Lưu truyền tiếng cồng chiêng trên đỉnh Ngọc Linh

GD&TĐ - Cụ thể hóa chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, thời gian qua, Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) tích cực truyền dạy các điệu múa cồng chiêng cho học sinh. 

Lưu truyền tiếng cồng chiêng trên đỉnh Ngọc Linh

Hoạt động truyền dạy cồng chiêng trong nhà trường đã không chỉ tạo sân chơi, môi trường học tập bổ ích, lành mạnh cho các em học sinh; mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng truyền thống.

Tạo dựng môi trường học tập thân thiện, gần gũi

Những ngày đầu năm học mới 2018 - 2019, chúng tôi đến với các trường học trên dãy núi Ngọc Linh, được hòa mình với những hoạt động giáo dục sinh động. Không khí tại Trường PTDTNT Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) như rộn ràng, sôi động hẳn lên với nhiều hoạt động múa hát cồng chiêng giữa các lớp.

Khung cảnh trường lớp như vui tươi hơn khi không chỉ có giáo viên, học sinh nhà trường, mà còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các xã, phụ huynh học sinh và bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Trong trang phục truyền thống đầy màu sắc của đồng bào dân tộc Xê Đăng, các em học sinh tập trung giữa sân khu nhà nội trú háo hức chờ đợi đến lượt đội mình biểu diễn. Những tiết mục múa hát, những điệu múa cồng chiêng lễ hội quen thuộc như: Mừng lúa mới, ăn tết mùa…của dân tộc mình được các em thể hiện một cách nhịp nhàng, uyển chuyển, thành thục, bài bản trong tiếng vỗ tay cổ vũ không ngớt của thầy cô giáo và bà con nhân dân địa phương.

Trực tiếp hướng dẫn học sinh học đánh cồng chiêng, nghệ nhân A Thu (làng Đắk Rô Gia, xã Đắk Trâm) bày tỏ: Với cộng đồng người dân tộc thiểu số Xê Đăng huyện Tu Mơ Rông, âm hưởng cồng chiêng là âm thanh không thể thiếu trong mọi không gian sinh hoạt, từ lễ tạ thần khai rẫy, lễ đón nước về làng, đến lễ thổi tai cho đứa trẻ mới chào đời, lễ chúc phúc cho trai làng, gái bản nên duyên vợ chồng… nếu không có tiếng cồng, tiếng chiêng thì tất cả không còn ý nghĩa nữa.

Với tôi, tiếng cồng, tiếng chiêng như là máu thịt của mình. Người Xê Đăng thiếu tiếng cồng, thiếu tiếng chiêng như núi thiếu cây, như sông cạn nước. Bởi vậy, được truyền dạy lại con em học sinh từng điệu cồng chiêng, đối với bản thân tôi đó vừa là bổn phận, trách nhiệm, vừa là niềm tự hào, là niềm vui sướng".

Chăm chú theo dõi những động điệu múa, lắng nghe những âm thanh ngân vang cồng chiêng từ các tiết mục biểu diễn do chính các em học sinh, thầy Đoàn Thành Nhân – Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum) phấn khởi: "Trường PTDTNT Tu Mơ Rông là một trong những ngôi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hoạt động truyền dạy cồng chiêng sôi nổi nhất. Nhiều em học sinh khi về địa phương đã trở thành thành viên trong đội hình đánh cồng chiêng chính của bản làng mỗi dịp có lễ hội".

Góp phần nâng cao chất lượng dạy học

Trực tiếp phụ trách hoạt động truyền dạy cồng chiêng cho học sinh, thầy Huỳnh Ngọc Lý – giáo viên nhà trường, chia sẻ: Những kết quả của hoạt động truyền dạy, đưa văn hóa cồng chiêng đến học sinh trong thời gian qua, công đầu phải kể đến công lao của các nghệ nhân ở các thôn làng.

Dù đường sá đi lại khó khăn, cách trở nhưng hằng ngày, hằng tuần, các nghệ nhân vẫn đến trường đều đặn truyền dạy cho con em học sinh từng điệu cồng chiêng. Họ miệt mài, bền bỉ truyền dạy cho học sinh không phải vì những khoản tiền được chi trả, mà với mong muốn con em học sinh bảo tồn, gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Nói hoạt động truyền dạy cồng chiêng của nhà trường, thầy Thái Doãn Đường - Hiệu trưởng Trường PTDTNT Tu Mơ Rông, cho hay: "Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với các nghệ nhân địa phương duy trì và phát triển có hiệu quả giảng dạy cồng chiêng cho học sinh, nhằm đưa hoạt động truyền dạy cồng chiêng trở thành một hoạt động giáo dục sôi nổi, hiệu quả hơn nữa. Để góp phần hoàn thiện môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhân cách, đạo đức học sinh”.

Thầy Thái Doãn Đường cho biết: “Việc đưa cồng chiêng vào trường lớp thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhất là học sinh yêu trường, yêu lớp nhiều hơn, giảm được tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, chuyên tâm đến trường học tập”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