Rộn tiếng cồng chiêng dưới mái trường

GD&TĐ - Cứ tối thứ 5 hàng tuần, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) lại rộn rã tiếng cồng chiêng.

Ra mắt đội cồng chiêng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa.
Ra mắt đội cồng chiêng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa.

Tiếng chiêng tuy chưa thuần thục nhưng ẩn trong đó là niềm đam mê, lòng tự hào giá trị âm nhạc truyền thống…

Những đội cồng chiêng “nhí”

Nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, huyện Bắc Trà My đã thành lập nhiều đội cồng chiêng phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại địa phương và phát triển du lịch. Có thể kể đến đội cồng chiêng Làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn) và các xã Trà Bui, Trà Giáp, Trà Kót.... Đặc biệt, huyện còn đưa sinh hoạt cồng chiêng vào trong trường học và thành lập 4 đội cồng chiêng dân tộc Cor, Cadong tại các trường trên địa bàn huyện.

Với hơn 95% học sinh là người Cor, Cadong, Mường… nhiều năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa lồng ghép nhiều hoạt động bổ ích để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thầy Nguyễn Xuân Ảnh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đội cồng chiêng được thành lập với 20 thành viên đại diện cho hơn 360 học sinh toàn trường. Đội chuyên biểu diễn các điệu múa của đồng bào Cadong tại địa phương.

Theo thầy Ảnh, khi thành lập đội cồng chiêng trong trường, hầu hết các em đều xung phong tham gia. Mục đích chính của việc lập đội cồng chiêng trong trường học là bảo tồn văn hóa dân tộc mà các em là nòng cốt. Để hướng dẫn các em đánh cồng chiêng cũng như hiểu được các động tác biểu diễn, trường đã mời 6 nghệ nhân của xã Trà Bui, trong đó có nghệ nhân tham gia Liên hoan Văn hóa cồng chiêng toàn quốc để về dạy cho các em.

Học sinh của đội cồng chiêng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Học sinh của đội cồng chiêng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.  

“Các em được tập luyện hàng tuần. Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, trong các hoạt động văn hóa dân gian, văn nghệ của trường sẽ có tiết mục biểu diễn cồng chiêng do học sinh trong trường thể hiện. Bên cạnh đó, trường sẽ tổ chức hội thi giữa các lớp với nhau nhằm trao đổi và tạo nên môi trường đậm đà bản sắc dân tộc”, thầy Ảnh nhấn mạnh.

Có 100% học sinh là người đồng bào dân tộc, những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Trà Bui) đặc biệt chú trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa.

Theo thầy Vũ Hoàng Tâm – Hiệu trưởng nhà trường, trong năm 2019 – 2020, trường thành lập 2 câu lạc bộ cồng chiêng, gồm 8 chiêng và 2 trống. Trường trang bị 120 bộ trang phục, trong đó có 30 bộ khố cho nam, 50 bộ váy yếm cho nữ và 40 bộ đồ truyền thống của đồng bào Cadong.

“Trong thời gian qua, văn hóa địa phương của người Cadong có nhiều thay đổi. Chính vì thế, khi thành lập đội cồng chiêng, trường mời các nghệ nhân về hướng dẫn cho các em những điệu múa, cách đánh cồng chiêng đúng với văn hóa xưa. Mỗi đội cồng chiêng có khoảng 20 học sinh, hiện trường có 45 em tham gia trong đội này. Đây là trường nội trú nên Đoàn Thanh niên trường sẽ tổ chức một đêm sinh hoạt cồng chiêng vào tối thứ 5 hằng tuần tại sân trường để các em cùng tham gia. Qua đó, phát huy và bảo tồn bản sắc dân tộc mình”, thầy Tâm nói.

Đội cồng chiêng trong trường học được lập nên nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đội cồng chiêng trong trường học được lập nên nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. 

Bảo tồn tốt hơn văn hóa dân tộc

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My cho hay: Với đặc thù là địa bàn có nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục tổ chức các hoạt động lồng ghép nhằm đẩy mạnh giáo dục truyền thống dân tộc, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho học sinh.

Ông Tú cũng cho biết: Huyện có đề án thành lập và phát triển các đội cồng chiêng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó, chú trọng đến trường học trên địa bàn huyện.

“Cụ thể, có 4 trường được chọn thí điểm về thành lập đội cồng chiêng. Để bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cũng như nhằm bảo tồn, phát huy điệu múa cồng chiêng trong thế hệ trẻ, UBND huyện Bắc Trà My đã hỗ trợ nhà trường từ 75 - 85 triệu đồng/trường để mua sắm trang phục và luyện tập cho các em”, ông Tú cho biết.

Vị đại diện ngành Giáo dục Bắc Trà My thông tin thêm: Các cấp học, nhà trường, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt việc lồng ghép giáo dục truyền thống vào các hoạt động ngoại khóa và trên lớp như tiết học trải nghiệm thực tế giáo dục lịch sử tại bảo tàng; đưa học sinh đến thăm các khu di tích lịch sử, tham gia lễ hội truyền thống tại địa phương…

“Việc chính quyền đầu tư để giữ gìn nét đẹp văn hóa, từ đó lồng ghép vào các tiết học, buổi sinh hoạt ngoại khóa sẽ góp phần bảo tồn tốt hơn những văn hóa của dân tộc, giúp học sinh hiểu rõ hơn về truyền thống quê hương. Quan trọng hơn là để huyện có thêm nguồn nhân lực bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa trong tương lai”, ông Tú nhấn mạnh.

Đam mê cồng chiêng từ những lễ hội, ngày tạ ơn thần linh ở làng, em đã xung phong tham gia vào đội cồng chiêng của trường. Ban đầu cũng bỡ ngỡ khi tập điệu múa với cồng chiêng, nhưng được các thầy, nghệ nhân hướng dẫn dần dần em đã quen. Đến nay em đã thuộc hết các điệu múa. Mỗi lúc được đi múa trong đội cồng chiêng, em rất vui và tự hào vì đã góp phần đưa văn hóa núi rừng Quảng Nam đến với bạn bè, khách quý. - Hồ Nguyễn Vân Kiều (lớp 8/1, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.