(GD&TĐ) - Năm nào cũng vậy cứ Rằm tháng giêng hàng năm là ngày hội để tôn vinh thơ ca Việt Nam. Hòa với không khí đón xuân các nhà thơ, người yêu thơ lại có mặt đông đủ để chia sẻ những cảm xúc của mình trong ngày hội đầy ý nghĩa này.
Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với các nhà thơ, nhà văn với cái nhìn khách quan về đời sống thi ca hiện nay.
Nguyễn Chí Hoan: Thơ ca cứ loang ra, “chuyển” mà ít “động”
Nguyễn Chí Hoan |
Theo tôi hiểu thì “tác giả” là một thuật ngữ, mặc dù rất phổ biến quen dùng không phải lúc nào cũng được dùng xác đáng. Loại tác - giả - một - bài thì vô cùng hiếm, còn thông thường vài ba tập sách chưa chắc đã làm nên một “tác giả”. Ở đây đề cập đến khu vực thơ của những nhà thơ trẻ, như bạn nói, thì tình trạng trước hết cũng như tình trạng chung của thơ ca ngày nay vậy;
Ngoài ra, tôi thấy có hai khuynh hướng tuy đôi lúc không thật tách biệt, như văn chương nghệ thuật vốn thế: một khuynh hướng đi vào khu vực trung tâm của nền văn học đương thời, cố gắng nói lên vài điều gì đó coi như là tham dự vào một cảm nhận tập thể về đời sống, chẳng hạn như ca ngợi một nghìn năm Thăng Long- Hà Nội mới đây hay cảm thán tình mẹ, bà cháu quê hương rộng ra là con người theo khuôn khổ hoài niệm đèm đẹp nào đó v.v. hay nữa là cảm thán thế sự có tính chất giáo huấn, triết lý nhân sinh ngẫu hứng theo một số mô thức truyền thống v.v., khuynh hướng kia thì cố gắng ra sức riêng tư để tìm sự độc đáo hay ,trong vài trường hợp hiếm hoi, tìm kiếm một ngôn ngữ riêng thật, coi như là một dạng thức của sự tinh hoa và thuần khiết nhưng trước hết và hầu hết chỉ xoay quanh cái bản thân, yêu đương hay buồn bã, thoả mãn và thèm muốn, dùng hình ảnh thân xác và cảm nhận nhục thể như một thứ ẩn dụ tràn lan quả thật đôi lúc đến lạm phát, hoặc nữa thì dường như để biểu thị một phản ứng cá nhân đối với thực tình xã hội,v.v
Ở cả hai hướng đi đó đáng tiếc là nhìn chung không thấy có sự khám phá, không thấy một biểu thị trực giác nghệ thuật lớn lao nào trong việc nắm bắt đời sống, kể cả và nhất là cái đời sống cá nhân vốn đang được ưu tiên như một biểu tượng; ngoại trừ một hai trường hợp, nhưng lại hầu như không mấy ai quan tâm. Thơ ca đó cứ loang ra, “chuyển” mà ít “động”.
Sân Thơ Trẻ mấy năm gần đây năm nào cũng đem đến những cái mới lạ, tôi nghĩ là làm vui mắt và khá hài lòng cho nhiều người xem. Đấy quả là đã tạo một sân khấu lễ hội. Thế mới biết cái dòng chảy tư duy chiếu hát sân đình chưa bao giờ mất trong truyền thống chúng ta. Chỉ tiếc là thơ chưa thật xứng với sân thơ ấy. Chỗ đó không chỉ vui mà còn thử thách, xem một “cái tôi” nghệ thuật nghệ sĩ nào đấy có thực đủ tầm vóc và sức lực bao chiếm choán chỗ giữa không gian với công chúng hay không. Đã từng có thời nhiều người chế giễu một cái gọi là “thơ quảng trường” hay ngấm ngầm coi thường “tính công dân” của thơ. Bây giờ có thể sẽ có ai đó còn nhớ đến những hiện tượng lớn một thời thơ Nga xô-viết, những nhà thơ đọc và hát thơ mình trước hàng ngàn công chúng nghe say mê, như Vladimir Vysotsky hay Andrei Voznesenski.
