Từ đề thi môn Văn nghĩ về “đánh thức” tiềm lực đất nước!

GD&TĐ - “Đánh thức” nguồn nhân lực, vật lực vẫn còn “ngủ yên” sẽ tăng cường tiềm lực của đất nước.

Từ đề thi môn Văn nghĩ về “đánh thức” tiềm lực đất nước!

“Đánh thức” nhân lực

Tổng kết 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, nước ta đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. Có thể khẳng định điều này qua một vài số liệu.

Đó là: GDP bình quân đầu người năm 1991 là 188 USD thuộc nhóm thấp nhất, năm 2011 là 1.260 USD, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp) của thế giới, năm 2016 là 2.050 USD, bằng 10,9 lần năm 1991. Từ năm 1991 - 2016, nước ta đã tiếp nhận được nguồn vốn quốc tế khá lớn, trong đó vốn đầu tư nước ngoài thực hiện khoảng 165 tỷ USD, chiếm khoảng 22% tổng vốn đầu tư xã hội. Và, đến năm 2015, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới.

Như vậy, 30 năm đổi mới, nước ta đã có thành quả rất đáng trân trọng nhưng 30 năm tới phải đưa nước ta trở nên hùng cường. Để làm được điều đó, Phó Giáo sư Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore) từng khẳng định cần có chính sách cụ thể về trọng dụng hiền tài, trong đó có những người Việt ở khắp nơi trên thế giới đóng góp cho quê hương.

Kinh nghiệm từ Singapore đã cho chúng ta thấy rõ điều này. Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã hết sức quan tâm đến việc tuyển dụng tài năng từ nước ngoài. Ông nhấn mạnh: “Nếu không lấp vào chỗ trống bằng những tài năng nước ngoài, chúng tôi không làm cho đất nước vươn lên hàng đầu được. Họ chính là những megabytes bổ sung cho chiếc computer Singapore”.

“Đánh thức” vật lực

Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.  

Vì các nhu cầu ngày càng tăng của mình, con người không thể không khai thác rừng. Tuy nhiên, nếu biết khai thác một cách hợp lý và có kế hoạch trồng rừng thích hợp, chúng ta sẽ vẫn vừa thỏa mãn được các nhu cầu của mình, vừa không làm tổn hại đến rừng. Đề án ứng phó biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ nâng độ che phủ rừng lên 45%, ổn định diện tích rừng đặc dụng trên 2 triệu héc ta, phục hồi 0,62 triệu héc ta rừng tự nhiên, trồng thêm 250.000 héc ta và tái sinh tự nhiên 750.000 héc ta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cải tạo 350.000 héc ta rừng tự nhiên nghèo. Đây cũng là ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc Người còn sống.

Trong lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2010, bà Ketherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã nhận định: “Với tầm nhìn xa rộng của mình, Người đã nhận thấy trước ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tăng cường mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của quốc gia. Người ủng hộ sự cần thiết phải chống thiên tai, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng môi trường sinh thái, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng rừng, làm thủy lợi và cải thiện chất đất. Người khuyến khích nhân dân trồng thật nhiều cây”.

Bên cạnh đó, là một quốc gia ven biển, hơn nữa lại nằm ở vùng biển chiến lược quan trọng của khu vực và thế giới, lợi ích cốt lõi của Việt Nam gắn với biển. Nước ta có bờ biển dài hơn 3.200 km với gần 3.000 hòn đảo và một vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Biển Đông mà nước ta nằm ven bờ có tuyến vận tải huyết mạch với khoảng 150 - 200 tàu vận tải lớn qua lại mỗi ngày, chuyên chở 70% - 80% lượng hàng hóa của các nước khu vực.

Đây cũng là vùng biển giàu có tài nguyên, trong đó có dầu khí và thủy sản. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đặt mục tiêu tổng quát lúc đó nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Biến mục tiêu đó thành hiện thực là cách tốt nhất để kế thừa, gìn giữ, phát huy và bảo vệ các vùng biển đảo thiêng liêng của cha ông cho con cháu mãi mãi mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