Từ phía sau câu chuyện của hai “ông lớn” nhà Apple: Tuổi trẻ phải làm việc vì đam mê, vì tiền hay… vì cái gì bây giờ nhỉ?

Khi phải đứng trước những ngã rẽ sự nghiệp quan trọng trong cuộc đời, nhiều bạn trẻ có lẽ sẽ đều phải cân nhắc tới yếu tố "làm vì tiền lương hay vì đam mê". Cùng trên cương vị CEO của tập đoàn hùng mạnh Apple, liệu câu chuyện của Steve Jobs và Tim Cook có giúp chúng ta đưa ra lựa chọn dễ dàng hơn hay không?

Từ phía sau câu chuyện của hai “ông lớn” nhà Apple: Tuổi trẻ phải làm việc vì đam mê, vì tiền hay… vì cái gì bây giờ nhỉ?

Trong một bài phân tích cách đây ít lâu, câu chuyện về buổi hội thảo giữa vị CEO kì cựu và các bạn trẻ đã được lấy ra làm ví dụ để bảo vệ cho quan điểm: Tuổi trẻ nên làm việc vì tiền, chứ làm vì đam mê chỉ có mà… thiệt thân. Nôm na câu chuyện là như sau:

"Khi bạn còn trẻ, hãy chỉ làm việc bằng tất cả sự đam mê của mình."  – Vị CEO dõng dạc tuyên bố với biết bao con mắt đang ngước nhìn. "Nếu bạn được trả mức lương 5 đồng, hãy làm việc như thể bạn đang được trả 10 đồng, và đó là bí quyết của sự thành công!"

Từ phía sau câu chuyện của hai “ông lớn” nhà Apple: Tuổi trẻ phải làm việc vì đam mê, vì tiền hay… vì cái gì bây giờ nhỉ? - Ảnh 1.Câu nói này có thật sự đúng?

Và chỉ chờ có vậy, các bạn trẻ tuổi từ 18 đến vân vân đã vội vỡ òa mà vỗ tay đầy khí thế. Trong số đó, bỗng dưng có một bạn rụt rè đứng lên phát biểu: "Thành công sao lại đồng nghĩa với việc mình sẽ làm gấp đôi số tiền mình được nhận ạ?"

Hơi sai phải không? Tác giả bài viết hôm nọ cũng đã nghĩ như vậy. Anh/Cô ấy đã dùng lập luận cực sắc bén của mình để chỉ ra rằng các nhà tư bản – như vị CEO nói trên – chỉ mong muốn được lợi dụng niềm đam mê cống hiến rực cháy của những người đang còn trẻ để sinh ra món hời khổng lồ với chi phí càng thấp càng tốt; và rằng đam mê quanh đi quẩn lại vẫn không hơn gì một vùng đất màu hồng để nuôi dưỡng trí tưởng tượng của con người, tiền bạc mới nên là mục đích phấn đấu cuối cùng.

Có lẽ những vấn đề xoay quanh tiền lương – đam mê đã không còn quá mới mẻ với những lao động có tuổi đời thấp, kinh nghiệm không mấy dư dả ngoại trừ một tấm bằng cử nhân trên tay, điển hình như là những người trẻ. Vậy, liệu có nên dùng đam mê của bản thân để theo đuổi tiền bạc như tác giả của bài viết trên đã khẳng định, hay đáng lí ra phải để sự đam mê dẫn lối, đưa ta đi tới cuối con đường của sự nghiệp? Tự cân nhắc hai mẩu chuyện dưới đây về hai con người cùng một chức danh, cùng thành công lẫy lừng trong sự nghiệp, để bạn dễ dàng quyết định hơn nhé:

Chuyện về ông lớn Apple và khởi đầu "vì lợi nhuận" của một đế chế hùng mạnh làm khuynh đảo làng công nghệ thế giới

Chả cần phải là một tín đồ của công nghệ, mà chỉ cần nhắc nhẹ đến Apple thôi, cái tên Steve Jobs sẽ là thứ người ta nghĩ đến đầu tiên. Nhà sáng lập và là cựu CEO của "táo cắn dở" cũng đã từng kinh qua nhiều ngã rẽ của cuộc đời khi còn trẻ. Và phàm trong mỗi sự lựa chọn như vậy, sẽ luôn có một cây kim chỉ nam đứng ra để làm yếu tố "chốt hạ"; với Jobs, cây kim của ông đã có phần hơi lệch sang phía đồng đô-la Mỹ.

