Kỳ 2: Những dị bản chưa từng… tồn tại
Thành ngữ, tục ngữ thường tồn tại nhiều dị bản. Bởi vậy, để lựa chọn được bản chính xác, người biên soạn từ điển cần dựa vào nhiều căn cứ. Trong đó, từ điển và kho ngữ liệu là hai nguồn tham khảo quan trọng nhất.
Tuy nhiên, dường như nhiều khi tác giả Nguyễn Văn Khang (NVK) đã lựa chọn các bản thành ngữ, tục ngữ đại diện cho cả hai phía Việt và Hán theo cảm tính, huy động theo trí nhớ.
Kỳ dị đầu chít… chăn
Bởi vậy, “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt – Hán” thu thập nhiều dị bản không tiêu biểu, “dị bản lạ”, thiếu chính xác, không thấy bất cứ cuốn từ điển nào ghi nhận.
“Đầu không chăn đít không khố”: Ở bản in năm 1998 (NXB Khoa học Xã hội), thấy viết là “đầu không khăn, đít không khố”. Không hiểu sao đến bản in năm 2008 (NXB Văn hóa Sài Gòn), NVK lại chữa thành “đầu không chăn” rất kỳ dị.
“Ếch ngồi (nằm) đáy giếng”: Tiếng Việt chỉ có “ếch ngồi đáy giếng”, không có dị bản “ếch nằm đáy giếng”. “Ngồi” ở đây không những tả thực tư thế của loài ếch nhái, mà còn ám chỉ cuộc sống bó hẹp trong một phạm vi nhất định, giống như con ếch khi bị sa chân xuống giếng, chỉ biết ngồi một chỗ, bó gối mà ngóng nhìn lên bầu trời. Vả lại, nguyên văn bản trong tiếng Hán “tọa tỉnh quan thiên” thì “tọa” cũng có nghĩa là “ngồi” chứ không phải “nằm”.
“Gà hơn (ghét) nhau tiếng gáy”: Tiếng Việt chỉ có “con gà tức nhau tiếng gáy” hoặc “gà tức nhau tiếng gáy”. Chúng tôi không thấy sách vở nào ghi nhận hai dị bản “gà hơn nhau tiếng gáy” hay “gà ghét nhau tiếng gáy” như NVK thu thập.
“Gái đĩ già mồm, (kẻ trộm cắn răng)”: Chỉ có tục ngữ “gái đĩ già mồm, kẻ trộm lắm gan”, không có “kẻ trộm cắn răng”. “Lắm gan” ở đây được hiểu là to gan, không biết sợ là gì.
“Không có trâu bắt ngựa đi cày”: Tác giả NVK cho đồng nghĩa “vô ngưu cẩu đà lê = không có trâu bắt chó kéo cày” trong tiếng Hán. Tuy nhiên, tiếng Việt không có thành ngữ “không có trâu bắt ngựa đi cày”. Chính xác phải là “không có trâu bắt bò đi đẫm”.
Nếu “không có trâu bắt ngựa đi cày”, thì đây cũng không phải điều gì quá tệ hại, bởi nhiều dân tộc trên thế giới vẫn cày bừa bằng ngựa. Không rõ căn cứ vào đâu NVK lại đưa ra dị bản lạ “không có trâu bắt ngựa đi cày”, trong khi ngoài bản “không có trâu bắt bò đi đẫm”, thì tiếng Việt còn có “trâu không có, bắt chó đi cày” hoàn toàn tương ứng với “vô ngưu cẩu đà lê”.
“Kị (kì) hổ nan hạ ≈ cưỡi lên lưng hổ; cưỡi hổ khó xuống”: Tục ngữ Việt gốc Hán chỉ có “kị hổ nan hạ” (kị hổ = cưỡi hổ), không có “kì hổ nan hạ”. Lỗi này từng xuất hiện trong hai cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” (2003) và “Từ điển tiếng Việt” (2018) của đồng tác giả GS.TS NVK.
“Ngọng hay nói què thích (hay) đi”: Nên chọn bản chính “điếc hay ngóng, ngọng hay nói” (dị bản “người câm hay nói, thầy bói hay nhòm/dòm”) thể hiện sự chặt chẽ trong kết cấu, tạo nhịp điệu của dân gian.
“Người làm không bực bằng người chực nồi”: Chính xác phải là “Người đi không bực bằng người chực nồi cơm”. “Đi” ở đây là vắng nhà, đi đâu đó chưa về, khiến người ở nhà phải sốt ruột nhấp nhổm đợi cơm, thì mới “bực”.
“Ốc chẳng (không) thể mang nổi mình ốc (lại còn mang cọc cho rêu)”: Không hiểu tại sao tác giả lại đưa cụm từ “lại còn mang cọc cho rêu” vào ngoặc đơn. Nếu NVK xem “ốc chẳng (không) thể mang nổi mình ốc” là một dị bản, thì “dị bản” này không có nghĩa.
Mặt khác, bản chính xác phải là “ốc chẳng mang nổi mình ốc, lại còn làm cọc cho rêu”. Nghĩa đen: Cả rêu và ốc đều bám vào cọc. Riêng ốc di chuyển rất nặng nề khó khăn, ấy vậy mà trên thân (vỏ) của nó lại thấy đầy rêu bám, tựa như ốc lo thân ốc chưa nổi mà lại còn làm cọc cho rêu bám vậy.
