Truyện ngắn “Hai đứa trẻ”: Ánh mắt soi chiếu một tâm hồn

GD&TĐ - Ẩn trong cái dịu ngọt đầy chất thơ của văn Thạch Lam là một tâm hồn nghệ sĩ đã được thanh lọc khỏi những tạp chất của đời.

Tranh minh họa truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến, Quận 10, TPHCM. Ảnh minh họa: IT
Tranh minh họa truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến, Quận 10, TPHCM. Ảnh minh họa: IT

Và chính điều đó làm cho văn Thạch Lam cứ phảng phất như hương ngọc lan, cứ ám ảnh như một ánh nhìn. Đọc Hai đứa trẻ, người đọc cũng có cảm giác đó…

Ngay từ đầu, người đọc đã bị cuốn theo ánh mắt của cô bé Liên vừa trẻ con vừa người lớn, vừa đáng yêu vừa đáng thương. Tất cả không gian, thời gian, cuộc sống con người được gói trọn trong ánh mắt ấy. Để rồi, từ ánh mắt của Liên, tác phẩm lại mở ra một thế giới mới – thế giới tâm hồn của nhân vật tinh tế và phức điệu.

1.

Trong Hai đứa trẻ, nhân vật Liên là thiếu nữ khoảng độ 15 – 16 tuổi. Chỉ có một lần, Liên được bà cụ Thi gọi là cô bé. Hai lần (ở nhan đề và ở chi tiết cùng An ngắm sao), Liên được xem là trẻ con: Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ… Chủ yếu trong tác phẩm, Thạch Lam gọi Liên bằng tên riêng hoặc bằng chị, các nhân vật khác xưng hô với Liên bằng chị hoặc cô. Thế nhưng, dõi theo ánh mắt của Liên, người đọc vẫn nhận thấy sự hồn nhiên, trẻ thơ trong cách nhìn cảnh vật phố huyện.

Không gian phố huyện trong Hai đứa trẻ vận động theo bước đi của thời gian, từ chiều muộn đến đêm tối. Và theo đó, cảnh vật dần bị thu hẹp lại. Khi trời đã bắt đầu đêm, khi hai chị em đã thôi dọn hàng và ngồi xuống trên chiếc chõng tre đã sắp gãy, ánh mắt của Liên hướng về ánh sáng. Đó là ánh đèn của những ngôi nhà trong phố (Các nhà đã lên đèn cả rồi, đèn treo trong nhà bác phở Mĩ, đèn Hoa Kì leo lét trong nhà ông Cửu, và đèn dây sáng xanh trong hiệu khách...), là ngọn đèn Hoa Kì của chị Tí, là ánh sao trên bầu trời mùa hạ (Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh), là vệt sáng của những con đom đóm bay là trên mặt đất, là một chấm lửa khác nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi, rồi lại hiện ra… của hàng phở bác Siêu.

Nếu như tính chất của những vật sáng, nguồn sáng (ít ỏi, thưa thớt, yếu ớt) là yếu tố không thể thiếu để tạo nên bức tranh tương phản trong tác phẩm, mang thông điệp cuộc sống mà nhà văn gửi gắm thì sự hiện diện của chính những vật sáng, nguồn sáng ấy lại cho ta thấy tâm hồn hết sức trong trẻo, thuần khiết của hai đứa trẻ, đặc biệt là Liên.

Bởi chỉ có ánh mắt trẻ thơ mới dễ bị thu hút và dễ thay đổi điểm nhìn đến vậy: Đang nhìn ở xa lại chuyển sang gần, đang nhìn trên bầu trời lại chuyển xuống mặt đất. Và cũng chỉ có ánh mắt trẻ thơ mới làm cho những vật sáng, nguồn sáng ấy hiện lên một cách cụ thể, tỉ mỉ và vô sự đến thế. Vô sự bởi những sự vật ấy không tạo nên bất cứ hiệu ứng thân phận nào mà chỉ gợi lên những khao khát rất trẻ con: Thèm được chơi đùa, thèm được ăn thức quà xa xỉ, thèm được uống những cốc nước xanh đỏ. Cái trong trẻo, thuần khiết trong tâm hồn Liên chính là ở chỗ đó.

Tác phẩm “Hai đứa trẻ” trong các lần xuất bản. Ảnh minh họa: IT
Tác phẩm “Hai đứa trẻ” trong các lần xuất bản. Ảnh minh họa: IT

2.

Qua ánh mắt của Liên, người đọc không chỉ được nhìn cảnh vật phố huyện vừa rất quen vừa rất lạ, mà còn được thấy những con người, những cảnh đời vừa đáng thương vừa đáng trọng. Ánh mắt của Liên hướng về những đứa trẻ con nhà nghèo, về bà cụ Thi, mẹ con chị Tí, bác phở Siêu và gia đình bác xẩm với biết bao yêu thương.

