Tư nhân hóa thám hiểm đáy đại dương

Tư nhân hóa thám hiểm đáy đại dương

(GD&TĐ) - Không như thế hệ đi trước, các nhà khám phá tương lai có thể sống với giấc mơ của họ dễ dàng hơn, nếu họ có rủng rỉnh tiền bạc. Trên thực tế, nhiều kẻ siêu giàu đã ấp ủ một tham vọng mà ngay cả các quốc gia có nhiều bờ biển cũng chưa dám nghĩ đến: đi tới điểm sâu nhất của đại dương bằng những con tàu do chính họ bỏ tiền ra thiết kế và xây lắp. 

Tư nhân vào cuộc

Những tỉ phú và triệu phú đô la như James Cameron, đạo diễn các bộ phim bom tấn Avatar, TitanicThe Abyss; tài phiệt hàng không Richard Branson và “trùm” Internet, Google Eric E. Schmidt thuộc số này. Mỗi người đang xây dựng hoặc đã lên kế hoạch xây lắp hoặc tài trợ cho những con tàu lặn mini đủ mạnh để đưa họ, bạn bè, gia đình và các nhà khoa học xuống đại dương, sâu thẳm. Ai có máu kinh doanh thì mường tượng ra khả năng hốt bộn bạc nhờ kinh doanh du lịch đáy đại dương giống như du lịch trên quĩ đạo thấp của Trái đất. Nhưng chi phí xây lắp những con tàu lặn với sức chở từ 1-3 người không hề nhỏ: từ 7 đến 40 triệu USD, tùy qui mô và trang bị.

Cuộc chạy đua xuống đáy đại dương được gia tốc nhờ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ vật liệu, bình điện cấp năng lượng cho tàu lặn và hệ thống điện tử khiến chi phí xây lắp giảm đáng kể, trong khi khả năng hoạt động và trang thiết bị lại tăng hơn trước. Tính an toàn cũng tăng. Tuy nhiên, đối với không gian và biển sâu xa lạ thì thách thức không bao giờ hết. Thách thức lớn nhất hiện nay là xây lắp khoang dành cho đội lặn với vách phải rất dày và chịu được áp lực hàng tấn khi đi dần xuống đáy đại dương. Các nhà thiết kế không chỉ sử dụng loại thép thông dụng mà dùng cả những vật liệu mới. Khoang chở người hình quả cầu thủy tinh chịu được áp lực rất lớn.

Tàu lặn
Tàu lặn

Loài người đã quan tâm đến Challenger Deep (cách mặt biển gần 11km ở Thái Bình Dương, được xem là nơi sâu nhất thế giới), cách nay nửa thế kỷ (1960), khi khoang lặn Trieste của Hải quân Mỹ được thả xuống đáy biển. Nhưng do một cửa sổ bị rạn và đáy biển bị khuấy động nên hai thợ lặn hầu như không nhìn thấy gì và không chụp được bức ảnh nào. Họ ở lại đáy biển 20 phút trước khi được kéo lên. Không bỏ mạng đã là may mắn. Những năm sau đó, loài người tập trung thám hiểm những chỗ cạn hơn. Từ khi tìm thấy xác tàu Titanic nằm tại đáy bắc Đại Tây Dương năm 1985, hàng trăm nhà thám hiểm, du khách, nhà làm phim đã đến tham quan điểm chìm tàu nổi tiếng của thế giới nằm dưới mặt biển hơn 2 dặm. 

Một dự án nặng tính nghệ sĩ của Richard Branson

Trong nhiều thập niên, các nhà sinh học đã dùng những sợi dây cáp dài gắn camera thả xuống biển để cố tìm hiểu các sinh vật, cây cối nào đang sống dưới đáy sâu thẳm của đại dương và những gì đang diễn ra ở đó. Có đến hàng ngàn loài giun, giáp xác và các sinh vật nhỏ có hình dáng kỳ lạ. Mới hơn là dùng các robot lặn sâu để quay phim những quần thể cá chình, lươn và “cá ma” với đuôi dài và uốn cong. Đầu tháng 4, Branson (sáng lập hai công ty Virgin Atlantic và Virgin Galactic), tổ chức họp báo tại Newport Beach, California để giới thiệu chiếc tàu lặn mới.

Con tàu ông giới thiệu dài 5,4m trông giống chiếc máy bay màu trắng xanh có đôi cánh chắc chắn và buồng lái. Độ cong của cánh giúp con tàu tăng tốc lặn xuống dễ dàng hơn. Giống như máy bay cất cánh, một bên là ma sát của nước, một bên là ma sát của không khí. Graham Hawkes, nhà thiết kế con tàu của Branson có kinh nghiệm chế tạo các thiết bị hoạt động dưới mặt biển. Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông cho biết dù có thể dùng mẫu thiết kế quen thuộc nhưng mục tiêu của dự án mới là “cố đạt đến tình trạng nghệ thuật của tàu lặn biển”. Con tàu có cánh này và tàu mẹ điều khiển trên mặt nước tốn tổng cộng 17 triệu USD. Theo dự định, tàu sẽ có chuyến đi đầu tiên vào cuối năm nay.

