Đưa cồng chiêng từ bản làng vào trường học

GD&TĐ - Tại cuộc thi KHKT những năm gần đây, nhiều nhóm học sinh vùng cao Nghệ An đã đưa việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thành dự án có tính thiết thực, ứng dụng trong thực tiễn.

Nhóm học sinh thuyết trình về dự án bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống dân tộc Thái tại cuộc thi KHKT tỉnh Nghệ An năm học 2020-2021.
Nhóm học sinh thuyết trình về dự án bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống dân tộc Thái tại cuộc thi KHKT tỉnh Nghệ An năm học 2020-2021.

Những năm qua, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nội dung được nhiều trường học tại Nghệ An chú trọng trong công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Qua thời gian, công tác này không chỉ để lại dấu ấn, ý thức mà biến thành hành động cụ thể của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Lưu truyền giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc mình

"Giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng - nhảy sạp của đồng bào dân tộc Thái trong các trường phổ thông” là dự án thi KHKT của em Lộc Thị Thu Quyên và Lương Thị Huyền Trầm (Trường THCS Tam Thái, huyện Tương Dương, Nghệ An). Nói về dự án đặc biệt này, 2 bạn chia sẻ, Trường THCS Tam Thái có hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái.

Đây cũng là nơi mà bà con người Thái sinh sống lâu đời, sáng tạo, giữ gìn, lưu truyền những giá trị văn hóa độc đáo. Trong đó, cồng chiêng – nhảy sạp đã gắn bó và có mặt trong đời sống tín ngưỡng, tinh thần của người Thái. Nhưng ngày càng có nhiều học sinh – đại diện cho thế hệ trẻ lại thờ ơ với những giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc mình.

Nhảy sạp được đưa vào trong chương trình ngoại khóa của nhiều trường có học sinh DTTS tại Nghệ An.
Nhảy sạp được đưa vào trong chương trình ngoại khóa của nhiều trường có học sinh DTTS tại Nghệ An.

Thu Quyên và Huyền Trầm đã thử làm một khảo sát ở 100 học sinh, 20 giáo viên và 50 phụ huynh của trường về văn hóa dân tộc Thái nói chung và cồng chiêng nói riêng. Kết quả có đến gần 40% trả lời không biết hết về văn hóa dân tộc. Riêng mức độ hiểu biết về văn hóa cồng chiêng - nhảy sạp cũng chỉ có 35,9% hiểu biết đầy đủ. Số còn lại là không biết hoặc hiểu biết không đầy đủ. Khảo sát cũng cho biết chỉ 22,9% học sinh biết sử dụng cồng chiêng, nhảy sạp.

“Nhiều hoạt động tập thể của bản làng, hay chương trình nghệ thuật, ngoại khóa của nhà trường không có tiết mục cồng chiêng – nhảy sạp. Trong khi đây là hoạt động có tính gắn kết, tập hợp cộng đồng rất cao. Nguy cơ mai một nét văn hóa cồng chiêng – nhảy sạp rất lớn nếu không biết gìn giữ, phát huy cho thế hệ trẻ”, Huyền Trầm chia sẻ.

Cồng chiêng gắn với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Thái, được các nghệ nhân gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ.
Cồng chiêng gắn với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Thái, được các nghệ nhân gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ.

Từ thực tế đó, Trường THCS Tam Thái đã tạo điều kiện thành lập câu lạc bộ cồng chiêng - nhảy sạp với 22 thành viên tham gia gồm cả giáo viên và học sinh. Để CLB hoạt động thực chất, nhà trường đã mời nghệ nhân, những già làng đến trường truyền dạy học sinh văn hóa cồng chiêng.

Bao gồm ý nghĩa của công chiêng trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng có sự góp mặt của cồng chiêng. Tập cho học sinh biết đánh cồng, chiêng, đánh trống, các bài hát, múa, nhảy sạp thường đi cùng với nhau. Cồng chiêng không chỉ đơn thuần là loại nhạc cụ, mà còn gắn kết trong đời sống tinh thần của người Thái qua nhiều thế hệ, từ xưa đến nay.