18 tuổi đời, Jobs tốt nghiệp trung học và ghi danh vào Reed College, một trong số 10 đại học mỹ thuật hàng đầu tại Hoa Kỳ. Trong trí óc của gã trai trẻ luôn tìm kiếm sự khai sáng cho tâm hồn vào lúc đó, điện tử và kinh doanh nghe có vẻ hơi "tù". Vậy là, thay vì đi theo hướng công nghệ ngay từ đầu, Jobs học lịch sử phương Tây, khiêu vũ, và cả một chút về sự huyền bí của phương Đông nữa.

Tua nhẹ tới năm 1975, Jobs đứng trước ngã rẽ đầu đời của mình, và gã đã quyết đi theo hướng đầu tư vào điện tử vì nó… sinh lời quá nhanh chóng. Jobs của tuổi 20 cùng với Steve Wozniak của tuổi 25 đã lên kế hoạch làm bảng mạch với giá sản xuất là 25 đô - bán ra với giá 50 đô mỗi chiếc, với đối tượng khách hàng là những người yêu thích công nghệ tại địa phương. Jobs muốn bán đi 100 bảng mạch cả thảy, mà sau khi trừ chi phí, họ sẽ còn khoảng 1000 đô lợi nhuận. Khoản đầu tư nhỏ lẻ lúc rảnh rỗi - song lại cực ít rủi ro này - đã đánh dấu cột mốc khác trong câu chuyện của một "huyền thoại công nghệ".

Từ đây, Jobs đã có cơ hội để tiếp tục chọn lựa hướng đi của mình. Với đôi chân trần và niềm tin tuyệt đối vào bản thân, Jobs xuất hiện tại cửa hàng máy tính Byte Shop của Paul Terrell, mạnh dạn đề nghị Terrell bán lại các bảng mạch này hộ cho gã. Terrell từ chối thẳng thừng, nhưng vẫn gợi ý rằng ông sẽ mua những chiếc máy tính hoàn chỉnh với giá 500 đô mỗi chiếc, cọc tiền luôn 50 chiếc ngay khi chúng xuất xưởng. Chẳng cần phải nói, Jobs vội chớp lấy cơ hội kiếm tiền còn khủng khiếp hơn dự định ban đầu của mình, và chuyển hẳn sang mảng công nghệ. Trong cú bẻ lái bất ngờ này, công ty Apple Commuter đã chính thức ra đời.

Giả dụ nếu Jobs của thời trai trẻ lại quyết tâm theo đuổi đam mê của mình, hẳn là giờ ông đã được biết đến trên cương vị một… giáo viên dạy thiền không biết chừng. Tập đoàn Apple quả thực đã được sinh ra dưới sự kết tinh của liên tiếp những cơ hội may mắn, và cũng không thể phủ nhận phần đóng góp không nhỏ của các quyết định đi theo tiếng gọi của lợi nhuận nữa. Nhiều nhất trong số các quyết định đó, hẳn là từ phía Steven Paul "Steve" Jobs.

Từ phía sau câu chuyện của hai “ông lớn” nhà Apple: Tuổi trẻ phải làm việc vì đam mê, vì tiền hay… vì cái gì bây giờ nhỉ? - Ảnh 2.

Vậy là, hãy cứ đi theo tiếng gọi của các khoản lợi tức, rồi đam mê sẽ tới? Khoan đi sâu vào chi tiết này vội, mà trước hết hãy đến với một quan điểm đầy... mâu thuẫn khác.

