Truyền lửa đam mê để cồng chiêng vang vọng

GD&TĐ - Mong muốn lưu giữ và phát triển văn hoá cồng chiêng, múa xoang… nghệ nhân tại Gia Lai và Kon Tum nỗ lực truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Anh Đinh A Lênh (bên trái) hướng dẫn các em nhỏ đánh chiêng.
Anh Đinh A Lênh (bên trái) hướng dẫn các em nhỏ đánh chiêng.

Truyền dạy cho thế hệ trẻ

Với niềm đam mê, yêu thích văn hoá truyền thống và mong muốn lưu giữ tiếng cồng, điệu chiêng năm 2018, một số người tâm huyết với nhạc cụ truyền thống của làng làng Kte-Kchăng (xã Đak Song, huyện Kông Chro, Gia Lai) đã thành lập đội chiêng thanh-thiếu niên.

Ban đầu, khi mới thành lập, đội chiêng nhí chỉ có vỏn vẹn 4 học sinh tham dự. Dù ít nhưng những thành viên trong đội vẫn nhiệt tình chỉnh rồi dạy lũ trẻ cách đếm nhịp, thẩm âm, đánh nhạc… Dần dần, người dân trong làng tìm đến xem rồi khuyến khích con em mình đến học. Những ngày sau đó, đàn ông trong làng dạy nam sinh đánh chiêng, còn phụ nữ thì dạy cho học sinh nữ múa xoang.

Anh Đinh A Lênh, đội trưởng đội cồng chiêng của làng Kte-Kchăng tâm sự, cồng chiêng là một nét đẹp văn hóa từ ngàn đời nay. Thanh âm cồng chiêng gắn liền với cuộc đời mỗi con người từ khi sinh ra cho đến lúc về thế giới bên kia. Cồng chiêng không chỉ mang giá trị cao về tinh thần, còn có vai trò quan trọng trong những ngày lễ lớn của làng, như: lễ cũng mừng lúa mới, cúng xin sức khỏe, lễ bỏ mã, lễ đâm trâu,…

Còn già Đinh Blin - một trong những “bậc thầy” đánh chiêng có tiếng của làng Kte-Kchăng chia sẻ, hiểu được những giá trị cốt lõi của cồng chiêng trong đời sống, nhiều người làng Kte-Kchăng rất yêu văn hóa dân tộc và cùng nhau giữ gìn cồng chiêng. Mỗi dịp tổ chức ngày hội văn hóa, các thành viên rất nỗ lực tập luyện với mong muốn đưa bản sắc văn hóa dân tộc đến gần hơn với mọi miền đất nước.

“Việc thành lập đội chiêng là để khơi dậy tình yêu âm nhạc dân tộc trong lòng thế hệ trẻ. Đồng thời chúng tôi cũng mong các thành viên của đội chiêng nhí sẽ đứng lên thay thế những nghệ nhân lớn tuổi để truyền dạy lại cho các thế hệ sau này”, già Đinh Blin nói.

Từ khi Đinh Hoàng còn nhỏ đã được xem những nghệ nhân lớn tuổi trong làng đánh cồng chiêng, múa xoang. Đến năm 2018 khi hay tin mở lớp dạy đánh cồng chiêng Hoàng liền xung phong tham gia.

“Những ngày đầu mới học em thấy rất khó, điệu chiêng, tiếng cồng của em chẳng đúng nhịp. Thế nhưng, em được già làng, cô chú chỉ bảo tận tình nên quen dần. Giờ đây em đã thuộc và có thể đánh được một số bài chiêng để tham gia biểu diễn. Em sẽ cố gắng học tập để gìn giữ và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc”, em Đinh Hoàng bộc bạch.

Nhiều học sinh đam mê văn hoá dân tộc

Nghệ nhân A Thui truyền dạy lại cồng chiêng cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân A Thui truyền dạy lại cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

Trong căn nhà sàn nhỏ của vợ chồng ông A Thui (SN 1958) bà Y Nhuih (SN 1968, thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, Kon Tum) có đủ các loại nhạc cụ dân tộc, như: đàn T’Rưng, cồng chiêng… Mấy ngày cuối tuần, hàng chục học sinh tập trung tại nhà vợ chồng nghệ nhân để học đánh cồng chiêng.

Ông A Thui chia sẻ, những ngày còn nhỏ ông thường theo cha tham gia vào các lễ hội truyền thống ở làng. Tại đây, ông được nhìn – nghe nghệ nhân biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc và bà con rạng ngời múa xoang theo điệu chiêng. Những ngày sau đó, kết thúc giờ học trên trường ông rủ chúng bạn vào rừng dùng đầu đạn đã nổ tập đánh theo nhịp chiêng, rồi tự chế đàn T’rưng. Ban đầu, tiếng chiêng của ông bị sai nhịp, lạc phách… dần dần nhờ sự hỗ trợ của những người già trong làng giai điệu đúng và trong trẻo, thanh thoát hơn. Càng lớn, ông A Thui lại tìm tòi, học hỏi nhiều loại nhạc cụ hơn, như: T’rưng, trống, Ting ning, Đinh Bút…

Năm 2000 khi thấy văn hoá dân tộc dần bị mai một, ông quyết tâm học, ghi chép lại các bài chiêng, t’rưng… để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Đến nay ông thuộc được hơn 10 bài chiêng truyền thống như: cúng lúa mới, cúng nước giọt… Bên cạnh đó, mỗi khi chiêng bị lạc nhịp, ông A Thui có thể tự chỉnh, lấy lại nhịp điệu cho cồng chiêng. Năm 2017 ông và một số nghệ nhân trong làng, phối hợp cùng chính quyền các cấp thành lập CLB dân gian với 42 thành viên, từ độ tuổi học sinh đến trung niên.

Chồng truyền dạy cồng chiêng, còn bà Y Nhuih hướng dẫn lũ trẻ hát và múa xoang… Cứ thế, lời hát cùng tiếng chiêng, tiếng đàn hoà vào nhau tạo nên những giai điệu lúc trầm, khi bổng.

Đội cồng chiêng học sinh ở Kon Trang Long Loi.
Đội cồng chiêng học sinh ở Kon Trang Long Loi.

“Tôi rất vui và hạnh phúc khi có nhiều học sinh vẫn yêu thích và đam mê văn hoá dân tộc. Những ngày các cháu không đến trường đều tập trung ở nhà tôi để học nhạc cụ dân tộc và múa xoang.

Có những cháu say mê và cảm âm rất tốt. Chỉ sau vài buổi có thể đánh được những bài chiêng đơn giản nhưng có hồn âm nhạc. Tôi sẽ cố gắng trau dồi thêm để có thể truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Bản thân tôi cũng mong rằng văn hoá truyền thống sẽ được lưu truyền đến nhiều đời sau”, ông A Thui rạng ngời nói.

Với những đóng góp của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc, ông A Thui vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian (cồng chiêng, đàn Tơ rưng), trí thức dân gian (chỉnh chiêng). Còn bà Y Nhuih được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực cồng chiêng và múa xoang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