“Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt – Hán” nhiều sai sót

GD&TĐ - “Hán hóa tiếng Việt” ở đây được hiểu cụ thể là áp đặt các đơn vị thành, ngữ tục ngữ trong tiếng Hán vào tiếng Việt. Nó làm cho tiếng Việt giống với tiếng Hán, người Việt nói theo cách của người Hán.

Bìa “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt – Hán” đã xuất bản và tái bản của Nguyễn Văn Khang.
Bìa “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt – Hán” đã xuất bản và tái bản của Nguyễn Văn Khang.

“Hán hóa tiếng Việt” trong từ điển của Nguyễn Văn Khang

Trước khi đi vào cụ thể, chúng tôi xin nêu lại: “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Hán” của Nguyễn Văn Khang (NVK) là loại từ điển đối chiếu. Nó không phải từ điển giải thích. Tác giả NVK không dành một lời nào quy ước về cấu tạo của mỗi mục từ.

Nhưng trong “Lời nói đầu” của bản in năm 1999, tác giả NVK viết: “Nói một cách cụ thể về cách làm là, trước một thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, chúng tôi cố gắng tìm các thành ngữ, tục ngữ tiếng Hoa tương đương”.

Theo quan sát, trong mỗi mục từ, “thành ngữ tục ngữ tiếng Việt” được nêu ra trước, tiếp đến là phần đối chiếu với thành ngữ tục ngữ Hán được viết bằng nguyên văn chữ Hán kèm phiên âm Bắc Kinh. Vì đây là từ điển đối chiếu, nên tất cả các mục không kèm lời giải thích.

Điều đáng nói, dường như tác giả NVK đã không phân biệt được sự khác nhau giữa thành ngữ tục ngữ Hán phiên âm Việt, với thành ngữ tục ngữ Việt gốc Hán. Bởi vậy, một mặt tác giả đã “Hán hóa tiếng Việt” bằng cách “nhập khẩu” hàng trăm thành ngữ tục ngữ Hán (chỉ dùng trong tiếng Hán/Hoa) đặt vào vị trí thành ngữ tục ngữ Việt.

Mặt khác “Hán hóa” nhiều thành ngữ tục ngữ Việt gốc Hán (chỉ dùng trong tiếng Việt), vốn đã trải qua một quá trình Việt hóa lâu dài. Thậm chí tác giả từ điển còn lấy bản dịch, hoặc bản phiên âm tục ngữ Hán và áp vào vị trí thành ngữ tục ngữ Việt, rồi đối chiếu với chính tục ngữ Hán. 

“Hán hóa tiếng Việt” bằng cách “nhập khẩu”

Tục ngữ Việt là gì? Là những câu tục ngữ được sử dụng trong tiếng Việt, lời ăn tiếng nói của người Việt, ai cũng biết dùng, ai nghe cũng hiểu.

Tục ngữ Hán là gì? Là những câu tục ngữ chỉ có trong tiếng Hán, không có trong tiếng Việt. Khi nghe những thành ngữ tục ngữ này, người Việt không hiểu gì, dù nghĩa đen hay nghĩa bóng.

Thế nhưng, tác giả NVK đã thu thập hàng trăm thành ngữ tục ngữ Hán, sau đó phiên âm Hán Việt rồi đặt vào vị trí Việt để so sánh, “đối chiếu” với chính tiếng Hán (tức phần nguyên văn chữ Hán được từ điển mặc định là thành ngữ tục ngữ Hán).

Xem “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt - Hán”, chúng tôi thấy nếu chữ đầu tiên của câu thành ngữ tục ngữ có âm đọc Hán Việt, thì hàng loạt tục ngữ Hán sẽ được liệt kê. Ví dụ: “khai môn ấp đạo”; “khai vân đổ thiên”; “không huyệt lai phong”…

Thậm chí có những mục như “ám tiễn thương nhân”, tác giả cho rằng, biến thể của “thành ngữ Việt” này là “minh thương dị đóa, ám tiễn nan phòng”, nhưng sự thực cả hai đều là thành ngữ Hán phiên âm Việt, chứ không phải “thành ngữ Việt”.