Bài phát biểu sau khi nhận bằng tiến sỹ của một CEO cũng... "lớn" không kém gì ông đầu tiên 

Biết đến Steve Jobs thì cũng nên biết tới một nhân vật khác, cũng sừng sỏ không kém, của nhà Táo khuyết – Tim Cook, hiện đang giữ chức giám đốc điều hành tại Apple. Vào một ngày chủ nhật, mùa thu năm 1997, Cook đã nhận được cuộc gọi từ một người quen, cuộc gọi đã thay đổi đời ông mãi mãi:

- Tôi có điều này cần nói với anh. – Giọng đàn ông trong điện thoại vang lên.

- Khi nào? – Tim Cook hỏi lại.

- Ngay bây giờ!

Người gọi đến không ai khác mà chính là nhà đồng sáng lập lừng danh của Apple – Steve Jobs. Vị CEO đương thời lúc đó đang muốn thuyết phục Cook rời công ty Compaq để đầu quân cho tập đoàn. Dù không mấy mặn mà với việc thay đổi công ty vốn đã rất tốt của mình, Cook vẫn cảm thấy sự hối thúc phải làm gì đó để đáp trả lời đề nghị của Jobs, mà theo như ông tiết lộ sau này là cũng chỉ từ… đam mê mà ra.

Từ phía sau câu chuyện của hai “ông lớn” nhà Apple: Tuổi trẻ phải làm việc vì đam mê, vì tiền hay… vì cái gì bây giờ nhỉ? - Ảnh 3.

Và rồi sau vài cuộc gặp tiếp theo, Tim Cook cũng trở thành Phó chủ tịch Apple từ năm 1998, rồi chính thức ngồi vào chiếc ghế giám đốc điều hành của tập đoàn vào năm 2011, sau cái chết của ông lớn Steve Jobs.

Nếu coi Jobs là một thiên tài có trí óc sáng tạo bậc nhất, thì Cook lại là một người bán hàng quá sức tài tình. Những tưởng Apple sẽ lao xuống vực thẳm sau sự ra đi của vị cố CEO, thì Cook đã một tay chứng minh được rằng đây không phải là chuyện dễ gì xảy ra dưới trướng của ông. Cook xắn tay áo lên và tiếp quản Apple – đang là một tập đoàn trị giá 347 tỷ USD vào năm 2011 – rồi biến nó thành một đế chế hùng mạnh hơn gấp vạn với giá trị đạt được hiện giờ đã lên tới 1 nghìn tỷ USD. Tài năng của "cáo già thương trường" đã đập tan mọi mối lo ngại mà trước đây giới chuyên môn đã dành cho số mệnh của Apple. Nhưng đối nghịch lại với những thành công về mặt tiền bạc hay khả năng kiểm soát tài chính lỗi lạc của Cook, ông vẫn một mực trung thành với câu nói: "Nếu chỉ làm việc vì tiền thì bạn sẽ chẳng bao giờ có được hạnh phúc."

Từ phía sau câu chuyện của hai “ông lớn” nhà Apple: Tuổi trẻ phải làm việc vì đam mê, vì tiền hay… vì cái gì bây giờ nhỉ? - Ảnh 4.

Theo sau buổi lễ nhận danh hiệu Tiến sĩ tại đại học Glashow của Tim Cook, là một bài diễn văn từ chính nhà cầm quân của Apple, nhằm mục đích truyền ngọn lửa cảm hứng và đam mê cho toàn thể các nhà khởi nghiệp trong tương lai. Trong bài nói của mình, Cook đã nhiều lần nhấn mạnh về việc tìm kiếm một công việc khiến các bạn trẻ cảm thấy say mê. Và chỉ khi đã nghiệm ra được ý nghĩa thật sự của công việc mình đang thực thi, khi không có sự dính dáng đến tiền bạc, thành công đúng nghĩa mới là thứ các bạn có thể chạm tới. Buổi diễn văn khép lại với một cảm xúc mãnh liệt đến từ phía dưới các băng ghế. Tim Cook nói, các bạn cũng đã hiểu. Đã làm việc thì luôn phải đặt đam mê lên hàng đầu, vượt lên cả những mặt vật chất khác thì mới đúng là điều cốt lõi.