Tôi thật sự ước ao được thấy cảnh ấy một lần trong đời ở sân thơ trẻ. Nhưng hiện thời có vẻ như nhà thơ ta chạm đến trái tim mình nhiều lần mà vẫn chưa đẩy được nó văng đi va mạnh vào các trái tim nơi công chúng ngoài kia, có vẻ cái trái tim mình như một quả chuông quá nặng hay đúc lệch nên kêu không đủ to chăng?
Lê Ngân Hằng: Tư duy sáng tạo bằng cả trái tim
Lê Ngân Hằng |
Trong đời sống nào cũng vậy thôi tôi thấy giá trị cần tôn vinh trước hết phải là nhà thơ trong xã hội. Những người làm ra thơ ca như thế nào đó cũng phải thể hiện được một vài tầm trí não của họ qua công việc này giúp cho nhận thức và tiến hóa của con người trong xã hội một cách kỳ diệu chứ không chỉ là những xao xuyến tình cảm mộng mơ.
Thực ra khái niệm nhà thơ tôi đọc được ở đâu đấy rằng: Đó là một lời ca tụng đắt giá: Trong tiếng Anh từ nhà thơ “poet” xuất phát từ một từ Hy Lạp cổ (poietes) có nghĩa là “Người sáng tạo”/. Điều này mang tính khoa học và nghệ thuật. Điều chúng ta nên tôn vinh nhà thơ nó rất khác với những gì trình diễn mang tính lễ hội hay phong lệ cổ truyền.
Yêu thơ chúng ta không nhất thiết phải đến ngày thơ để xem mà nên tìm kiếm nhà thơ nào đáng đọc và biết cách để đọc các bài thơ của họ sao cho có hiệu quả với riêng mình. Thơ cũng có thể gây nghiện và ngộ độc nên cần chọn lọc để tiêu hóa.
Nhưng có bao nhiêu người tìm đọc thơ? Câu trả lời là rất ít. Họ đọc như thế nào? . Câu trả lời là rất khó để biết cách đọc. Ai đọc thơ nhiều nhất và hiểu giá trị của thơ nhất? Câu trả lời là các độc giả siêu nhân và những ai luôn muốn sáng tạo đột phá tư duy để làm giàu, phát triển. Điều này rất dài và khá tinh tế.
Tôi chỉ nhận mình làm thơ là làm một công việc đọc lại và tư duy sáng tạo bằng cả trái tim. Tuy nhiên tôi sống trước hết như một người bình thường nhưng khác là luôn muốn viết mọi thứ trên đời thành các bài thơ theo cách tôi cảm nhận và muốn được sáng tạo. Thơ cũng là cách tôi kể và trò chuyện, một sự bày tỏ thổ lộ hơi riêng tư và đấy chính là cái làm nên tôi nhất. Qua thơ tôi có thể chia sẻ với một ai đó tôi đọc họ và họ đang đọc tôi.
Còn về sự chuyển động của các tác giả trẻ trong thời gian vừa qua .Ví dụ như 8 tác giả thơ nữ tham gia Giải thưởng thơ nữ Lá trầu họ vẫn đang tiếp tục hành trình thơ ca của mình và tôi chỉ quan tâm đến chuyển động của tác phẩm văn chương. Không có điều này thì mọi chuyển động bên ngoài là một chuyện khác. Thêm nữa xung quanh đây mỗi ngày vẫn tiếp tục xuất hiện những tên tuổi mới khắp nơi trên các trang văn chương mạng nếu ai thực sự quan tâm đến tiếng nói của các nhà thơ.
