Đề môn Hóa phân bổ hợp lý và có tính phân loại cao
Nhận định về đề thi THPT quốc gia môn Hóa năm nay, thầy Phạm Thanh Tùng (Giáo viên Tuyensinh247.com) cho biết: Cũng như đề thi năm 2017, độ khó của các câu hỏi được xếp theo thứ tự tăng dần về độ khó, nhưng đề thi năm nay tính phân loại cao hơn. Để đạt điểm 8 – 10 thì học sinh phải xếp loại học lực giỏi và hiểu bản chất vấn đề, biết đan xen giữa kiến thức cơ bản, vận dụng và vận dụng cao mới có thể đạt được.
Phạm vi ra đề bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12, nhưng trọng tâm là kiến thức lớp 12 (chiếm khoảng 80%). Các câu hỏi lớp 11 (chiếm khoảng 20% phân bổ đều các chương. Ví dụ chương sự điện li có 1 câu, chương nito có 1 câu. Chương cacbon-silic 3 câu, chương hidrocacbon 2 câu và chương ancol-phenol 1 câu.
40 câu trong đề thi được phân bố 1 cách rất hợp lý theo mức độ từ dễ đến khó và rất khó như sau:
- 12 câu đầu dễ, ở mức độ nhận biết, tương đương 5 câu đầu trong "Ai là triệu phú". Học sinh nào không kiếm được đủ điểm ở phần này hoặc phải dùng "quyền trợ giúp" thì quả là hơi yếu.
- 20 câu tiếp theo vẫn còn dễ nhưng có thách thức hơn một chút, ở mức độ thông hiểu và tăng độ khó so với đề năm ngoái. Các câu hỏi vận dụng và câu hỏi thông hiểu xen kẽ nhau. Đây là phần lấy điểm chủ yếu của các bạn.
- 8 câu hỏi cuối là câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, được đánh giá là lạ và rất khó. Ví dụ như câu 73, 74. Những câu hỏi chưa từng xuất hiện trong các đề thi. Nhưng câu hỏi tổng hợp về este, peptit, cũng như kim loại, H+ và NO3-. Các câu hỏi này chính là những câu hỏi để phân loại học sinh khá và giỏi. Phổ điển phổ biến năm nay sẽ rơi vào mức điểm 5-6. Sẽ hiếm có điểm 9,5-10.
Có thể đánh giá một cách tổng quan là đề thi THPT QG năm nay khó hơn đề năm ngoái. Tính toán nhiều hơn, cần phải cẩn thận đọc kỹ đề hơn, ko dùng nhiều máy tính Casio như đề năm trước. Năm nay học sinh hoàn toàn phải hiểu bản chất mới làm được bài. Các phương án gây nhiễu đáp án cũng khó phát hiện ra hơn, tránh khoanh bừa đáp án mà vẫn đạt điểm trong kỳ thi. Duyên Vũ ( Ghi )
Mình về nhà bố nhé. |
Gần 20% tổng số câu hỏi thuộc chương trình Hóa học 11
Theo sự nhìn nhận và đánh giá của các giáo viên Tổ Hóa học - Hệ thống GD Hocmai, đề thi Hóa học kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tương đối hay, độ phân hóa ở mức chấp nhận được. Từ câu 61 của đề thi bắt đầu có sự phân hóa (tức là 50% tổng số câu hỏi được dùng để xét tốt nghiệp, 50% số câu hỏi được dùng để phân loại trình độ thí sinh).
Năm nay là năm đầu tiên có sự xuất hiện nội dung của chương trình Hóc học 11 trong đề thi THPT quốc gia. Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình Hóa học 11 là 17,5 %, còn lại là các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12. Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 chủ yếu ở cấp độ nhận biết; thông hiểu và vận dụng; không có câu hỏi vận dụng cao đề thi gần như bao quát được các chuyên đề trọng tâm của chương trình Hóa học 11.
Đề thi vẫn sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nhưng ở mức tương đối. Các câu hỏi cực khó bắt đầu từ câu 73 đến 80 trong đó có sự móc nối kiến thức lớp 11 và 12 (câu 74 mã 209). Từ câu 41 đến 72 là câu nhận biết; thông hiểu và vận dụng thấp.
Vẫn như mọi năm, đề thi xuất hiện câu hỏi giải bài tập Hóa học bằng phương pháp đồ thị (câu 64 mã đề 209 hay câu 72 – mã đề 202). Điểm mới của câu hỏi sơ đồ thí nghiệm năm nay là học sinh phải vận dụng kiến thức để trả lời thay vì chỉ ghi nhớ kiến thức như mọi năm. Ví dụ: (câu 55 – mã 209; câu 57 – mã 202, yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất hóa học suy ra hiện tượng sau phản ứng.
