Người bà và Tiếng gà trưa thao thiết gọi

GD&TĐ - Có những nỗi nhớ không thể gọi thành tên mà nó trở thành niềm thổn thức, đồng vọng trong tâm khảm để chỉ cần bắt gặp một nguyên cớ thôi tất cả sẽ ùa về.

Ảnh: ITN.
Ảnh: ITN.

Tiếng gà trưa – âm thanh bình dị, mộc mạc cũng là nguyên cớ như vậy. Nó đủ để nữ sĩ tài danh Xuân Quỳnh gợi nỗi nhớ, gợi niềm yêu thương về người bà tảo tần, về quê hương trong lửa đạn, bão giông. 

Hình ảnh làng quê Việt Nam

Xuân Quỳnh – đóa hoa quỳnh mùa xuân - là một nữ sĩ xuất sắc trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Trong suốt quá trình cầm bút ta dường như luôn đọc được những nỗi niềm trăn trở về sống và viết của chị.

Khi bàn về thơ, chính nữ sĩ tài hoa ấy từng tâm sự: “Người ta làm thơ đầu tiên là để tự thể hiện, là một hành động khẳng định, rồi là một hành động khai sinh, đáp ứng yêu cầu sáng tạo, nhu cầu nối liền mình với đồng loại, với các sự vật vũ trụ, với thế giới”.

Tiếng gà trưa là một bài thơ như thế. Bài thơ ra đời vào năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt trên cả hai miền, khi cả nước “trùng trùng ra trận”, khi những chàng trai, cô gái, khi lớp lớp người Việt Nam hướng về miền Nam yêu thương.

Nằm trong suối nguồn tình yêu quê hương, đất nước nhưng lại được hòa điệu với những kỉ niệm rất riêng trong năm tháng tuổi thơ. Cái tôi riêng của người nghệ sĩ, cái ta chung của cả dân tộc tỏa ra những tình cảm vừa gần gũi, bình dị vừa cao cả thiêng liêng làm xúc động bao tâm hồn. Mở đầu bài thơ là hình ảnh rất quen thuộc của mỗi làng quê Việt Nam: 

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ:

“Cục… cục tác cục ta”.

Không gian mở ra là không gian của làng quê – một xóm nhỏ trên con đường hành quân của người chiến sĩ, một không gian quen thuộc với mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam. Thời gian lúc này là vào buổi trưa.

Chắc hẳn đó là lúc tất cả đang trong những giây phút bình yên hiếm hoi của cuộc chiến. Tiếng gà lanh lảnh bất chợt đến: “Cục… cục tác cục ta”. Đó không phải là tiếng gà gáy sáng thức gọi bình minh, tiếng gà dõng dạc, uy nghi giục cây cối, vạn vật thức dậy như trong thơ Trần Đăng Khoa:

Ò … ó... o

Tiếng gà

Giục quả na

Mở mắt

Tròn xoe

Giục hàng tre

Đâm măng

Nhọn hoắt…

(Ò … ó... o, Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, NXB Văn hóa dân tộc, 1999)

Cũng không phải là tiếng gà trưa nghe thật não lòng như trong thơ Lưu Trọng Lư:

Mỗi lần nắng mới hắt bên sông

Xao xác gà trưa gáy não nùng.

(Nắng mới – Lưu Trọng Lư)

Tiếng gà trong thơ Xuân Quỳnh là tiếng gà nhảy ổ - tiếng gà mang đến bao nhiêu niềm vui, niềm hạnh phúc bình dị. Tiếng gà ấy cũng làm bao nhiêu kỉ niệm ùa về trong tâm hồn người chiến sĩ: 

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ

Điệp ngữ nghe được sử dụng ở đầu mỗi dòng thơ kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã giúp người đọc hình dung được những xúc cảm chân thành của người lính trẻ khi nghe tiếng gà trưa.

Tiếng gà trưa là âm vang đồng vọng của làng quê được cất lên, phá vỡ sự yên lặng của không gian, làm cho ánh nắng bị xao động; làm dịu đi nhưng mệt mỏi trên đường hành quân xa, nâng bước quân hành trong cuộc chiến đầy khốc liệt.

Và điều kì diệu hơn, đến lần thứ ba xuất hiện, tiếng gà trưa như một phép màu đã khơi dậy những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ ùa về để kết nối quá khứ và hiện tại, giúp anh hồi tưởng mọi kỷ niệm của mình trong thời thơ ấu. 

