Đóng góp trách nhiệm và tâm huyết cho Dự thảo Luật giáo dục đại học

GD&TĐ - Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trong đoàn, Ban giám hiệu các trường đại học, cao đẳng, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia… trên địa bàn tỉnh về việc góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung của Luật giáo dục đại học, nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết và trách nhiệm cho ngành giáo dục đã được các đại biểu nêu trong hội nghị.

Luật giáo dục đại học (sửa đổi) sẽ tạo bước đột phá cho các trường đại học trên cả nước
Luật giáo dục đại học (sửa đổi) sẽ tạo bước đột phá cho các trường đại học trên cả nước

Đảm bảo công bằng

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng điểm quan trọng nhất là dự thảo lần này đã xóa bỏ khác biệt trong mô hình quản lý giữa trường đại học công lập, đại học tư thục và đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Cách tiếp cận này là đúng và đảm bảo sự công bằng giữa các đại học thuộc các hình thức sở hữu khác nhau.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị bổ sung các trường đại học, học viện, trường sĩ quan của lực lượng vũ trang vào hệ thống cơ sở giáo dục đại học và quy định rõ, loại hình trường này được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật giáo dục đại học và quy định của các Bộ chủ quản (Quân đội, Công an).

Về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong Dự thảo Luật giáo dục đại học, một số ý kiến cho rằng chưa có quy định về trách nhiệm của trường đại học đối với người học trong trường hợp việc liên kết đào tạo, nhất là liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng quốc tế không đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cần quy định về việc kiểm tra đảm bảo chất lượng của cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục đại học, nhất là cần hình thành các tổ chức kiểm định độc lập, các tổ chức kiểm định nước ngoài hoạt động tạo Việt Nam.

Về mô hình đại học vùng, nếu giữ mô hình này, các đại biểu đề nghị phải nghiên cứu lại cách thức, cơ chế hoạt động cho phù hợp.

Đối với lĩnh vực về tự chủ đại học, các đại biểu cho rằng dự thảo luật lần này đã phản ánh rõ quan điểm tự chủ, trong đó vấn đề tự chủ về khoa học học thuật được đặt ra sát với nhu cầu thực tiễn. Việc tự chủ về nhân sự, tổ chức cũng có nhiều điểm tiến bộ hơn so với trước, tuy nhiên việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học phải có lộ trình phù hợp để đảm bảo khả thi.

Các đại biểu cũng tán thành với quan điểm của dự thảo luật đặt Hội đồng trường là cơ quan quản lý có quyền cao nhất và trao quyền quyết định cho các trường trong việc quy định tiêu chuẩn, nhiệm kỳ của Hiệu trưởng và chủ tịch Hội đồng trường. Việc giao cho các trường quyền quyết định việc quy định tiêu chuẩn, nhiệm kỳ của Hiệu trưởng và chủ tịch Hội đồng trường tạo sự chủ động cao cho các trường cũng như thể hiện rõ tính tự chủ của các trường.

Phải bảo đảm quyền lợi cho sinh viên

Sinh viên Trường ĐH Nha Trang khám sức khỏe khi nhập học

Sinh viên Trường ĐH Nha Trang khám sức khỏe khi nhập học

Trong điều 9, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo, một số đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ về việc các cơ sở giáo dục đại học chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước, quốc tế để đảm bảo sự thống nhất.

Nên giao cho Bộ GD&ĐT quy định các tiêu chí của pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng giáo dục đại học, thẩm định và công bố danh sách các bảng xếp hạng quốc tế để các trường đại học chọn tham gia.

Trong điều 12 về chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, một đại biểu đề nghị nên làm rõ khái niệm “ưu tiên” và “ưu đãi” trong chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học. Tại khoản 2, nên xác định rõ nội dung nào được ưu tiên, nội dung nào được ưu đãi để tạo điều kiện cho các trường đại học phát triển.

Đối với khoản 3, điều 50 về trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, dự thảo Luật giáo dục đại học quy định “Sau 2 năm, nếu không thực hiện kiểm định lại chương trình hoặc kiểm định lại nhưng không đạt thì cơ sở giáo dục đại học phải dừng tuyển sinh đối với chương trình đào tạo đó”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, theo cơ chế tự chủ, các trường tự xây dựng chương trình đào tạo, một số trường quy định chương trình đào tạo khá ngắn là 4 năm thậm chí chỉ có 3 năm, như vậy trường hợp sau 2 năm đào tạo thì sinh viên đã ở vào giai đoạn giữa hoặc cuối khóa học nhưng nhà trường vẫn chưa thực hiện kiểm định lại hoặc kiểm định lại không đạt thì những sinh viên đang theo học không được đảm bảo về chất lượng học tập.

Do đó một số ý kiến đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ hơn theo hướng “nếu cơ sở giáo dục đại học không thực hiện kiểm định chương trình đào tạo hoặc kiểm định nhưng không đạt thì phải dừng ngay việc tuyển sinh đối với chương trình đào tạo đó. Trường hợp vi phạm phải bị xử lý và bồi thường thiệt hại cho người học”. Quy định như vậy sẽ đảm bảo được quyền lợi cho sinh viên đã tham gia chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