Theo họ, những yêu cầu này không nhằm mục đích đẩy Ukraine vào bàn đàm phán, mà nhằm "đảm bảo nước này duy trì một nền tảng đạo đức cao trong mắt những người ủng hộ quốc tế".
Theo tờ báo, đây là một nỗ lực có tính toán nhằm đảm bảo chính phủ Kiev duy trì sự ủng hộ của các quốc gia khác vốn đang có các cuộc bầu cử và phải cảnh giác về việc châm ngòi cho một cuộc chiến trong nhiều năm tới.
Ngoài ra, Mỹ yêu cầu ông Zelensky từ chối một sắc lệnh của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, trong đó tuyên bố không hội đàm với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Bài báo cho biết những lời kêu gọi như vậy cho thấy lập trường của chính quyền ông Biden với Ukraine đã trở nên phức tạp như thế nào, trong khi các quan chức Mỹ công khai tuyên bố ủng hộ Kiev "chừng nào họ còn cần đến".
Theo Washington Post, chính quyền Mỹ tin rằng Nga được cho là không có tâm trạng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc. Tuy nhiên, họ thừa nhận việc ông Zelensky từ chối tham gia đối thoại đang gây ra lo ngại ở một số quốc gia ở châu Âu, châu Phi và châu Mỹ Latinh, vốn đang phải đối mặt với tình trạng giá nhiên liệu và lương thực tăng cao.
Một trong những nguồn tin cho biết: “Sự mệt mỏi về Ukraine là điều có thật đối với một số đối tác của chúng tôi”.
Theo các quan chức Mỹ, nhiều khả năng ông Zelensky sẽ đồng ý đàm phán và cuối cùng sẽ nhượng bộ. Họ tin rằng, Kiev "đang cố gắng đạt được nhiều lợi ích quân sự nhất có thể trước khi mùa đông bắt đầu – thời điểm có một cơ hội cho ngoại giao có thể xuất hiện".
Tuy nhiên, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa lên tiếng về thông tin trên.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng giới lãnh đạo Nga vẫn sẵn sàng hội đàm về vấn đề Ukraine. Ông cho biết, Nga sẵn sàng lắng nghe các đồng nghiệp phương Tây nếu họ đề nghị tổ chức một cuộc đàm phán về giảm leo thang căng thẳng, có tính đến lợi ích của Moscow.
Ngoài ra, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, các cuộc đàm phán về Ukraine nên được tổ chức chủ yếu với Washington, vì Kiev đang hành động "theo lệnh bên ngoài".
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine theo yêu cầu hỗ trợ từ các nhà lãnh đạo của các nước cộng hòa Donbass. Sau đó, Mỹ, EU, Anh cũng như một số quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và pháp nhân Nga. Ngoài ra, các nước phương Tây bắt đầu cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Kiev trị giá hàng tỷ USD.