Đọc những câu văn Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại… có ai lại không thấy xúc động? Cái dáng cúi lom khom, cái cách đi lại tìm tòi, nhặt nhạnh của mấy đứa trẻ con nhà nghèo đã khiến Liên động lòng thương. Đó như một phản ứng tất yếu và tự nhiên trong tâm hồn cô gái trẻ, giống như sự động lòng của Lan và Sơn trong Gió lạnh đầu mùa. Và đó có thể là gì nếu không phải là biểu hiện của một tâm hồn thánh thiện?

Với Liên, mẹ con chị Tí, bác phở Siêu, gia đình bác xẩm là những người hàng xóm thân quen khi màn đêm buông xuống. Và lẽ tất nhiên, ánh nhìn của Liên dồn nhiều hơn vào họ. Liên quan sát họ từ khi họ dọn hàng ra đến lúc họ dọn hàng về. Mọi hành động, lời nói của những con người ấy được gom trọn vào ánh mắt Liên. Liên nhìn chị Tí khi kê xong chõng ghế, dịch ngọn đèn Hoa Kì lại để ngồi têm trầu, còn thằng cu thì loay hoay nhóm lửa để nấu nồi nước chè; đến khi chị phe phẩy cành chuối khô đuổi ruồi bò trên mấy thức hàng. Liên thấy bác Siêu từ chấm lửa khác nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi, rồi lại hiện ra... cho đến khi đã tới gần, đặt gánh phở xuống đường. Bác cúi xuống, nhóm lại lửa, thổi vào cái nứa con. Bóng bác mênh mang ngả xuống đất một vùng và kéo dài đến tận hàng rào hai bên ngõ. Liên nhìn gia đình bác xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau sắt trắng để trước mặt…; góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng.

Thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường. Không có từ ngữ nào bộc lộ cảm xúc, thái độ của Liên với những con người nghèo khổ ấy nhưng cách Liên nhìn họ đã cho thấy chị thấu hiểu, đồng điệu và cũng quý mến họ biết nhường nào. Chính Liên đã nhìn ra trong cái chép miệng của chị Tí, trong cái xa xỉ của gánh phở bác Siêu, trong tiếng đàn bầu góp chuyện của vợ chồng bác xẩm là cái nghèo khổ, đơn điệu, tẻ nhạt và bế tắc trong cuộc sống của người dân phố huyện. Chính chị cũng nhìn ra trong cái niềm mong mỏi đợi khách là khao khát đổi thay, khao khát về tương lai tươi sáng. Và chỉ có ánh mắt đầy yêu thương mới gắn kết Liên với những con người khốn khó ấy.

Hướng đến mẹ con chị Tí, bác phở Siêu hay gia đình bác xẩm bằng ánh mắt yêu thương như Liên thật là điều đáng trân quý. Và ánh mắt yêu thương ấy chỉ có thể xuất phát từ một trái tim nhân hậu. Điều đáng nói hơn ở đây là bản thân Liên dành trọn yêu thương cho người khác trong khi chính chị lại đáng thương hơn tất cả: Sớm phải trưởng thành, sớm phải chứng kiến sự sa sút của gia đình, sớm nhận ra mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ. Và trong cuộc sống nghèo khổ, tù túng nơi phố huyện, nhân vật của Thạch Lam vẫn không thôi mơ ước, khao khát về những điều tốt đẹp. Phải chăng, yêu thương, vị tha và hi vọng đã đan kết thành vẻ đẹp thánh thiện trong tâm hồn Liên?

3.

Qua ánh mắt của Liên, cảnh vật và cuộc sống nơi phố huyện nghèo cứ dần dần sống dậy, gợi lên trong người đọc một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Ám ảnh từ cái màu đỏ rực như lửa cháy của phương Tây, cái ánh hồng như hòn than sắp tàn của những đám mây đến cái le lói, thưa thớt, yếu ớt của những hột sáng, vệt sáng, đốm sáng, quầng sáng nơi phố huyện. Ám ảnh từ cái âm thanh thưa nhặt, vang xa của tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ, tiếng vo ve của muỗi kêu trong gian hàng tạp hóa, tiếng râm ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào của ếch nhái… đến cái vui vẻ, huyên náo của chuyến tàu vụt qua phố huyện lúc đêm khuya.

