Tự chủ và giải trình: “Tay ga” và “Tay phanh” cho cỗ xe giáo dục ĐH

GD&TĐ - Ngày nay, tự chủ được xem là vấn đề tất yếu của các trường ĐH. Để thực thi quyền tự chủ đòi hỏi các trường phải có điều kiện đi kèm đó là trách nhiệm giải trình. Khẳng định trách nhiệm giải trình giúp nhà trường tạo dựng được niềm tin của mình đối với nhà nước và xã hội, PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục – ví tự chủ và giải trình như là “tay ga” và “tay phanh” cho cỗ xe giáo dục đại học.

Nâng cao năng lực kiểm định và trao quyền tự chủ phải luôn song hành
Nâng cao năng lực kiểm định và trao quyền tự chủ phải luôn song hành

“Ga” càng bốc thì “phanh” phải càng nhạy

Tại diễn đàn “Tự chủ trong giáo dục ĐH – những vấn đề đặt ra” do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây, PGS Đặng Quốc Bảo cho rằng, bản chất của việc thực hiện quyền tự chủ và giải trình trách nhiệm của nhà trường là xây dựng được nhà trường dân chủ, xã hội dân chủ.

Nhà trường nào ngày nay cũng đều phải gắn với cộng đồng. Quyền tự chủ và giải trình trách nhiệm của nhà trường phải đặt trong bối cảnh: Xây dựng nhà trường dân chủ, nền giáo dục dân chủ. Thành công của việc hiện thực quyền tự chủ và giải trình lại thúc đẩy sự phát triển xã hội dân chủ và tự do trách nhiệm.

Nhà trường thực hiện quyền tự chủ trên ba lĩnh vực: Tự chủ học thuật, tài chính và nhân sự. Ba mặt này phải vận hành đồng bộ; trong đó tự chủ học thuật là mục tiêu phát triển, tự chủ tài chính là động lực phát triển, còn tự chủ nhân sự là nền tảng phát triển nhà trường.

“Ở nước ta hiện nay tự chủ tài chính cần đi trước một bước, vì có tự chủ tài chính thì mới thúc đẩy các tự chủ khác. Tự chủ tài chính không có nghĩa là Nhà nước không có đầu tư gì. Nhà nước phải có “dòng sữa” đầu tiên, rồi tùy theo thể trạng của đứa con mà cho cai sữa vào lúc thích hợp, hoặc phối hợp cho ăn sữa mẹ và sữa bột. Tự chủ học thuật cho phép nhà trường được đề ra các chương trình cơ bản. Các chương trình này phải tuân thủ hệ giá trị của sự phát triển đất nước và cộng đồng. Tự chủ nhân sự cho phép nhà trường, ngoài đội ngũ giáo viên cơ hữu nòng cốt còn có cả đội ngũ thỉnh giảng” - PGS Đặng Quốc Bảo cho hay.

Giải trình trách nhiệm của nhà trường hướng tới ba đối tượng: người học, cha mẹ học sinh; cấp trên trực tiếp quản lý nhà trường; các bên liên đới, cộng tác xây dựng nhà trường. PGS Đặng Quốc Bảo ví von: “Tự chủ” như “tay ga”, còn “giải trình” như “tay phanh”. “Ga” càng bốc thì “phanh” phải càng nhạy. Có như thế trên đường thiên lý, xe mới vận hành nhanh và an toàn.

PGS Đặng Quốc Bảo
PGS Đặng Quốc Bảo

“Hội đồng trường” như “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc” trong đời sống xã hội

Ở nước ta hình thành cơ chế bộ tứ “Đảng - Chính - Công - Thanh” (Đảng ủy - Chính quyền - Công đoàn - Thanh niên). Cơ chế bộ tứ đã giúp quản lý ở nhiều nơi đạt hiệu quả, các quyết định mang ra thi hành đều đẩy mạnh được Nhà nước pháp quyền liêm chính, thị trường lành mạnh và tổ chức xã hội tình nghĩa. Tuy nhiên, PGS Đặng Quốc Bảo lưu ý, ở nước ta còn có nhân tố “Mặt trận Tổ quốc”. Nhân tố này đang phát huy sức mạnh để đời sống dân chủ được phát triển bền vững.