Cùng là đầu não của Apple, nhưng kể ra thì như thể hai người có hai góc nhìn hoàn toàn trái ngược nhau… Thật vậy sao?

Từ phía sau câu chuyện của hai “ông lớn” nhà Apple: Tuổi trẻ phải làm việc vì đam mê, vì tiền hay… vì cái gì bây giờ nhỉ? - Ảnh 5.Cùng là ông chủ của cả một đế chế, nhưng Steve Jobs và Tim Cook lại có cách nghĩ khác nhau sao?

Mọi sự sẽ đúng là như vậy – Tim Cook và Steve Jobs có quan điểm làm việc trái ngược nhau – nếu ta chỉ nhìn vào một phía của vấn đề thay vì ngó sang cả bức tranh tổng thể. Chỉ nhìn vào một góc độ mà ta muốn thấy, và sự thật cũng sẽ bị bẻ cong theo chiều hướng đó.

Hãy nhớ rằng, Steve Jobs cũng là một người làm việc với niềm đam mê tuyệt đối, và sứ mệnh của ông còn vượt xa hơn cả về mặt công nghệ. Ông đam mê việc thay đổi thế giới, biến đổi những trật tự vốn có và mang đến những lợi ích tối ưu cho khách hàng. Đây hẳn cũng là điều mà gã trai Jobs thời còn trẻ cũng đã ngộ ra sau những phi vụ làm ăn khét tiếng của mình.

Còn về phần Tim Cook, ông cũng đã được trả công vô cùng hậu hĩnh, với giá trị tài sản trong năm 2016 là 8,75 tỷ USD. Thậm chí trong bài diễn văn của mình trước những người trẻ tại đại học Glashow, ông cũng đã phải thừa nhận rằng mình cực kỳ hài lòng với mức lương nhận được. Suy cho cùng thì đâu có doanh nhân nào làm việc mà không nhận lại bất cứ thứ gì cơ chứ. Nếu đam mê được gắn thêm với một sự đáp trả tương xứng, nó sẽ còn được thúc đẩy hơn nữa so với việc làm từ thiện không công, hay làm 10 mà chỉ được trả 5 trong câu chuyện ở phần mở đầu kia.

Trong bom tấn Người Dơi, có một nhân vật hay cười đã từng nói rằng: "Nếu bạn giỏi thứ gì đó, đừng làm nó miễn phí."

Quả thực là không nên làm những thứ mình giỏi một cách miễn phí, bởi như thế thì chả khác gì tự đánh giá thấp bản thân cả. Nhưng một lần nữa, phải nhìn lại vào cả hai phía cái đã. Trước khi đến với cái vế "đừng làm nó miễn phí" mà mọi người vẫn hay tranh luận, lại là cái vế "giỏi thứ gì đó" cơ! Để mà tự kiếm ra được đồng tiền dựa trên tài năng công sức của mình, trước hết bạn phải thật sự am hiểu trong lĩnh vực đó đã. Và để am hiểu, ta lại cần có đam mê. 

Từ phía sau câu chuyện của hai “ông lớn” nhà Apple: Tuổi trẻ phải làm việc vì đam mê, vì tiền hay… vì cái gì bây giờ nhỉ? - Ảnh 6.

Nó như một vòng luẩn quẩn vậy, phải không? 

Tưởng chừng như sự tranh chấp giữa hai thái cực này vẫn chưa thể đến được hồi kết mà phân định rõ ràng ra đâu là thứ quan trọng hơn; thì sau câu chuyện hai vị giám đốc điều hành của Apple, chung quy lại vẫn… không có cái nào quan trọng hơn cái nào. Khát khao cống hiến và phần thưởng xứng đáng luôn song hành lẫn nhau, và không có thước đo nào có thể đong đếm được chúng. 

Tin vào góc nhìn phiến diện của người khác làm chi, bởi sẽ có lúc chúng ta phải sáng suốt mà tự quyết định nên cho đi sức trẻ của mình nhiều hơn, hay nhận lại từ phía người khác sao cho thật xứng đáng. Nhưng quan trọng hơn cả, là phải có cả hai.

Theo Kenh14.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.