Truyện ngắn: Bốn con bướm nhỏ

GD&TĐ - Thấy ông Trực khật khưỡng xiêu vẹo ngoài hàng chè tàu là bà Dịu giục mấy đứa con gái: 'Ba tụi bây về rồi, trốn đi'.

Truyện ngắn: Bốn con bướm nhỏ

Ngay tức thì bốn đứa con gái, và cả bà tìm chỗ ẩn nấp. Sau vách nhà, leo lên cành cây ổi, dưới gậm giường..., những chỗ vừa kín đáo vừa sơ hở đều có thể là chỗ núp cho mấy mẹ con.

Ông Trực đi vào, húng hắng giọng say xỉn, kêu tên từng đứa: “Con Búp, con Nụ, con Xòe, con Nở đâu hết rồi”. Chẳng thấy tiếng đáp lại, ông ợ một tiếng lại kêu: “Mẹ nó nữa, đi đâu hết, hay chết tiệt đâu cả rồi”.

Như một phản xạ thói quen, mấy mẹ con đã dặn nhau im lặng để ông Trực muốn làm gì thì làm. Đấy là những lúc ông vừa từ cuộc nhậu trở về. Cuộc nhậu mà lần nào ông cũng bị chọc quê rằng mãi không có được thằng con trai nối dõi, sau này chết chẳng có ai thờ tự. Khi ấy, ông sẽ dằn chén rượu xuống và bực bội đi về.

Ấm tích pha chè, cốc sứ bay vèo ra sân vỡ thành những mảnh tứ tung. Chén dĩa bát nồi bay tứ tán. Sau mỗi trận say, ông Trực lại làm căn nhà vốn tuềnh toàng càng thêm bừa bãi ngổn ngang sứt mẻ.

Khi ông Trực đã nằm ngáy khò khè, bà Dịu và bốn đứa con gái mới từ chỗ ẩn nấp chui ra. Đứa lớn thu dọn mẻ sành, đứa nhỏ cầm chổi gom quét. Đứa nhỏ nhất thì lấy khăn lau bàn. Bà Dịu chép miệng: “May vẫn còn một cái cốc bị sém miệng chứ chưa vỡ”. Chạn chén bát cũng còn đủ năm cái chén cũ để mà ăn.

Ngôi nhà vốn đã sơ sài càng thêm cảnh thảm thương vì chẳng thứ gì ra thứ gì. Hồi mới lấy nhau, ông chồng siêng năng, đúng thật chỉ biết làm việc chẳng màng chơi bời chè chén.

Đôi vợ chồng nông dân nhưng được cái tay chân không nghỉ nên cũng dựng được cái nhà cấp bốn vôi vữa. Đến mấy trăm tấm ngói lợp cũng chính tự tay ông chồng làm ra. Khi ấy, ông xin vào làm cho lò gạch hợp tác xã và không lấy công, chỉ lấy ngói về lợp nhà. Cả làng cả xóm ai cũng khen vợ chồng trẻ ấy siêng năng và biết tính toán.

Thế mà vợ chỉ mới sinh hai đứa con gái đã thấy ông chồng bắt đầu uể oải. Đi làm ruộng được nửa buổi, ông Trực đã bỏ về, để phần việc lại cho vợ. Vợ sinh tiếp thêm hai đứa con gái nữa thì ông Trực hầu như bỏ bê hẳn việc nhà.

Bà Dịu là đàn bà quê, an phận thủ thường và cam chịu. Người ta nói ra nói vào, lại trách bà không biết khuyên can chồng, để chồng hư là lỗi tại vợ. Bà Dịu chép miệng, thôi thì phận mình sinh con một bề, biết làm sao.

Tên bốn đứa con gái đều do ông Trực đặt cả. Sinh đứa đầu lòng đặt Búp, nghe cũng dễ thương, đứa thứ hai đặt tên Nụ cũng gần gũi. Tới đứa thứ ba thấy con gái, ông đặt đại là Xòe thấy đã hơi kỳ kỳ.

Tới đứa út thì ông buông xuôi, đặt đại là Nở. Búp - Nụ - Xòe - Nở, bốn cái tên cũng tạo thành một dãy liên hoàn chu kỳ ra hoa. Thế nhưng, tách riêng ra thì mỗi đứa đều có chút thiếu tự tin, vì đấy là tên ghi trong khai sinh đàng hoàng chứ không chỉ là tên cúng cơm.