Số câu hỏi đếm có xu hướng tăng (đếm số phát biểu đúng; đếm số thí nghiệm đúng). Đây là những câu hỏi yêu cầu học sinh nắm được sự đa dạng trong kiến thức mới có thể làm được. Đề thi cũng xuất hiện các câu hỏi gắn với thực tiễn (câu 51 mã 209) về tác hại của khí CO – một loại khí thường xuyên xuất hiện trong các đám cháy gây tác hại cho con người.
So với đề thi năm 2017, đề thi không xuất hiện thêm các dạng câu hỏi mới, lạ như thông lệ và tương tự đề thi tham khảo Bộ GD&ĐT đã công bố hồi tháng 1/2018. Duyên Vũ (lược ghi)
Đề có câu hỏi lạ và hay
Thầy Lại Huy An – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Áng, Phú Thọ - nhận xét:
Đề thi năm 2018 so với đề thi năm 2017 độ khó tăng lên, tính phân hóa cao hơn. Dự đoán phổ điểm phổ biến năm nay sẽ rơi vào mức điểm 5-6, ít có điểm 10.
Phạm vi ra đề bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12, nhưng trọng tâm là kiến thức lớp 12 (chiếm khoảng 80%). Các câu hỏi lớp 11 (chiếm khoảng 20%) phân bổ đều các chương. Ví dụ: Mã đề 202, chương sự điện li có 3 câu (42, 44, 55), chương nitơ có 1 câu (43), chương hiđrocacbon 4 câu (41, 45,57, 61) và chương ancol-phenol 1 câu (50).
40 câu trong đề thi được phân bố 1 cách rất hợp lý theo mức độ từ dễ đến khó và rất khó. Các mức độ nhận biết 12 câu, thông hiểu 8 câu, vận dụng 12 câu, vận dụng cao 8 câu. Cụ thể:
12 câu đầu dễ, ở mức độ nhận biết. Học sinh có thể dễ dàng kiếm điểm ở các câu này.
20 câu tiếp theo ở mức độ thông hiểu và vận dụng có độ khó hơn so với đề năm 2017. Các câu hỏi vận dụng và câu hỏi thông hiểu xen kẽ nhau, để hoàn thành những câu này đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức nhiều hơn, đa dạng kiến thức mới có thể làm được. Phần lý thuyết khó tập trung chủ yếu là các câu đếm (66, 67, 68, 69 mã đề 202).
8 câu hỏi cuối là câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, một số câu tương đối lạ và rất khó, ví dụ như câu 77 mã đề 201, câu 79 mã đề 202 những câu hỏi chưa từng xuất hiện trong các đề thi. Những câu hỏi tổng hợp về este, peptit, cũng như kim loại, H+ và NO3-, điện phân là các dạng bài tập khó thường gặp nhưng không dễ để học sinh có thể hoàn thành hết được các câu này. Các câu hỏi này chính là những câu hỏi để phân loại học sinh khá và giỏi.
Vẫn như mọi năm, đề thi xuất hiện câu hỏi giải bài tập Hóa học bằng phương pháp đồ thị (câu 72 mã đề 202 hay câu 64 mã đề 201). Điểm mới của câu hỏi sơ đồ thí nghiệm năm nay là học sinh phải vận dụng kiến thức để trả lời thay vì chỉ ghi nhớ kiến thức như mọi năm. Ví dụ: (câu 53 - mã 201; câu 57 - mã 202, yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất hóa học suy ra hiện tượng sau phản ứng. Đề thi cũng có câu hỏi gắn với thực tiễn (câu 52 mã 201, câu 46 mã đề 202)
Mức độ của các mã đề có sự tương đương. Nhiều câu của các mã đề có chung dạng bài, bản chất hóa học chỉ thay số, thay đổi cách hỏi tương đương nhau về độ khó như câu 54, 63, 64, 73, 77, 80, 75 mã đề 201 tương ứng với câu 57, 62, 72, 78, 79, 80, 77 mã đề 202.
Có thể đánh giá một cách tổng quan, đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn đề năm 2017. Tính toán nhiều hơn, cần phải cẩn thận đọc kỹ đề hơn, không dùng nhiều máy tính Casio như đề năm trước, mức độ phân hóa rõ rệt hơn. Hải Bình (ghi)
Bốn cặp kính cận hồ hởi sau môn thi |
Đề thi thiên về bản chất hóa học
Thầy Bùi Quốc Tuấn - giáo viên Trường THPT Cẩm Khê, Phú Thọ - đánh giá:
Đề thi Hóa học bám sát chương trình THPT, đúng với cấu trúc đề tham khảo, không có câu hỏi nào ngoài chương trình, đánh đố thí sinh; không có câu hỏi ghi nhớ số liệu, học thuộc lòng, có nhiều câu dễ lấy điểm để đủ điểm tốt nghiệp. Từ câu 41 – 52 thí sinh nắm được kiến thức cơ bản là trả lời được để lấy 5 – 6 điểm, vì kiến thức phần này khá cơ bản và tập trung chủ yếu ở lớp 12.
