PGS.TS Đậu Xuân Cảnh – Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam: Tạo điều kiện cho giảng viên, nhà khoa học trẻ
Hiện, các quy định về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS được áp dụng theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 37 và Quyết định 25). So với Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg, hai quyết định này có nhiều điểm mới với yêu cầu cao hơn.
Chẳng hạn, các yêu cầu về bài báo uy tín quốc tế góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GS, PGS, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong phát triển nhân lực cho đất nước. Đây được coi là một trong những thành công của Quyết định 37 và Quyết định 25.
Cũng từ các quyết định trên đã “kích thích” cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu hình thành nhóm nghiên cứu mạnh và có chính sách mạnh mẽ nhằm tăng các công bố quốc tế.
Với các quy định rõ ràng, tường minh, Quyết định 37 và Quyết định 25 đã tạo điều kiện cho giảng viên, nhà khoa học trẻ sớm đủ tiêu chuẩn, tiêu chí xét, bổ nhiệm GS, PGS.
Dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn, giảng viên trẻ chỉ cần có kế hoạch phấn đầu là thành công. Thực tế cho thấy, nhiều giảng viên trẻ đã được bổ nhiệm GS, PGS ở độ tuổi 30 - 35.
Hiện nay, tiêu chuẩn xét chức danh GS, PGS thường quan tâm đến các bài báo quốc tế có uy tín (cả về số và chất lượng). So với trước đây, quy định hiện hành cụ thể và tường minh hơn; từ danh mục các tạp chí trong nước, quốc tế, nhà xuất bản, sách chuyên khảo, sách tham khảo cho đến số điểm được tính…
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm áp dụng, cũng đến lúc phải sửa đổi, bổ sung Quyết định 37 và Quyết định 25 cho phù hợp với thực tiễn. Tôi cho rằng, cần tính đến phương án giao cho các trường chủ trì xây tiêu chí xét, bổ nhiệm chức danh GS, PGS bảo đảm phù hợp. Vì thực tế, cơ sở giáo dục đại học là đơn vị trả lương cho GS, PGS nên cần gắn tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình. Về phía Hội đồng Giáo sư Nhà nước có trách nhiệm tham mưu về quản lý Nhà nước điều chỉnh, hướng dẫn ban hành các tiêu chuẩn.
GS.TS Trần Văn Chứ - Ủy viên Hội đồng GS Liên ngành Nông Lâm: Tăng liêm chính học thuật
Quyết định 37 rõ ràng, minh bạch tiêu chuẩn, công khai thông tin thành viên Hội đồng các cấp cũng như ứng viên. Điều đó giúp có thêm cánh tay phản biện nối dài.
Ở các cấp hội đồng, lượng là thước đo, còn chất phải do các phản biện và chuyên gia. Quyết định 37 đã nêu khi chọn 3 phản biện phải là người đúng ngành, lĩnh vực.
Tôi cho rằng, cần tăng thêm liêm chính học thuật bằng cách đề xuất Bộ GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu tăng cường nhận thức và ban hành các quy định liêm chính học thuật.
Ngoài ra, cần nhất quán các bài báo quốc tế có uy tín và giữ nguyên về số lượng, nâng cao chất lượng, kể cả khối khoa học xã hội nhân văn. Vẫn nên thống nhất quan điểm các bài báo quốc tế có uy tín là những tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu lớn như: Web of Science và Scopus của nhà xuất bản có uy tín trên thế giới như: Elsevier, Springer, Sage.
Thực tế cho thấy, những năm qua, nhiều tạp chí nằm trong Web of Science và Scopus nhưng chỉ số IF thấp, Q3, Q4. Do đó, từ 2024 trở đi, nên lượng hóa tạp chí quốc tế uy tín được đánh giá bằng chỉ số IF (impact factor). Nếu như gọi là uy tín thì ít nhất phải có giá trị từ 1,0 trở lên (tương đương với Q2).
Việc đánh giá chất lượng các bài báo quốc tế có uy tín đã có nhiều công cụ để kiểm tra và phụ thuộc chủ yếu vào hội đồng cơ sở, liên ngành (liên ngành với tư cách là bộ phận chuyên môn của Hội đồng Giáo sư Nhà nước), đặc biệt là 3 phản biện các cấp.
Tôi cho rằng, nếu làm đúng trách nhiệm thì chất lượng bài báo quốc tế hoàn toàn được đánh giá đúng. Hiện, có nhiều đơn vị, tổ chức ban hành các quy định về liêm chính học thuật và công cụ hỗ trợ hiệu quả như: Research ID, ORCID Id, Google Scholar.
Trong trường hợp bài báo có tác giả đứng đầu và tác giả liên hệ là hai người khác nhau, thì chỉ tính cho mỗi tác giả một nửa và không tính cho hai người như hiện nay. Nếu có nhiều tác giả liên hệ trong bài báo thì bài đó chỉ tính cho tác giả chính và không tính cho tác giả liên hệ. Từ năm 2025, tác giả của bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín chỉ tính cho tác giả đứng đầu.
Vấn đề sách chuyên khảo đang được bàn luận với nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các hội đồng. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần có quy định cụ thể, rõ hơn nữa về vấn đề này. Hiện nay, nhiều sách trên bìa ghi chuyên khảo nhưng qua thẩm định đó chỉ là tham khảo, vì không phải là kết quả nghiên cứu chuyên sâu và tương đối toàn diện về một vấn đề khoa học chuyên ngành.
Đối với GS, PGS, việc giảng dạy, hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh, viết báo quốc tế và trong nước, nghiên cứu khoa học (các đề tài cơ sở; cấp bộ, ngành, Nhà nước; các dự án trong nước và quốc tế) là nhiệm vụ bắt buộc và bổ trợ lẫn nhau. Không nên quy đổi (bù) các công trình khoa học cho việc thiếu năm thâm niên, thiếu hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh hoặc thiếu đề tài hoặc hạn chế thấp nhất việc bù công trình. Việc bù này trong nhiều năm qua gây tranh cãi.
Vấn đề các đề tài nghiên cứu cũng cần đưa ra các quy định. Với ứng viên GS bắt buộc phải có đề tài cấp bộ và tương đương, không bù điều kiện gì cho đề tài cấp bộ, ví dụ: 2 đề tài cấp cơ sở thay cho 1 đề tài cấp bộ. Với ứng viên PGS cần phải có 2 đề tài cấp cơ sở.
Ngoài ra, cần có quy định cụ thể hơn về đề tài cấp cơ sở. Những năm qua nhiều ứng viên thực hiện đề tài cấp cơ sở với số lượng kinh phí quá ít. Nhiều đề tài quá nhỏ và ít kinh phí không đúng là đề tài mà chỉ là một nhiệm vụ khoa học. Nên quy định đề tài cấp cơ sở có kinh phí từ 20 triệu trở lên.
PGS.TS Ngô Tứ Thành - nguyên giảng viên cao cấp ĐH Bách Khoa Hà Nội: Nâng cao chất lượng thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở
Hiện xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS được thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Có thể thấy, công việc này ngày càng tiến bộ, được sự đồng thuận của giới học thuật trong và ngoài nước.
Mới đây, ĐHQG TPHCM đề xuất cho phép đơn vị thí điểm bổ nhiệm chức danh GS, PGS và trợ lý GS. Tôi cho rằng, việc này tạm thời chưa nên thực hiện ngay với hai lý do sau:
Thứ nhất: Trong thực tế, các trường đại học có Hội đồng Giáo sư cơ sở đã được quyền xét công nhận chức danh GS, PGS cho các giảng viên do trường mình quản lý. Tuy nhiên, sau khi qua Hội đồng GS cơ sở, bước tiếp theo là đến Hội đồng GS ngành rồi đến Hội đồng GS Nhà nước.
Qua 3 Hội đồng GS mà vẫn đâu đó còn nhiều ý kiến tiêu cực, chưa bảo đảm chất lượng. Nếu chỉ duy trì 1 Hội đồng cấp cơ sở liệu có phải là bài toán tối ưu? Thứ hai, trong kinh tế thị trường, ngoài cơ sở giáo dục đại học tinh hoa còn có cơ sở giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi người. Khi giao cho cơ sở giáo dục đại học được xét công nhận GS, PGS có thể dẫn đến “lạm phát” GS, PGS.
Tôi cho rằng, việc duy trì 3 cấp Hội đồng GS như hiện nay nhằm đảm bảo chất lượng cũng như uy tín của các GS đúng chuẩn đã được xét bổ nhiệm. Nhưng về lâu dài, tiến tới chọn một số đại học có đội ngũ GS, PGS mạnh được giao toàn quyền xét công nhận bổ nhiệm GS, PGS.
Các trường còn lại, dựa trên kết quả kiểm định chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ từng bước giao các trường đại học đạt chuẩn được phép tự xét công nhận và bổ nhiệm GS, PGS. Làm như vậy sẽ kích thích các trường đại học tốp dưới muốn được xét công nhận và bổ nhiệm GS, PGS cho giảng viên phải phấn đấu đạt chuẩn, nâng cao chất lượng đào tạo, tuyển chọn những GS, PGS những tiến sĩ giỏi về trường công tác giảng dạy.
Để tiếp tục tăng chất lượng việc xét, bổ nhiệm GS, PGS, Hội đồng GS Nhà nước cần có giải pháp nâng cao chất lượng các thành viên Hội đồng GS cơ sở tiệm cận thế giới, có năng lực đánh giá hồ sơ như Hội đồng GS liên ngành.
Khi đó, Hội đồng GS liên ngành và Hội đồng GS Nhà nước chỉ là nơi kiểm định đánh giá chất lượng các kết quả của Hội đồng cơ sở đưa lên. Cùng đó, ở mục bổ nhiệm chức danh GS/PGS trong Quyết định 37, chỉ cần duy trì Điều 28: “Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với GS, PGS” là đủ và chặt chẽ.
PGS.TSKH Phạm Đức Chính - nguyên Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP Hồ Chí Minh: Quan tâm thấu đáo theo chiều sâu tiêu chuẩn công bố quốc tế
Quyết định 37/2018 đã tạo ra một khung pháp lý rõ ràng hơn, minh bạch hơn về tiêu chuẩn chức danh GS, PGS so với những quy định trước đó. Hầu hết ứng viên, nhà giáo đều đánh giá cao quy định này.
Các ứng viên xác định được mục tiêu rõ ràng hơn để phấn đấu đạt chuẩn chức danh GS, PGS. Đặc biệt, ứng viên trẻ đều có mục tiêu rõ ràng để khẳng định mình.
Tuy nhiên, Quyết định 37 cũng có những hạn chế. Quyết định này mới chỉ đề cập đến số lượng công trình của các ứng viên. Vấn đề chất lượng và quy đổi ra điểm số các công bố là những điều cần quan tâm.
Điểm tối thiểu để đạt chuẩn PGS được tăng từ 6 lên 10 điểm, GS tăng từ 12 lên 20. Nếu chỉ nhìn vào số điểm thì thấy yêu cầu công bố quy đổi đã tăng, tức là yêu cầu cao hơn so với các quy định trước đó. Tuy nhiên, cùng với tổng điểm quy đổi tăng lên, điểm số quy đổi của nhiều tạp chí cũng tăng lên, từ 0,5 lên 0,75 hoặc từ 0,75 lên 1,0.
Tiêu chuẩn công bố quốc tế là bắt buộc, nhưng hệ thống xếp hạng Scopus luôn thay đổi và việc đứng tên bài báo quốc tế chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ đảm bảo chắc chắn tác giả bài báo là người nghiên cứu thực sự.
Việc nhiều tạp chí rút bài đã công bố trước đó vì vi phạm liêm chính học thuật, hoặc các nhóm nghiên cứu đứng tên chung trên bài báo nhưng lại chưa biết mặt nhau, chưa triển khai nghiên cứu cùng nhau cho thấy có những nghi vấn về chất lượng bài báo quốc tế.
Có thể nói, Quyết định 37 còn nhiều vấn đề cần được quan tâm thấu đáo theo chiều sâu, chứ không chỉ dừng lại ở hình thức tổng số điểm quy đổi.
Các cơ sở giáo dục ĐH ngày càng tự chủ nên cũng được tự bổ nhiệm chức danh GS/PGS đối với các nhà giáo được Hội đồng GS Nhà nước thông qua. Việt Nam chưa thể giao toàn quyền cho các cơ sở giáo dục ĐH được xét công nhận và bổ nhiệm chức danh GS/PGS khi chất lượng của Hội đồng GS cơ sở chưa được bảo đảm. - PGS.TS Ngô Tứ Thành