Hội đồng trường - khâu đột phá trong tự chủ đại học

GD&TĐ - Theo GS.TS Trần Đức Viên - nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc thành lập hội đồng trường phải được coi là khâu đột phá trong triển khai tự chủ đại học. Và vì thế, hội đồng trường phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước về GD-ĐT, của xã hội và của chính các trường đại học. 

Hội đồng trường - khâu đột phá trong tự chủ đại học

HĐT- thẩm quyền cao nhất trong trường đại học

GS.TS Trần Đức Viên nhấn mạnh: Công bằng mà nói, nền giáo dục đại học (GDĐH) trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ chỗ cả hệ thống GDĐH như một trường đại học lớn do cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ các hoạt động, đến nay các trường đại học đã được trao quyền tự chủ ở các mức độ khác nhau.

GS.TS Trần Đức Viên phân tích, từ khá sớm, cách đây trên 15 năm, Đảng và Nhà nước đã nhận thấy thiết chế hội đồng trường (HĐT) có thể làm thay đổi căn bản công tác quản trị trong hệ thống các trường đại học công lập. Thiết chế này đã được đề cập ở Điều 30, Điều lệ trường đại học. Điều đó tiếp tục được khẳng định ở các văn bản pháp quy được ban hành sau này như: Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục đại học 2012, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014. Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, HĐT được thể hiện qua Điều 16.

Trong lĩnh vực quản trị GDĐH, cơ chế HĐT rất phổ biến ở các nước phát triển và đang được sử dụng ngày càng nhiều hơn ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Dù ở nước nào và theo mô hình nào thì HĐT đều mang đặc trưng của một hội đồng quản trị và là tổ chức có thẩm quyền cao nhất trong một trường đại học, đại diện cho chủ sở hữu của nhà trường và các các nhóm lợi ích có liên quan.

Đối với các trường đại học công lập thì đó chính là chủ sở hữu cộng đồng, vì ở đó có đại diện của đảng, Nhà nước, chính quyền, công đoàn, giáo viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, doanh nghiệp. Còn hiệu trưởng trên thực tế là giám đốc điều hành của nhà trường, do HĐT bầu chọn hay tuyển dụng, bổ nhiệm và bãi nhiệm. Nhờ thế, trường đại học hoạt động linh hoạt để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đồng thời vẫn mang đậm hương vị “cận thị trường” nhằm thích ứng với kinh tế thị trường nhưng tránh bị thương mại hóa tuyệt đối, với sự hỗ trợ, giám sát và điều tiết của xã hội và của Nhà nước.

Sinh viên thực hành thí nghiệm. Ảnh minh họa/ Internet
Sinh viên thực hành thí nghiệm.  Ảnh minh họa/ Internet

Tuy nhiên thực tế nhiều năm qua ở không ít các trường đại học đã thành lập HĐT, nhưng thiết chế này chỉ là một tổ chức tồn tại trên danh nghĩa, hình thức và không có thực quyền, có nơi còn bị coi là cánh tay nối dài của hiệu trưởng. Hiệu quả hoạt động của HĐT, nếu có thì cũng rất hạn chế. Nguyên nhân có thể do HĐT không nắm được đầy đủ nội dung, và quan trọng hơn, HĐT không có tiếng nói quyết định về bất kỳ nội dung quan trọng nào của nhà trường. Trong tâm thức họ, người chịu trách nhiệm toàn bộ về trường đại học vẫn là hiệu trưởng chứ không phải là HĐT như luật định.

Thống nhất quan niệm về HĐT

“Các văn bản pháp quy của Việt Nam như: Luật giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Điều lệ trường đại học… đều khẳng định vai trò quan trọng và tất yếu của HĐT trong cơ chế tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của trường đại học. Đồng thời, nhận thức chung của mọi người đều thừa nhận, để tránh lạm quyền và độc đoán trong quản lý, quyền tự chủ không thể trao cho cá nhân hiệu trưởng mà phải được giao cho một tập thể quản trị nhà trường, đó là HĐT”. 
 
GS.TS Trần Đức Viên

“Ở các quốc gia có nền GDĐH phát triển thì ngược lại, HĐT có vị thế khác hẳn. Nếu nhìn vào bằng tốt nghiệp đại học, cao học, bằng tiến sĩ của một đại học nào đó ở Hoa Kỳ thì sẽ thấy trên các tấm bằng danh giá ấy đều có chữ ký ở vị trí trang trọng nhất của chủ tịch HĐT, thậm chí bằng cấp là do HĐT quyết định” - GS.TS Trần Đức Viên dẫn giải.

Theo GS.TS Trần Đức Viên, để thực hiện tự chủ đại học, HĐT là một công cụ quan trọng, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của một tổ chức dân chủ. Theo đó, quyết định chiến lược của một trường đại học thuộc thẩm quyền của HĐT – những người đại diện cho chủ sở hữu. Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình nâng cao quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình. Qua đó cùng với các yếu tố khác sẽ nâng cao chất lượng GDĐH, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, tự chủ đại học trong thời gian qua chưa gắn liền với đổi mới quản trị đại học, với vai trò quyết định là sự ra đời và phát huy quyền lực của HĐT.

GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, trước khi có những hành động cụ thể và thiết thực để tiếp thêm sinh lực cho HĐT, thiết nghĩ cũng nên thống nhất về một vài quan niệm.

Thứ nhất, trường đại học là một tổ chức học thuật, khác rất nhiều với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan hành chính, cần có cơ chế hoạt động riêng, cần có khoảng trời riêng để phát triển, muốn vậy, cần có một khâu đột phá đó là tiến hành cơ chế tự chủ đại học với xương sống là thiết chế HĐT- tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học. Chỉ có Nhà nước mới có thể giúp các trường đại học gỡ bỏ các trở ngại và rào cản để tiến trình tự chủ của họ trở thành thực chất, không đối phó, không hình thức, không giả dối; và chỉ có như vậy thì mới mong thay đổi được hình ảnh của GDĐH Việt Nam.

Thứ hai, Nhà nước đã giao quyền tự chủ là giao tự chủ toàn diện cho các trường đại học. Nhà nước chỉ nên tập trung vào 3 vấn đề: Hình thành khung pháp lý phục vụ mục đích của quản lý Nhà nước; cấp ngân sách dựa vào thống đánh giá định lượng (KPIs) của cơ sở giáo dục và hình thức cấp như thế nào, và xây dựng quy chế đảm bảo khả năng giám sát và tính giải trình minh bạch. Còn các việc khác hãy để cho các trường tự chủ làm.

Thứ ba, quan trọng nhất của tự chủ là tự chủ về chuyên môn và tự do học thuật. Không nên cho rằng, cốt lõi và căn bản nhất của tự chủ đại học là tự chủ tài chính, tự chủ đầu tư, và lấy mức độ tự chủ về tài chính và đầu tư làm thước đo để Nhà nước quyết định về mức độ, phạm vi và tính chất tự chủ của các trường.

Thứ tư, với điều kiện nước ta hiện nay, chưa nên khuyến khích hay ép buộc thành lập HĐT ở tất cả các trường đại học; chỉ nên thành lập ở các trường đã hội đủ điều kiện như: Đã thể hiện đủ năng lực để có thể thực hiện được các quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm xã hội. Mặt khác đã được giải phóng khỏi cơ chế bộ chủ quản hoặc có bộ chủ quản nhưng trên thực tế đã được giải phóng khỏi cơ chế bộ chủ quản (kiểu cũ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.