Vị ngọt của một chuyện đùa

GD&TĐ - Đôi khi hồi ức về một kỉ niệm nhỏ bé trong quá khứ lại khiến ta phải suy ngẫm về cuộc sống của mình trong hiện tại và tương lai.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Dõi theo diễn biến truyện ngắn “Một chuyện đùa nho nhỏ” (An-tôn Sê-khốp), người ta cảm nhận được vị ngọt của một chuyện đùa, ẩn sau đó là cả những ngẫm suy trăn trở về cuộc sống.

Thiên tài truyện ngắn

An-tôn Sê-khốp (1860-1904), nhà văn Nga kiệt xuất, sinh ra và lớn lên trong một gia đình buôn bán nhỏ ở thị trấn Ta-gan-rốc, bên bờ biển A-dốp, niềm Nam nước Nga. Năm 1884, tốt nghiệp Y khoa, Trường Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va, Sê-khốp vừa làm bác sĩ, vừa viết báo, viết văn, đồng thời tham gia nhiều công việc xã hội, giáo dục, văn hóa. Năm 1887, ông được nhận giải thưởng Pu-skin của Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Trên văn đàn nước Nga thế kỉ XIX, Sê-khốp giữ vị trí riêng, một trong những đại biểu lớn cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực Nga, nhà cách tân thiên tài trong lĩnh vực truyện ngắn và kịch nói. Trăm năm đi qua, người đọc vẫn thích thú với nhiều truyện ngắn đặc sắc của Sê-khốp: “Anh béo và anh gầy”, “Con kì nhông”, “Phòng số 6”, “Người trong bao”, “Chuyện đời vặt vãnh”...

Kì tài của người viết là với những cốt truyện rất giản dị, truyện ngắn Sê-khốp đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn, ý nghĩa nhân bản sâu xa. Với tài năng sáng tạo, “Sê-khốp đã đưa truyện ngắn lên vị trí xứng đáng, tạo điều kiện cho thể loại này phát triển”. Bởi thế, không quá khi khẳng định: “Trước Sê-khốp, chưa hề có Sê-khốp; sau Sê-khốp, có vô vàn Sê-khốp” (Diễn đạt của Quách Mạt Nhược khi nói về Lỗ Tấn).

Sức mạnh của lời yêu

Truyện ngắn “Một chuyện đùa nho nhỏ” của Sê-khốp in lần đầu tiên trên tạp chí Dế mèn của Nga, số 10, ngày 12/3/1886. Năm 1889, Sê-khốp chỉnh lí, bổ sung một số câu chữ, thay đổi phần kết truyện để đưa vào tuyển tập Truyện ngắn Sê-khốp. Sức hấp dẫn của truyện, có lẽ từ hồi ức về một chuyện rất đời thường, cơ hội lẽ ra thành một bước ngoặt hệ trọng của cuộc đời, thế nhưng dưới áp lực tâm lí lại biến thành một chuyện đùa, đọng lại những niềm trăn trở, nuối tiếc. Câu chuyện về kỉ niệm riêng của người viết lại có sự đồng cảm với không ít người trong cõi nhân sinh, cuộc đời nếu có thể giá như thì đã khác, chẳng bao giờ phải nuối tiếc, ngậm ngùi về những chuyện đã qua.

Truyện mở đầu với không gian, thời gian tình yêu: Ngọn đồi cao tuyết trắng, buổi trưa mùa Đông trong sáng, trời giá lạnh, rét cóng. Ta với ta giữa mênh mông trời đất, cái lạnh của ngoại cảnh dễ làm người với người xích lại gần nhau. Bấy giờ, chàng trai, nhân vật tôi rủ Na-đi-a, cô bạn gái cùng trượt tuyết xuống dưới chân đồi.

Lúc đầu, Na-đi-a sợ hết hồn, với nàng “liều mạng lao xuống cái vực sâu” là một thử thách cực đại, “nàng sẽ chết mất, sẽ phát điên mất”. Kể cả, sau khi ưng thuận ngồi vào xe trượt, Na-đi-a vẫn run rẩy, gương mặt tái nhợt. Và rồi, kết thúc trò chơi mạo hiểm lần thứ nhất, cô gái kiên quyết “các vàng cũng không trượt lần nữa, thiếu chút nữa là chết mất”.

Thiên tài truyện ngắn An-tôn Sê-khốp.

Thiên tài truyện ngắn An-tôn Sê-khốp.