Trải qua bao nhiêu năm xa cách, kí ức về đàn gà vẫn còn vẹn nguyên: Con gà mái mơ – khắp mình hoa đốm trắng, con gà mái vàng – lông óng như màu nắng. Những kí ức tuổi thơ đó thật đẹp đẽ và đáng trân trọng.

Trân trọng hơn nữa là đằng sau tiếng gà cục tác nhảy ổ thân thương là bóng hình của người bà thân yêu, mái nhà thân thuộc, là làng quê yêu dấu.

Tiếng gà ấy không chỉ được cảm nhận bằng thính giác, thị giác, xúc giác mà được cảm nhận bằng bao nhiêu cung bậc cảm xúc, bằng cả tâm hồn. Để từ đó tiếng gà gợi nhớ, gợi thương, gợi tình yêu quê hương, đất nước trong tâm hồn người lính trẻ.

Hình ảnh của người bà tảo tần

Người cháu năm xưa nay đã lớn, đã là người chiến sĩ dũng cảm trên chiến trường bom đạn. Trên chặng đường hành quân dài mệt mỏi, chỉ một tiếng gà vang vọng khiến trái tim ấm nồng nhớ về những kí ức tuổi thơ.

Dường như khi xa quê, nhà là nơi khiến con người ta thổn thức, mong ngóng trở về. Khi nghe tiếng gà cục tác, với cháu nó thật thiêng liêng và đáng trân trọng, bình dị mà quý giá vô bờ. Hình ảnh bà tần tảo hiện về trong cháu, đó là những kí ức đẹp đẽ nhất mà có lẽ luôn luôn được người chiến sĩ gìn giữ trong trái tim mình.

Những dòng thơ 5 chữ mộc mạc, bình dị, phù hợp với dòng hoài niệm. Nhà thơ đã đan cài yếu tố tự sự với miêu tả và biểu cảm để tái hiện một quá khứ xa xăm. Đó là cái thưở thơ bé vụng dại, tưởng chừng kí ức sẽ lúc nhớ, lúc quên. 

Ấy thế mà, có những hình ảnh gần như đã bị khảm vào tâm thức. Kỉ niệm ấy gắn với hình ảnh người bà. Tuổi thơ gian khổ nhưng tuổi thơ ấy đã kết dệt nên một mảnh gương thần xanh trong kí ức trong trẻo của cháu bởi cháu luôn có bà.

Bà thay cha thay mẹ bảo ban, dạy dỗ cháu, để cháu lớn khôn, sống có nghĩa, có tình. Nhân vật trữ tình của bài thơ là người chiến sĩ trên đường hành quân hay chính đóa quỳnh của làng văn chương Việt vẫn mãi giữ vẹn nguyên trong trái tim mình những kí ức ngày xưa. 

Từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, cuộc đời Xuân Quỳnh không hề bình yên, bằng phẳng mà trải qua rất nhiều sóng gió thăng trầm. Cuộc đời chị như câu chuyện cổ tích về cô Tấm, hay nàng Lọ Lem tội nghiệp.

Sớm đã phải gánh chịu những thiệt thòi, cô bé ấy lớn lên với một trái tim nhạy cảm và luôn khát khao yêu thương. Đã mất mẹ từ khi ẵm ngửa, cô bé Xuân Quỳnh nay lại phải xa cha, bên cạnh chỉ còn bà nội đã già và người chị gái. Và lớn thêm chút nữa ngôi nhà nhỏ ở làng La Khê còn mỗi Xuân Quỳnh và bà nội. Và cũng có thể vì thế, chỉ một tiếng gà thôi là cả dòng hồi tưởng khắc khoải trở về. 

Điều đó đã khiến cho tâm trạng người cháu mỗi lúc da diết hơn. Nó còn là nỗi nhớ mong, thương bà sâu sắc của đứa cháu nơi cách xa. Với bà, cháu là một đứa trẻ ngây thơ, bà luôn dành cho cháu sự ấm áp quá đỗi yêu thương, những lo lắng, những quan tâm nhỏ nhặt nhất. Trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn nhưng bà luôn cố gắng chắt chiu dành cho cháu những điều tốt đẹp nhất.

Những hình ảnh, chi tiết như: “Tay bà khum soi trứng/Dành từng quả chắt chiu” hay “Bà lo đàn gà toi/Mong trời đừng sương muối” đó là những hành động giản dị, mong ước thiết thực của bà để dành cho cháu những điều cháu muốn, đó là bộ quần áo mới mỗi độ tết đến xuân về. Bộ quần áo mới bình dị thôi, nhưng với cháu,một đứa trẻ thì nó thật đáng quý biết bao. Cháu vui, bà cũng vui. 