Được cái, dù cha đặt tên con không được văn hoa cho lắm, nhưng cả bốn đứa đều chăm ngoan. Sách chị học xong để lại cho em, bốn chị em chỉ cách nhau một hai lớp, cứ thế mà cũng tiết kiệm được khối tiền.

Đứa lớn dạy cho đứa nhỏ, đứa nhỏ bày cho đứa kế, đứa kế chỉ cho đứa út. Trong túp nhà đơn sơ, bốn cô con gái cứ như một lớp học gia đình, tiếng ê a đọc bài, giọng véo von tập hát. Trò chơi lớp học có khi diễn ra ở khu vườn.

Lá chuối thay cho trang vở, con chị lấy một que tre làm bút viết lên mặt dưới tấm lá để dạy đứa em. Rồi cả nền đất cũng có thể viết nguệch ngoạc lên những con số để làm toán. Thật hay, cả mấy chị em đều biết đọc sớm và làm phép tính nhanh.

Buổi sáng đến trường, buổi chiều cả bốn đứa làm việc phụ mẹ. Bà mẹ dẫn cả mấy đứa con ra đồng, cuốc đám đất khô trỉa bắp, trồng rau, trồng đậu, trồng sắn.

Mùa nào thức nấy, quyết không để đất bỏ hoang, quyết không thể vì nhà ít ỏi đàn ông mà không canh tác được. Người ta cảm thương, và cười cợt, rằng có chồng có cha như thế cũng bằng không. Bà mặc, việc ai nấy làm.

Ban ngày ngoài đồng, buổi tối mấy mẹ con lại chúm vào làm kem và nước đá. Cái máy sản xuất nước đá cũng là đồ cũ người ta bán rẻ, bà mua về, tự học cách vận hành hoạt động. Con Búp múc nước từ giếng lên rót vào những cái thùng khuôn.

Con Nụ quấy nước bột với đường. Con Xòe rót từng cốc nước kem vào bao bóng nhỏ xíu. Con Nở buộc dây chun. Bà Dịu sắp đặt tất cả mọi thứ vào máy, kiểm tra và bật điện cho máy hoạt động. Năm mẹ con làm thành một dây chuyền sản xuất nước đá và kem đông lạnh.

Máy đông lạnh nhà bà Dịu tuy đơn giản nhưng làm đá làm kem bán rất được. Ông Trực thì vẫn sáng xỉn chiều say, trở về nhà lúc nào cũng ỏm tỏi quát tháo, được cái ông chỉ phá chứ không đánh đập vợ con. Nhưng như thế cũng đủ nhọc lắm rồi. Mà cái chuyện phá của ông thì cũng tày trời.

Có lần say về không thấy ấm chén đâu, trước đó mấy mẹ con bà Dịu đã đem giấu hết, ông Trực loay hoay tìm thứ để phá. Cuối cùng ông trèo lên máy nước đá. Bật nắp, lật mớ vải bố phủ trên máy, ông phanh quần ra đái ro ro vào mẻ nước đá. Mất công bà Dịu phải cắt điện, chờ kem và đá rã đông đem đổ đi, lại súc rửa mấy cái khuôn cho sạch, mới cho máy hoạt động trở lại.

“Mẹ hiền quá, cứ để ba phá nhà cửa hoài - Một hôm con Búp lớn phổng, đã vào cấp ba, bắt đầu hiểu chuyện đời và trách khéo mẹ - Chúng ta phải có cách gì ngăn ba, chứ thế này làm bao nhiêu cũng hỏng hết…”

Con Búp đi chợ, mua một đĩa lòng lợn về bày ra chiếc chiếu thềm hiên. Bên cạnh đặt một chai rượu trắng. Giọng chị cả, nó gọi ba đứa em cùng ngồi vào chiếu. Bốn đứa con gái ngồi bốn góc, thêm bà Dịu ngồi như đang chủ trì cuộc nhậu.

Ông Trực lại say thất thểu đi về, vào đến sân thấy cảnh vợ con ngồi soạn nhậu. Bà Dịu mở lời:

- Có lòng lợn nóng hổi, ông vào đây nhậu với mẹ con luôn. Trưa nay khỏi nấu cơm.

