháo gỡ. Càng xóa bỏ sự “im lặng” trong học trò, thầy cô càng dễ hoạch định công tác tư vấn học đường cần gì, thiếu gì và làm gì tốt nhất cho các em.
Cô Lý Thị Hiền cũng khẳng định, với học sinh nông thôn, dân tộc… muốn nhận ra vấn đề cần tư vấn tháo gỡ không thể thiếu sự chủ động quan sát của thầy cô bởi càng lớn các em càng ngại chia sẻ.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò của ban cán sự lớp trong việc nắm bắt hành vi, thái độ, bất thường của học sinh. Hãy biến ban cán sự lớp như cầu nối, “cánh tay phải” để tiếp nhận những thông tin, vấn đề tinh thần, tâm lý tình cảm của học sinh trong lớp. Có nguồn thông tin sát sao từ học sinh trong lớp, giáo viên có thể làm tốt công tác tư vấn; hoặc tìm ra biện pháp tháo gỡ, ngăn chặn kịp thời.
Học sinh dân tộc có xu hướng im lặng, cam chịu hoặc tự giải quyết vấn đề theo suy nghĩ cá nhân. Song như vậy không có nghĩa các em giải quyết ổn thỏa các khó khăn của bản thân. Dù ở lứa tuổi học sinh tiểu học thì tư vấn học đường vẫn cần được coi trọng, quan tâm và triển khai để các em phát triển toàn diện… - Cô Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Lai Châu)