Niềm vui riêng hòa làm một, thành niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ thương yêu, trong nghèo khổ nhưng vẫn ánh lên những niềm vui bé nhỏ, ánh lên tình cảm gia đình thật đáng trân trọng. Cả đời bà tảo tần, vất vả chỉ luôn nghĩ và hi sinh vì con vì cháu, bà chưa một lần nghĩ cho mình, nghĩ vì mình.

Hình ảnh người bà trong bài thơ cũng là hình ảnh của biết bao người bà Việt Nam, luôn dành trọn tình yêu thương, chăm lo, chi chút cho cháu.

Có lẽ, bao cử chỉ yêu thương ấy của bà luôn khiến cháu thấy thật bình an, may mắn và ấm áp. Có bà che chở, bảo ban, cháu thêm vững bước trên hành trình trưởng thành của mình. Bà là niềm thương của cháu: 

Tiếng gà trưa

Mang bao nhiêu hạnh phúc

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng.

Tình yêu quê hương, đất nước

Tiếng gà trưa mang dáng dấp của bà, của tiếng nói thân thương, của bàn tay gầy guộc, của ánh mắt dịu dàng và ấm áp. Bởi vậy mà tiếng gà mang bao hạnh phúc, mang bao hy vọng, tiếng gà khiến lòng cháu thổn thức, thường trực cả trong những giấc mơ mỗi đêm về.

Càng yêu bà, càng kính trọng bà cháu lại càng thêm yêu quê hương, làng xóm, yêu Tổ quốc đất nước mình. Niềm yêu riêng hoà trong niềm yêu chung, ý thức riêng phát triển và lớn mạnh trong ý thức dân tộc:

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ.

Ở khổ thơ cuối, người chiến sĩ trẻ đã gửi gắm lời tâm sự chân thành nhất tới hậu phương. Thật tài tình khi tác giả sử dụng điệp từ vì. Vì Tổ quốc, vì xóm làng, vì bà và cả vì tiếng gà cục tác.

Những mục đích ấy thật cao cả, lớn lao, vinh quang nhưng cũng thật giản dị, tự nhiên với những tình cảm bền vững của con người. Những tình yêu thương cao đẹp ấy được thể hiện bằng ngôn từ mộc mạc, giản dị như lời ăn, tiếng nói hàng ngày.

Nhưng cũng chính những tình cảm ấy là động lực để cháu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thử thách để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Tiếng gọi Bà ơi vang lên như tiếng nắc nghẹn ngào của đứa cháu nhỏ năm nào, tiếng ngân dài trong nỗi nhớ và niềm yêu thương đau đáu. 

Vì bà cháu không ngại hy sinh gian khó, cháu thương bà như thương đất nước, mong muốn giữ hoà bình của non sông, để hạnh phúc tương lai, để tiếng gà mãi vang vọng trong bầu trời của tự do, hòa bình, để rồi ngày mai, bà cháu mình lại đoàn tụ, cùng nhau xây đắp cuộc đời mới thắm tươi.

Chỉ trong bốn khổ thơ nhưng nhà thơ đã gói gém đủ đầy nỗi nhớ về những năm tháng được sống cùng bà dưới mái nhà yên ấm.

Sự hóa thân thật trọn vẹn giữa chủ thể trữ tình – tác giả và nhân vật trữ tình – người lính trẻ đã nâng lên sức nặng cho thi phẩm, để mỗi chúng ta thêm trân quý hạnh phúc gia đình, thôi thúc mỗi người sống và biết ơn tình cảm những người bà, những người phụ nữ tuyệt vời, giàu đức hy sinh. 

Như vậy, có thể khẳng định rằng hiện thực xã hội, sự kiện đời sống trong những năm tháng đất nước còn chia cắt, còn gian khổ, đói nghèo, những lo toan của một người phụ nữ, một phụ nữ làm thơ ngược xuôi trên mọi ngả đường bom đạn hiện diện như một bối cảnh cho tâm trạng.

Để rồi từ đó, những vần thơ từ cuộc đời, từ tâm hồn rất riêng của Xuân Quỳnh đến với bạn đọc, trở thành tiếng nói của những tâm hồn đồng điệu. 

Tình cảm ấy trong thơ ca đáng trân quý biết bao!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