Tất nhiên là thế. Tôi đã được Ban văn trẻ của Hội nhà Văn mời tham gia sân thơ và Ngày thơ Việt Nam 2 lần năm 2004 và 2008. Mỗi lần được phổ biến ý tưởng trình diễn phải khác nhau. Và tôi cũng xin cảm ơn Ban văn trẻ đã cho tôi xuất hiện như thế là quá nhiều ưu tiên có dịp diện kiến trước công chúng háo hức đầy sự tò mò khi đi xem một lễ hội thường niên. Không có trò gì mới mẻ công chúng xem hội đương nhiên sẽ phàn nàn và đó là trách nhiệm nặng nề của Ban tổ chức lễ hội để luôn có không khí. Nhưng với việc tôn vinh thơ ca này thì với tôi các nhà thơ, các gương mặt mới, các giọng nói, các tài năng sáng tạo, dung tích, trữ lượng các bài thơ của họ đáng để chú ý quan tâm hơn.
Thu Loan: Sáng tạo thơ là không được bao giờ lặp lại
Thu Loan |
Loại hình nghệ thuật nào đạt đến hay cũng khó như nhau cả. Bởi vậy nhà thơ là người tác động nhanh nhất, nhiều nhất đến số đông. Đây vừa là lợi thế vừa là trách nhiệm nặng nề của nhà thơ, nhất là hiện nay khi kinh tế phát triển với tốc độ chóng mặt, kéo theo nhiều mặt trái trong xã hội. Tính chất Người bị sa sút ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Nhà thơ phải làm sao hướng cho con người giữ được những phẩm chất tốt đẹp nhưng không rơi vào lý thuyết.
Nhà thơ cũng là người phát hiện, rung cảm và bảo vệ cái đẹp đích thực trong cuộc sống mới. Như vậy, nhà thơ trước hết phải có sự nhạy cảm, luôn tìm tòi, phấn đấu, làm việc không mệt mỏi để vươn tới nhân cách đẹp. Nếu ý thức được tầm quan trọng của nghề, tôi nghĩ vai trò của những nhà thơ đích thực không nhẹ một chút nào!
Tôi nghĩ việc tổ chức ngày thơ mỗi năm có thay đổi với nhiều hình thức khác nhau thực chất là tự bản thân loại hình thơ và tự thân sự biến chuyển của đời sống trong giai đoạn này đòi hỏi phải thế. Thơ trước hết là một loại hình lao động sáng tạo.
Đã gọi Sáng tạo mà cứ lặp đi lặp lại thì bản thân người làm ra nó cũng như người thưởng thức đều chán. Nếu văn xuôi, bút ký, phim, kịch.. mà dễ hoàn thành như thơ thì có lẽ tất cả các tác giả cũng thường xuyên thay đổi rồi. Như tôi đã nói, thơ là loại hình vừa nhanh, vừa nhạy nên việc thay đổi cũng là điều dễ hiểu.
Hơn nữa việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam chưa đầy 10 năm- thời gian không dài nên việc thay đổi như là một thể nghiệm để đi đến sự hoàn chỉnh. Lúc này mà đưa cho thơ một kịch bản cứng nhắc để rồi năm nào cũng như năm nào thì khác gì nhốt một con chim trong lồng, vô cùng buồn tẻ, chán ngắt!
Nguyễn Thế Hùng: Tơ hay là ở sự ám ảnh ngoài con chữ
Tôi nghĩ thơ chẳng cần ai tôn vinh cũng đã sang và thiêng lắm rồi. Hàng năm chúng ta được tụ hội về sân Văn Miếu trong tiết xuân mưng mưng nắng để nghe thơ, xem thơ và…xem người thơ là chính. Tôi nghĩ ngày này như là một ngày hội của những người làm thơ và của những người…chưa ghét thơ.
Đã là hội thì phải vui thôi, trẻ già đều náo nức đến hội, đến để được vui cái không khí là chính chứ nghe thơ thì nghe qua đài tiếng nói Việt Nam hay hơn nhiều, chính vì điều đó tôi muốn ngày thơ Việt Nam như là ngày 20 tháng 11 hay mùng 8 tháng 3 chẳng hạn. Chẳng ai nghĩ ngày 20 tháng 11 đến để nghe ông thầy dạy cả, ngày 8 tháng 3 cũng thế, đến là chỉ để tặng hoa thôi. Chính vì suy nghĩ đó nên có kết luận rằng ngày thơ Việt Nam hằng năm là để tôn vinh nhà thơ chứ không phải để tôn vinh thơ.
