Thế nhưng, phải đến Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, tận mắt chiêm ngưỡng khu lăng mộ các vua Trần lừng lững như những quả đồi nổi lên giữa những cánh đồng lúa bạt ngàn mới dám tin đây thực sự là một câu chuyện kỳ bí khó có lời giải thích.
Từ duyên kỳ ngộ cứu thầy địa lý
Truyền thuyết kể lại rằng, ông tổ họ Trần là Trần Kinh đến ở hương Tức Mặc (Nam Định ngày nay) rất thạo sông nước, sống bằng nghề chài lưới lênh đênh trên sông Nhị Hà, chỗ nào cũng là nhà, lấy người con gái ở hương ấy sinh ra Trần Hấp.
Vào thời Lý Thần Tông (1128 - 1138), có một thầy địa lí đi xem tướng đất, thấy ở Hương Tinh Cương xã Thái Đường huyện Ngự Thiên phủ Long Hưng (huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay) có một Gò Hỏa Tinh, thầy cười mà nói rằng: “Ở nơi bằng phẳng lại nổi lên một gò lớn, hẳn không phải là một hoang địa”.
Thầy vào làng bên nghỉ trọ trong một gia đình, biết là thầy là người giỏi xem đất gia đình ngỏ ý nhờ thầy giúp đỡ tìm nơi đặt mộ. Cảm ơn việc đối xử tốt của gia đình, thầy địa lý đã đồng ý giúp, song đề phòng bất trắc thầy dặn sau này khi trời mưa to sấm chớp thấy trên mặt mộ có màu đỏ thì phải chuyển mộ ngay, nếu không gia đình sẽ bị triệt diệt.
Tuy nhiên, xong việc đặt mộ, sợ bị lộ, người khác biết chuyện, gia đình ấy đem lòng bội bạc trói thầy địa lí quảng xuống sông. May thay gặp lúc thủy triều xuống và lúc đó Trần Hấp đánh cá gần đó thấy người kêu cứu liền tới đem thuyền và hỏi duyên cớ. Cảm ơn sự chăm lo chu đáo của Trần Hấp, thầy địa lí thưa rằng: “Tôi đội ơn người đã cứu tôi thoát nạn xin tìm nơi cát địa để báo ơn ”.
Theo sự chỉ dẫn của thầy, giờ lành ngày Tân Dậu tháng Đinh Tỵ năm Quý Sửu, Trần Hấp di mộ cha từ Tức Mặc (Nam Định) về đặt tại gò Hỏa Tinh. Mộ đặt ở hướng Càn (Bắc) nhìn ra ngã ba sông lớn, tục gọi là Cửa Vàng.
Thế đất đặt mộ cha Trần Hấp theo thầy địa lí là: “Phấn đại đương giao chiếu, liên hoa đối diện sinh, tha nhật dĩ đắc thiên hạ” (Nghĩa là phấn son cùng chiếu rọi, trước mặt nở hoa sen, sau này có người do nhan sắc mà lấy được thiên hạ), lại nói: “Nữ nhập cung phi, nam cư phụ chính”.
Có một điều rất kỳ lạ là vào những ngày giáp Tết, dù cây cỏ những khu ruộng xung quanh có héo úa do mưa rét thì cỏ trên mộ các vị vua nhà Trần vẫn mơn mởn xanh tươi và um tùm một cách kỳ lạ.
Ông Phạm Văn Cường - Thành viên Ban Quản lý Di tích đền thờ các vua Trần cho biết, dù cỏ trên mộ xanh tốt như vậy nhưng người dân xung quanh không dám đến cắt bao giờ do khu mộ có rất nhiều rắn, có người còn nhìn thấy những con rắn trắng có mào, dựng lên phun phì phì như bảo vệ mộ Vua khi thấy có người đến gần.
Sử cũ chép rằng, trải qua 28 năm trước khi sinh Trần Lý, Trần Hấp đã gắn bó với vùng đất Thái Đường. Khi Trần Lý trưởng thành đã tiến về phía Bắc và định cư ở làng Hải ấp (nay là xã Canh Tân) cách Tiến Đức 3 km.
Thực tế, dòng dõi họ Trần thạo nghề sông nước, dọc địa bàn ven sông Hồng là ngư trường hoạt động chủ yếu là lẽ đương nhiên. Thái Đường với Hải ấp cũng cách nhau không đáng là bao.
Lúc ấy họ Trần ở vùng Hải ấp (Hưng Hà) là quê ngoại của Thái Tử Sảm, nhờ có nghề chài lưới mà giàu có, có thế lực, quy tụ được long dân.
Trần Lý sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái). Một trong hai người con ấy là Trần Thị Dung, sau này kết duyên với Thái tử Sảm của vương triều Lý. Thiên tình sử đó diễn ra trong bối cảnh quốc gia có nhiều biến loạn.
Như vậy nhà Trần ở Tức Mặc chỉ có một đời, từ đời Trần Hấp đã di mộ tổ sang Thái Đường (năm Quý Sửu 1133), thì Tức Mặc chỉ còn là quê ngoại.
Tính đến Trần Cảnh thì nhà Trần ở đất Long Hưng, trước khi dấy nghiệp có tới 4 đời vua (khoảng 70 năm): Trần Hấp sinh Trần Lý, Trần Lý sinh Thừa, Thừa sinh Cảnh là vị vua khai sáng triều Trần.
Cách đây hơn 700 năm, tại đây, các vị vua khai nghiệp nhà Trần sinh ra và khởi nghiệp. Trong khoảng thời gian 175 năm tồn tại, triều Trần đã lãnh đạo quân dân Đại Việt lập nên những chiến công hiển hách, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông hung hãn bậc nhất thời đó.
Trong cả ba cuộc kháng chiến đó, sau thành Thăng Long, mảnh đất Long Hưng - Ngự Thiền đều là nơi nhà Trần chọn làm hậu cứ để xuất nhập thần kỳ.
Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Trần: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp táng tại các lăng mộ Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dự Lăng, Quy Đức Lăng.
Trong 4 vị hoàng hậu thì 2 vị được ghi rõ là Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu (vợ vua Trần Nhân Tông), Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu (em gái Khâm Từ).
Hai vị còn lại khả năng là Thuận Thiên Hoàng Thái Hậu (vợ vua Trần Thái Tông) vàNguyên Thánh Thiện Bảo hoàng thái hậu (vua Trần Thánh Tông). Đây là đặc điểm độc nhất vô nhị trong các di tích về thời đại nhà Trần trong cả nước.
Mộ tổ là tiêu chí quan trọng để có thể tìm kiếm đất phát tích của một dòng họ, một gia đình, vì vậy Thái Đường được nhà Trần chọn làm nơi đặt tôn miếu.
Do vị trí của Thái Đường thuận lợi cho giao thông vì thế được nhà Trần chọn là hậu phương của mình. Xét về địa thế quân sự, tôn miếu nhà Trần ở Thái Đường an toàn hơn cả kinh đô vì vậy các vùng phụ cận là nơi sơ tán của vương triều khi giặc kéo vào kinh đô.
Trong đó có vai trò của người con gái làng Ngừ (Trần Thị Dung) vô cùng to lớn. Cuối thời Trần, trước những cuộc lấn chiếm của người Chiêm Thành lợi thế quân sự đó không còn nữa, lặng mộ các đời sau chuyển về Yên Sinh (Quảng Ninh).