Lưu ý khi dùng từ điển Tiếng Việt

GD&TĐ - Vừa qua, trên các phương tiện truyền thông diễn ra cuộc tranh luận rôm rả về từ ngữ trong slogan của một hãng giải khát nọ. 

Lưu ý khi dùng từ điển Tiếng Việt

Đến nay, khi cơn bão tranh luận chữ nghĩa ấy đã tạm lắng xuống, thận trọng xem lại các ý kiến, chúng tôi bất chợt nhận thấy: Nhiều tác giả hình như còn nhầm lẫn giữa hai loại từ trong từ vựng tiếng Việt là từ đồng âm và từ đa nghĩa/ nhiều nghĩa. (Từ đây xin được sử dụng tên gọi: Từ đa nghĩa thay cho từ nhiều nghĩa để bảo đảm tiêu chí đồng bộ thuật ngữ trong ngôn ngữ học).

Khái niệm đồng âm và đa nghĩa

Trước tiên, có lẽ nên nhắc lại khái niệm về hai loại từ trên, đã được xác nhận trong sách giáo khoa hoặc từ điển:

- Kiến thức sơ yếu về từ đồng âm được dạy trong bài “Từ đồng âm” ở tuần 11, chương trình THCS lớp 7 [Ngữ văn 7, tập 1, trang 135] ở phần ghi nhớ nêu rõ: “Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng nghĩa khác xa nhau, không liên quan gì với nhau”.

Từ điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê cũng giải nghĩa: “Từ đồng âm: Từ có vỏ ngữ âm giống nhau nhưng khác nhau về nghĩa. “Đường” (để ăn) và “đường” (để đi) là hai từ đồng âm”. [trang 1036]

Như vậy, đồng âm là hiện tượng diễn ra giữa ít nhất hai từ trở lên, chứ không phải trong nội bộ một từ, và về ngữ nghĩa, các từ ấy thường là đơn nghĩa.

- Trong lúc đó, từ đa nghĩa thì chỉ là một từ, xét về mặt ngữ nghĩa thì nó bao gồm từ 2 nghĩa trở lên, trong đó có nghĩa gốc và nghĩa chuyển. Nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ đó bao giờ cũng có mối liên hệ với nhau. (SGK lớp 5)

Đa nghĩa là một hiện tượng phổ quát, xuất hiện trong nhiều ngôn ngữ trên thế giới, chứ không riêng gì trong tiếng Việt. Như trong tiếng Anh, có tài liệu thống kê các động từ đa nghĩa đã kể ra: từ strike có 250 nghĩa, từ fall có 264 nghĩa, put: 268 nghĩa, turn: 288 nghĩa, get: 289 nghĩa, stand: 334 nghĩa, go: 368 nghĩa, run: 396 nghĩa… và “khủng” nhất là từ set có đến 464 nghĩa khác nhau!

Trong từ vựng tiếng Việt, không có từ nào nhiều nghĩa “khủng” như vậy. Từ điển tiếng Việt đã ghi nhận một số từ đa nghĩa là: từ chạy có 12 nghĩa, từ làm: 12 nghĩa, từ ăn: 13 nghĩa, từ đi có 18 nghĩa...

Như vậy, điều cốt yếu khi phân biệt hai loại từ này mà người sử dụng tiếng Việt cần phải nắm rõ, là sự khác biệt giữa một bên là khảo sát nhiều từ (từ đồng âm), còn bên kia là chỉ khảo sát một từ duy nhất (từ đa nghĩa).

Trong chương trình luyện từ và câu cấp tiểu học có bài “Phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa” ở lớp 5 hướng dẫn các em học sinh biết cách phân biệt hai loại từ này qua hệ thống ví dụ và bài tập.

