Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Thay vì lướt TikTok sau khi hoàn thành bài vở mỗi tối, khoảng nửa tháng nay, cô con gái học lớp 3 nhà tôi chuyển sang học lời và múa bài “Giải phóng Điện Biên”.

Lớp con chuẩn bị biểu diễn Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - là lý giải của con. Hỏi thêm: Con có thích bài hát này không? Con biết gì về chiến thắng lịch sử này?

Đương nhiên là con thích, con còn biết cả câu thơ “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!”...

Những câu này trong bài thơ nào? “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Dễ ợt! Con còn biết cả ai là người chỉ huy chiến dịch này nữa cơ… Nghỉ lễ 30/4 cả nhà mình đi Điện Biên bố nhé…! Tất nhiên, câu trả lời sẽ là đồng ý, bởi không có lý do gì để từ chối.

Mới thấy không phải thế hệ trẻ ngày nay hoàn toàn thờ ơ với lịch sử nói chung, môn Lịch sử nói riêng.

Thực tế, Lịch sử là môn học luôn được bố trí trong chương trình của các cấp học. Cụ thể, theo Thông tư 32 năm 2018 của Bộ GD&ĐT về chương trình giáo dục phổ thông được thiết kế theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn cơ bản, Lịch sử và Địa lý là môn học bắt buộc từ lớp 4 đến lớp 9 với tổng số lượng thời lượng 560 tiết, trong đó, phân môn Lịch sử chiếm 208 tiết. Hai là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, từ lớp 10 đến lớp 12, Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp Khoa học Xã hội.

Nhưng đáng tiếc, tình trạng học sinh không thích học môn Lịch sử vẫn diễn ra, dù đã nhiều lần được nhắc đến. Có nhiều lý do để giải thích về tình trạng này như đây là môn học khô khan, chỉ gồm các dữ liệu về ngày, tháng, năm, ít có hình ảnh minh họa hoặc các dẫn chứng trong thực tế.

Thứ hai là do quá trình lịch sử nước ta nói riêng và thế giới nói chung rất dài nên khó có thể ghi nhớ được tất cả thông tin. Thứ ba là do phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa thực sự hấp dẫn, thu hút được học sinh; nhiều học sinh coi đây là môn phụ nên học theo kiểu đối phó.

Và cuối cùng là dù học sinh được học từng giai đoạn lịch sử ở từng cấp học, năm học, nhưng chưa có tổng kết, hệ thống lại tiến trình lịch sử để học sinh có thể ôn lại và nắm rõ kiến thức.

Về “lý thuyết” lý do là như vậy. Tuy nhiên, thực tế còn bởi những nguyên nhân căn cốt khác. Đó là việc học lịch sử hiện nay là “học chay”, thiếu cọ xát thực tế; ít có phim tài liệu, tư liệu để học sinh hình dung về giai đoạn, sự kiện lịch sử. Thầy cô phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa, trong khi sách giáo khoa lại dài và “nặng” nên bài học trở nên cứng nhắc.

Nguyên nhân nữa là do chương trình có quá nhiều nội dung nên không thể triển khai phương pháp dạy sinh động. Do tâm lý của cả phụ huynh và học sinh còn chuộng ngành học được cho là “hot” có thể dễ xin việc hơn sau khi học đại học nên định hướng từ sớm là không quá coi trọng môn học này.

Đặc biệt, dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết tình trạng này nhưng đều chưa thực sự hiệu quả do không thay đổi từ căn nguyên. Đó là nếu chỉ đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhưng vẫn là chương trình cũ, nội dung kiến thức lớn thì giáo viên cũng không dám đổi mới vì không đủ thời gian vật chất để truyền tải khối lượng kiến thức.

Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Và rằng “dân ta phải biết sử ta”. Vậy nên cần cân đối theo hướng truyền cảm hứng hơn là bắt buộc phải nhớ các sự kiện, dữ liệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.