Hầu như phần chữ cái nào (vần A, B, C… trong từ điển) cũng có hiện tượng “Hán hóa” thành ngữ tục ngữ Việt. Tuy nhiên, do khuôn khổ bài viết có hạn, nên chúng tôi chỉ lược trích một vài trường hợp đại diện trong tổng số khoảng 120 mục tương tự.

“A kì sở hiếu - 阿其所好; “bạc thần khinh ngôn - 薄唇輕言; “cách cố đỉnh tân - 革故鼎新; “danh cương lợi tỏa - 名綱利鎖; “đa hành bất nghĩa tất tự tệ - 多行不義必自斃; “giải cấu tương phùng - 邂逅相逢”; “hàm tiếu nhập địa - 含笑入地”…

Có những vần dày đặc hiện tượng “Hán hóa tiếng Việt” (từ đây chúng tôi lược bỏ phần nguyên văn chữ Hán cho ngắn gọn): “Kích trọc dương thanh; kiềm lư chi kĩ; la quật câu cùng; la tước quật thử; nhật mộ đồ cùng; oa giác công danh; oa ngưu tiểu lợi; phá phẫu trầm châu; sa để hoàng kim; thoái tị tam xá; thố tử hồ bi; ứng đối như lưu; vô sở bất vi; xả đoản thủ trường…

Trong tiếng Việt cũng có một số thành ngữ tục ngữ gốc Hán, mà tiếng Hán hay tiếng Việt đều dùng giống nhau. Bởi đã được Việt hóa, nên một người Việt dù không được học chữ Hán vẫn có thể dùng đúng hoặc hiểu chính xác. Ví dụ: “Nhàn cư vi bất thiện; Ác giả ác báo; Hậu sinh khả úy…

Tuy nhiên, những thành ngữ tục ngữ trong từ điển của NVK chỉ là tục ngữ Hán phiên âm Hán Việt, chứ không phải lời ăn tiếng nói của người Việt. Thế nên, khi đọc người Việt không ai hiểu gì. 

Áp đặt các bản dịch thành ngữ tục ngữ Hán

Nhiều thành ngữ tục ngữ được tác giả NVK đặt ở vị trí Việt để so sánh với Hán, nhưng thực chất đó chỉ là thành ngữ tục ngữ Hán được đối dịch hoặc diễn giải nôm na sang tiếng Việt. Ví dụ: “Cá mè đỏ đuôi”. Tác giả cho rằng, đó là thành ngữ Việt, đồng nghĩa với “phường ngư ngật vĩ” (Hán).

Trong kho tàng tiếng Việt, hoàn toàn không có thành ngữ “cá mè đỏ đuôi”. Bởi vậy, dù được NVK dịch ra từ tiếng Hán, nhưng ngoài nghĩa đen: Con cá mè đỏ đuôi, thì không ai hiểu nghĩa bóng của nó là gì.

“Vang động núi sông”: Tác giả NVK cũng cho là thành ngữ Việt, đồng nghĩa với thành ngữ Hán “xuyên sơn liệt thạch”. Tuy nhiên, tiếng Việt không có thành ngữ này. Căn cứ theo cách giảng của Hán ngữ đại từ điển, thì dị bản “xuyên vân liệt thạch” có nghĩa đen: Xuyên qua tầng mây, xẻ tan đá núi; nghĩa bóng chỉ lời nói, âm thanh vang rền, chấn động”. Theo đây, “vang động núi sông” chỉ là bản tác giả dịch và hiểu theo nghĩa bóng của “xuyên sơn liệt thạch” mà thôi.

Như vậy, nếu cần đối chiếu, thì “long trời lở đất” mới là thành ngữ Việt đồng nghĩa với “xuyên sơn liệt thạch” Hán.

Ngoài ra, còn hàng loạt thành ngữ tục ngữ dịch từ tiếng Hán khác được NVK đưa vào làm thành ngữ tục ngữ Việt, dù đọc lên vẫn hiểu, nhưng nếu nói đó là thành ngữ tục ngữ Việt thì hoàn toàn không phải: “Chần chừ do dự - do dự bất quyết”; “đào sâu suy nghĩ – thâm tư thục lự”; “đúng sai phải trái – đại thị tiểu phi”…

Cũng có những “thành ngữ” chúng tôi không biết NVK lấy ở đâu để đối chiếu với Hán: “Thay nước không thay bình”; “thay đổi thất thường”… 

“Hán hóa” trở lại thành ngữ tục ngữ Việt đã được Việt hóa

Thành ngữ tục ngữ Việt gốc Hán có nhiều câu đã được Việt hóa hoàn toàn, đến mức người ta đã quên đi bản gốc Hán, và chỉ sử dụng bản đối dịch, hoặc diễn nôm, có chỉnh sửa.