“Chúng tôi nghĩ thiết chế “Hội đồng trường” (HĐT) từng được ghi trong Luật Giáo dục có thể xem như đồng dạng với “Mặt trận Tổ quốc” trong tổ chức của đời sống xã hội ở nước ta. Chủ tịch HĐT không trùm lên hiệu trưởng/bí thư Đảng ủy mà hỗ trợ hiệu trưởng/bí thư Đảng ủy thực thi công lý trong nhà trường. Công lý đó là dư luận lành mạnh và các thiết chế mềm để thực hiện được dư luận này” – PGS Đặng Quốc Bảo nêu quan điểm.

Làm rõ thêm, theo PGS Đặng Quốc Bảo, HĐT và Chủ tịch HĐT hỗ trợ cho hiệu trưởng/bí thư Đảng ủy thực hiện sự giám sát theo 4 mức: Giám sát tư vấn, giám sát hỗ trợ, giám sát phản biện, giám sát kiểm tra. Hội đồng trường cùng với Đảng-Chính-Công-Thanh góp phần tạo nên đời sống nhà trường có sự hòa quyện: Đạo lý-Pháp lý-Công lý để các thành viên trước việc sai, việc xấu, việc ác không dám làm, không thể làm, không nỡ làm. HĐT phải hoạt động cho mục tiêu nhà trường thực hiện quyền tự chủ và giải trình trách nhiệm thì mới không “hữu danh vô thực”.

Cần gắn chặt kiểm định và trao quyền tự chủ

Cần gắn chặt chẽ hai việc: Kiểm định và trao quyền tự chủ cho nhà trường. Chỉ trao quyền tự chủ cho trường nào đã qua kiểm định và được xác định đạt yêu cầu chứ không phải trường nào cũng được thực hiện tự chủ. Nhấn mạnh điều này, PGS Đặng Quốc Bảo cho rằng, kiểm định chất lượng tại các trường gắn liền với QC (kiểm tra chất lượng), QA (đảm bảo chất lượng) và TQM (quản lý chất lượng tổng thể).

TQM thực chất là xây dựng được văn hóa chất lượng. Một nhà trường thực hiện được tự chủ, giải trình trách nhiệm sóng đôi với nhau thì đội ngũ nhà trường phải là tổ chức biết học hỏi. Đó là tập thể mà mỗi thành viên biết thực hiện 4H (học, hỏi, hiểu, hành) và 3S (sống có kỷ cương, sống thân ái/hợp tác, sống trách nhiệm).

Cùng với kiểm định, PGS Đặng Quốc Bảo cũng đề cập đến vai trò của hiệu trưởng xây dựng được nhà trường tự chủ/giải trình trách nhiệm một cách đích thực. Theo đó, trường chỉ thực hiện quyền tự chủ và giải trình trách nhiệm một cách thực chất khi hiệu trưởng tròn vai ở cả ba vị trí: Nhạc trưởng (với đội ngũ giảng viên/giáo viên); chỉ huy quân đội (với sinh viên, với người học); huấn luyện viên bóng đá (cán bộ phòng ban).

Cùng với đó là nhà trường “4 - 6 -10”: Dạy theo 4 sức (sức chứa, sức hút, sức thấm, sức chế biến); người học theo 6 mọi (học mọi nơi, mọi lúc, mọi vấn đề, học mọi người, học bằng mọi cách, học trong mọi hoàn cảnh); thầy trò cộng tác kiến tạo 10 loại tư duy (tư duy logic, hình tượng, biện chứng, ngôn ngữ, tư duy Angorit, tư duy khoa học chứng nghiệm, tư duy kỹ thuật công nghệ, tư duy kinh tế, tư duy chính trị, tư duy quản lý). “Chỉ có thể xây dựng được nhà trường 4-6-10 khi nhà trường được trao quyền tự chủ và làm tốt việc giải trình trách nhiệm xã hội” – PGS Đặng Quốc Bảo nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.