- Khùng à! - Ông Trực buột miệng rồi đi vào nằm.

Hôm đó ông không quơ chén đá bát, không đái tè lên máy nước đá. Ngoài hiên, mấy mẹ con vẫn nâng ly chạm leng keng, đưa rượu lên miệng giả vờ uống. Con út Nở không biết, nhấp rượu thật, kêu ái chà cay quá. Mấy mẹ con buồn cười nhưng phải bấm nhau che miệng, đừng để ông Trực biết chuyện giả vờ.

Lát sau đã thấy ông Trực ngáy khò. Bốn đứa con gái lấy dầu gió xức cho ông Trực. Đứa xoa chân, đứa bóp tay, đứa mát xa đầu cho ba. Ông Trực ngủ ngon một buổi chiều. Sau hôm đó tự nhiên không còn rượu chè.

*

Đấy là chuyện mười lăm năm trước. Bây giờ bốn con bướm nhỏ đã thành bướm lớn, ba đứa lấy chồng, con út mới ra trường đi làm. Đứa nào cũng ăn học nên người việc làm ổn định, thay nhau gửi tiền về cho ba mẹ.

Tiền các con gom góp nhau gửi về xây được một căn nhà kiên cố khang trang, có đổ trần bê tông chống bão và xây thêm một phòng lầu để tránh lũ. Vùng này bão lũ năm nào cũng liên miên, có được cái nhà như thế là coi như yên tâm sống chung với thiên tai.

Lần lượt từng tháng mấy đứa con lại luân phiên gửi tiền về cho bố mẹ bồi dưỡng. Ông bà đều đã sáu mươi nhưng vẫn còn sức lực, cũng làm được ruộng vườn, nuôi con lợn con gà, cũng có đồng ra đồng vào đủ ăn.

Hết nhậu nhẹt, ông Trực trông hiền khô, lại... biết nghe lời vợ nữa chứ. Ra đồng trồng ớt, vào chuồng tắm lợn... ông đều làm cùng bà. Có khi trời chưa sáng ông đã dậy trước, thái vằm xong một cây chuối để bà dậy nấu cám lợn.

Bà Dịu như trẻ hẳn ra. Năm xưa trời có cho bà chút nhan sắc, nhưng sinh nở bốn đứa con, rồi mấy chục năm vất vả làm lụng nuôi con khiến nét xuân lẩn đi đâu mất. Giờ cái vẻ đẹp ấy như tái sinh, ngời ra mặn mà.

Ông Trực sau đợt bỏ hẳn rượu cũng có xương có thịt hơn, vâm váp chắc chắn. Người thì lúc nào cũng từ tốn đĩnh đạc, còn được tín nhiệm cử vào ban hương sự của làng. Ông đi chơi quanh, ai cũng khen đẻ con gái sướng thiệt, sướng ngay bây giờ, chứ đẻ con trai là chết mới sướng (ý là chết thì nó thờ tự cho). Ông chỉ mỉm cười vui vui.

Nghỉ lễ liên tục được dài ngày, bốn đứa con gái lại về nhà. Bữa cơm đông đủ vui vẻ. Chén bát tinh tươm cốc ly sáng bóng. Rót mỗi người một ly rượu mừng đoàn viên, ông Trực ngại ngần gãi gãi đầu nói:

- Ba bỏ rượu lâu lắm rồi. Có uống đâu.

Con Búp nằn nì:

- Thôi phá lệ, hôm nay ba uống một ly cho vui. Lâu lắm rồi nhà mình mới ăn cùng một bữa ngon như thế này.

Con Nở thêm vào:

- Từ nay con cũng đã đi làm. Thế là nhà ta ai cũng đã kiếm được tiền. Mình uống một ly mừng vụ này, đi ba.

Ông Trực cười ngượng ngùng:

- Ờ, vui thế này ba cũng uống chút.

Rượu vang nhẹ, bà Dịu và bốn cô con gái nuốt cạn ly. Riêng ông Trực ngần ngừ. Ông nhấp một chút rượu, cười khà khà, rồi mắt tự rưng rơm rớm nước. Hình như ông định nói một lời gì đó với các con, mà không thốt lên được. Trời thì đang Xuân, đâu ai nhắc lại chuyện buồn năm cũ làm gì.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