Nguyễn Thế Hùng |
Đấy mới chỉ một khía cạnh đã thấy được rằng thơ ca có vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống của chúng ta. Thơ quan trọng đồng nghĩa với việc nhà thơ có tài cũng vô cùng quan trọng. Điều này một lần nữa khẳng định ngày thơ Việt Nam là để chúng ta tôn vinh những nhà thơ có tài, những nhà thơ đang có những đóng góp quan trọng cho nền thi ca nước nhà và thế giới.
Tôi không đánh giá cái hay giữa thơ trẻ và thơ già, chỉ có cảm nhận rằng người già khi làm thơ hay trọng đến câu chuyện như chuyện Núi Đôi chẳng hạn: Bảy năm về trước em mười bảy/ anh mới đôi mươi trẻ nhất làng, nhà thơ như đang kể chuyện vậy. Còn thơ trẻ bây giờ hình như họ không trọng đến câu chuyện nữa, họ chỉ muốn đưa đến cho người đọc những cảm giác, có nhiều khi cảm giác thật là mông lung chẳng biết đâu mà lần.
Có nhiều bài thơ của các bạn trẻ tôi đọc thấy hay, thấy ám ảnh, nhưng bảo hay thế nào thì chịu, nhưng mà nó vẫn hay đấy, vẫn ám ảnh đấy. Cũng có không ít bạn làm thơ trẻ hơi… rỗng nên cố đánh đục cố làm tắc tị để bí hiểm.
Thơ đôi khi như là sông, sông sâu thì nước càng trong càng thấy được độ sâu của nó, nhưng có những dòng sông cạn trợt nhưng nước đục nên người đời cũng nhầm tưởng đó là sâu. Tôi tôn trọng sự tìm tòi đổi mới của các nhà thơ trẻ hiện nay. Có thể họ chưa thành công nhưng ít nhất là họ đang đã và sẽ đặt những dấu chân đầu tiên trên con đường đổi mới thi ca. Đổi mới để hay hơn, để đậm đà bản sắc Việt hơn.
Như đã nói đến là đến chơi hội, hội có càng nhiều trò thì càng vui thôi, trò cố gắng không lặp lại, bản thân nghệ thuật là không được lặp lại mà, chính vì thế cách diễn trò cũng phải khác đi thì mới hay, mới lạ. Tôi nhớ ngày còn học ở trường Viết văn Nguyễn Du, thỉnh thoảng chúng tôi lại trải chiếu ra sân thượng nhà trường, vài gói lạc, chai rượu và một cái nón. Anh nào đọc thơ thì bỏ vào nón năm nghìn, bỏ đủ chai rượu lại đi mua về uống rồi lại đọc thơ. Vậy mà vui lắm, cũng chính qua những chiếu thơ như thế mà có nhiều bài thơ được hoàn thiện, hay hơn, gợi hơn.
Tôi còn nhớ có một lần cũng vào độ cuối đông, có người bạn thơ sắp về Nam, một nhà thơ vội …buột ra hai câu thơ: Người về mang rét về không/ Để anh gửi nắng sông Hồng cho em. Nghe hai câu này thấy cũng đã hay hay nhưng nó gợi cho người ta nhớ đến bài Gửi nắng cho em của nhà thơ Vân Dung, với lại câu hai thấy đang còn hơi đơn giản. Sau một lúc ngẫm ngợi, một nhà văn xin sửa câu hai là: Để anh cởi áo sông Hồng gửi theo. Rõ ràng câu sau đã hay hơn câu trước một bậc.
Chính vì điều đó tôi nghĩ có thể ta làm những chiếu thơ nho nhỏ nằm rải rác trong vườn, sân Văn Miếu. Các… quán thơ đó không nên quá gần nhau để khách trong quán có thể nghe được thơ nhau và tỏ được cái tình nhau thì mới hay. Nghĩ là nghĩ vậy nhưng cũng khó lắm thay.
Thu Phương (thực hiện)