SGK phải thống nhất với từ điển

GD&TĐ - Vừa qua, có chị phụ huynh cho tôi xem cuốn sách “Các con vật có tên là từ láy” của NXB Kim Đồng dành cho trẻ em lứa 3 - 5 tuổi (ảnh 1), kèm theo câu hỏi: “Le le, châu chấu, cào cào có phải là từ láy?” làm chúng tôi hơi lúng túng.

SGK phải thống nhất với từ điển

Tiếp theo, tôi càng ngỡ ngàng hơn khi đọc cuốn Từ điển từ láy tiếng Việt [Hoàng Văn Hành (cb), 2006, NXB Văn hóa Sài Gòn] (ảnh 2) thấy nhiều mục từ là tên các con vật, đồ vật, cây cối... trong đó những tên con vật quen thuộc có thể kể ra là: Ba ba, bìm bịp, bươm bướm…; tên đồ vật và cây cối: bong bóng, bùi nhùi, bùng binh, lục lạc, xúc xích; bìm bìm, bo bo, bòn bon, chà là, chôm chôm, dâu da, lồ ô, thốt nốt...

Theo lời nói đầu của cuốn sách, cuốn từ điển này được NXB Giáo dục ấn hành lần đầu vào năm 1995, đến nay đã được nhiều nhà xuất bản in lại nhiều lần có sửa chữa, bổ sung, nhưng vẫn giữ nguyên các mục từ tên con vật, đồ vật, cây cối như trên.

Trong lời nói đầu (viết vào tháng 1/1998), các tác giả đã nêu rõ quan điểm về từ láy của nhóm biên soạn: “Láy là một hiện tượng ngôn ngữ lý thú, mang tính đặc thù của tiếng Việt với tất cả tính đa dạng và không kém phần phức tạp của nó.

Nhiều vấn đề của hiện tượng láy như phân biệt từ láy với dạng láy, láy với ghép, giới hạn về mối quan hệ giữa âm thanh với ý nghĩa của từ láy... vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Cho nên, nếu như trong cuốn từ điển này vẫn còn một số mục từ mà đang nằm ở giáp ranh của những quan niệm khác nhau - láy hay không phải là láy, thì cũng là điều dễ hiểu”. Mặc dù vậy, chúng tôi thấy cũng còn nhiều vấn đề cần trao đổi lại.

Từ láy trong sách giáo khoa

Từ láy là một loại từ phức tiếng Việt được dạy trong chương trình các cấp học. Ở cấp tiểu học, trong chương trình lớp 4, học sinh đã được học từ láy với nội dung sơ lược, đơn giản: Từ láy là từ “Phối hợp những tiếng có âm đầu hay vần (hoặc cả âm đầu và vần) giống nhau. VD: Láy âm đầu: Căn sóc, ngay ngắn...; Láy vần: khéo léo, mảnh khảnh...; Láy cả âm đầu và vần: Ngoan ngoãn, luôn luôn...” [Tiếng Việt 4, tập 1, trang 39].

Trong phần bài tập luyện tập về từ láy, kiến thức được bổ sung thêm: “Từ láy là từ có thể cả hai thành tố đều không có nghĩa hoặc một trong hai thành tố không có nghĩa, chúng lặp lại âm đầu hay phần vần hoặc cả tiếng”.

Lên cấp THCS - ở chương trình lớp 6 - trong bài “Từ và cấu tạo của từ tiếng Việt”, khái niệm từ láy được nhắc lại: “Những từ phức có quan hệ láy âm giữa các tiếng được gọi là từ láy” và “từ láy là từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ láy âm giữa các tiếng lại với nhau”. [Ngữ văn 6, tập 1, tr 14].

Đến lớp 7 cấp THCS, học sinh được cung cấp thêm gần như đầy đủ các kiến thức về từ láy. Trong bài này, thầy cô sẽ hướng dẫn các em tìm hiểu một cách cặn kẽ, tường tận về từ láy, nhất là về nghĩa của từ láy.

Trong tất cả các từ ví dụ được nêu trong các bài học ở các cấp học kể trên, hầu như chúng đều là vị từ, không thấy có từ nào là danh từ; tương tự, từ tên gọi con vật, đồ vật, cây cối thì tuyệt nhiên cũng không hề thấy SGK lấy làm ví dụ.

Vấn đề đặt ra

Bộ GD&ĐT vừa công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới cùng với lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ văn mới của ba cấp học từ 2020 đến 2025.

Vấn đề đặt ra ở đây là kiến thức về từ láy giữa “Từ điển từ láy tiếng Việt” và SGK hiện hành chưa nhất quán - như đã phân tích ở trên, cần phải cấp thiết điều chỉnh cho phù hợp trong đợt thay SGK mới đã cận kề này.

Ở đây, chúng ta chưa bàn sâu đến các “vấn đề của hiện tượng láy như phân biệt từ láy với dạng láy, láy với ghép, giới hạn về mối quan hệ giữa âm thanh với ý nghĩa của từ láy... vẫn còn đang bỏ ngỏ” như lời phi lộ đầu cuốn từ điển mà các tác giả đã nêu. Nhưng nhất thiết phải có sự thống nhất giữa sách giáo khoa và từ điển để khỏi gây ngộ nhận cho học sinh, gây khó khăn cho học sinh trong tiếp nhận và khó xử cho giáo viên khi giảng dạy, giải đáp thắc mắc của học sinh.

Cũng cần nói rõ thêm, các từ là tên đồ vật, con vật, cây cối nêu trên, hiện được nhiều nhà ngữ học uy tín xếp vào loại từ đơn đa âm, chứ không phải từ láy; và các thế hệ giảng viên, giáo viên các cấp hiện nay hầu hết cũng từng được tiếp nhận quan điểm này khi là giáo sinh sư phạm.

Cuối cùng, sự nhất quán hóa kiến thức giữa SGK và từ điển luôn là yêu cầu cấp thiết vì từ điển là loại “sách tra cứu tập hợp các đơn vị ngôn ngữ (thường là đơn vị từ vựng), cung cấp một số kiến thức cần thiết đối với từng đơn vị”; nếu học sinh các cấp khi học về từ láy, sử dụng cuốn từ điển trên để làm các bài tập trên lớp hoặc làm bài kiểm tra, bài thi thì từ sự chênh nhau giữa các kiến thức trong chương trình học với kiến thức trong từ điển sẽ dẫn đến tác hại khôn lường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.