A Duih mê cồng chiêng

GD&TĐ - Không muốn văn hóa dân tộc bị mai một, lãng quên, vợ chồng A Duih và Y Pyir cùng nhau gìn giữ và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Ông A Duih luôn say mê với giai điệu cồng chiêng và văn hóa truyền thống.
Ông A Duih luôn say mê với giai điệu cồng chiêng và văn hóa truyền thống.

Với ông bà, từng lớp trẻ tham gia học đan gùi, dệt vải hay đánh cồng chiêng… là niềm vui và hy vọng về một tương lai tươi sáng của văn hóa truyền thống.

Nhẹ nhàng thoi đưa

Trời về chiều, bà Y Pyir (57 tuổi, làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum) cần mẫn dệt vải. Bên khung cửi, đôi tay bà Y Pyir nhẹ nhàng đưa thoi. Từng sợi bông với vô số màu sắc được bà Y Pyir khéo léo đan vào nhau để dệt nên những chiếc khăn, cái áo truyền thống.

Bà Y Pyir kể, từ những ngày còn nhỏ bà được gia đình và người già trong làng dặn rằng, phải biết dệt vải thì lớn lên mới lấy được chồng. Thế rồi, những lúc mẹ hay bà ngồi trước khung cửi, Y Pyir lại ra cạnh bên xem dệt vải. Đôi mắt chăm chú nhìn, còn đôi bàn tay bà bắt chước đưa thoi. Năm vừa tròn 18 tuổi, tay nghề dệt vải của bà Y Pyir nổi tiếng khắp gần xa. Từ những họa tiết đơn giản đến cầu kì, cổ xưa bà Y Pyir đều chinh phục được.

“Trước kia, trong làng không chỉ có mình mà nhiều người say mê học dệt vải lắm. Khi đó, từng tốp tập trung ở nhà những người lớn tuổi trong làng học cách se sợi, dệt vải. Để dệt được vải thì không quá khó, nhưng muốn tấm vải đẹp, chỉn chu thì mình học mất một năm.

Công đoạn khó nhất là cách tạo hoa văn, họa tiết cho tấm vải. Khi đó, mình lại hỏi những người già trong làng để được hướng dẫn. Thế rồi, qua thời gian mình biết dệt những tấm vải với họa tiết từ đơn giản đến phức tạp”, bà Y Pyir chia sẻ.

Bà Y Pyir bên khung cửi.

Bà Y Pyir bên khung cửi.

Bà Y Pyir cho hay, trước kia, đa phần phụ nữ trong làng có thể tự dệt những vật dụng nhỏ như khăn, áo, khố cho đến những tấm vải lớn như mền, thảm. Do đó, người dân ít khi phải mua bán hoặc trao đổi giao lưu với làng khác. Mỗi khi cần nguyên vật liệu để dệt váy, áo những người đàn ông trong làng lại rủ nhau đi tìm sợi bông.

2 - 3 ngày sau, khi trai làng trở về trên chiếc gùi đầy ắp sợi bông. Phụ nữ ở nhà thì gánh nước, tách hạt bông để đem phơi khô rồi quay thành sợi. Để tấm vải khi dệt lên có màu sắc sặc sỡ, những thiếu nữ đi hái lá, hoa rừng, củ… rồi ngâm với sợi bông. Khi những sợi bông đã được nhuộm màu thì mang ra phơi nắng để giữ độ bền và màu sắc đẹp nhất.

“Dệt thổ cẩm là nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhưng đến nay nét văn hóa này đang dần bị mai một và lãng quên. Những cụ già trong làng dần mất đi nên người biết dệt vải cũng hiếm dần. Bên cạnh đó, lớp trẻ không còn mặn mà với nghề này nữa. Do đó, mình buồn lắm, không biết vài năm nữa có ai còn đam mê và gìn giữ nghề dệt vải không.

Với khả năng của mình, mình luôn cố gắng trau dồi, học hỏi thêm để có thể truyền dạy lại cho con cháu đời sau”, bà Y Pyir nói.

Vợ chồng ông A Duih hy vọng lớp trẻ sẽ yêu thích, gìn giữ văn hóa truyền thống.

Vợ chồng ông A Duih hy vọng lớp trẻ sẽ yêu thích, gìn giữ văn hóa truyền thống.

Lưu giữ văn hóa truyền thống

Không chỉ có mình bà Y Pyir đau đáu giữ gìn văn hóa truyền thống, chồng bà là nghệ nhân A Duih (58 tuổi) cũng thích đan gùi và các loại nhạc cụ truyền thống.

Hoà chung tiếng kẽo kẹt của khung cửi, ông A Duih đang say sưa với giai điệu cồng chiêng. Nhịp chiêng lúc trầm khi bổng, du dương dưới hiên nhà. Dứt bài chiêng, ông A Duih kể, ngày còn trai trẻ ông bị cuốn hút bởi tiếng chinh chiêng từ những người già trong làng. Điệu chiêng, tiếng cồng khiến ông xao xuyến muốn hoà mình vào. Sau đó, ông bắt đầu tìm tòi và tự học hỏi. Mỗi khi đánh sai nhịp ông lại nhờ những người già trong làng hướng dẫn để bài chiêng được du dương, nhịp nhàng hơn.

“Có lẽ mình may mắn khi có chút năng khiếu đánh cồng chiêng. Bởi khi nghe giai điệu của bài chiêng mình có thể ghi nhớ nhanh và đánh lại được. Nhờ vậy thời gian học cồng chiêng của mình cũng được rút ngắn. Để đánh được cồng chiêng bên cạnh năng khiếu phải siêng năng, cần cù và thực sự đam mê”, ông A Duih chia sẻ.

Dắt chúng tôi đến căn phòng nhỏ bên hông nhà, ông A Duih cẩn thận đưa từng chiếc cồng chiêng ra khỏi “lớp áo” bảo vệ. Nhẹ nhàng phủi lớp bụi bám trên chiêng, ông A Duih nói: “Đây là những báu vật vô giá của mình. Mình sử dụng trong những dịp lễ hội hay dạy cho lũ trẻ trong làng không quên nhịp chiêng”.

Nghệ nhân A Duih tâm sự, mỗi khi làng sắp tổ chức lễ hội ông lại tập trung lớp trẻ trong làng để hướng dẫn và ôn tập lại những bài chiêng. Để lũ trẻ yêu thích, say sưa với tiếng cồng chiêng ông A Duih thường kể cho chúng nghe những câu chuyện ngày xưa cũ. Về những kỉ niệm của ông và người già trong làng với tiếng cồng chiêng du dương và điệu xoang uyển chuyển.

Bên cạnh đó, ông đánh nhiều bài chiêng khác nhau cho lớp trẻ nghe và cảm nhận. Sau đó, mới dạy cho chúng cách cầm chiêng và đánh những nhịp điệu đơn giản nhất.

“Khi mới dạy lớp trẻ mình cho chúng nghe những bài chiêng cổ để cảm nhận giai điệu. Dần dần mình dạy chúng cách cầm chiêng, đánh chiêng từ giai điệu đơn giản đến phức tạp. Do đó lũ trẻ rất hào hứng và say mê học tập. Bản thân mình cũng rất vui khi có thể góp chút sức lực để gìn giữ nét văn hóa truyền thống qua nhiều đời sau”, ông A Duih bộc bạch.

Bên cạnh niềm đam mê cồng chiêng, ông A Duih còn yêu thích đan lát, như: Đan gùi, rổ, rá, nia... Những vật dụng này đều gắn liền với người Jrai trong sinh họat hàng ngày.

Ông A Duih chia sẻ, để đan lát thành thạo hoặc sử dụng bất kì loại nhạc cụ nào thì phải cần cù, cẩn thận và tỉ mỉ từng chi tiết. Bởi nếu người học nóng vội, làm sai sót một chi tiết nhỏ thì sản phẩm làm ra sẽ không được hoàn hảo hoặc hư hỏng. Tuy rằng, hiện nay lớp trẻ không còn mặn mà với nghề đan lát, nhưng nhiều người già trong làng Chốt vẫn gìn giữ nét văn hóa truyền thống này.

“Mình rất yêu thích và say mê văn hóa dân tộc. Chính vì vậy mình thường sưu tầm nhiều vật dụng truyền thống trong nhà, như: Chum, ché cổ, cồng chiêng… Khi nhìn những vật dụng này mình nhớ đến cha ông, người đã đặt nền móng văn hóa dân tộc. Từ đó, những thế hệ sau mới được biết đến và lưu giữ, truyền lại cho lớp trẻ”, ông A Duih tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.