Mường Đun sẵn sàng cho năm học mới

GD&TĐ - Một mùa hè chỉ có vài ba ngày nắng, còn lại mưa ròng rã do biến đổi khí hậu. Thế nhưng công tác chuẩn bị năm học mới của thầy và trò trên đất Mường Đun, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên vẫn nhộn nhịp. Tất cả vì đàn em thân yêu. Tôi đã cảm nhận sâu sắc rằng, chính quyền và nhân dân xã đều đồng lòng, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Mường Đun sẵn sàng cho năm học mới

Giáo viên chủ nhiệm phải quản chặt sĩ số

Từ Tuần Giáo về trung tâm huyện Tủa Chùa độ dài đoạn đường khoảng 50km nhưng về đến trung tâm xã Mường Đun đi thêm 20km nữa. Với bà con dân tộc, đường đi không tính bằng độ dài mà phải tính bằng thời gian. Quả thật, có đến được xã, tôi mới cảm nhận được điều đó thực sự.

Con đường ngoằn ngoèo cheo leo bên vực thẳm, tổng số 70km nhưng tôi phải ngồi xe khách hơn 3 giờ đồng hồ. Đấy là thuận buồm xuôi gió, còn khi nước lũ tràn về, nghỉ qua đêm đợi lũ rút để có đường đi cũng là chuyện thường gặp của thầy cô giáo mỗi lần đi từ huyện về trường.

Theo Phó Bí thư thường trực xã Lò Văn Năm, Mường Đun có 9 thôn bản, đất đai bạc màu, có 5 dân tộc sinh sống. Người dân chỉ sống nhờ cây lúa, cây ngô. Những năm gần đây chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhưng ngược lại, sự nghiệp giáo dục luôn được các cấp các ngành quan tâm, đặc biệt là sự đồng thuận vào cuộc của từng hộ dân.

Toàn xã có 4 cụm trường gồm một trường mầm non với 6 điểm trường lẻ, 2 trường tiểu học và 1 trường PTDTBT THCS. Tổng số học sinh toàn xã là gần 1000 em. Công tác chuẩn bị cho năm học mới được các trường thực hiện chu đáo.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Đun Nguyễn Văn Tùy: Đầu năm nhà trường đã tiến hành giao số lượng học sinh đến các giáo viên chủ nhiệm và yêu cầu giáo viên phải nắm bắt được các thông tin về hoàn cảnh gia đình, điều kiện học tập... của từng học sinh. Trong quá trình học tập của các em nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên phải thường xuyên quan tâm gần gũi các em và thường xuyên theo dõi việc đi học chuyên cần của học sinh.

Để duy trì được sĩ số học sinh ngay từ ngày đầu năm học, giáo viên của xã có những bí quyết riêng. Cô Trần Thị Minh Đức, Hiệu phó Trường Mầm non chia sẻ: Giáo viên toàn xã được nghỉ hè từ 1/6 -30/7.

Chuẩn bị cho năm học mới, giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ về tận thôn bản, đến từng nhà của học sinh, giúp phụ huynh đăng ký, kê khai cho con hưởng chế độ chính sách dành cho học sinh vùng sâu vùng xa. Thông qua công việc này, giáo viên động viên phụ huynh cho con đi học đúng ngày, tránh hiện tượng bỏ học. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền được chính quyền xã thực hiện tốt đến từng trưởng bản, đến từng tổ chức chính trị.

Cô giáo Vũ Thu Hồng, chủ nhiệm học sinh lớp ba của Trường Tiểu học chia sẻ: Để ổn định sĩ số ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức học hè cho học sinh một tuần. Cô phụ trách học sinh của hai lớp 3 gộp lại thành một nên tổng sĩ số là gần 40 em. Thế nhưng, ngày đâu tiên có 15 học sinh đến trường, sang buổi thứ 3 được 30 em. Nguyên do trời mưa, học sinh ở Đề Tâu và Pá Ỏ, cách trường 6-7km, đường đi khó nên các em còn nhỏ, chưa thể tự đến trường học. Vì thế, buổi sáng lên lớp ôn lại kiến thức cũ cho học sinh, chiều cô Hồng lại đến bản vận động học sinh đi học.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp như vậy nên việc duy trì, huy động học sinh của Mường Đun ra lớp không khó. Con số này gần như 100%. Ngày đầu nhập học ở các lớp chỉ thiếu vắng một số rất ít học sinh. Các em do yếu tố sức khỏe hoặc gia đình có việc nên mới vắng mặt mà thôi.