Ngoài hoạt động ở tại trường, CLB công chiêng THCS Tam Thái còn tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ với CLB nghệ thuật của các bản làng như bản Lũng, bản Can… Đến nay, các thành viên trong câu lạc bộ biết đánh cồng chiêng và nhảy sạp rất thành thạo. Các hoạt động văn nghệ, chương trình ngoại khóa của nhà trường đều có sự tham gia của CLB như một phần không thể thiếu.

Từ ý thức đến hành động giữ gìn, phát huy bản sắc

Những năm qua, giáo dục văn hóa dân tộc được các trường học vùng cao Nghệ An được xem là nội dung quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, từng hoạt động của các trường học đã góp phần nâng cao ý thức, biến thành hành động thiết thực của học sinh trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Đặc biệt, trong các cuộc thi KHKT cấp huyện, tỉnh, nhiều nhóm học sinh vùng cao đã đưa việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thành dự án có tính thiết thực, ứng dụng trong thực tiễn.

Nhóm học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS Kỳ Sơn (Nghệ An) với dự án bảo tồn chữ viết người dân tộc Mông.
Nhóm học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS Kỳ Sơn (Nghệ An) với dự án bảo tồn chữ viết người dân tộc Mông.

Nhóm học sinh Trường THPT Con Cuông (huyện Con Cuông, Nghệ An) đạt giải KHKT cấp tỉnh với dự án “Bảo tồn và phát huy nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc Thái”.  Em Lô Thị Trà My – đại diện nhóm tác giả chia sẻ: Khi đi học, tiếp xúc và hội nhập với cuộc sống hiện đại, nhiều bạn học sinh người Thái không quan tâm nhiều đến trang phục truyền thống. Hoặc vẫn mặc váy, áo Thái nhưng lại không hiểu hết giá trị văn hóa trong đó. Vì thế, em muốn bảo tồn và phát huy trang phục Thái ngay từ ngôi trường của mình, với các bạn học xung quanh”.

Nhóm tác giả đã mạnh dạn xây dựng đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường nhiều giải pháp và được ủng hộ như: sinh hoạt ngoại khóa chủ đề trang phục dân tộc Thái; sưu tâm, trưng bày, giới thiệu váy, áo, khăn… trong phòng truyền thống; thăm làng nghề dệt thổ cẩm…

Học sinh giới thiệu ý nghĩa hoa văn trên trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái.
Học sinh giới thiệu ý nghĩa hoa văn trên trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền – giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Con Cuông chia sẻ: "Khi hướng dẫn học sinh thực hiện dự án, bản thân tôi cũng học hỏi được rất nhiều, đặc biệt là áp dụng cho tiết học chương trình địa phương. Tôi cũng hi vọng, qua nhiều hoạt động thực tế, và chương trình giáo dục lồng ghép trong các môn học, các em sẽ học hỏi và trân trọng, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc mình".

Qua thống kê, nhiều dự án về nhóm lĩnh vực khoa học xã hội hành vi, liên quan đến bảo tồn phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số có tính khả thi, ứng dụng thực tiễn, được ban giám khảo cuộc thi KHKT tỉnh Nghệ An chấm đạt giải. Có thể kể đến các dự án: “Góp phần nâng cao nhận thức và bảo tồn các làn điều dân ca Thái” của học sinh Trường THCS DTNT huyện Quỳ Châu; “Bảo tồn và phát huy  chữ viết, ngôn ngữ của dân tộc Thái” của học sinh Trường THCS Hạnh Thiết (huyện Quỳ Châu); “Bảo tồn và phát huy kho tàng truyện cổ tích người Mông” của học sinh Trường PT DTBT THCS Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn).

Ông Võ Văn Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Ngành giáo dục đánh giá cao ý thức và trách nhiệm của học sinh trong việc lựa chọn và xây dựng đề tài về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc truyền thống. Nhất là khi đề tài được áp dụng vào thực tế trong trường học, địa phương nơi các em sinh sống. Tin rằng, qua việc tham gia thi KHKT, giá trị ý nghĩa của dự án không chỉ từng bước được bồi đắp, truyền giữ bản sắn văn hóa dân tộc. Mà cùng với đó, bản thân học sinh cũng có nền tảng kiến thức, hiểu biết phong phú, học hỏi được những kỹ năng học tập, nghiên cứu, giao tiếp… làm hành trang cho chặng đường học tập tiếp theo và trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...