Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu: Bộ GD&ĐT nỗ lực lớn với tư duy “cởi trói” đại học

GD&TĐ - Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong việc hoàn thiện dự án luật, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới. Bộ GD&ĐT đã có nỗ lực rất lớn với tư duy “cởi trói” cho đại học, giúp giáo dục đại học Việt Nam bắt kịp với sự phát triển của thế giới.  

Tự chủ đại học đang được thực hiện đúng lộ trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
Tự chủ đại học đang được thực hiện đúng lộ trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Tách khỏi bộ chủ quản: Bước đột phá quan trọng

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tự chủ đại học ở nước ta so với các nước khác đang còn khá non trẻ. Thời gian qua, việc thành lập đại học khá ồ ạt nên việc tìm mô hình nào cho đại học Việt Nam cũng là câu chuyện cần tranh luận.

Hiện nay, đang tồn tại nhiều quan điểm, trong đó có những quan điểm cho rằng cần phải có hội đồng đại học, có quan điểm nên cân nhắc, có quan điểm vẫn theo đuổi cần có bộ chủ quản, có những quan điểm muốn thoát khỏi bộ chủ quản

Lấy ví dụ tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nơi ông Hiểu công tác, đang là cơ quan chủ quản của 2 trường Đại học Công đoàn và Đại học Tôn Đức Thắng. Trong khi Trường Đại học Công đoàn vẫn đang hài lòng với cơ quan chủ quản thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng lại nhiều lần kiến nghị muốn tách khỏi Tổng Liên đoàn.

Ở Việt Nam, do lịch sử phát triển đại học, do điều kiện xã hội nên có nhiều loại hình đại học, nhiều mô hình khác nhau và đang là vấn đề có nhiều tranh luận. Do đó, cần tìm những gì phù hợp nhất trong điều kiện có thể để chúng ta lựa chọn - ông Hiểu nhấn mạnh.

Ảnh minh hoạ/ Internet
 Ảnh minh hoạ/ Internet

Ông Hiểu quan tâm đến bài toán giữa quy mô và chất lượng của các trường đại học. Ông cho rằng, hiện nay thế giới đang quốc tế hóa đại học, còn của chúng ta lại địa phương hóa đại học, có nghĩa là tỉnh nào cũng có thể thành lập một trường đại học.

So với thế giới thì tỉ lệ dân thì số có trình độ đại học ở Việt Nam vẫn thấp. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận nền tảng dân trí chung của chúng ta ở mức nào, nền kinh tế của chúng ta hấp thụ được bao nhiêu cử nhân, chứ không phải đặt mục tiêu là đào tạo ra số lượng cử nhân là bao nhiêu như một mục tiêu để phấn đấu.

Từ vấn đề quy mô chất lượng, ông Hiểu đề nghị hình thành các trường đại học chất lượng cao trong nước để giảm bớt xuất khẩu đại học. Các đại học Việt Nam cũng cần phải thu hút các sinh viên quốc tế bởi một đất nước gần 100 triệu dân, có nền văn hóa lâu đời, nhiều lĩnh vực khoa học được thế giới đánh giá cao mà chỉ thu hút được rất ít sinh viên của nước ngoài thì cũng là vấn đề cần suy nghĩ.

Giữa vấn đề quản lí Nhà nước và tự chủ đại học thì nên tiếp cận cả hai bởi các tư duy này khó gặp nhau. Nhà nước thì muốn quản lý chặt chẽ, còn chủ thể thì muốn thông thoáng nhất. Do vậy cần phải hài hòa giữa các mặt. Tự chủ đại học là cần thiết để bắt nhịp với thế giới, nhưng cũng cần phải tăng cường quản lí Nhà nước trong giáo dục đại học.

Sinh viên học trong môi trường chất lượng cao. Ảnh minh hoạ/ Internet
Sinh viên học trong môi trường chất lượng cao. Ảnh minh hoạ/ Internet

Hội đồng trường: Tăng cường hậu kiểm và nêu khuyến nghị

Về nội dung trong dự thảo luật đề cập đến việc nâng cao vai trò của hội đồng trường trong trường đại học công lập, ông Hiểu cho rằng, mô hình này ra đời trên cơ sở chúng ta đã nghiên cứu, đã thử nghiệm, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài. Nhiều nước có hội đồng trường phát huy rất tốt.

Nhưng ở Việt Nam có câu chuyện là tổ chức bộ máy ở các cơ quan khác nhau. Nếu không biết giải quyết thì sẽ gây ra nhiều vấn đề như mâu thuẫn giữa tập thể với cá nhân, cá nhân biến tập thể thành nơi hợp thức hóa ý đồ của cá nhân, tập thể bó chặt làm cá nhân mất đi khả năng sáng tạo, lấy sức mạnh tập thể để đè bẹp sự sáng tạo của cá nhân...

Xu hướng của thế giới là tăng cường hậu kiểm và nêu cao khuyến nghị chứ không phải ép buộc phải thực hiện theo tập thể. Đôi khi hiệu trưởng mới có đủ thông tin, đủ thẩm quyền, đủ niềm tin, sức mạnh và đủ khả năng đưa ra được quyết định đúng đắn. Một tập thể mà mỗi người nhìn một góc, không đều về nhận thức và cách tiếp cận thì có nguy cơ hình thành chính sách nhiều tranh cãi.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng cho rằng, quy định trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy là hợp lí. Tuy nhiên cũng cần đặt trường hợp mời giảng viên có uy tín đảm đương việc giảng dạy mà không đặt ra vấn đề trình độ. Bởi vì nhiều người chưa có bằng cấp nhưng lại là một nghệ nhân lành nghề, có trình độ chuyên môn giỏi, hoặc những người thành đạt trong kinh doanh sẽ có rất nhiều kinh nghiệm thực tế.

Các trường cũng cần đưa ra tiêu chí khi tuyển giảng viên là nhất thiết phải có khả năng sư phạm. Lâu nay đưa ra các yêu cầu nhưng nhiều người giảng bài như ru ngủ, nhiều sinh viên không muốn vào lớp học của một số thầy cô. Chức danh nghề nghiệp chung ở trong trường buộc phải thạc sĩ trở lên mới được giảng dạy, nhưng người khác ở ngoài mang đến kiến thức hệ thống, kiến thức thực hành, thực tế thì cần phát huy và nhân rộng. - ĐBQH Ngọ Duy Hiểu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.