Bài thơ “Ngắm trăng” (Hồ Chí Minh): Tâm hồn người cộng sản vĩ đại

GD&TĐ - Trăng từ bao đời nay là nguồn cảm hứng muôn đời của thi nhân, trăng là người bạn tâm tình; trăng là đề tài của hội họa và âm nhạc.

Bài thơ “Ngắm trăng” (Hồ Chí Minh): Tâm hồn người cộng sản vĩ đại

Trong thơ văn đông tây kim cổ, đã có biết bao bài thơ hay viết về trăng, để lại ấn tượng không phai mờ trong trái tim người đọc, như những dòng sông đỏ nặng phù sa trở thành những bài ca đi cùng năm tháng. Một trong những tác giả viết nhiều về trăng là Hồ Chí Minh. 

Trăng là tri âm, tri kỉ

Suốt cuộc đời cách mạng gian truân và vẻ vang của Bác, ngay cả chốn lao tù của Tưởng Giới Thạch, Bác luôn tìm đến trăng, coi trăng là tri âm, tri kỉ. Bài thơ “Vọng nguyệt (Ngắm trăng)” ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế, khi người tù thi sĩ tay bị xích, chân bị cùm, thân thể đọa đày nơi ngục lạnh mà lòng thanh thản thưởng thức vẻ đẹp của một đêm trăng sáng.

Cũng chính vì vậy, khi bàn về Nhật kí trong tù, Giáo sư Nguyễn Hoành Khung đã nhận xét: “Nhật kí trong tù” cho thấy một phong cách thơ vừa rất độc đáo vừa đa dạng, nhiều màu sắc thẫm mĩ, đã kết hợp thật hài hòa những yếu tố tưởng chừng như mâu thuẫn: Giản dị vô cùng mà cũng hàm súc vô cùng, cổ điển rất mực và hiện đại cũng rất mực, vừa hiện thực tới nghiêm ngặt, trần trụi, vừa lãng mạn bay bổng, rực rỡ, vừa sáng ngời chất thép vừa man mác chất thơ.

Câu thơ mở đầu người nhắc đến rượu và hoa:

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa

Đối thử lương tiêu nại nhược hà?

(Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ).

Tại sao Người lại nhắc đến những thức sang quý ấy? Có lẽ đêm ấy đầy trăng. Trăng lồng lộng soi tỏ nhân gian. Trăng vằng vặc, bát ngát làm đẹp lên tất cả mọi thứ và khiến tâm hồn người cộng sản vĩ đại háo hức, say mê để thưởng trăng. Nhưng hiện thực là cảnh lao tù khắc nghiệt: Trong tù không rượu cũng không hoa. Hoàn cảnh ấy thật trớ trêu. Chốn địa ngục trần gian ấy rệp bò như xe cóc, muỗi tựa máy bay, nơi nhà tù tàn bạo luôn ngăn cản những nhu cầu thường tình nhất của con người: Cửa tù khi mở không đau bụng, đau bụng lại không mở cửa tù (Hạn chế).

Tuy không tả những bức tường giam lạnh lẽo và những bộ mặt của cai ngục, nhưng mà hai chữ “ngục trung” nghe mới chua xót làm sao! Nhưng cũng chính vào những phút giây căng thẳng như thế, Hồ Chí Minh lại cũng tìm được cách để giành lấy một sự thư thái, nó là trạng thái cân bằng không thiếu được, nói như cách nói tâm lý học, Bác đã tự phân thân để có một cuộc sống thứ hai. Nghĩa là từ trong tâm thức, Bác đã mang sẵn cốt cách một thi nhân.

Và ở đây ta đang nói đến những ngày tù ngục trong nhà tù Quốc dân Đảng, cuộc sống thứ hai trong khung cảnh tù đày của Hồ Chí Minh là cuộc sống bên trong, cuộc sống hướng nội. Hướng nội - trong cách nhìn sự vật, trong cách độc thoại với chính mình và hướng nội cả trong cách “vượt ngục” bằng “ý tại ngôn ngoại” của những vần thơ tù. Cũng vì thế, Hồ Chí Minh nhắc đến rượu và hoa bởi xưa nay thi sĩ thưởng thức vẻ đẹp của đêm trăng thường có những thức ấy. Hoa làm cho trăng thêm đẹp, rượu làm cho hứng thêm nồng. Tiên thơ Lý Bạch một mình ngắm trăng mà cũng thành ba người:

Có rượu không có bạn

Một mình chuốc dưới hoa.

