Để đạt mục tiêu 95% cơ sở giáo dục có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em giai đoạn 2021 – 2025, ngoài tăng cường công tác tư vấn tâm lý trong trường học, các chuyên gia khuyến cáo cần có chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân viên tư vấn tâm lý học đường.
Danh phận rõ ràng
Với nhiều năm kinh nghiệm, cô Phạm Thị Kim Dung, giáo viên tư vấn tâm lý tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Quận 4, TPHCM, nhận định, lứa tuổi học sinh trung học phổ thông (từ 15 - 18 tuổi) đối mặt với nhiều thay đổi về tâm sinh lý do áp lực học tập, thi cử, bị chi phối bởi tình cảm khác giới... Từ đó, các em dễ bị sao nhãng việc học, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý.
“Trong nhiều trường hợp, giáo viên không thể giúp học sinh giải quyết trọn vẹn vấn đề vì không có chuyên môn về tâm lý. Ngược lại, giáo viên có năng lực lại chưa có quy định chức danh, chế độ và chính sách phù hợp. Vì vậy, nhiều trường hợp nhân viên tư vấn tâm lý học đường bỏ việc hay làm kiêm nhiệm dù nhu cầu đang rất thiếu”, cô Kim Dung bày tỏ.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay, trong các trường học có từ 1.000 - 2.000 học sinh nhưng chỉ có một giáo viên tư vấn tâm lý. Vì lý do đó, cô Kim Dung thường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, bộ môn để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh và đưa ra các giải pháp tháo gỡ linh hoạt.
Giải quyết bài toán giữa nhu cầu và nhân lực, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 của ngành, trong đó đề ra mục tiêu 95% cơ sở giáo dục có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em giai đoạn 2021 – 2025.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, để đạt mục tiêu này trong bối cảnh hiện nay, các trường học cần xã hội hóa dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường, cũng như thực hiện các chính sách để thúc đẩy mã nghề và chứng chỉ cấp phép hành nghề cho các nhà tâm lý học học đường.
Một thuận lợi là, từ 26/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, có xác định chức danh Nhà tâm lý học (mã nghề 2634), hiệu lực từ 15/1/2021. Nhưng theo PGS.TS Trần Thành Nam, cần tiếp tục cụ thể hóa và xây dựng chuẩn nghề nghiệp cho các nhà tâm lý học học đường. Cần có cơ chế để sớm cấp chứng chỉ hành nghề, tạo ra định danh nghề nghiệp rõ ràng cho ngành này, từ đó bổ sung vào nguồn nhân lực các nhà tham vấn tâm lý trong tương lai.
“Trong ngắn hạn, để xây dựng dịch vụ hỗ trợ tâm lý hiệu quả cho học sinh, nhà trường cần cởi mở với các nguồn lực xã hội hóa; tăng cường kêu gọi dự án đầu tư xây dựng mô hình tham vấn học đường đáp ứng tiêu chuẩn khoa học. Các phòng, sở GD&ĐT cần thành lập nhóm gồm chuyên gia tâm lý có trình độ, kinh nghiệm làm việc để hỗ trợ cho nhiều cụm trường, từ việc lên kế hoạch hoạt động, giám sát giáo viên đã được bồi dưỡng năng lực và nhận ca tham vấn, can thiệp trực tiếp cho những trường hợp nặng”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
ThS Lê Minh Huân. Ảnh: NVCC |
Đa dạng hoạt động tư vấn
Còn ThS Lê Minh Huân, nhà sáng lập Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên, chuyên viên tham vấn học đường tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nhận định, trong thời gian qua, công tác tư vấn tâm lý học đường được quan tâm chú trọng nhưng không thể phủ nhận hoạt động này còn nhiều yếu tố cần cải thiện nhằm đạt mục tiêu 95% cơ sở giáo dục có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em giai đoạn 2021 – 2025.
Đầu tiên, các trường học cần phân công giáo viên, chuyên viên tư vấn phụ trách phòng tư vấn tâm lý học đường đạt yêu cầu về chuyên môn. Phòng tư vấn cần bố trí ở nơi yên tĩnh, bàn ghế đạt tiêu chuẩn, bài trí khoa học, không gian thân thiện, thoải mái nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật giúp học sinh cảm thấy tự tin, cởi mở và yên tâm khi đến tư vấn. Bởi nhiều học sinh còn tâm lý ngại ngùng khi nhắc hoặc nghĩ tới việc đến phòng tư vấn tâm lý.
Ngoài ra, các quy trình tiếp xúc, tư vấn tâm lý, báo cáo, đánh giá, chuyển đến chuyên khoa khi không đáp ứng chuyên môn cần được thực hiện đúng nguyên tắc hoặc phải tham khảo ý kiến người giám sát, quản lý am hiểu chuyên môn.
Cuối cùng, bên cạnh công tác tư vấn, phòng tư vấn tâm lý cần thực hiện đa dạng hoạt động như báo cáo chuyên đề, tập huấn kỹ năng để nâng cao hiệu quả phòng ngừa các vấn đề tâm lý có thể gặp phải ở học sinh.
Nhấn mạnh vai trò của chuyên viên tư vấn tâm lý học đường, ThS Lê Minh Huân cho rằng, đó phải là những người được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn. Đơn cử, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường phải tốt nghiệp các chuyên ngành như Tâm lý học, Tâm lý học giáo dục, Tâm lý học trường học...
Trong quá trình làm việc, chuyên viên tư vấn cũng không ngừng học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các phòng ban, ban giám hiệu, phụ huynh để nâng cao hiệu quả hỗ trợ học sinh. Đồng thời, nhân viên tư vấn tâm lý học đường cần hiểu rõ và giữ gìn nguyên tắc, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp khi làm việc.
Ngoài ra, việc tư vấn tâm lý có thể thực hiện đa dạng qua các hình thức như trực tiếp, gián tiếp qua thư, qua radio, kênh truyền thông của trường, giờ sinh hoạt lớp, chào cờ... để tạo ra kết quả tổng hợp trong công tác tư vấn.
“Chuyên viên tư vấn tâm lý học đường cần được quan tâm về chế độ lương, thưởng, trợ cấp phù hợp để đảm bảo đời sống, an tâm công tác, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nhà trường, ngành nghề. Mã nghề Tâm lý học mới có gần đây nhưng hứa hẹn sẽ được mở rộng và phát triển hơn nữa trong tương lai trước nhu cầu tư vấn tâm lý ngày càng lớn của thực tiễn xã hội”, ThS Lê Minh Huân chia sẻ.
“Nhà trường cần kết hợp với các chuyên viên, giáo viên tư vấn thực hiện công tác truyền thông phù hợp để toàn trường và phụ huynh hiểu rõ vai trò quan trọng của công tác tư vấn tâm lý nhằm xóa bỏ định kiến, tâm lý e ngại có vấn đề hay bị bệnh tâm lý mới vào phòng tư vấn tâm lý học đường”, ThS Lê Minh Huân chia sẻ.