Từ câu 61 trở đi đã phân loại được học sinh khá – giỏi. 8 câu vận dụng cao đều là các bài tập tính toán để phân loại học sinh, nếu thí sinh không thực sự xuất sắc thì không thể hoàn thành tất cả.
Câu hỏi ở cấp độ vận dụng gồm: Câu lý thuyết hỏi rất chi tiết, yêu cầu học sinh cần học kỹ kiến thức trong sách giáo khoa và vận dụng linh hoạt các kiến thức kết hợp, nếu không vững lý thuyết sẽ làm sai, đặt biệt các câu hỏi đếm đếm số thí nghiệm, số phát biểu đúng,... (mã đề 202 là câu 66, 67, 68, 69)
Các bài tập tính toán (mã đề 202 là câu 61, 63, 64, 65, 72) không quá phức tạp, cách hỏi đa dạng về số đồng phân, tỉ lệ, giá trị,... cách hỏi như thế đã có ưu điểm là giảm tính hàn lâm, nặng về tính toán, thiên về bản chất hóa học. Học sinh khá giỏi có thể hoàn thành được.
Câu hỏi vận dụng cao gồm 8 câu cuối của đề, từ câu 73 – 80 đòi hỏi học sinh cần có sự tư duy, hiểu bản chất, các bài tập thuộc phần kiến thức tổng hợp, yêu cầu thí sinh phải nắm vững bản chất hóa học của các chất, vận dụng thành thạo các định luật bảo toàn và kĩ năng toán.
Với sự phân loại tốt ở các câu hỏi vận dụng cao này khiến thí sinh tốn nhiều thời gian cho việc tính toán nếu không có cách giải phù hợp, cho nên chỉ có học sinh xuất sắc mới hoàn thành hết được, điểm 9 – 10 sẽ ít hơn năm ngoái. Đảm bảo phân loại tốt, thuận lợi cho xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học và cao đẳng.
Đề thi chính thức do có nhiều mã đề nên các câu vận dụng cao được phần mềm đảo ngẫu nhiên, tức là câu khó nhất của đề chưa chắc đã là câu 80 (trong mã đề 202 thì câu 80 thuộc phần kiến thức về kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm không khó bằng câu 75, 76, 77). Như vậy, thí sinh cần hiểu độ khó được sắp xếp theo cấp độ nhận thức (nhận biết – thông hiểu – vận dụng – vận dụng cao) chứ không phải sắp xếp từ câu 41 – 80 để tránh tâm lý hoang mang.
Vì vậy, thí sinh thấy câu nào dễ hơn thì làm trước chứ không nên làm từ đầu đến cuối, thí sinh có sở trường về vô cơ hay hữu cơ thì nên làm trước.
Nhận xét cụ thể về mã đề 202: Câu 72 hỏi về đồ thị là một dạng bài tập mới và lạ mà đề thì chính thức trước đây chưa xuất hiện. Để làm được câu này, thí sinh phải hiểu bản chất hóa học thì mới khai thác số liệu từ đồ thị để giải.
Câu 57 hỏi về thí nghiệm, trên hình vẽ xuất hiện 2 chất đã biết kèm theo 1 hiện tượng đã cho, thí sinh phải hiểu tính chất hóa học và đặc điểm màu sắc các chất để tìm chất thứ 3.
Câu 77 hỏi về điện phân, cách dẫn dắt chất dư sau phản ứng là từ “vẫn còn màu xanh” rất hay và trực quan. Bài tập về hỗn hợp các chất vô cơ tác dụng với dung dịch H+, NO3-,... phân loại tốt thí sinh.
Kiến thức hữu cơ: Câu 62 về sơ đồ phản ứng hữu cơ, do đề hỏi chất X6 cho nên thí sinh phải tìm được tất cả các chất từ X1 đến X5 và nắm vững tính chất hóa học thì mới trả lời được. Cách hỏi này đã tránh được việc học tủ hay thuộc lòng (câu 70 về sơ đồ phản ứng vô cơ cũng phát huy được ưu điểm về cách hỏi của câu 62).
Câu hỏi về bảng biểu (thuộc phần kiến thức hữu cơ) chỉ yêu câu tìm 3 chất chứ không phải tìm 4 chất như đề tham khảo, điều này phù hợp hơn với đề thi 50 phút.