Cất chén mời trăng sáng,

Mình với bóng là ba.

Trăng được nhân hóa

Người nhắc đến rượu và hoa - những thứ vốn để tạo thi hứng cho tâm hồn thi sĩ để nâng mình lên không phải là một người tù mà là một tao nhân mặc khách. Bậc tao nhân ấy đang quên đi thực tại để tâm hồn bay bổng cùng trăng. Xưa nay, uống rượu ngắm trăng, uống rượu thưởng hoa là chuyện thường tình. Nhưng ở đây, trong hoàn cảnh lao tù này, cái “không rượu” chồng lên cái “không hoa”... Hiện thực xám ngắt và lạnh lẽo phủ định tất cả. Hiện thực nhắc nhở Người rằng mình đang có lỗi với trăng. Cũng vì thế nên Người băn khoăn, bâng khuâng, bồi hồi, xao xuyến. Người tự vấn trước cảnh đẹp đêm nay ta biết phải làm như thế nào?

Như vậy, câu thơ thứ hai đã có một biến chuyển về tâm lí tác giả cũng như người đọc. Một biến chuyển thật bất ngờ: Đối thử lương tiêu nại nhược hà? Rõ ràng trong tâm hồn Bác, trong trái tim yêu đời bao la của Người trăng luôn vời vợi. Tâm trạng này giúp người tù thoát khỏi ngục trung u ám, quên mình là tù nhân khi đối diện với trăng. Ánh trăng thanh khiết vời vợi kia như thúc giục, như mời gọi thi nhân hãy ra giữa chốn tự do mà giao hòa, chia sẻ. Câu thơ cho thấy một tâm hồn thi sĩ nhạy cảm như sợi tơ đàn, sẵn sàng rung ngân trước một làn gió nhẹ, một ánh trăng rừng của Bác. Ẩn đằng sau đó là một niềm yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời đến tha thiết, mê say.

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia.

(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.)

Nếu như ở hai câu đầu người tù thi sĩ không biết đối đãi với trăng như thế nào thì giờ đây, vượt qua tất cả, chẳng cần rượu, chẳng cần hoa, chỉ cần người và trăng hướng về nhau là đã có một cuộc giao hòa trọn vẹn. Với phép đối nhân – nguyệt, minh nguyệt – thi gia lồng trong phép tiểu đối nhân – minh nguyệt, nguyệt – thi gia, người và trăng trở nên quấn quýt, gần gũi, hòa quyện. Người vượt lên nghịch cảnh để tâm hồn vời vợi theo ánh trăng.

Người thấu hiểu trăng là minh nguyệt – trăng sáng trong không một chút bụi mờ. Còn vầng trăng ở đây không chỉ là hình ảnh thiên nhiên mơ mộng, lãng mạn mà trăng được nhân hóa có đôi mắt, có gương mặt, có tâm hồn theo vào tận song sắt nhà tù chật hẹp say mê ngắm nhìn vẻ đẹp tâm hồn tỏa rạng của người tù – thi sĩ Hồ Chí Minh. Trăng và người vốn muôn trùng xa cách nay trở nên gần gũi.

Cả hai như đang đối diện đàm tâm để nghe rõ những xúc động sâu vời tận cõi tâm linh. Giữa hai nhân vật, hai tâm hồn đẹp đẽ ấy là hai hình ảnh vô cùng lạnh lẽo song khích và song tiền. Song sắt nhà tù chắn ngang hai thế giới. Thế giới bên trong tăm tối, chật hẹp, bẩn thỉu, nhầy nhụa, tàn bạo không chút tình người và thế giới bên ngoài bao la, rạng ngời ánh sáng, thênh thang tự do, mênh mông cái đẹp. Tâm hồn Hồ Chí Minh mãi mãi thuộc về thế giới bên ngoài và đó là ý nghĩa của một cuộc vượt ngục bằng tinh thần trọn vẹn. Nói cách khác, trước sự hiện diện của trăng đẹp, cái hiện thực tối tăm u ám của nhà tù dường như bị xóa tan, nhường chỗ cho mối giao hòa thiêng liêng giữa nhà thơ tự do và thiên nhiên vĩnh cửu.

Bài thơ “Ngắm trăng” (Hồ Chí Minh): Tâm hồn người cộng sản vĩ đại ảnh 1

Sức sống của con người

Trong Nhật kí trong tù, rất nhiều lần Bác hướng cái nhìn vào ánh trăng sáng trong đêm lao ngục, trong hoàn cảnh sống gian nan. Đó không chỉ là vẻ đẹp của trăng mà còn là hướng tới cái đẹp của cuộc đời. Trong Giải đi sớm, Bác viết: Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn. Một đêm lạnh không ngủ được Người thấy: Khóm chuối trăng soi càng thấy lạnh (Đêm lạnh). Một lần khác, Bác bỗng thấy: Trên trời trăng lướt giữa làn mây (Đêm thu).

Trong Ngắm trăng, suốt bài thơ, không có một âm thanh, một tiếng động nào dù là nhỏ. Sự im lặng tuyệt đối ấy tôn lên cái sâu thẳm của hồn người, hồn tạo vật.Người ngắm trăng, trăng ngắm người trong lặng lẽ. Không nói mà nói rất nhiều. Giữa bao bài thơ trăng, bài “Ngắm trăng” của Hồ Chí Minh mang vẻ đẹp giản dị mà khác lạ. Trước trăng sáng Hồ Chí Minh cũng cảm nhận được tất cả vẻ đẹp, vẻ thanh cao của trăng song đồng thời còn thấy thêm vẻ đẹp, sức sống của con người dù đang phải sống giữa gông xiềng của cõi đời phi lý.

Mở đầu bài thơ là nhà tù với biết bao thiếu thốn. Giữa bài thơ là trăng sáng. Đến cuối bài là con người trong thân phận bị giam cầm đã trở thành nhà thơ. Hình ảnh, âm điệu, ngôn từ cứ sáng dần, đẹp lên, chan chứa một nềm vui, niềm lạc quan. Thơ Bác giống như thơ Đường ở dáng vẻ bên ngoài nhưng rất khác ở tâm hồn, cốt cách, ý chí bên trong. Đến đây, hẳn chúng ta không quên ở bài thơ Không đề, tác giả cũng đã nói đến sự tự do vô biên của tâm hồn:

Thân thể tại ngục trung

Tinh thần tại ngục ngoại

(Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao)

Đó phải chăng là một tinh thần khoáng đạt của thi nhân, cùng là một tinh thần sắt thép, vững chí bền gan của người chiến sĩ? Và cũng tự đó, thật nhẹ nhàng mà thấm thía, Hồ Chí Minh đã rút ra một bài học triết lí, một lời khuyên mình và khuyên người:

Dục thành đại sự nghiệp

Tinh thần cánh yếu đại

(“Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao”)

Bài thơ có tên là Vọng nguyệt – Ngắm trăng nhưng kết bài lại là Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ. Bác hầu như không bao giờ tự nhận mình là nhà thơ nhưng ở đây lại đi ngược quy luật đó. Có lẽ để đón trăng đẹp thì phải là nhà thơ, phải là người có tâm hồn giàu có, yêu trăng tha thiết mới xứng với vẻ đẹp của trăng. Ánh trăng sáng như hòa cùng ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn tạo thành một đêm trăng vằng vặc, cao khiết đến vô cùng.

Thơ Bác thường rất ngắn nhưng mở ra bao nhiêu điều mới lạ. Không chỉ toát lên tình cảm yêu thiên nhiên, niềm lạc quan, thi phẩm ấy còn thấm thía một niềm tin, một sức sống và một khát vọng tự do. Nói khác đi, đó chính là một khúc hát tự do của người tù mang phong cách chiến sĩ – người chiến sĩ có tâm hồn thi sĩ. Điều đó cũng là yếu tốquan trọng quyết định cho vẻ đẹp của bài thơ, thể hiện vẻ đẹp ngời sáng của tâm hồn người cộng sản – vẻ đẹp của mọi thời đại mà mỗi chúng ta luôn tin tưởng và noi theo.

Nhà văn Pháp Atona Phrăng xơ đã từng nói: “Đọc một câu thơ nghĩa là ta gặp gỡ một tâm hồn con người”. Câu nói ngắn gọn, hàm súc nhưng giúp chúng ta hiểu thêm đặc trưng cốt lõi của thi ca rằng đôi khi chỉ qua một câu thơ, một bài thơ, chúng ta không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ mà còn cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ gửi gắm trong đó. Quan niệm đó hoàn toàn có lí bởi thơ là tiếng nói của tâm hồn, tình cảm con người. Mỗi câu thơ ra đời là kết quả của những trăn trở, suy tư, nung nấu ở người nghệ sĩ, là những rung động, khát khao giao cảm tột bậc với cuộc đời; là khi họ sống thật sự sâu sắc với đời. Có như thế tiếng lòng mới có thể trở thành tiếng thơ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