Trường lớp khang trang đón năm học mới

Hệ thống trường lớp của Mường Đun cho năm học mới nhìn khang trang và sạch đẹp hơn sau những ngày nghỉ hè. Ngày 21/8 học sinh mới chính thức bước vào năm học mới nhưng trước đó một tuần, giáo viên và học sinh đã tham gia lao động dọn dẹp trường học. Đến bất kỳ điểm trường nào cũng thấy thầy cô giáo bắt tay dọn dẹp các phòng học, lau chùi bảng, kẻ lại các khẩu hiệu. Tất cả như khoác thêm một tấm áo mới, chỉnh tề cho ngày tựu trường của học sinh.

Năm học này, thầy trò Trường PTDTBT THCS Mường Đun còn vui hơn rất nhiều bởi đang phấn đấu tháng 10/2017 trường đạt chuẩn đầu tiên của xã. Gần 3 tỉ đồng được đầu tư tu bổ cho trường. Do đó, các phòng bộ môn như phòng Tin học, phòng Lap, các phòng thực hành Toán Lý, Hóa Sinh được trang bị, đầu tư thêm. Với cấp ủy chính quyền xã đã giúp nhà trường mở rộng diện tích đất làm sân chơi bãi tập, vận động cán bộ công chức xã ủng hộ nhà trường 01 ngày lương.

Đồng thời, vận động các thôn bản, mỗi hộ dân ủng hộ nhà trường số tiền từ 50,000 – 100,000 đ, giúp đỡ nhà trường về ngày công lao động để xây dựng trường chuẩn. Đối với nhà trường các thầy cô cũng tham gia lao động tu sửa cơ sở vật chất.

Cụ thể các thầy cô đã tự sửa chữa hệ thống điện, sơn sửa được 20 phòng trong đó có 5 phòng lớp học và các phòng chức năng; tự đổ bê tông nền nhà, một số chỗ xuống cấp rồi góp 01 ngày lương để mua sơn, cùng học sinh lao động san đất làm nền nhà ba cứng. Năm học này vui hơn khi thầy trò nhà trường có thêm sân thể thao từ nguồn xã hội hóa.

Với giáo dục mầm non, năm học mới này có thêm được 5 phòng học kiên cố, nâng tổng số phòng học kiên cố lên 7 phòng. Những lớp học ba cứng ở Bản Hột, Đề Tâu, Đun Nưa, Pá Ỏ đã được bàn giao là những phòng học kiên cố hóa. Điểm lớp ở Nà Sa có 25 học sinh, cách trường chính 2km vẫn còn là phòng học ba cứng bán kiên cố. Điểm Bản Túc học sinh vẫn học ở Nhà văn hóa. Đây là điểm trường vùng khó khăn nhất, cách trường trung tâm xã 7km nhưng rất khó đi, vì là đường cấp phối, chưa được trải nhựa, đi bộ mất mấy tiếng mới vào đến điểm trường. Điểm này chỉ có hơn 10 học sinh nhưng có cả ba độ tuổi, do một cô giáo duy nhất đảm trách.

Chuẩn bị cho năm học mới 2017 - 2018, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, số lượng phòng học, phòng làm việc cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong độ tuổi trên địa bàn Mường Đun.

Song, nói về giáo dục của xã nhà, Chủ tịch xã Mường Đun Cà Văn Phiến vẫn trăn trở cơ sở vật chất trường học còn nghèo nàn. Đường sá đến các thôn bản, điểm trường lẻ đi lại còn khó khăn, chưa được trải nhựa 100%. Đặc biệt, chưa có nhà công vụ cho thầy cô giáo. Ngoài ra mong muốn các trường học có sân chơi cho học sinh được khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Cơ sở vật chất cho học sinh bán trú được đầy dủ hơn.

Chia tay Mường Đun, tôi mong muốn sự nghiệp giáo dục trên mảnh đất nghèo này cần được quan tâm và đầu tư hơn nữa để đơm hoa kết trái. Sự đồng lòng thôi chưa đủ mà cần có cả sức người, sức của.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.