Cái tài của người kể chuyện là đặt nhân vật vào hai ngưỡng đối lập: Cự tuyệt và đam mê. Người đọc cứ ngỡ, với Na-đi-a lần đầu trượt tuyết, cũng sẽ là lần cuối. Thế nhưng, lời yêu thương chân thành bộc phát của nhân vật tôi đã làm đổi thay tất cả. Lời yêu đó nhen lên trong lòng Na-đi-a khát vọng hạnh phúc. Cô nàng ngồi lên xe trượt gương mặt tái nhợt, hơi thở ngắt quãng vì sợ hãi “thích”, không phải để thử cảm giác “chiếc xe lao vun vút như một viên đạn”, mà để được lắng nghe giai điệu yêu thương: “Na-đi-a, anh yêu em!”.

Vậy đấy, lời yêu quả thật kì diệu, có khả năng xoay chuyển, biến không thành có, giúp người ta vượt qua sợ hãi, nhen lửa khát khao. Đó là khát vọng tình yêu ấp ủ, bồi hồi và nếu có thể sẽ bùng lên rực cháy trong ước ao hạnh phúc. Nhưng, với Na-đi-a, dẫu khao khát vẫn là sự đợi chờ, có thương cũng chẳng thể nói ra, đó là tế nhị của phái nữ. Đọc truyện, có lẽ người ta sẽ nghĩ mãi đến ánh nhìn “với vẻ dò xét” của Na-đi-a vào mắt nhân vật tôi sau lần đầu nghe lời dịu ngọt. Giá như, trong khoảnh khắc “nàng khoác tay tôi và chúng tôi cùng nhau dạo chơi hồi lâu bên đồi tuyết”, chàng trai xác nhận lời yêu thì mọi sự sẽ khác.

Chỉ tiếc, anh chàng không đủ dũng khí thú nhận tình yêu đích thực với lòng mình, biến nó thành một chuyện đùa, để hạnh phúc vốn rất gần vuột ra ngoài tầm tay với. Hệ quả, Na-đi-a say sưa với khát vọng yêu thương, quyết tâm vượt qua nỗi sợ, truy tìm sự thật. Song, bí ẩn vẫn là điều bí ẩn. Gió không thể nói những lời ấy, lời yêu thương của nhân vật “tôi” thật sau thành đùa. Tâm hồn Na-đi-a đau khổ, dằn lòng, khát vọng chưa kịp bừng lên đã vụt tắt, lời yêu bay theo làn gió xa xôi. Dõi theo những lần trượt tuyết, người đọc mến yêu Na-đi-a, người con gái dũng cảm, chân thành; vượt qua nỗi sợ để kiếm tìm hạnh phúc.

Phần kết truyện, lời kể của nhân vật tôi về cuộc sống hiện tại của Na-đi-a vẫn khiến người đọc có chút hoài nghi. “Bây giờ Na-đi-a đã có chồng, gia đình gả nàng cho một viên thư kí hội đồng giám hộ quý tộc hay nàng tự nguyện lấy - cũng thế cả thôi”. Hạnh phúc với Na-đi-a có khi nào trọn vẹn?

Đọc “Một chuyện đùa nho nhỏ”, tôi nghĩ đến sức mạnh của lời yêu. Sẽ là tuyệt, nếu sức mạnh đó đi cùng trách nhiệm. Trách nhiệm với lời nói, không gì hơn bằng hành động. Chỉ tiếc trong truyện, tình cảm của nhân vật tôi tuy thật nhưng chưa đủ lớn, hòa vào đám đông xa lạ, chàng trai không dám thú nhận tình cảm thật của mình vậy nên lời yêu thành một trò đùa nho nhỏ. Tất nhiên, kết cục không đến mức tổn thương ghê gớm, chuyện qua lâu rồi, Na-đi-a giờ đã có chồng con, cuộc sống riêng.