Nhầm lẫn giữa hai khái niệm

Khi tra cứu từ điển, nhiều người còn nhầm lẫn giữa 2 loại từ trong từ vựng
Khi tra cứu từ điển, nhiều người còn nhầm lẫn giữa 2 loại từ trong từ vựng 

Trong cuộc tranh luận vừa qua, có nhiều ý kiến đã nhầm lẫn hai khái niệm trên khi khảo sát ngữ nghĩa của từ “lon”, cho rằng từ “lon” sử dụng trong slogan nọ có nhiều nghĩa:

- “Theo một số từ điển tiếng Việt, từ “lon” được ghi nhận 6 nghĩa, trong đó nghĩa từ “lon” trong trường hợp này mang nghĩa là vật đong (ống bơ). Trong 6 nghĩa này, cũng không có nghĩa nào có thể dùng với hàm ý xuyên tạc.” [1]

- “Trong tiếng Việt, từ “lon” mang nhiều nghĩa. Thứ nhất, là từ để chỉ thú rừng, cùng họ với cầy móc cua, nhưng nhỏ hơn (con lon). Nó còn là từ để chỉ vỏ hộp sữa, rượu hoặc nước uống hình trụ bằng kim loại (lon sữa bò, lon bia, lon nước ngọt). Đặc biệt, nó cũng là từ chỉ cối nhỏ bằng sành (lon giã cua bằng sành, vại nhỏ, chậu nhỏ bằng sành). Cũng với cách gọi thông dụng, từ “lon” còn có nghĩa phù hiệu, quân hàm - của quân đội một số nước (ví dụ: Đeo lon đại uý, gắn lon)”. [2]

- “Ngay như từ lon cũng có đến 5 nghĩa gồm hai nghĩa thuần Việt và 3 nghĩa mượn từ tiếng nước ngoài. Theo đó, nghĩa thứ nhất từ lon chỉ động vật sống trong rừng. Thứ 2, từ lon cũng dùng để chỉ cối nhỏ, thường được dùng để giã cua. Từ lon khi mượn từ nước ngoài lại có nghĩa là loại đồ đựng, bao bì như lon nước ngọt, lon bia. Ngoài ra, từ lon còn chỉ đơn vị đơn vị đo lường như lon gạo và thứ 5, từ lon còn được chỉ phù hiệu, quân hàm như lon trung úy, lon đại tá”. [3]

Phân biệt các đơn vị đồng âm và đa nghĩa trong từ điển tiếng Việt

Các cuốn từ điển tiếng Việt hiện hành đều phân biệt rõ hai loại từ trên, nhưng hình như nhiều người khi sử dụng không lưu ý đến quy ước sử dụng từ điển “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”, dẫn đến tác hại phạm lỗi nhầm lẫn hai loại từ như nêu trên. Xin nhắc lại một số quy ước thường được kê ở phần “Nội dung và cấu tạo” trong phần đầu các cuốn từ điển tiếng Việt:

“Đơn vị mục từ là từ...”; “Mỗi đơn vị đồng âm là một mục từ”; “Những đơn vị đồng âm có mối quan hệ nguồn gốc – ngữ nghĩa tương đối rõ thì... đều được xếp chung vào trong một mục từ... theo một thứ tự căn cứ vào quan hệ chuyển nghĩa”; “Các nghĩa của một đơn vị đa nghĩa được đánh số bằng chữ số Ả Rập 1, 2, 3... [Từ điển tiếng Việt (1995), Hoàng Phê Cb, trang XI-XII].

Như vậy, không hề có từ lon (đa nghĩa) nào trong tiếng Việt bao gồm 5 - 6 nghĩa như các ý kiến nhận xét, mà có đến 4 từ lon (đồng âm); trong đó có 2 từ lon mỗi từ mang 2 nghĩa (lon1, lon2) và 2 từ lon còn lại, mỗi từ đều đơn nghĩa (lon3, lon4). [Đại từ điển Tiếng Việt (1999), Nguyễn Như Ý Cb, trang 1036].

Như vậy, tra cứu từ điển tiếng Việt là hoạt động hết sức cần thiết và quan trọng đối với người sử dụng tiếng Việt cầu toàn và cẩn trọng.

Mỗi cuốn từ điển tiếng Việt có nội dung, cấu tạo và quy ước sử dụng không hẳn giống nhau do người soạn sách ấn định, mà người sử dụng nhất thiết cần phải tìm hiểu nắm vững trước khi dùng. Nếu người dùng từ điển mà chưa nắm vững quy ước sử dụng, đôi khi sẽ phản tác dụng và va vấp phải những nhầm lẫn không đáng có như trong trường hợp vừa nêu trên.

*********

[1], [2], [3]: Dẫn theo nguồn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.