Tự công nhận giáo sư, phó giáo sư: Mỗi nơi một quy định

GD&TĐ - Ở nước ngoài, các đại học tự tạo ra quy trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm, đề bạt giáo sư chứ không phải một hội đồng nhà nước hay cấp quốc gia.

Tại Anh, người được xét danh hiệu GS, PGS tại các trường đại học cần có bằng chứng về thành tích rõ ràng. Ảnh: INT
Tại Anh, người được xét danh hiệu GS, PGS tại các trường đại học cần có bằng chứng về thành tích rõ ràng. Ảnh: INT

Quy trình đó dựa vào bình duyệt của đồng nghiệp trong chuyên ngành…

Bổ nhiệm qua phát triển học thuật

Tại Trường Đại học St Mark và St John (Anh), PGS và GS được bổ nhiệm thông qua quá trình phát triển học thuật hoặc thăng chức nội bộ. Trong cả hai trường hợp, quyết định sẽ được thông qua thảo luận giữa GS và lãnh đạo trường học.

Tiêu chuẩn xét danh hiệu PGS và GS tại các trường đại học ở Anh yêu cầu người được xét có bằng chứng về thành tích rõ ràng. Thành tích này phải được nộp trong đơn xin xét danh hiệu, sơ yếu lý lịch.

Người nộp đơn xin xét danh hiệu PGS, GS phải chứng minh được thành tích nổi bật. Trong đó, người nộp đơn phải có bằng TS; đồng thời có nhiều đóng góp, mang lại những phát triển mới và toàn diện trong hoạt động nghiên cứu, cải thiện môi trường nghiên cứu của trường đại học.

Hồ sơ nghiên cứu được đăng tải thông qua các ấn phẩm có uy tín cao như tạp chí, sách, báo cáo nghiên cứu, ấn phẩm chuyên môn và báo cáo hội nghị.

Ba trụ cột bổ nhiệm GS tại Australia

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia), tại Australia, bộ tiêu chuẩn để đề bạt và bổ nhiệm GS khác biệt cho các cấp bậc GS, nhưng tựu trung lại bao gồm ba trụ cột. Mỗi trụ cột có hàng loạt tiêu chuẩn. Ba trụ cột đó ở Đại học New South Wales là: Nghiên cứu khoa học; giảng dạy và đào tạo; phục vụ hoạt động chuyên ngành, xã hội, lãnh đạo.

Nghiên cứu khoa học được thể hiện qua quá trình nghiên cứu và công bố khoa học; phẩm chất khoa học và tầm ảnh hưởng. Không có quy định cứng nào về việc phải có bao nhiêu bài báo khoa học để được bổ nhiệm hay đề bạt.

Cũng không có bất cứ một con số nào về trích dẫn, để nói là xứng đáng chức danh GS, bởi đây chỉ là 1 trong nhiều tiêu chuẩn. Mặt khác, cũng không cần có hàng chục bài trên Nature hay Science hoặc có nhiều trích dẫn là tự động được bổ nhiệm GS, mà phải xét toàn diện quá trình nghiên cứu.

Giảng dạy và đào tạo được thể hiện qua các hoạt động như phụ trách khoá học, thể hiện sự cách tân trong giảng dạy, kèm theo chứng cứ đánh giá của sinh viên. Giảng dạy còn bao gồm cả soạn sách giáo khoa (mặc dù tiêu chuẩn này không quan trọng cho GS ngạch nghiên cứu). Giảng dạy ở đây cũng có nghĩa là hướng dẫn nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu sau tiến sĩ.

Người được xét duyệt phải phục vụ các hoạt động chuyên ngành, xã hội và lãnh đạo bao gồm nhiều tiêu chuẩn đóng góp cho chuyên ngành, quốc gia, vai trò lãnh đạo về tri thức và khoa học.

Mỗi trụ cột được đánh giá một cách bán định lượng qua thang điểm 4. Đó là: Outstanding (điểm 3) - xuất sắc; Superior (điểm 2) - trên trung bình; Current performance (điểm 1) - trung bình theo kỳ vọng; Below current performance (điểm 0) - dưới trung bình, thấp hơn kỳ vọng. Một ứng viên phải đạt 6 điểm hay cao hơn mới được đề bạt, bổ nhiệm.