Ám ảnh từ tiếng cót két của chiếc chõng nan sắp gãy của chị em Liên, câu chép miệng (Ối chao, sớm với muộn mà có ăn thua gì) của chị Tí, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng của bà cụ Thi đến tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng của vợ chồng bác xẩm. Cả cảnh vật, cả con người cứ thế chìm dần, chìm dần vào khoảng không tịch mịch và đầy bóng tối không có cách gì cưỡng lại được. Và lẽ dĩ nhiên, đôi mắt Liên cũng cứ thế bóng tối ngập đầy dần. Để rồi, khi mọi cảnh vật, con người được phản chiếu trong đôi mắt ấy, bức tranh phố huyện lại trở nên bí ẩn, xa xôi và càng ám ảnh người đọc.

Trong Hai đứa trẻ, chỉ có hai lần đôi mắt của Liên được trực tiếp nhắc đến. Ở đầu tác phẩm, khi Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị: Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn. Và ở cuối truyện, Liên cúi xuống vực em vào trong hàng, mắt cũng đã ríu lại; rồi sau mắt chị nặng dần và Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh. Nhưng chính hai lần được nhắc đến trực tiếp đó, ánh mắt của Liên như sợi tơ đầu tiên và sợi tơ cuối cùng giăng mắc trong lòng người toàn bộ bức tranh phố huyện. Và nhà văn Thạch Lam đã thật tinh tế khi dùng chính chi tiết đôi mắt ấy để mở ra và khép lại hai thế giới – thế giới hiện thực và thế giới tâm hồn.

Mở đầu tác phẩm, ánh mắt Liên đã trở thành một tín hiệu về cuộc sống tăm tối, tù túng, quẩn quanh nơi phố huyện nghèo. Bởi cái bóng tối ngập đầy dần đôi mắt Liên vừa là bóng tối của thiên nhiên (Mặt trời tắt nắng, trời chuyển dần về đêm) vừa là bóng tối của hiện thực (cuộc sống con người Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám). Không chỉ có thế, ánh mắt của nhân vật còn hé lộ một thế giới tâm hồn tinh tế, nhạy cảm. Cái bóng tối của thế giới bên ngoài kia đã neo vào tâm hồn Liên nỗi buồn của buổi chiều quê, nỗi buồn man mác trước cái giờ khắc ngày tàn. Để rồi khi bóng tối nhấn chìm tất cả cảnh vật và con người, nỗi buồn ấy không còn mơ hồ, vô định như lúc ban đầu mà trở nên sâu sắc, thấm thía, trở thành nỗi xót thương với những kiếp người bé nhỏ quanh mình.

Và đến cuối tác phẩm, khi Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, khi ánh mắt chỉ còn bóng tối, nỗi buồn man mác của Liên trước cái giờ khắc ngày tàn đã thành một dự cảm mơ hồ về tương lai, một niềm day dứt khôn nguôi. Phải chăng, ở đây đã có một quy luật: Khi bóng tối tăng dần thì nỗi buồn của Liên cũng tăng dần. Và khi ánh mắt càng ngập đầy bóng tối thì tâm hồn nhân vật càng đa thanh, phức điệu.

Đọc Hai đứa trẻ, chắc hẳn không người đọc nào không ám ảnh ánh mắt của Liên. Nhưng cũng có lẽ, không quá nhiều người có thể nhận ra điều này: Ánh mắt của Liên, ánh mắt ngập đầy dần bóng tối ấy, lại luôn luôn là điểm hội tụ ánh sáng. Ánh mắt của Liên đã gom nhặt tất cả ánh sáng nơi phố huyện, từ những hột sáng, vệt sáng, khe sáng, quầng sáng… đến những toa khách sáng rực của chuyến tàu đêm. Và đến lượt mình, những ánh sáng ấy không chỉ phản quang cuộc sống hiện tại, mà còn khúc xạ cả quá khứ và tương lai; không chỉ chiếu rọi niềm xót xa, thương cảm; nỗi tiếc nuối quá vãng, mà còn soi sáng niềm hy vọng về tương lai.

Trong Hai đứa trẻ, Thạch Lam không dùng ánh mắt của nhân vật để soi chiếu vào những góc khuất của hiện thực xã hội hay những góc tối của tâm hồn con người như một số cây bút hiện thực cùng thời. Ông mượn ánh mắt của Liên để nhìn cuộc sống bên ngoài một cách bình dị, chân thực nhất, để thấy cái tinh tế, vi diệu của tâm trạng, cảm xúc con người. Đọc Hai đứa trẻ, người đọc nhận ra có hai ánh mắt song hành với nhau, luôn cùng nhìn cuộc sống và con người với tất cả chân cảm, sự quý mến và trang trọng. Và có lẽ, căn nguyên sâu xa khiến độc giả thấy bận bịu vô hạn khi đọc tác phẩm Thạch Lam không gì khác chính là cái ánh mắt đã soi chiếu một tâm hồn như thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