Kiến tạo văn hóa đọc với Tủ sách Nhân ái

Kiến tạo văn hóa đọc với Tủ sách Nhân ái

Kiến tạo văn hóa đọc

TSNA là một chương trình hoạt động nhân ái trong lĩnh vực giáo dục, tập trung vào việc xây dựng các tủ sách, thư viện, kiến tạo văn hóa đọc và lan tỏa tinh thần nhân ái trong cộng đồng. Bước sang năm 2020, chương trình đã trải qua chặng đường đầu tiên hơn 3 năm với việc gần như hoàn thành phủ sóng về chiều rộng khắp các tỉnh, thành Việt Nam và qua tới nước bạn Lào.

Chia sẻ lý do ra đời của chương trình này, ông Trần Thanh Hoài, một trong những thành viên sáng lập cho biết, tất cả xuất phát từ khát vọng chung về việc xây dựng một chương trình hoạt động nhân ái, nơi mà những người thụ hưởng có thể tự lực vươn lên bằng năng lực, tri thức và đức hạnh của chính mình, để rồi tiếp tục trở lại nâng đỡ những người khác, tạo nên một chu trình đáp đền tiếp nối liên thế hệ. Đây là một hình thái hoạt động công ích mới, với những hoạt động đầu tư, hỗ trợ mang tính gián tiếp, căn cơ và bền vững; khác với từ thiện nhân đạo, là loại hình hỗ trợ trực tiếp, nhất thời trong những hoàn cảnh hiểm nghèo, thiên tai, dịch bệnh…

Ngay từ những ngày đầu hoạt động, các thành viên sáng lập đã vạch rõ sứ mệnh của TSNA, một trong số đó là xây dựng tủ sách/thư viện cho tất cả các trường học, lớp học phổ thông trên cả nước, từ mầm non tới THPT - với khoảng 600.000 lớp học, trước hết là ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới và hải đảo; giúp nuôi dưỡng tinh thần hiếu tri, hình thành văn hóa đọc và năng lực tự học để học tập suốt đời cho các em học sinh. TSNA vì vậy về bản chất chính là một mô hình giáo dục thường xuyên, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người, xây dựng xã hội học tập như chủ trương mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, trên nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Tuy nhiên, để thực hiện được sứ mệnh của mình, các thành viên TSNA phải vượt qua rất nhiều rào cản, khó khăn. Như chia sẻ của ông Trần Thanh Hoài, nhiều người và địa phương vẫn còn xin sách với tâm thế là nơi khó khăn cần được hỗ trợ, chứ không phải vì họ tha thiết mong muốn xây dựng thói quen đọc sách, văn hóa đọc cho học sinh trường mình. Thư viện trường lẽ ra là trái tim của trường học nhưng nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm xứng đáng. Phòng ốc cũ kỹ, xập xệ, ẩm thấp; sách vừa cũ vừa ít vừa không phù hợp độ tuổi học sinh; trang trí sơ sài, hoặc không trang trí gì cả… Nhân viên thư viện trường nhiều nơi chỉ làm kiêm nhiệm, không có chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt là không có tâm huyết với nghề, không yêu sách nên không thể thu hút được học sinh tới thư viện.

Ở không ít trường, thầy cô cũng ít đọc sách nên học sinh không có nhiều những tấm gương ham đọc sách để noi theo. Các trường đều gặp khó khăn chung trong việc kêu gọi sự tham gia của các bậc phụ huynh trong việc hình thành thói quen đọc sách cho con em mình… Những khó khăn ấy, TSNA đều có những giải pháp phù hợp, giúp lan tỏa văn hóa đọc đến hầu hết các tỉnh, thành trên khắp mọi miền đất nước.

Vẫn miệt mài trong mùa dịch

Tính đến cuối tháng 12/2019, TSNA đã xây dựng được mạng lưới 8.986 tủ sách và thư viện (chỉ tính những tủ sách do chương trình trao tặng, chưa tính những tủ sách do nhà trường/địa phương nhân rộng). 80% các lớp học được trao tặng tủ sách đã đẩy mạnh việc đọc và chia sẻ sách. Mỗi lớp đều có ban thư viện để tự quản việc đọc, cho mượn sách. Hàng tuần có 1 tiết đọc, chia sẻ sách ngay tại lớp học. Nhiều trường đã tổ chức cho học sinh đọc sách 15 - 30 phút đầu giờ mỗi ngày. Đặc biệt, vào giờ chào cờ đầu tuần, học sinh đại diện các lớp đã tự tin lên trước toàn trường giới thiệu những cuốn sách hay mà mình đọc trong tuần để truyền cảm hứng đọc sách cho nhau.

Đam mê đọc sách đã lan tỏa không chỉ trong học sinh, mà còn ảnh hưởng tích cực đến thầy cô giáo, các bậc cha mẹ… khiến nhiều người lớn cũng phải xem lại việc đọc sách của mình, không hẳn để làm gương cho con trẻ, mà trước hết để trở nên xứng đáng là thầy cô, bố mẹ của các con.

“Trong mùa dịch, TSNA vẫn hoạt động miệt mài không ngơi nghỉ. Chúng tôi tập trung truyền thông, triển khai mô hình cần thiết, hiệu quả nhất trong mùa dịch là tủ sách gia đình, giúp bố mẹ tháo gỡ được nhiều vướng mắc khi con phải tạm nghỉ học. Với tủ sách gia đình, hàng xóm cũng có thể qua mượn, thuận tiện, không phải đi tới những chỗ đông người như nhà sách, thư viện. Riêng trong hai tháng qua, TSNA đã triển khai thêm được hàng chục tủ sách gia đình ở nhiều tỉnh, thành như ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ”, ông Trần Thanh Hoài chia sẻ.

Trong mùa dịch, chương trình cũng thực hiện trao tặng tủ sách cộng đồng cho các chùa, nhà thờ, nhà dòng… đặc biệt là tủ sách bệnh viện. Điển hình là trao tặng TSNA Bệnh viện Chợ Rẫy trị giá 24 triệu đồng, với hàng trăm cuốn sách hay về sức khỏe, dinh dưỡng, ung thư, hạt giống tâm hồn, động lực sống, quản trị bản thân, văn học, thiền, yoga, giúp nâng đỡ tinh thần, tiếp thêm nghị lực và ý chí giúp người bệnh và người nhà vượt qua những thời khắc khó khăn trong quá trình chữa bệnh.

TSNA đồng thời tiếp tục hỗ trợ hàng chục tủ sách cho các thầy cô ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, dù trong điều kiện khó khăn vẫn một lòng vì học trò, mở tủ sách cộng đồng tại nhà, tại các khu dân cư để học trò có thể đọc sách, học bài trong thời gian nghỉ học.

“Chúng tôi có rất nhiều dự định trong thời gian tới. Một trong số đó là tiếp tục hoàn thiện quy trình, ứng dụng công nghệ, thực hiện số hóa TSNA, nhằm xây dựng một TSNA chuyên nghiệp, hiệu quả và hoàn toàn minh bạch. Đồng thời, kêu gọi sự tham gia rộng rãi của tất cả mọi người, các tổ chức, doanh nghiệp cùng đồng hành với TSNA trong sứ mệnh xây dựng 600.000 tủ sách lớp học, kiến tạo văn hóa đọc trong cộng đồng, mà trước hết là trong học đường. Đưa các hoạt động của TSNA đi vào chiều sâu sau khi đã phủ rộng ở 59 tỉnh, thành” - ông Trần Thanh Hoài cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...