Chuyện đùa nho nhỏ ngày xưa trở thành kỉ niệm đẹp, chút kỉ niệm trượt tuyết với vị ngọt lời yêu trở thành kỉ niệm đẹp đẽ nhất trong đời của Na-đi-a. Suy cho cùng, trong cuộc đời có chuyện đùa, không sao; nhiều chuyện đùa, đọng lại một sự băn khoăn, day dứt thậm chí mang đến sự tổn thương cho người khác. Bởi thế, giữa muôn kiếp nhân sinh, người ta bớt đùa, nên thật. Lời nói gió bay, song bia miệng vẫn còn. Lời yêu chân thành sẽ là chìa khóa để hạnh phúc sinh sôi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghệ thuật truyện ngắn

Sức hấp dẫn của truyện kể được tạo nên bởi nhiều yếu tố: Nhân vật, sự kiện, tình huống, chiều sâu ý nghĩa... Có điều, tất cả sẽ hiển hiện từ điểm nhìn và lời người kể chuyện. Đọc “Một chuyện đùa nho nhỏ”, người ta dễ dàng nhận thấy, câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất. Người kể chuyện đồng thời là nhân vật “tôi”, một trong hai nhân vật chính của câu chuyện. Ở đây, nhân vật “tôi” kể lại kỉ niệm riêng tư thời trẻ của mình.

Bởi thế, câu chuyện được kể mang tính chân thực, khách quan, thế giới tâm hồn của nhân vật cũng được bộc lộ rõ nét. Nhân vật “tôi” cảm mến Na-đi-a, cảm xúc này thúc đẩy lời tỏ tình xuất hiện, thế nhưng phần e dè, phần vì tình cảm chưa đủ lớn, phần chưa ý thức được hết sự hệ trọng của lời yêu thương, chàng trai trẻ biến tình yêu của Na-đi-a và của bản thân thành “một chuyện đùa” và rồi bỏ lỡ cơ hội đón nhận hạnh phúc. Sự chuyển đổi điểm nhìn “lúc đó, bây giờ” của người kể kéo câu chuyện từ quá khứ về hiện tại. Chuyện xưa đã qua, nay còn đọng lại những tiếc nuối, băn khoăn, thật hóa đùa, kết lại nhân vật “tôi” vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của “một chuyện đùa nho nhỏ” do mình sắp đặt.

Truyện ngắn “Một chuyện đùa nho nhỏ” mang vẻ đẹp riêng của văn phong Sê-khốp “hàm súc, cô đọng”, với bốn trang sách, 2.034 chữ, người kể chuyện dẫn người đọc khám phá vẻ đẹp trưa mùa Đông nước Nga với đồi tuyết trắng, đặc biệt là kỉ niệm tình yêu của một chàng trai và cô gái. Ở đó, trái tim yêu cảm mến nhau, nhưng rồi sự ngăn cách của “hàng rào cao có đinh nhọn”, và cả muôn vàn lí do dẫn đến tất cả dừng lại “một chuyện đùa nho nhỏ” trong kỉ niệm một thời.

Đây là kiểu “truyện không có chuyện”, rất phổ biến trong nhiều truyện ngắn của Sê-khốp. Cốt truyện đơn giản, có thể tóm lược bằng vài ba sự kiện: Mấy lần trượt tuyết của nhân vật “tôi” và Na-đi-a trong quá khứ, khoảnh khắc chia tay bên hàng rào và những suy tư trăn trở nhiều năm sau của người kể chuyện khi tất cả chỉ còn là kỉ niệm. Song, cái hay của tác phẩm cũng chính ở sự đơn giản đó của cốt truyện.

Men theo hồi ức của người kể, thế giới nội tâm nhân vật hiện lên sống động. Na-đi-a trong sáng, say đắm lời yêu, đau khổ, dằn lòng, hi vọng rồi thất vọng. Nhân vật “tôi” cảm mến, xúc động nói lời yêu, sau “lãnh đạm” biến tất cả thành “chuyện đùa nho nhỏ”... Câu chuyện hồi ức, mang màu sắc cá nhân lại có sự đồng điệu với không ít bạn đọc, ai đó cứ ngỡ, chuyện Sê-khốp cứ như chuyện của mình. Thú vị biết bao!

“Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người.” (Geogre Sand). Có điều, với mỗi người nghệ sĩ, thứ ánh sáng đó sẽ ở những mức độ khác nhau. Thích thú với câu chuyện về Na-đi-a, người đọc nhận thấy đó là ánh sáng của yêu thương đằm thắm. Giá trị của yêu thương sẽ nâng đỡ con người, vượt qua sợ hãi để được đắm say, khát khao, hi vọng. Song, yêu thương cũng dễ tổn thương, nếu đó là bông đùa và dối trá. Hơn tất cả, sự chân thành sẽ mang đến hạnh phúc vững bền. Vậy nên, hãy chỉ nên là “Một chuyện đùa nho nhỏ” để cuộc sống thêm vị ngọt ngào, chuyện đùa mà to to nhiều khi khốn khổ, đừng nên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