Bà Barbara Robson - Viện Khoa học Hàng hải Australia cho biết, các trường đại học đôi khi bổ nhiệm những người không phải nhân viên, nhưng có mối quan hệ với trường đại học (ví dụ như cố vấn bên ngoài của nghiên cứu sinh theo học tại trường đó) vào vị trí danh dự và trao cho họ một danh hiệu tương ứng với cấp bậc phù hợp.

Người được xét duyệt cần được một thành viên hiện tại của trường đề cử. Người đề cử viết thư nêu rõ cách người được xét duyệt sẽ mang lại giá trị cho trường đại học, thông qua hoạt động hợp tác nghiên cứu, cố vấn tiến sĩ và có thể là các bài giảng. Sau đó, người đề cử nộp thư này cho nhà trường cùng một bản sao của hồ sơ ứng tuyển. Nếu việc bổ nhiệm được chấp thuận, hồ sơ ứng tuyển sẽ được đánh giá để xác định cấp bậc và danh hiệu phù hợp.

Các trường đại học thường cẩn thận với những vị trí này. Đồng thời, có quy tắc về cách thức và nơi có thể sử dụng danh hiệu này. Thực tế, danh hiệu GS, PGS thường phù hợp với một người tại nơi làm việc hiện tại. Một trường đại học khó có thể công nhận giảng viên của trường đại học khác là người có cấp bậc tương đương với PGS, GS tại trường đại học của họ.

moi noi mot quy dinh3.jpg
Mỗi chuyên ngành ở trường đại học tại Đức chỉ có một GS đứng đầu. Ảnh: INT

Bổ nhiệm có sự thống nhất cấp quốc gia

Tại Mỹ, các trường đại học bổ nhiệm GS, PGS dựa theo chính sách tuyển dụng từng trường. Các trường đại học chủ động trong việc phân và phong danh hiệu GS. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm GS của mỗi trường đại học ở Mỹ có sự thống nhất ở cấp quốc gia.

Một người được công nhận chức danh GS khi đạt tiêu chí đầu tiên là có bằng tiến sĩ. Kế đến, họ được các hội đồng khoa học và chuyên gia uy tín, có chuyên môn cao đánh giá kiến thức, công tác giảng dạy và các công trình nghiên cứu để xem ứng viên có đạt tiêu chuẩn cho chức danh GS hay không.

Với phương pháp bổ nhiệm giáo sư như trên, hệ thống giáo dục đại học của Mỹ tương đối ổn định. Sau khi nghỉ hưu, chỉ những người có cống hiến đặc biệt cho các trường đại học mới được phong GS, PGS danh dự.

Ngoài ra, người đã nghỉ hưu nhưng tiếp tục giảng dạy hoặc chuyển sang công tác tại trường khác cũng được phong GS, PGS. Tuy nhiên, những người khi rời trường đại học, không còn tham gia giảng dạy, nghiên cứu, chuyển sang lĩnh vực khác như quản lý thì không còn chức danh GS, PGS.

Các trường đại học ở Đức bổ nhiệm, phong danh hiệu GS căn cứ số lượng chuyên ngành giảng dạy tại mỗi khoa. Ví dụ, một khoa có 10 chuyên ngành hẹp, đứng đầu mỗi chuyên ngành cần một giáo sư. Trong trường hợp khoa đã đủ số lượng GS sẽ không bổ nhiệm hoặc phong cho bất cứ ai. Vì vậy, mỗi chuyên ngành ở trường đại học chỉ có một GS đứng đầu.

Trong trường hợp một GS về hưu, không giảng dạy hoặc chuyển trường sẽ trống chức danh GS. Khi đó, nhà trường sẽ bổ nhiệm GS mới. Đức có nhiều người có bằng tiến sĩ đủ tiêu chuẩn trở thành GS. Tuy nhiên, họ không được phong GS vì số lượng đã đủ.

Theo Marjon;Nguyenvantuan.info; Quora

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.