Dự án của Branson
Dự án của Branson

Một vài tuần sau khi Branson công bố kế hoạch của mình, một đối thủ khác cũng công bố kế hoạch của họ. Đó là công ty Triton Submarines, bản doanh đặt tại Vero Beach, Florida, chuyên làm những con tầu lặn nhỏ có khoang hình cầu 2 người ngồi, lặn được nửa dặm hay hơn. Loại tàu ngầm mới được giới thiệu gần như hoàn chỉnh và trông đẹp hơn các thiết kế cũ. Công ty cho biết đang chuẩn bị xây lắp loại tàu lặn mang được 3 người xuống Challenger Deep. Khoang lái hình cầu có đường kính 2,2 mét làm hoàn toàn bằng kính mở đóng được như vỏ sò để người chui vào. Một cuốn sách hướng dẫn của công ty cho biết, chủ tàu có thể lấy giá vé 250.000 USD cho một du khách thám sát Challenger Deep.

Mike McDowell, nhà tổ chức hàng đầu loại hình du lịch mạo hiểm, kể cả lặn xuống xác tàu Titanic, cho biết ông đã nói chuyện với Triton Submarines và tin rằng thị trường du lịch xuống Challenger Deep còn tương đối hẹp. “Trải nghiệm sống dưới đáy đại dương là tuyệt vời vì nó quá đẹp, nhưng nhiều người không dám xuống đó vì nỗi sợ hiển nhiên hoặc mơ hồ” - ông nhận xét trong một cuộc phỏng vấn. 

Dự án tham vọng của ông “trùm” Google

Trong khi đó, Cameron lặng lẽ theo đuổi giấc mơ của mình tại Úc. Cách nay 5 năm, ông thành lập đội ngũ xây dựng bí mật một con tàu lặn mới cùng với những con tàu kiểu cũ, nhưng nhỏ hơn. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết khoang lái hình quả cầu thép chứa người của con tàu rộng có 1,2 mét, chỉ chứa được 1 người, và có trang bị hệ thống camera quay phim 3-D. Bất chấp những tin tức là quả cầu có thể xuất hiện trong bộ phim Avatar tiếp theo lấy bối cảnh đại dương, Cameron khẳng định, cỗ máy lặn sâu này không liên quan gì đến hoạt động điện ảnh của ông.

Tuy nhiên, có thể sẽ sớm có một hay hai bộ phim tài liệu về quả cầu lặn. Cameron cho biết thêm, chi phí đóng tàu từ 7-8 triệu USD; thuê một con tàu mẹ để làm việc với nó tốn thêm từ 30.000-40.000 USD mỗi ngày. Theo Cameron, việc thử nghiệm lặn sâu với con tàu có thể bắt đầu vào đầu năm tới. Ông và các cộng sự sẽ lặn xuống tây Thái Bình Dương trong thời gian khoảng 12-15 phút. Mục tiêu không chỉ có Challenger Deep mà còn các hố Tonga và Kermadec nằm ở mạn bắc New Zealand. Nhà sản xuất phim cho biết, ông đã làm việc với các viện hải dương học về việc phát triển mối quan hệ dài hạn trong các dự án tàu lặn.

Trieste lặn xuống Challenger Deep năm 1960
Trieste lặn xuống Challenger Deep năm 1960

Có lẽ doanh nhân kín tiếng nhất trong cuộc đua tàu lặn là Schmidt, chủ tịch điều hành của cỗ máy tìm kiếm Google và là sáng lập Viện Đại dương Schmidt và Hội Tàu Nghiên cứu đại dương Schmidt Research. Hai con tàu đang hoạt động của viện có chiều dài tương đối 76 mét và 82 mét. Schmidt cũng tài trợ cho dự án phát triển một tàu lặn tiến bộ do Deep Ocean Exploration and Research thiết kế. Đây là công ty nằm trên đảo Alameda Island ở San Francisco Bay, Mỹ. Sáng lập công ty là bà Sylvia A. Earle, một nhà hải dương học từng phụ trách khoa học của cơ quan khí quyển và đại dương Mỹ (National Oceanic and Atmospheric Administration).

Tàu lặn tiến bộ có tên Deepsearch, trông khá lớn và đáp ứng vượt trội các tiêu chuẩn dành cho tàu lặn. Nó giống như con cá hay ngư lôi. Chở được 3 người, Deepsearch có thể đạt đến độ sâu 11,2 km trong chưa đầy nửa giờ, một kỷ lục. Khoang lái hình cầu của nó giống như mẫu quả cầu của Triton nhưng làm bằng kính để nâng khả năng quan sát. Vào thời điểm hiện nay, một tàu lặn hội đủ các yếu tố cần thiết và tối tân sẽ tốn không dưới 40 triệu USD kinh phí xây lắp. Deep Ocean Exploration and Research đã lên kế hoạch xây dựng 2 con tàu như thế. Deepsearch cũng được trang bị hệ thống chiếu sáng tối đa để có thể quan sát tận tường đáy đại dương. “Tình hình thám hiểm biển sâu đến nay là tốt. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ biết nhiều hơn về đáy đại dương” - Don Walsh, sĩ quan hải quân về hưu, từng tham gia cuộc lặn đứng tim xuống Challenger Deep năm 1960, nói.

Hồng Hải

(Theo The New York Times, Science Popsci)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.