Bài tập hữu cơ gồm bài tập khó về hỗn hợp axit ancol, cacboxylic, este. Bài tập về đốt cháy, thủy phân peptit, biện luận cấu tạo,... Hiếu Nguyễn (ghi)
Mừng vì đề thi Hóa học đúng mô típ, phù hợp nhiều góc độ
Đó là chia sẻ của cô giáo Phạm Thị Hương – Giáo viên Trường THPT Diễn Châu 2 (Nghệ An) về đề thi môn Hóa học. Cô cho biết, hiện chưa có nhiều thời gian để nghiền ngẫm, phân tích đề một cách chi tiết, cụ thể nhưng nhìn qua, đề đúng như motip của Bộ GD&ĐT đã công bố. Có các câu hỏi về hình vẽ, thí nghiệm, sơ đồ thí nghiệm…
Nhìn thấy vậy, tôi rất mừng và yên tâm với học sinh của mình. Vì ở trường, các thầy cô trong tổ bộ môn Hóa đã lên kế hoạch, chương trình ôn tập đầy đủ, cho học sinh rèn luyện, làm bài tập nhiều lần theo cấu trúc đề này.
Với sự quen thuộc và đã được “va chạm” nhiều lần trong quá trình học, tôi hi vọng là học sinh sẽ làm được bài.
Tuy nhiên, đề bắt đầu có sự phân hóa dần trong những câu tiếp theo theo các mức độ thông hiểu, vận dụng, và đặc biệt là 4 câu cuối cùng là câu vận dụng cao. Để làm được trọn vẹn đề thi Hóa học cần nhiều yếu tố của học sinh: Nắm vững kiến thức, làm bài tập thường xuyên, tinh ý nhận ra những dấu hiệu không chính xác của những đáp án sai.
Với đề này, những học sinh giỏi, tôi nghĩ các em có thể làm và đạt điểm cao. Còn lại, những em dự thi để xét tốt nghiệp thì không khó để đạt điểm trung bình. Hồ Làighi
Thí sinh tại Hội đồng thị Nghệ An rời phòng thi sau bài thi KHTN |
Đề thi có tính phân hóa rất cao
Thầy Đặng Thanh Trúc, giáo viên Hóa, Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TPHCM đánh giá sau khi xem mã đề 212.
Với tôi đề thi này có tính phân hóa rất cao, từ câu 73 đến câu 80 là rất khó, mang tính vận dụng cao. Cụ thể câu 73, câu 77, câu 75. Những câu này đòi hỏi những HS giỏi, chuyên, xuất sắc, có sự đầu tư nhiều về ôn tập, các em mới có thể điểm tuyệt đối ở môn thi này. Từ điều này có thế thấy năm nay nếu đạt điểm 10 môn Hóa sẽ rất khó, và chắc chắn sẽ ít điểm tuyệt đối so với năm trước.
Về phổ điểm môn này, tôi nghĩ tầm 5-5,5 điểm là nhiều. Như vậy đề thi đảm bảo yêu cầu để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. So với đề minh họa của Bộ công bố về cấu trúc, ma trận đề thi rất giống, không có gì đánh đố HS, gây khó cho các em. Tuy nhiên, do tính phân hóa cao nên với nhiều em sẽ khó để giải quyết hết các câu hỏi trong thời gian 50 phút.
Ở phần kiến thức lớp 11, đúng như cấu trúc tầm khoảng 20% kiến thức của lớp 11 như đề minh họa của Bộ, có câu hỏi dựa vào thực hành thí nghiệp ở lớp 11 cũng khá là khó. Các em phải có sự ôn tập cơ bản mới có thể dành điểm ở phần này. Phan Nga (ghi)
Đề phân loại tốt
Cô Vũ Thị Phương Quế - giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ nhận xét về đề thi Hóa học (mã đề 209):
Đề có tính phân loại tốt, đáp ứng yêu cầu vừa để xét tốt nghiệp, vừa lấy kết quả tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Nội dung kiến thức chủ yếu ở lớp 12, có khoảng 20% kiến thức lớp 11.
Ấn tượng với đề thi là kiến thức được phủ đều, cân đối giữa câu hỏi lý thuyết và bài tập, có một số câu liên hệ thực tế và thực hành hóa học. So với đề năm ngoái, độ khó tăng hơn, cách ra đề hay hơn. Học sinh thi để đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp, đạt 5 điểm không khó.
Khoảng 12 câu đầu, hầu như học sinh đọc và có thể có đáp án luôn; bắt đầu có tính phân loại từ câu 21. Để đạt điểm 8 – 8,5, học sinh có kiến hóa học chắc chắn, chăm chỉ dễ đạt được. Tuy nhiên, để đạt đến điểm 9-10, ngoài kiến thức chắc chắn, đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng làm bài rất tốt, phản ứng nhanh.
Đề năm nay có một số điểm mới nằm ở phần bài tập phân loại cao (thường là hỗn hợp nhiều phần, nhất là phần hưu cơ). Ví dụ, câu 73 là kiến thức tổng hợp 2 phần peptit và este; câu 74 là giữa aminoaxit và axit… L.P (ghi)