Suy luận thay chỗ thành ngữ
“Quảng cáo rùm beng”: Tác giả cho đồng nghĩa với “đại xuy đại lôi” trong tiếng Hán. Tuy nhiên, mục này có hai điểm cần trao đổi: Tiếng Việt không có thành ngữ nào gọi là “quảng cáo rùm beng”. Căn cứ cách giảng của Hán ngữ đại từ điển: “Đại xuy đại lôi: Đánh trống và tấu nhạc lên cùng một lúc - Quảng cáo phô trương ầm ĩ.
Thành ngữ Hán này tương đương với “khua chiêng gõ mõ”, hoặc “khua chiêng gióng trống” trong tiếng Việt. Như vậy, “quảng cáo rùm beng” không phải là thành ngữ Việt, mà chỉ là nội dung dịch từ “đại xuy đại lôi” trong tiếng Hán.
“Tam thập lục kế, tẩu vi thượng kế”: Đây chỉ là bản phiên âm tục ngữ Hán, bởi người Việt thường nói “tam thập lục kế tẩu vi thượng sách” chứ không nói “tam thập lục kế, tẩu vi thượng kế”. Cách nói của người Việt có nhịp điệu, đăng đối, phong phú về từ ngữ hơn. Điều quan trọng nữa là không nên bỗng dưng đặt lại lời ăn tiếng nói của dân gian. Nếu mỗi người biên soạn từ điển tuỳ tiện theo một kiểu, thì thành ngữ tục ngữ sẽ loạn.
“Thâm nghiêm cùng cốc”: Thành ngữ Việt gốc Hán chỉ có “thâm sơn cùng cốc = núi sâu hang cùng); thành ngữ Hán, ngoài “thâm sơn cùng cốc” (thâm sơn u cốc = núi sâu hang vắng), còn có “thâm sơn trường cốc” = núi sâu hang thẳm. Dù Việt hay Hán, chúng tôi chưa thấy tài liệu sách vở nào ghi nhận “thâm nghiêm cùng cốc” = hang cùng thâm nghiêm. Giả sử NVK sưu tầm trong một tài liệu nào đó, thì “thâm nghiêm cùng cốc” (và nhiều dị bản “lạ” khác) cũng không thể là bản đại diện cho cả hai phía Việt và Hán.
“Thế gian được vợ hỏng chồng: Tác giả cho rằng, “thế gian được vợ hỏng chồng” trong tiếng Việt, đồng nghĩa với “thái phượng tuỳ kê” trong tiếng Hán. Tuy nhiên, mục này có 3 điểm cần trao đổi: Với tiếng Việt, nên đưa ra bản chuẩn: “Thế gian được vợ mất chồng”. Được - mất tạo thành hai thái cực, chặt chẽ mà có nhịp điệu, một kiểu cụ thể hoá của nhận thức “được cái này mất cái kia. Với tiếng Hán, bản chính phải là “thái phượng tuỳ nha” = phượng hoàng đi với quạ đen, chứ không phải “thái phượng tuỳ kê” = phượng hoàng đi với gà, như NVK thu thập.
Phải là phượng hoàng đi với quạ đen, mới tạo nên sự chênh lệch theo lối thậm xưng của dân gian; còn phượng hoàng đi với gà, tuy cũng chênh lệch, nhưng chưa bị đẩy đến tột cùng của hai thái cực đẹp - xấu đối lập, tương phản nhau.
Tiếng Hán có thành ngữ “độc hạc kê quần” = hạc đứng giữa bầy gà. Theo đây, con “gà” có được dùng để so sánh với “hạc”, nhưng với hàm ý so sánh về phẩm chất: Người tài năng, xuất chúng sống giữa những kẻ tầm thường, nhỏ mọn.
“Thế gian được vợ mất chồng”, trong tiếng Việt không đồng nghĩa với “thái phượng tuỳ nha” trong tiếng Hán. Bởi “Thế gian được vợ mất chồng”, ý dân gian muốn nói: Rất ít cặp vợ chồng cả hai đều hoàn hảo (chủ yếu nói về phẩm chất, tính cách), mà thường vợ chồng bù trừ khiếm khuyết cho nhau.
Bởi vậy hãy xem sự khôn khéo – vụng về, được - mất này là chuyện thường. Trong khi “thái phượng tuỳ nha” - phượng hoàng đi với quạ đen trong tiếng Hán được Hán ngữ đại từ điển giảng là “ví cô gái đẹp lấy phải người chồng thô tục”.
“Trèo non lặn biển”: Phải là “trèo non vượt biển” mới đúng. Trong hai cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” (2003) và “Từ điển tiếng Việt” (2018) GS.TS NVK từng hướng dẫn viết “trèo đèo lội suối” thành “trèo đèo lặn suối”, đến cuốn sách này, ông lại đưa ra dị bản kì dị “trèo non lặn biển”, thay cho “trèo non vượt biển”. Chúng tôi đã cố công tra cứu nhưng không thể biết tác giả từ điển căn cứ theo tài liệu sách vở nào.
“Trùng hợp tình cờ” bị tác giả cho đồng nghĩa với “mưu nhi hợp” trong tiếng Hán. Tuy nhiên, tiếng Việt không có thành ngữ nào theo lối nôm na “trùng hợp tình cờ”, mà chỉ có “không hẹn mà gặp”.
“Vơ bèo vặt tép”: Chính xác phải là “vơ bèo gạt tép”. “Vơ” và “gạt” ở đây đều chỉ hành động việc làm không có sự chọn lựa, đem lại kết quả à uôm, xô bồ. “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê, bản Vietlex): “Vơ bèo gạt tép ví trường hợp không lựa chọn kĩ, hoặc quá vội vàng mà vơ cả những thứ nhỏ mọn, không có giá trị (thường dùng trong trường hợp lựa chọn chồng hoặc vợ).