Ví dụ: Trăm nghe không bằng một thấy (gốc Hán: Bách văn bất như nhất kiến); Miệng ăn núi lở (Tọa thực băng sơn); Anh lùn xem hội (Nụy nhân khán hý); Áo gấm về làng (Cẩm y hồi hương)…

Khi biên soạn loại từ điển đối chiếu thành ngữ tục ngữ Việt với Hán, thì bản đã được Việt hóa phải được xem là bản đại diện của thành ngữ tục ngữ Việt để đối chiếu với bản Hán. Tuy nhiên, NVK chủ trương khôi phục lại bản gốc Hán, hoặc bản Hán để đặt vào vị trí Việt, coi những bản này là bản chính. Tác giả NVK đảo vị trí các thành ngữ tục ngữ Hán thành Việt (có khoảng 100 trường hợp như thế này).

Thậm chí, trong tiếng Việt có bản Hán Việt, hoặc bản gốc Hán đã Việt hóa hoàn toàn, nhưng NVK lại dùng bản Hán thay cho Việt để đối chiếu với Hán. Ví dụ: Người Việt có câu “trời cao biển rộng” hoặc “biển rộng trời cao” để chỉ sự rộng lớn, bao la như đất trời, vũ trụ. Thế nhưng, tác giả lại áp đặt câu “hải khoát thiên không” của người Hán cho người Việt, tựa như người Việt không có cách nói nào khác của riêng mình.

Ngay như “giải cấu tương phùng” là một thành ngữ có xuất hiện trong “Truyện Kiều”, nhưng không phải vì thế mà nó mặc nhiên trở thành “lời ăn tiếng nói” của người Việt, đặc biệt là trong tiếng Việt hiện đại. Thế nhưng, thay vì chọn bản đồng nghĩa “không hẹn mà gặp” (dị bản “không hẹn mà gặp, không rắp mà nên”), thì NVK lại chọn “giải cấu tương phùng” làm thành ngữ Việt để đối chiếu với Hán.

Cần phải nhắc lại rằng, NVK đối chiếu các đơn vị thành ngữ tục ngữ Việt với thành ngữ tục ngữ Hán trong tiếng Việt và tiếng Hán hiện đại “với tư cách là một ngoại ngữ”, như chính tác giả đã chỉ rõ: Sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt – Hán” là “công cụ tiện lợi cho việc những người biên, phiên dịch, giao tiếp song ngữ Hoa – Việt và học tiếng Hoa, tiếng Việt với tư cách là một ngoại ngữ”.

Tuy nhiên, tất cả những câu như “a kì sở hiếu”, “a ý khúc tòng… có thể từng xuất hiện đâu đó trong các tác phẩm cổ văn Việt Nam, nhưng nếu xem đây là lời ăn tiếng nói của người Việt, người Hán có thể giao tiếp với người Việt thông qua những thành ngữ tục ngữ này thì hoàn toàn nhầm lẫn. Đó là lời ăn tiếng nói của người Hán, người Việt không nói như vậy.

Thực ra, “Hán hóa tiếng Việt” không chỉ được NVK thực hiện trong “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt – Hán”. Trong hai cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” (2003) và “Từ điển chính tả tiếng Việt” (2018) soạn giả đã thu thập và hướng dẫn hàng trăm thành ngữ tục ngữ Hán.

Nếu người Trung Quốc sử dụng cuốn từ điển “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt - Hán” của NVK để học tập hoặc nghiên cứu tiếng Việt, họ sẽ coi là người Việt vay mượn quá nhiều thành ngữ tục ngữ Hán.

Ngược lại, người Việt hẳn cũng sẽ không khỏi ngạc nhiên và không hiểu tại sao kho tàng thành ngữ tục ngữ Việt lại nghèo nàn đến mức cha ông phải đi vay mượn, lệ thuộc vào tiếng Hán với số lượng nhiều và sống sượng đến vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải