Tự công nhận giáo sư, phó giáo sư: Đề xuất thí điểm

GD&TĐ - Vừa qua, Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất cơ chế thí điểm đặc thù về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Các giảng viên, nghiên cứu viên làm việc tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Nguyễn Ngọc
Các giảng viên, nghiên cứu viên làm việc tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Nguyễn Ngọc

Theo đề xuất, cơ chế này sẽ thí điểm trong 5 năm và áp dụng phạm vi nội bộ Đại học Quốc gia TPHCM.

Cần cơ chế đột phá

Đề xuất trên được nêu tại tọa đàm “Pháp luật về xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) và đề xuất cơ chế thí điểm cho Đại học Quốc gia TPHCM”, tổ chức hồi giữa tháng 6/2024.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đơn vị đã trình Thủ tướng Chính phủ chương trình thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Đại học Quốc gia TPHCM kiến nghị Thủ tướng một số chính sách vượt trội để đạt được mục tiêu trở thành đại học trong nhóm hàng đầu châu Á, trong đó có đề xuất cho phép Đại học Quốc gia TPHCM thí điểm bổ nhiệm các chức danh GS, PGS và trợ lý GS.

Việc thí điểm gắn liền với chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển nhân tài, tức các nhà khoa học trẻ, đầu ngành để triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu mới, phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. “Nếu không có cơ chế đột phá, chúng ta khó tuyển dụng được các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học đầu ngành về công tác tại Đại học Quốc gia TPHCM”, ông Vũ Hải Quân nhấn mạnh.

TS Thái Thị Tuyết Dung - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, đối với tiêu chuẩn xét duyệt các chức danh GS, PGS, điểm c, khoản 2, Điều 4 của Quyết định số 37 (Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư – PV) có một số vấn đề chưa phù hợp thực tiễn như:

Yêu cầu thời gian tham gia giảng dạy khá dài; việc tính điểm công trình theo số lượng bài báo khoa học, số lượng tác giả còn nhiều điểm bất hợp lý; chưa quan tâm nhiều đến yếu tố đặc thù của ngành, lĩnh vực; chưa định lượng một số tiêu chí khoa học theo thông lệ quốc tế như: Kinh phí đề tài, dự án mà ứng viên mang về cho đơn vị; các hoạt động học thuật như tham gia hội đồng biên tập, chủ trì tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế; công trình khoa học đóng góp xây dựng, phản biện chính sách cho Đảng và Nhà nước; việc bỏ phiếu đôi khi còn mang yếu tố định tính…

Theo bà Thái Thị Tuyết Dung, với cách làm như hiện nay, các cơ sở giáo dục ở thế bị động trong chiến lược phát triển chương trình đào tạo và nghiên cứu mới, có ngành chưa có trong danh mục của hội đồng ngành (như ngành Khoa học - công nghệ vật liệu). Một số ngành truyền thống có nguy cơ không còn GS đầu ngành.

Ở khía cạnh khác, việc phụ thuộc vào số lượng công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế dẫn đến xu hướng thương mại hóa công tác xuất bản. Các tạp chí “săn mồi” xuất hiện ngày càng nhiều, làm méo mó và giảm sút niềm tin của xã hội đối với giáo dục.

TS Thái Thị Tuyết Dung kiến nghị, để có cơ chế thí điểm đặc thù, Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định cơ chế thí điểm đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đó là:

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục đại học trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và chức danh khoa học.

Hơn nữa, Đại học Quốc gia TPHCM có đặc thù là tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, có người đứng đầu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm; có hệ thống đơn vị chuyên môn hỗ trợ liên kết chặt chẽ với nhau:

Hội đồng Đại học Quốc gia TPHCM, Hội đồng khoa học và đào tạo, Hội đồng đảm bảo chất lượng, văn phòng và các ban chức năng, đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc nên Đại học Quốc gia TPHCM có đầy đủ năng lực thực hiện. Cơ chế này sẽ thí điểm trong 5 năm và áp dụng ở phạm vi nội bộ Đại học Quốc gia TPHCM. Khi rời Đại học Quốc gia TPHCM, các nhà khoa học sẽ không còn chức danh GS, PGS.

de xuat thi diem3.jpg
Lễ vinh danh và bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), tháng 1/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Thu hút nhân tài trẻ

Theo nhiều nhà khoa học công tác tại Đại học Quốc gia TPHCM, việc thí điểm cơ chế đặc thù về xét và công nhận chức danh GS, PGS sẽ thu hút nhân tài khoa học trẻ về làm việc.

TS Trần Thị Như Hoa (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) cho rằng, nếu căn cứ theo tiêu chuẩn của Quyết định số 37, chức danh trợ lý GS đối với những tiến sĩ trẻ như chị sẽ rất khó vì thâm niên công tác chưa đủ, thâm niên giảng dạy và hướng dẫn thạc sĩ cũng chưa có.

“Khi Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất cơ chế thí điểm thì tiêu chí của Đại học Quốc gia nên cao hơn so với quy định tại Quyết định số 37 và bổ sung một số ngành phù hợp để thu hút nhiều nhân tài cũng như các tiến sĩ trẻ mới về nước”, TS Trần Thị Như Hoa đề xuất.

Theo TS Lê Kim Hùng (Trường Đại học Công nghệ thông tin), đối với tiến sĩ trẻ ở nước ngoài về công tác tại Đại học Quốc gia TPHCM, khi xét chức danh PGS thường gặp hai khó khăn chính. Thứ nhất là thâm niên công tác. Theo Quyết định số 37, thâm niên công tác phải đạt tối thiểu 6 năm, tính đủ số tháng, kể từ lúc ký hợp đồng chính thức. Thứ hai là nếu như không đạt tiêu chuẩn cứng 6 năm thì phải chấp thuận gấp đôi điểm bài báo khoa học.

“Nếu Đại học Quốc gia TPHCM có cơ chế linh hoạt hơn khi được thí điểm sẽ cổ vũ cho các tiến sĩ trẻ như chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục cống hiến cho đơn vị”, TS Lê Kim Hùng nói.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, TS Phan Duy Anh (Trường Đại học Bách khoa) cho rằng, khi có cơ chế đặc thù, Đại học Quốc gia TPHCM nên chú trọng đến việc phân chia tiêu chuẩn chức danh, công nhận chức danh GS, PGS cho từng ngành và tính đến tính đặc thù trong khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn.

“Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho các khối ngành khó, để tiến sĩ trẻ được tham gia xét các chức danh này”, TS Phan Duy Anh đề xuất.

de xuat thi diem1.jpg
Toàn cảnh tọa đàm “Pháp luật về xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và đề xuất cơ chế thí điểm cho Đại học Quốc gia”, tháng 6/2024. Ảnh: ĐHQG-HCM

Từng bước nâng chuẩn

Góp ý cho đề xuất trên, GS.TS Nguyễn Thị Cành (Trường Đại học Kinh tế - Luật) bày tỏ, trước mắt Đại học Quốc gia TPHCM nên tiếp tục thực hiện việc xét công nhận theo quy định Nhà nước (Quyết định số 37) và từng bước nâng chuẩn. “Nếu được thí điểm cơ chế đặc thù về xét và công nhận chức danh GS, PGS, tôi cho rằng quy trình xét vẫn nên giữ 3 cấp như Quyết định số 37.

Theo đó, cấp cao nhất là Đại học Quốc gia TPHCM thay cho Hội đồng Nhà nước. Tiếp đến là Hội đồng ngành. Hội đồng ngành không chỉ tập hợp các GS của Đại học Quốc gia TPHCM, mà có thể mời thêm các GS bên ngoài. Còn Hội đồng cơ sở sẽ thẩm định chuyên môn sơ bộ và thẩm định pháp lý, đánh giá con người tại chỗ. Ba cấp hội đồng này có chức năng riêng biệt”, GS Nguyễn Thị Cành trao đổi.

GS.TS Phan Thị Tươi (Trường Đại học Bách khoa) đồng tình với GS Nguyễn Thị Cành khi cho rằng, nếu Đại học Quốc gia TPHCM được trao cơ chế đặc thù, tất cả quy trình xét và công nhận các chức danh GS, PGS phải tuân thủ theo Quyết định 37.

Theo GS Phan Thị Tươi, trong quá trình này, Đại học Quốc gia TPHCM phải hết sức cẩn trọng và bảo đảm rằng người được công nhận phải tự hào là những GS, PGS của đại học này. Đối với hội đồng ngành, ngoài thành viên trong Đại học Quốc gia TPHCM, nên mời những thành viên ở ngoài, bởi họ sẽ độc lập và có tiếng nói khách quan.

Ở góc nhìn so sánh với các trường quốc tế, PGS.TS Nguyễn Phương Thảo (Trường Đại học Quốc tế) nhận định, xét và công nhận chức danh GS, PGS là xu hướng của thế giới. Bà phân tích thêm:

“Đối với các tiêu chuẩn xét chức danh GS, PGS, Đại học Quốc gia TPHCM không nên đánh đồng các ngành, thay vào đó cần xét đến sự khác biệt giữa những ngành nghiên cứu của Đại học Quốc gia TPHCM. Đồng thời, cần làm rõ việc xét GS, PGS là chức danh hay vị trí việc làm.

Một khi là vị trí việc làm, các trường sẽ có trách nhiệm hơn trong việc này. Họ là người trả lương nên phải chọn người phù hợp nhất để thu hút sinh viên và có lợi ích nhất cho nghiên cứu khoa học. Nếu chúng ta đã tự chủ, tôi nghĩ có thể tin tưởng các trường”.

Đầu tháng 8/2024, ông Lê Huy Nam - Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với Đại học Quốc gia TPHCM nhằm đóng góp các cơ chế chính sách đột phá thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Ông Lê Huy Nam cho biết: “Chúng tôi được biết Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tọa đàm về vấn đề xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nhận thấy đây là đề xuất quan trọng, mang tính đột phá nhằm thúc đẩy thực hiện 2 nghị quyết nêu trên”.

Theo TS Thái Thị Tuyết Dung, tiêu chuẩn GS, PGS sẽ bám theo Quyết định số 37 nhưng linh động, uyển chuyển hơn, thậm chí bổ sung thêm một số yêu cầu theo thông lệ quốc tế như: Đóng góp về tài chính cho đơn vị, về chính sách cho cộng đồng; tham gia các mạng lưới khoa học trong nước và quốc tế.

Về hội đồng xét công nhận, chỉ nên có 1 hội đồng để xét duyệt là Hội đồng GS cấp Đại học Quốc gia TPHCM. Chủ tịch Hội đồng GS cấp Đại học Quốc gia TPHCM sẽ ký quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các ứng viên. Trường đại học thành viên hoặc các đơn vị trực thuộc sẽ triển khai việc bổ nhiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.